Nhịp sống âm thanh
Kiệt tác giao hưởng số 40 của Mozart
09:55 | 22/06/2015

Đa số giao hưởng của Wolfgang Amadeus Mozart (1756-1791) được viết ở giọng trưởng, chỉ có hai bản giao hưởng số 25 và số 40 đều được viết ở giọng thứ (Sol thứ).

Kiệt tác giao hưởng số 40 của Mozart
Nhà soạn nhạc thiên tài Wolfgang Amadeus Mozart (1756-1791)
Symphony No. 40 của Mozart đôi khi còn được gọi là  Giao hưởng lớn giọng Sol thứ để phân biệt với Giao hưởng nhỏ giọng Sol thứ (tức Symphony No. 25). Giao hưởng nhỏ được sáng tác ở tuổi 17, còn Giao hưởng lớn thuộc về bộ ba kiệt tác giao hưởng cuối cùng được Mozart soạn trong vòng ba tháng mùa hè năm 1788 (các bản số 39, 40 và 41), là một mẫu mực và nguồn cảm hứng cho nhiều tác giả giao hưởng về sau.

Trước kia, trong giới âm nhạc học đã có giả thuyết rằng Mozart chưa từng được nghe trình diễn Symphony No. 40 cũng như bộ ba kiệt tác giao hưởng cuối cùng lúc sinh thời. Nhưng điều này đã bị các nhà âm nhạc học hiện đại bác bỏ. Bằng chứng họ đưa ra là một bức thư mới được phát hiện gần đây. Bức thư do nhạc sĩ Johann Wenzel (1762-1831) viết ngày 10/7/1802 gửi nhà xuất bản Ambrosius Kühnel tại Leipzig. Trong thư Wenzel nhắc tới một buổi hòa nhạc trình diễn Symphony No. 40 tại nhà nam tước Gottfried van Swieten với sự hiện diện của Mozart. Tuy nhiên chất lượng diễn xuất không cao do thiếu luyện tập đã khiến nhà soạn nhạc sớm rời khỏi khán phòng.

Một số bản sao các tờ chương trình hòa nhạc trong chuyến lưu diễn nước Đức vào năm 1789 của Mozart còn tồn tại đến ngày nay cũng khẳng định tác giả đã mang theo tác phẩm và cho trình diễn tại Dresden, Leipzig và Frankfurt. Bản sao tờ áp phích quảng cáo buổi hòa nhạc ngày 17/4/1791 do Tonkünstlersocietät (Hội nhạc sĩ) tổ chức tại Vienna dưới sự chỉ huy của Antonio Salieri cũng nêu rõ tiết mục mở đầu chương trình là “một bản giao hưởng lớn của ngài Mozart”.

Symphony No. 40 có tới hai phiên bản khác nhau. Phiên bản đầu tiên không có sự tham gia của hai kèn clarinet. Khi sửa lại tác phẩm, Mozart đã bổ sung bè clarinet vào biên chế nhạc cụ và chỉnh sửa đôi chút ở bè oboe cho thích hợp. Bản giao hưởng gồm bốn chương nhạc như thông lệ của trường phái cổ điển Vienna. Ngoại trừ chương thứ ba, các chương còn lại đều được viết ở hình thức sonata. Tác phẩm có thời lượng biểu diễn khoảng 26 phút.

Chương nhạc thứ nhất ở tốc độ Molto allegro bắt đầu ngay bằng phần trình bày chủ đề chính mà không có phần mở đầu theo truyền thống cổ điển. Ở đây tính chất hiếm có của cảm xúc âm nhạc là một bước tiến táo bạo. Nỗi xao xuyến xúc động ở chủ đề chính càng tăng thêm ở phần phát triển. Đoạn kết chan chứa nỗi buồn thầm lặng và ước mơ trữ tình.

Chương hai Andante thấm thía và cảm động.

Chương ba Minuet hầu như không có tính chất nhảy múa mà là một khúc nhạc nghiêm túc, chững chạc. Trong phần trio của chương ba, các yếu tố của điệu nhảy thượng lưu quý tộc mới được thể hiện rõ hơn.

Chương cuối Allegro assai gần gũi với chương đầu ở tính chất của những hình tượng với chuyển động nhanh, sôi nổi, hình thức gọn gàng.

Symphony No. 40 của Mozart là một mẫu mực và nguồn cảm hứng cho nhiều tác giả giao hưởng về sau. Ludwig van Beethoven đã chép lại 29 ô nhịp từ tác phẩm này vào một cuốn sổ tay. Rất có thể chủ đề mở đầu chương cuối Symphony No. 40 của Mozart là cảm hứng để Beethoven soạn chương ba giao hưởng số 5 “Định mệnh”. Hai bản giao hưởng này cũng giống nhau ở chỗ gây ấn tượng tức thời cho người nghe ngay từ những ô nhịp đầu tiên. 50 năm sau khi Mozart qua đời, Franz Liszt lúc tiến hành chuyển soạn chín bản giao hưởng của Beethoven cho đàn piano đã khẳng định rằng ngoại trừ âm lượng mỏng và sự đa dạng âm sắc thì người ta có thể tái tạo được ý nghĩa của thứ âm nhạc này trên đàn phím. Còn Mendelssohn thì bình luận: “Ồ, nếu Liszt có thể chơi đoạn mở đầu Giao hưởng giọng Sol thứ của Mozart bằng đàn piano như là nó được dàn nhạc chơi thì tôi tin ông ấy.”

Xét về số lượng giao hưởng, Mozart sáng tác ít hơn Joseph Haydn, nhà soạn nhạc đã cho ra đời tới hơn 100 bản giao hưởng và được coi là cha đẻ của thể loại. Nhưng với cuộc đời ngắn ngủi chỉ 35 năm và chất lượng cao đồng đều thì con số 41 bản giao hưởng của Mozart thật không thể xem thường.


Với thính giả hậu thế, Symphony No. 40 luôn gây tác động mạnh mẽ nhưng theo các cách rất khác nhau, thậm chí là trái ngược. Vào thế kỉ 19, một nhà phê bình âm nhạc người Nga nghe thấy trong đó “nỗi bối rối đam mê, những khát khao và nuối tiếc của một tình yêu bất hạnh”. Màn sương thương cảm bao phủ tác phẩm khiến nó được ví như cuốn tiểu thuyết Nỗi đau của chàng Werther của Johann Wolfgang von Goethe. Nhưng Robert Schumann thì ngợi ca nó vì “vẻ thanh thoát và duyên dáng kiểu Hy Lạp”. Còn theo Alfred Einstein, một học giả về Mozart ở thế kỉ 20, thì bản giao hưởng mang tính chất “bi hùng” và có những đoạn nhạc “đắm chìm trong vực thẳm tâm hồn”. Hai đồng nghiệp của Einstein cho rằng tác phẩm “được viết bằng máu của chính tác giả”, trong khi những nhà bình luận khác lại coi trọng hơn hết những liên quan của nó tới thế giới opera hài. Sự đa chiều về cảm xúc này cũng là dễ hiểu với âm nhạc của Mozart bởi chẳng mấy khi có thể tìm được lời lẽ diễn đạt hoàn toàn thỏa đáng cho kiệt tác âm nhạc của một thiên tài.

Nguồn: Ngọc Anh - Tia Sáng

 


 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng