Nhịp sống âm thanh
Nhạc pop “nợ” gì nhạc cổ điển?
08:28 | 19/12/2014

Các dòng nhạc ít nhiều đều góp phần nuôi dưỡng lẫn nhau. Ta có thể nói các bài hát của Adele có cấu trúc giống các ca khúc nghệ thuật của Schubert và việc vay mượn giai điệu có thể đã không tồn tại nếu không có Dvorák.

Nhạc pop “nợ” gì nhạc cổ điển?
Các hợp âm và chuỗi hòa âm mà Adele cũng như hầu hết các nghệ sĩ nhạc pop khác thường sử dụng đã tồn tại trong lịch sử âm nhạc từ rất lâu rồi

Mozart khởi đầu trào lưu giải trí cho công chúng

Từ năm 1650 tới 1750 là khoảng thời gian mà âm nhạc phương Tây tiến bộ vượt bậc về mặt sáng tạo và kỹ thuật sáng tác so với thời kỳ trước đó, đặc biệt là trong các tác phẩm quy mô hết sức được tôn thờ của Handel và Bach. Thật dễ nhận định Bach là nhà soạn nhạc thông thái nhất từng sống. Những thủ pháp đối âm phức tạp trong các tác phẩm âm nhạc của ông vào thời cuối đời, cho đến nay chưa nhà soạn nhạc nào sánh được. Nhưng cũng như mọi đợt sóng vẫn luôn xô đến trong lịch sử, thế hệ của Bach qua đi kèm theo đó là sự mai một những thủ pháp đối âm phức tạp, các nhà soạn nhạc thời sau chú trọng nhiều hơn đến những hòa âm kịch tính mà đơn giản. Các nhà soạn nhạc như Gluck, Mozart và Haydn dường như đã sáng tạo ra một phong cách âm nhạc hoàn toàn khác biệt, chủ yếu xoay quanh bốn hợp âm phổ biến mà thôi. Âm nhạc của họ dựa trên các âm chủ, âm át và âm át dưới, cũng như nhạc rock'n'roll vậy. Những giai điệu đáng nhớ nhất trong vở Cây sáo thần của Mozart về bản chất đều dựa trên những hợp âm và chuỗi hòa âm đơn giản.

Mozart, không giống những nhà soạn nhạc trước ông, từng kiếm đủ tiền để không phải dựa dẫm vào các tổ chức hay nhà bảo trợ quý tộc vào thời đó, ông sống nhờ vào thị hiếu âm nhạc của công chúng. Ông chú trọng hơn vào những giai điệu khiến nhiều người quay trở lại nhà hát để thưởng thức tác phẩm của ông, những giai điệu ông nghĩ ra ngày một trở nên phổ biến. Điều này cũng giống hệt như cách thức các nghệ sĩ hiện giờ đang làm.

Mozart là thiên tài về giai điệu. Sự hoàn hảo mà đơn giản trong những giai điệu nổi tiếng nhất của ông khiến người nghe thấy thư thái mà sâu sắc. Chúng dễ dàng đi vào lòng người và hằn sâu trong ký ức. Tài năng bẩm sinh về giai điệu này thực sự là rất hiếm có. Từ Mozart trở về sau, may ra có Schubert và Mendelssohn mới được ban phát tài năng về giai điệu tương tự như vậy.

Schubert phải chăng là khởi nguồn cho các ca khúc nhạc pop dài ba phút?

Hầu hết các ca khúc nhạc pop hiện đại đều dựa trên hơn một chục chuỗi hòa âm quen thuộc vốn xuất hiện lần đầu vào cuối thế kỷ 18. Ngày nay, ca sĩ Adele nổi tiếng nhờ chất giọng và phong cách âm nhạc độc đáo, nhưng các hợp âm và chuỗi hòa âm mà cô cũng như hầu hết các nghệ sĩ nhạc pop khác thường sử dụng thì đã tồn tại trong lịch sử âm nhạc từ rất lâu rồi. Có lẽ mẫu thức phổ biến cho các ca khúc nhạc pop ba phút bắt nguồn từ nhà soạn nhạc người Anh John Dowland (1563 –1626), nhưng cũng nhiều người cho rằng các bài pop hiện đại có phần nhiều giống với cấu trúc các ca khúc nghệ thuật của Schubert.

Có lẽ Schubert nổi tiếng nhất với mảng âm nhạc thính phòng. Các giai điệu tuôn ra từ ông như suối chảy. Ông đã viết hơn 500 ca khúc nghệ thuật, và cũng giống như các nhà soạn nhạc thời nay, mục đích của ông là viết nhạc khiến người nghe cảm thấy thích thú ngay từ lần nghe đầu, nhờ điệp khúc hay bè hát, bè piano.

Những quy tắc viết ca khúc đơn giản như kiểu Schubert được duy trì và tồn tại cho đến ngày nay trong âm nhạc hiện đại. Xét về bản chất, ca khúc của Adele không khác xa lắm với cấu trúc tác phẩm của những nhà soạn nhạc thành Viên cách đây mấy trăm năm, từ giai điệu, hợp âm, mẫu thức sáng tác, các hòa âm dẫn tới điệp khúc… Nếu có gì khác biệt, thì đó là thời nay phụ nữ cũng viết nhạc chứ không chỉ làm đối tượng thụ động để âm nhạc hướng về như ở thời Schubert.

So với các nhà soạn nhạc hiện đại, Schubert đi trước khá xa. Chỉ viết những ca khúc ngẫu nhiên với nội dung không liên quan đến nhau thì không đủ hứng thú, viết một tập liên khúc có nhân vật, có câu chuyện thì mới đáng kể. Và chính từ đó các tập ca khúc nghệ thuật của ông ra đời, nổi tiếng nhất là tập liên khúc Con đường mùa đông. Trong các liên khúc, ca khúc này nối tiếp ca khúc kia như các chương trong một cuốn tiểu thuyết.

Phong cách thiên tài nổi loạn của Beethoven

Beethoven đã đem lại thay đổi lớn trong tư duy về âm nhạc. Ông đưa ra một cái nhìn hoàn toàn mới và siêu hình: âm nhạc Beethoven phản ánh các xáo động dữ dội trong nội tâm của ông. Về cuối đời, Beethoven hoàn thành những bản tứ tấu đàn dây bất hủ đầy tính tự sự, riêng tư khiến người nghe hồ như cảm thấy đang tham gia một buổi phân tích tâm lý với chính nhà soạn nhạc.

Trào lưu thiên tài nổi loạn và dị biệt mà Beethoven là hình tượng tiêu biểu trong giới âm nhạc về sau được nhà soạn nhạc người Pháp Berlioz kế thừa và phát triển thêm một bậc. Berlioz đã ghi dấu ấn của mình trong lịch sử âm nhạc với bản Giao hưởng Ảo tưởng, được coi là tuyên ngôn của chủ nghĩa âm nhạc lãng mạn Pháp. Tác phẩm mô tả mối tình đơn phương của một nhà soạn nhạc trẻ cô đơn, nhạy cảm và lập dị. Berlioz đã đóng đinh hình ảnh người nghệ sĩ tiên phong có dấu hiệu lập dị về nhân sinh quan, bị ám ảnh bởi thứ tình cảm vô vọng, cái chết và định mệnh, tự cô lập bản thân để viết những tác phẩm quy mô với tham vọng ôm trọn mọi ý nghĩa trên đời. Hình tượng ấy đã trở thành kinh điển trong nghệ thuật cho tới ngày nay.

Liszt với trào lưu âm nhạc kể chuyện

Beethoven là người khởi động ý tưởng nghệ sĩ có thể kể chuyện qua âm nhạc. Trong bản Giao hưởng Số 6 (Giao hưởng Đồng quê), ông muốn mô tả một cuộc dạo chơi nơi thôn quê, những cánh đồng, sấm chớp… nhưng chủ yếu vẫn chỉ là tạo dựng lại cảm xúc của ông đối với ngoại cảnh. Còn chính Liszt mới là người thúc đẩy mạnh mẽ phong trào kể chuyện bằng âm thanh, hay còn gọi là âm nhạc chương trình. Liszt đã tách mình khỏi ý tưởng âm nhạc tuyệt đối. Nhờ các giao hưởng thơ của ông mà âm nhạc không lời không nhất thiết phải gắn với những khái niệm siêu hình và trừu tượng.

Giao hưởng thơ Lời khóc than và hân hoan của Tasso do Liszt sáng tác kể về cuộc đời có thực của một nhà thơ Italia vào thế kỷ 16, trong đó đan xen giai điệu dân ca phổ biến của những người chèo xuồng Italia thời đó, cùng lúc gợi tả bầu không khí rùng rợn của trại tâm thần mà Tasso từng bị giam cầm. Kết cấu của tác phẩm rõ ràng được Lizst chủ ý sắp đặt nhằm mô tả câu chuyện của Tasso.

Đoạn cao trào trong giao hưởng thơ Cuộc chiến của người Hung mà Liszt lấy cảm hứng từ bức tranh Kaulbach vẽ năm 1850 mô tả trận chiến người Hung chống lại đế chế La Mã có rất nhiều điểm chung với những gì ngày nay ta có thể nghe được qua nền nhạc phim mạo hiểm của Hollywood. Có thể nói những giao hưởng thơ của Liszt là nguồn cung cấp cảm hứng về cả kỹ thuật sáng tác cũng như chất liệu cho biết bao thế hệ các nhà soạn nhạc phim hiện đại. Dù rằng bản thân Liszt không có tài bẩm sinh về giai điệu, ông là người đã tác động vô cùng lớn đến dòng chảy âm nhạc cũng như tư duy sáng tác của biết bao thế hệ nhà soạn nhạc về sau.

Dvorák gây nhiều tranh cãi về việc vay mượn giai điệu

Các nhà soạn nhạc vẫn luôn vay mượn chất liệu từ âm nhạc dân gian hay thậm chí là từ các tác phẩm của nhau. Về bản chất, âm nhạc không có biên giới và chủng tộc. Cuối thế kỷ 19 đã xảy ra những tranh cãi gay gắt về vấn đề này khi nhà soạn nhạc lớn người Czech - Dvorák - cho ra đời bản Giao hưởng số 9 mang tên Từ thế giới mới. Các giai điệu gốc mà Dvorák sử dụng cho tác phẩm để đời này về bản chất được ông vay mượn, không rõ cố tình hay vô ý, từ các giai điệu dân gian của người Anh-điêng bản địa và người Mỹ gốc Phi. Liệu một nhà soạn nhạc có được toàn quyền “sở hữu” tác phẩm của mình, khi những chất liệu ông ta sử dụng lại không phải do ông ta nghĩ ra?

Dvorák đương nhiên chỉ có ý tốt, vì những giai điệu gốc đậm chất Phi và Anh-điêng kia đáng được coi trọng. Nhưng thời điểm ấy, những giá trị văn hóa của người Anh-điêng và người Phi di cư sang châu Mỹ không ngừng bị đánh cắp và chèn ép, nên việc một nhà soạn nhạc người châu Âu da trắng sử dụng các giai điệu mang tính linh thiêng đó đã gây ra những tranh cãi gay gắt không ngớt.

Chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết được ai đã nghĩ ra những giai điệu gốc mà Dvorák dùng trong giao hưởng của ông, có lẽ chính ông cũng thêm vài nốt giai điệu trong đó nhằm đạt hiệu ứng mong muốn. Vấn đề ở chỗ nhiều người da màu không cảm thấy thoải mái và nghĩ rằng âm nhạc do tổ tiên họ truyền lại bị các nhạc sĩ da trắng cướp mất. Ba chục năm sau đó, nhà soạn nhạc lớn do chính nước Mỹ sản sinh là Gershwin cũng trở thành đề tài cho những tranh cãi không hồi kết khi ông kết hợp chất liệu nhạc jazz và blue vào nhạc cổ điển.

Ngày nay, ranh giới của các dòng nhạc gần như đang bị xóa nhòa. Ta thậm chí nhiều khi còn chẳng phân biệt nổi đâu là pop hay jazz hay rock hay đó là thứ âm nhạc pha tạp, trộn lẫn. So với trào lưu này, thì những gì mà Dvorák và Gershwin làm với âm nhạc cổ điển đâu có gì khủng khiếp. Các phong cách vẫn luôn có thể hòa lẫn vào nhau, như thể các dòng chảy luôn hướng về biển vậy.

Trạch Lam dịch
Theo: http://www.theguardian.com/music/2013/jan/24/what-pop-music-owes-classical-masters


Nguồn: Tia Sáng

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng