Nhịp sống âm thanh
Những tuyệt phẩm âm nhạc gắn liền với mốc son lịch sử dân tộc
16:37 | 22/12/2014

“19 tháng 8”, “Giải phóng Điện Biên”, “Tiến về Hà Nội”, “Đất nước trọn niềm vui”, “Như có Bác trong ngày đại thắng”…là những khúc tráng ca đầy hào hùng và xúc động ngợi ca chiến thắng của quân và dân ta, gắn liền với những mốc son của lịch sử dân tộc.

Những tuyệt phẩm âm nhạc gắn liền với mốc son lịch sử dân tộc
Đánh chiếm Bắc Bộ Phủ - Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội tháng 8/1945 (Ảnh: Tư liệu – TTXVN)

19 tháng 8

Ca khúc 19 tháng 8 nổi tiếng gắn liền với mốc son lịch sử của dân tộc- Cách mạng Tháng 8 không chỉ được cố nhạc sĩ Xuân Oanh sáng tác đúng ngày 19/8/1945 mà còn có hoàn cảnh ra đời rất độc đáo.

Ca khúc này được ông sáng tác trên đường đi, sáng tác bằng miệng, chỉ trong vòng 3 giờ đồng hồ và không phải sửa lại. “Tôi khi đó đang là một chàng thanh niên 23 tuổi, sớm giác ngộ cách mạng, được nhà văn Nguyễn Đình Thi và một số đồng chí khác dìu dắt, hướng dẫn tham gia công tác tuyên truyền cách mạng, cụ thể là đi phát hành các Tờ báo Hồn nước, Cờ giải phóng. Tâm trạng của lớp trẻ chúng tôi lúc đó - nhất là những người ham hoạt động - luôn sôi lên bầu máu nóng muốn làm một điều gì đó đóng góp vào công cuộc cách mạng chung. Sáng sớm ngày 19/8, tôi nhập vào đoàn người đi từ Văn Điển lên Nhà hát Lớn Hà Nội. Mọi người hối hả, khẩn trương và vô cùng phấn khích. Là người yêu thích âm nhạc, trước đó đã từng sáng tác, tôi nảy ý định sáng tác một bài hát ngay trên đường đi. Thế là vừa đi, tôi vừa sáng tác. Được câu nào tôi dạy ngay cho những người quanh tôi hát và nhập vào đoàn người hôm ấy. Họ thuộc và hát trôi chảy, tôi lại nghĩ tiếp câu sau cho đến hết bài. Không hiểu sao, tôi cho ra đời bài hát khá dễ dàng, có thể nói là không mất công nghĩ ngợi nhiều. Sáng tác gần như một mạch. Chính cái không khí lịch sử, tình cảm của đồng bào đã giúp tôi sáng tác nhanh như vậy…”, lúc sinh thời nhạc sĩ Xuân Oanh từng kể lại.

Với giai điệu hào hùng nhịp nhịp bước, ca khúc vang lên khiến người nghe không khỏi bồi hồi xúc động xen lẫn niềm tự hào dâng tràn. Mỗi năm, ca khúc bất hủ ấy lại vang lên vào những ngày thu rạng ngời niềm vui kỷ niệm chiến thắng Cách mạng Tháng 8 lịch sử.

Giải phóng Điện Biên

Ca khúc Giải phóng Điện Biên (trong bản chép tay đầu tiên của Đỗ Nhuận là Chiến thắng Điện Biên) suốt 60 năm nay đã trở thành "biểu tượng" bằng giai điệu của chiến thắng Điện Biên lịch sử. Ca khúc này được nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng tác ngay trong đêm ngày 7/5/1954.

“Những giai điệu tổ quốc”  kể chuyện lịch sử dân tộc hào hùng
Đội hình vận tải bằng xe thồ phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ (Ảnh tư liệu)  

Trong cuốn hồi ký, ông kể buổi chiều ngày 7/5, khi đoàn văn công đang cuốc đất, rải đá làm đường thì bỗng một đồng chí liên lạc từ mặt trận đạp xe qua, reo to: “Mường Thanh địch hàng rồi! Giải phóng Điện Biên rồi!”

Khi đó, người nhạc sĩ gai lên. Tất cả đoàn văn công ngừng tay cuốc, ôm nhau nhảy, không cần đệm nhạc. Đỗ Nhuận thì không ôm ai cả, nhảy một mình, nhảy tít thò lò, và trong đầu phảng phất câu “Giải phóng Điện Biên”…Thế rồi, đêm hôm đó, trong túp lều, bên ánh đèn dầu le lói, tay ông búng chiếc violon, miệng cứ hát lẩm nhẩm, sợ làm ồn anh em mất ngủ. Và ca khúc ra đời với cảm xúc tuôn trào: “Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về/Giữa mùa hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui…”

Nếu như hai ca khúc trước đó, sáng tác trong cùng chiến dịch với Hành quân xa là hành khúc mang âm hưởng dân ca đồng bằng Bắc Bộ, Trên đồi Him Lam với tính chất tưởng niệm, tri ân các chiến sỹ đã hi sinh thì đến Giải phóng Điện Biên bao cảm xúc dồn nén được Đỗ Nhuận kết tụ bằng giai điệu hào sảng, ngợi ca.

“Cha tôi kể lại, hình ảnh đoàn quân ta ngồi trên xe cam- nhông lấy được từ trận chiến với quân Pháp tại chiến dịch Điện Biên trên đường về tiếp quản Thủ đô- tất cả đoàn bộ đội, dân công bừng bừng khí thế hát vang ca khúc Chiến thắng Điện Biên khiến ông… rất sung sướng, rất hạnh phúc”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân kể lại.

Tiến về Hà Nội

Có thể nói Tiến về Hà Nội của tác giả Văn Cao là ca khúc hay nhất viết về sự kiện Giải phóng Thủ đô. 65 năm trôi qua, những lời ca hào hùng, lãng mạn thể hiện nguyện vọng, khát khao của mọi người dân vẫn được hát vang đầy tự hào trong những dịp lễ lớn.

Nếu ca khúc Mùa Xuân đầu tiên được Văn Cao sáng tác sau ngày giải phóng miền Nam gần một năm thì Tiến về Hà Nội lại được cố nhạc sĩ sáng tác trước khi bộ đội về giải phóng thủ đô (10/10/1954) đến 5 năm.

“Những giai điệu tổ quốc”  kể chuyện lịch sử dân tộc hào hùng
Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 (Ảnh tư liệu)

“Ca khúc như lời dự báo ngày chiến thắng, bởi ngày quân ta trở về tiếp quản Thủ đô trong rừng hoa, sự chào đón nô nức của người dân không khác gì bức tranh ngôn ngữ mà Văn Cao đã phác họa trong Tiến về Hà Nội. Hình ảnh “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về”, rồi “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về…”. Mỗi dịp kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô, xem lại thước phim cũ hòa trong điệp khúc, giai điệu, lời ca này tôi lại xúc động trào nước mắt. Tôi nhớ cha và luôn tự hào về người cha của mình”, nhà thơ, họa sĩ Văn Thao- con trai trưởng của cố nhạc sĩ tài hoa Văn Cao trải lòng.

Đất nước trọn niềm vui

Ngày 30/ 4/1975, lá cờ giải phóng đã được phất cao trên nóc dinh Độc Lập. Niềm vui thắng lợi tuôn trào tạo dòng cảm xúc mạnh mẽ giúp nhiều nhạc sĩ sáng tác thành công nhiều ca khúc ngay trong những ngày đầu thống nhất đất nước. Từ bài Đất nước trọn niềm vui của Hoàng Hà, Bài ca thống nhất của Võ Văn Di, đến bài Tiếng hát từ thành phố mang tên Người, nhạc Cao Việt Bách, lời thơ Đăng Trung, Mùa xuân trên thành phố Hồ Chi Minh của Xuân Hồng, Tiến về Sài Gòn của Lưu Hữu Phước...


“Những giai điệu tổ quốc”  kể chuyện lịch sử dân tộc hào hùng
Các chiến sĩ quân giải phóng đang chạy vào Dinh Độc Lập cắm cờ Cách mạng(Ảnh tư liệu)

Đất nước trọn niềm vui được nhạc sĩ Hoàng Hà lấy cảm xúc mạnh mẽ từ chiến công thần kỳ của quân và dân ta. Ông kể rằng, mình sáng tác ca khúc đúng một đêm (26/4/1975) tại căn nhà ở Yên Phụ, gần Hồ Tây, Hà Nội. “Khi ấy, cảm xúc cao trào, bỗng bật ra giọng hò Đồng Tháp của chị văn công giải phóng năm nào cứ vút cao đưa tâm hồn tôi bay lên, say trong không gian của non sông anh hùng ngày hoàn toàn giải phóng!", ông nói. NSND Trung Kiên chính là ca sĩ đầu tiên thu âm “bài ca khải hoàn của dân tộc” này.

Có điều rất thú vị đó là Hoàng Hà viết ca khúc lịch sử này khi ông chưa đặt chân vào Sài Gòn.

"Mãi đến năm 1977, tôi mới tận mắt trông thấy Sài Gòn. Hồi đó, từ giữa tháng tư năm 1975, không khí Hà Nội quanh tôi rất sôi động.Trong cơ quan Đài tiếng nói Việt Nam, chúng tôi theo dõi tình hình chiến sự từng giờ từng phút, ai cũng náo nức, rạo rực. Đường phố cũng như vậy, tràn ngập một không khí phấn khởi, rộn ràng", ông kể lại.

Như có Bác trong ngày đại thắng

Đêm ngày 28/4/1975, sau khi nghe bản tin cuối cùng của đài có tin phi công Nguyễn Thành Trung ném bom sân bay Tân Sân Nhất, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tiếng đồng hồ từ 9 giờ 30 phút tối đến 11 giờ nhạc sĩ Phạm Tuyên đã viết xong bài Như có Bác trong ngày đại thắng.

“Những giai điệu tổ quốc”  kể chuyện lịch sử dân tộc hào hùng
 Mít tinh chào mừng thống nhất đất nước tại quảng trường Ba Đình năm 1975 (Ảnh tư liệu)

Cũng giống như nhạc sĩ Hoàng Hà, Phạm Tuyên chưa từng được đến Sài Gòn cho đến thời điểm ca khúc Như có Bác trong ngày đại thắng ra đời. Nói về ca khúc, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã tâm sự: "Lời bài hát như là tiếng lòng, là ước vọng bao nhiêu lâu mình mong ước, có không biết bao nhiêu người cảm động và khóc khi hát vang khúc ca này. Và cảm giác bài hát như có sẵn rồi, không phải là tôi thì sẽ là một nhạc sĩ khác của dân tộc viết ra nó”

Với giai điệu giản dị, gần gũi, lời ca ngắn gọn, súc tích, ca khúc Như có Bác trong ngày đại thắng (nhân dân quen gọi là ca khúc Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng) được phổ biến một cách rộng rãi ở Việt Nam, được rất nhiều người dân biết đến, yêu thích và hát trong những ngày lễ, kỉ niệm lớn hay trong những dịp đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng.

Nguồn: Nguyễn Hằng - Dân Trí

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng