Nhịp sống âm thanh
Bản giao hưởng hoang dã
15:47 | 21/11/2014

Nhà soạn nhạc người Anh Richard Blackford vừa cho ra đời một tác phẩm giao hưởng chưa từng có: “The Great Animal Orchestra” (Dàn nhạc Động vật Vĩ đại), lồng ghép những âm thanh của các loài vật hoang dã vào chất liệu của một dàn nhạc giao hưởng hoàn chỉnh. Không chỉ là một tác phẩm âm thanh ngoạn mục, bản giao hưởng còn đặt ra những câu hỏi đáng suy ngẫm về mối quan hệ giữa động vật, con người và âm nhạc.

Bản giao hưởng hoang dã
“Thay vì chỉ hướng sự chú ý của thính giả đến một số âm thanh nổi trội thu được từ thế giới tự nhiên, tôi đã rất cố gắng tạo nên thứ âm nhạc bước ra chân thật và tự nhiên từ thế giới loài vật.” - Richard Blackford

Âm nhạc có tồn tại trong thế giới loài vật không?, nhà nghiên cứu các nền văn hóa âm nhạc (ethnomusicology) George Herzog đã đặt ra câu hỏi này từ năm 1941.

Có vẻ như các nhà soạn nhạc cổ điển, một cách bản năng, đã luôn đồng ý rằng câu trả lời là có. Từ Jean-Philippe Rameau của những năm 1700 cho đến nhà soạn nhạc tiên phong thế kỷ 20 Olivier Messiaen, âm thanh quyến rũ và kỳ lạ của vương quốc loài vật đã thu phục trí tưởng tượng của thế giới nhạc cổ điển. Tác phẩm “The Hen” (Con gà mái, 1728) của Rameau đã mở đường cho truyền thống âm nhạc động vật (zoomusicology), bao gồm các tác phẩm như “Carnival of the Animals” (Lễ hội các loài vật, 1886) của Camille Saint-Saëns hay “The Birds” (Những chú chim, 1928) của Ottorino Respighi. Các tác phẩm này đều cố gắng tái dựng âm thanh của loài vật bằng những nhạc cụ của con người. Sau đó, Messiaen tiến thêm một bước với “Catalogue of the Birds” (Danh mục các loài chim, 1956-58): tác phẩm lồng ghép tiếng hót của nhiều loài chim mà Messiaen thu âm lại.

Giờ đây, nhà soạn nhạc người Anh Richard Blackford đã tiến xa hơn nữa, cho ra đời một bản giao hưởng như một cách trả lời thú vị cho câu hỏi của Herzog. “The Great Animal Orchestra” của Blackford lần đầu tiên đã tích hợp những âm thanh của thế giới tự nhiên hoang dã vào một dàn nhạc giao hưởng hoàn chỉnh.

Không phải thủ thuật quảng cáo

Blackford sáng tác nhạc phim từ hơn 30 năm nay và tự nhận là người tôn sùng âm nhạc của Messiaen. Nhưng ông được truyền cảm hứng thực sự lần đầu tiên vào năm 2012, khi nghe chương trình radio về cuốn sách của nhà âm học sinh học Bernie Krause mang tên “Dàn nhạc Động vật Vĩ đại: đi tìm nguồn gốc âm nhạc ở những nơi hoang dại trên trái đất”.

Không chỉ là tiến sĩ ngành âm học sinh học (bioacoustics), Bernie Krause còn là cựu thành viên của nhóm nhạc dân gian The Weavers và là nhân vật huyền thoại trong ngành công nghiệp âm nhạc thu âm. Ông cũng chơi ghi-ta cho nhiều nhóm nhạc nổi tiếng và là người tiên phong trong việc sử dụng synthesiser (nhạc cụ phím điện tử có thể mô phỏng rất nhiều âm thanh khác nhau). Trong một lần thu âm album “In a Wild Santuary” (Trong một khu bảo tồn hoang dã) cùng với nhóm Beaver & Krause của mình vào năm 1969, ông đã thức tỉnh khi nghe những âm thanh đáng kính sợ của thiên nhiên và quyết định dành cả phần đời còn lại để khám phá thế giới kỳ diệu đó.

45 năm qua, Krause đã ghi lại những âm thanh tự nhiên từ vùng Amazon đến Zimbabwe, tích lũy 4.500 giờ ghi âm - một con số đáng kinh ngạc. Krause nắm bắt được âm hưởng do các loài vật gần như trên toàn địa cầu tạo ra. Trong quá trình này, ông đặt ra một thuật ngữ mới là “biophony” để miêu tả âm thanh của thế giới sinh vật, khác với “geophony” - thuật ngữ chỉ âm thanh của các yếu tố tự nhiên như gió, mưa, sấm, sóng v.v., và “anthropophony”- âm thanh của con người.

Bị say mê bởi những gì nghe được trên radio, Blackford đã liên hệ với Krause, và sau đó trực tiếp đến gặp Krause ở California. Điều khiến Blackford trầm trồ hơn cả không chỉ là những bản thu âm mà còn cả những “ảnh phổ âm thanh”, một cách minh họa bằng đồ họa tạo nên ấn tượng thị giác về âm thanh của loài vật từ cực cao (như tiếng loài dơi cao vượt ngưỡng nghe được của tai người nhưng vẫn hiển thị được trên ảnh phổ âm thanh) cho đến cực thấp (như tiếng gầm của voi châu Phi). Blackford giải thích: “Ảnh phổ âm thanh minh họa những hình dạng khác nhau tiếng kêu của động vật, như một tiếng glissando [trượt từ cao độ này sang cao độ khác] vuốt xuống, một tiết tấu gõ mạnh, hay một điệu chim hót phức tạp.” Nhận thấy những ảnh phổ âm thanh rất giống với những ký âm và thiết kế của một bản nhạc, từ đó ông nảy ra ý tưởng xây dựng một cấu trúc âm nhạc có thể kết hợp những bản thu âm của Krause vào trong dàn nhạc giao hưởng.

Ý tưởng này nghe có vẻ giống như một thủ thuật quảng cáo để thu hút trí tò mò của trẻ em hơn là dành cho những người yêu âm nhạc thực thụ thưởng thức. Nhưng thính giả sẽ bất ngờ trước sự thú vị mới mẻ khi nghe một đoạn song tấu tuyệt đẹp giữa loài vượn và một nhạc cụ cổ điển, như violin hoặc oboe chẳng hạn.

Tính nghiêm túc của tác phẩm còn được củng cố thêm bởi sự chặt chẽ và phức tạp trong sáng tác. Blackford chia sẻ: “Tôi muốn cả năm chương đều phải mang tính giao hưởng thống nhất, với những chương nhanh chậm đối lập và sự phát triển giao hưởng của chất liệu âm nhạc. Thay vì chỉ hướng sự chú ý của thính giả đến một số âm thanh nổi trội thu được từ thế giới tự nhiên, tôi đã rất cố gắng tạo nên một thứ âm nhạc bước ra chân thật và tự nhiên từ thế giới loài vật”

Tích hợp những âm thanh của thế giới tự nhiên hoang dã vào một dàn nhạc giao hưởng hoàn chỉnh - ý tưởng này nghe có vẻ giống như một thủ thuật quảng cáo để thu hút trí tò mò của trẻ em hơn là dành cho những người yêu âm nhạc thực thụ thưởng thức. Nhưng thính giả sẽ bất ngờ trước sự thú vị mới mẻ khi nghe một đoạn song tấu tuyệt đẹp giữa loài vượn và một nhạc cụ cổ điển, như violin hoặc oboe chẳng hạn, trong bản giao hưởng “The Great Animal Orchestra”.

Blackford đã mất hai năm để hoàn thành tác phẩm mà ông miêu tả là: “một kết cấu âm nhạc được tạo ra bởi tầng lớp những điệu ca và tiếng kêu của rất nhiều sinh vật trong một môi trường tự nhiên phong phú, ví dụ như một khu rừng nhiệt đới… “Âm nhạc” của các loài vật được ghi lại khi chúng đang giao phối, giao tiếp hay đơn giản là đang cao hứng, bởi vậy mà các đoạn nhạc của tôi cố gắng nắm bắt được ít nhiều những thần thái đó. Ví dụ như trong chương bốn, tôi rất thích hình dung về sức mạnh vĩ đại nhưng lại gần như là dịu dàng của bầy voi châu Phi, thế là tôi cho toàn bộ dàn nhạc chơi một đoạn ngân rất khẽ, gần giống như lái một chiếc Ferrari ở tốc độ 30 km/h vậy.”

Kết nối trở lại với thiên nhiên

Bản giao hưởng cũng phản ánh một thực tế mang tính nhân chủng học, một thực tế mà thật nguy hiểm là chúng ta thường quên mất. Như Krause đã chỉ ra, động lực thúc đẩy chúng ta phát triển ngôn ngữ, sáng tác âm nhạc, nhảy múa và ca hát v.v., đều bắt nguồn trực tiếp từ những môi trường sống của động vật mà chúng ta cũng từng là thành viên.

Theo Krause, quan niệm rằng các loài động vật đã dạy con người nhảy múa và ca hát không phải là một vấn đề mang tính triết học hay mới mẻ gì nữa. Bởi vì, chứng cứ cho thấy, từ những âm thanh tập thể và có cấu trúc rõ ràng của loài vật trong những môi trường mà con người từng chung sống, chúng ta đã nhặt ra và bắt chước những tiết tấu, giai điệu, chất liệu và cách tổ chức âm thanh của các loài vật khác. Khi con người còn sống gắn kết mật thiết với môi trường tự nhiên, chúng ta đã hòa nhập những khả năng được tự nhiên ban cho này thành ngôn ngữ âm nhạc riêng và từ đó tiến hóa nó lên thành ngôn ngữ.

Krause cũng cho rằng thế giới thiên nhiên đang bị đe dọa nhiều hơn ta tưởng. Đã ghi lại âm thanh các loài sinh vật gần năm thập kỷ nay, Krause bị sốc khi nhận ra 50% những lưu trữ của ông đến từ những môi trường sống đã bị biến đổi quá nhiều dưới những tác động của con người, đến mức chúng cạn kiệt hoàn toàn những âm thanh của đời sống hoang dã, hoặc những âm thanh của sinh vật bị biến đổi quá nhiều so với dạng ban đầu của nó.

Khi được hỏi ông hi vọng thính giả sẽ thu nhận được gì khi nghe bản giao hưởng “The Great Animal Orchestra”, Krause trả lời: “Tôi chỉ hi vọng mọi người sẽ nhận ra rằng những âm thanh hoang dã mà ta được thiên nhiên trao tặng tuyệt vời và quý giá đến mức nào. Và tôi mong bản giao hưởng sẽ thôi thúc mọi người kết nối trở lại với thiên nhiên…”

Nguồn: Khánh Minh - Tia Sáng

 


 

Các bài mới
Các bài đã đăng