Nhịp sống âm thanh
Nhớ về “Nối vòng tay lớn”
16:48 | 14/05/2008
Ca khúc “Ướt mi” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn do Nhà xuất bản An Phú-Sài Gòn phát hành năm 1959, đó là năm tôi cất tiếng khóc chào đời ở một phường xưa Thành Nội Huế.
Nhớ về “Nối vòng tay lớn”

Mãi đến năm 1970 trong một đêm lửa trại ở đồi thông Thiên An, thầy Nguyễn Văn Dũng bắt nhịp cho toàn liên lớp đệ thất (nay là lớp 6) hát ca khúc “Nối vòng tay lớn” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Và “Rừng núi dang tay nối lại biển xa...” ấy là nhạc ngữ đã gieo vào tâm hồn thế hệ chúng tôi trở về với những ước mơ trong trẻo, những xúc cảm hoà nhịp với thiên nhiên; nhưng sự hiện hữu huyền diệu trong ca khúc ấy như tiếng nói bức thiết của thời đại.
Trịnh Công Sơn sinh ngày 2.02.1939 tại Đắc Lắc nhưng quê ở tại Hương Vinh-Huế. Trong tác phẩm “Nhạc và Đời”, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn kể lại: “Thời thơ ấu luôn luôn bị ám ảnh về cái chết. Trong giấc ngủ hằng đêm tôi thường thấy cái chết của ba tôi. Nỗi ám ảnh ấy chắc chắn không bắt nguồn từ lớp dày tro bụi của vô thức làm nên từ những cái chết của tổ tiên mà có lẽ những năm tù tội tra tấn chết đi sống lại của ba tôi trong những năm kháng chiến chống Pháp. Những năm cuối thập niên 40, chỗ ở chính của ba tôi gần như là nhà tù... Thời gian này, tại Huế, mẹ tôi và tôi thay nhau đi thăm nuôi và năm 1949 tôi được vào nhà lao Thừa Phủ ở cùng ba tôi một năm trước khi cả gia đình cùng kéo nhau vào Sài Gòn. Rõ ràng là cái chết ấy được báo động qua một tâm hồn quá nhạy cảm của tuổi thơ. Ba tôi mất đi khi tôi vừa mười lăm tuổi”.
Cha mất sớm, là anh trong gia đình gồm 2 người em trai cùng 5 người em gái và một mẹ già mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hết mực thương yêu. Đã có lần Trịnh Công Sơn hé mở đời tư: “Tôi chưa bao giờ học nhạc ở một lớp nhạc nào. Tôi đã tự học, tại Huế, Sài Gòn và Đà Lạt. Tôi sống để sáng tác nhạc”. Trịnh Công Sơn đã đậu tú tài ban Triết, tại trường Chasseloup Laubai, Sài Gòn. Đến tuổi quân dịch Trịnh Công Sơn đã từng nói: “Trốn lính gần như một cái “nghề” đầy tính chất phiêu lưu của hàng triệu thanh niên miền Nam lúc bấy giờ”.
Thời gian trốn lính, Trịnh Công Sơn cho biết: “Tôi đã phải đánh đổi 60 ngày nhịn đói tuyệt đối trong hai năm (mỗi năm 30 ngày liên tiếp trước khi trình diện) để đạt được cái mức độ tiêu chuẩn của một người lính. Nhưng muốn xuống ki lô nhanh còn phải không ngủ và uống thêm điamox là một thứ thuốc rút bớt nước trong tế bào ra”. Nhà báo Lưu Trọng Văn trong một lần trao đổi với Trịnh Công Sơn cho biết, để trốn lính, Trịnh Công Sơn phải chích thuốc cho đến từ một võ sĩ, một vận động viên nhảy cao, Trịnh Công Sơn toi tóp chỉ còn 27 ký.
Họa sĩ Đinh Cường, người bạn thân tín của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tâm sự: “Có một thời gian Trịnh Công Sơn cùng một ông giáo già dạy một lớp học cho người dân tộc ở Bảo Lộc (Lâm Đồng). Qua khoảng trống trơn của lớp học Sơn đã vẽ nhiều ký họa đẹp và sinh động những người dân tộc trên nương rẫy, dưới dòng suối mát. Có thể nói Sơn là một trong những người dạy học ở miền núi sớm nhất. Sau đó Sơn cùng Đinh Cường lên sống ở Đà Lạt. Những năm trốn lính có cả Đỗ Long Vân. Lúc đó L.M (Lệ Mai) là một cô gái nhỏ nhắn, tóc bỏ xõa, đi chân trần ra sân có hát những bài hát đầu tiên của Trịnh Công Sơn. Cũng trong thời gian này Trịnh Công Sơn cho biết: “Lệ Mai ngày trước hát ở Đà Lạt trong một căn phòng bên đồi lạnh lẽo”.
Lệ Mai (sau này dưới cái tên Khánh Ly) bắt đầu hát ở Night Club Đà Lạt ngày 15.11.1962. Trong một bài viết “Nỗi buồn nhớ quê”, Khánh Ly nói về một nỗi day dứt thương nhớ quê hương như mọi con người Việt Nam có một trái tim biết rung động, còn có một cội nguồn: “... Cũng tưởng đời sẽ lêu bêu mãi cho đến ngày cuối, nhưng nếu định mệnh là điều có thật, thì điều đó đã đến với tôi một đêm mưa tại Đà Lạt. Dáng người mảnh khảnh, cặp kính trắng tròn, gọng đồi mồi, cặp mắt bồ câu, vầng trán cao, rộng, sống mũi thẳng, nụ cười đẹp, tươi với chiếc răng khểnh. Người con trai đó nói với tôi giọng Huế. Dân Đà Lạt, đa số nói tiếng Huế tuy hơi lai, nhưng Sơn là “Huế chay”. Từ Sơn tôi đã thành danh. Năm 1965 Khánh Ly bỏ phòng trà Đà Lạt về hát cùng Trịnh Công Sơn ở Sài Gòn. Trịnh Công Sơn nhớ lại: “Năm 1964-1965 tôi được các bạn tổ chức buổi ra mắt đầu tiên trước quần chúng tại khu đất trồng sau lưng trường Văn Khoa Sài Gòn cũ (nay là Thư viện Quốc gia). Với tôi, đây cũng là buổi thể nghiệm xem mình có thể tồn tại trong lòng quần chúng được không. Trước mặt đám đông đến mấy nghìn người gồm đủ thành phần văn nghệ sĩ, trí thức, học sinh, sinh viên tôi cảm thấy mình quá trơ trọi và đầy lo âu trên bục gỗ với cây đàn ghi ta dưới ánh sáng đèn. Với một hành trang nhẹ nhàng bằng hai mươi ca khúc nói về quê hương, ước mơ hoà bình và những bài sau này được gọi là “phản chiến”. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, bạn thân nhạc sĩ Trịnh Công Sơn kể lại: “Từ năm 1965 trở đi, trong vòng chừng 10 năm, Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ phản chiến thì duy nhất chỉ có một. Đối với người trí thức ở miền Nam, theo chỗ tôi biết, thì trước khi dấn thân vào lịch sử, ở họ là một thái độ phản chiến. Nhưng Sơn giữ được thái độ ấy, đầu đuôi như một; hơn nữa, Sơn là một nhạc sĩ phản chiến. Ngay từ đầu “Xin mặt trời ngủ yên” đã là một bài hát phản chiến:
            Ôi chinh chiến đã mang đi bạn bè
            Ngựa hồng đã mỏi vỏ chết trên đồi quê hương
            Còn có ai trên cuộc đời
            Ôi nhân loại, còn người và tôi thôi, rồi lang thang như mây trời...”
Suốt 15 năm trầm luân của thế kỷ, Trịnh Công Sơn đã làm xong nhiệm vụ của loài chim báo bão trong lửa đạn. Chẳng lạ gì một thời Trịnh Công Sơn tung ra bài hát nào là bài hát ấy nổi tiếng, và cả nhiều thế hệ của tuổi trẻ ở các đô thị xúm lại “ngấu nghiến” những ca khúc của anh. Và theo dòng nhạc phản chiến ấy, ca khúc “Ngày dài trên quê hương” nếu xét trên phương diện đấu tranh, đúng là ca khúc phản chiến”.
Có lẽ năm 1968 là năm đã ghi vào ký ức Trịnh Công Sơn: “Những bức tường của Thành Nội cũng đầy những vết đạn. Từ lụt lội, bão tố trong quá khứ cho đến sự tàn phá của hàng ngàn căn nhà... Người dân Huế đã phải học cách sống trong kiên nhẫn. Huế dường như bị cột chặt vào định mệnh khắc nghiệt. Tại đây, dân chúng không bao giờ có dịp để làm giàu một tháng hay một ngày. Cần phải 4 thế hệ: ông, cha, con, cháu, mới có thể xây dựng một căn nhà. Căn nhà được truyền đời nọ sang đời kia, và những người nào phải xa nhà, đều vẫn có thể nhớ từng cột nhà, từng xa nhà, từng bậc cửa”. Hãy nghe tiếp lời tâm sự của Trịnh Công Sơn vào năm này: “Ta đã có sẵn hành trang quý giá của hơn bốn nghìn năm để còn mãi bước đi trên những lộ trình mới về tương lai. Ta phải đi tới bằng con tim sứ giả mang niềm tin và lời hứa hẹn của những người đã nằm xuống. Ta phải tìm lại quê hương bằng sức sống mãnh liệt vì trong cơ thể ta đã luân lưu thêm dòng máu của anh em không còn”. Trong một phụ trương báo Le Monde số 7570 ngày 17.5.1969 đã đăng một bài viết: “Trịnh Công Sơn, ca nhân phản chiến tại miền Nam Việt Nam (Trịnh Công Sơn - Chantre de l’antiguerre au Viet Nam du Sud).
Qua năm 1970 là năm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã hát những sáng tác mới của mình. Các bài: “Chính chúng ta phải nói hoà bình”, “Đừng mong ai, đừng nghi ngại”... đã vang lên trong những đêm không ngủ như một sự thách thức, một quyết tâm... Dưới sự hướng dẫn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, sinh viên, học sinh Huế đã thực hiện một chương trình “Hát cho Hoà Bình”. Cũng trong những năm đầu thập niên 70 này “Những tác phẩm của phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh như: “Dậy mà đi của Tôn Thất Lập”, “Người mẹ bàn cờ” của Trần Long Ấn, “Tự nguyện” của Trương Quốc Khánh... Và đặc biệt là dòng nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn. Đến với âm nhạc sau khi đã qua triết học, Trịnh Công Sơn đã ra khơi một dòng ca khúc của mình với lối lập ca từ mang nhiều thủ pháp của các trường phái thơ hiện đại như: Tượng trưng, ấn tượng, siêu thực. Mỗi ca khúc của Trịnh Công Sơn là một bài thơ được hát lên, vượt qua mọi trở lực, kỹ thuật của âm nhạc để đến chia sẻ, an ủi con người giữa ác liệt của chiến tranh”.
Lần bước từ năm 1965-1972 ghi dấu một giai đoạn ấn hành tiến tới hình thức in thành các tuyển tập tình khúc, ca khúc được sắp xếp theo chủ đề khác với giai đoạn đầu từ hình thức in rời từng bản khổ lớn). Đặc biệt Ca khúc da vàng của Trịnh Công Sơn, mẫu bìa và phụ bản của Đinh Cường. Tác giả ấn hành lần thứ năm gồm 10.000 bản in trên giấy croquis, khổ vuông 18 x 18cm. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhớ lại: “Trong những năm chiến tranh ác liệt nhất ở miền Nam, nếu ở địa hạt âm nhạc tôi viết những ca khúc phản chiến và khát vọng hoà bình thì ở phía hội họa, họa sĩ Bửu Chỉ gần như là người duy nhất vẽ rất nhiều về đề tài chiến tranh và hoà bình. Anh nổi tiếng vào thời ấy với những tranh nhỏ trên giấy vẽ bằng bút sắt với mực đen. Tranh anh được in trên các tạp chí nước ngoài và gây được một dư luận rộng rãi. Trong phong trào sinh viên, học sinh ở Huế gần như Bửu Chỉ và tôi luôn luôn có mặt bên nhau. Chúng tôi cùng hát với nhau trong những đêm không ngủ, những ngày xuống đường và nhiều nhất là những buổi hát nuôi dưỡng hào khí ở quán cà phê Tổng Hội”.
Riêng tuyển tập Ca khúc da vàng trong những năm ấy có số ấn bản tương đối khá lớn nên đã đi vào “hang cùng ngõ hẻm”. Nhà văn Nguyễn Thuỵ Kha cho biết: “Ngày giải phóng Pleiku, tôi nhặt được cuốn Ca khúc da vàng do Sơn tự ấn hành, cuốn sách không hiểu của ai nhưng có ghi mấy chữ ở bìa: “Mẹ Việt ơi. Hãy ngưng máu đổ thịt rơi. Để chúng con cùng chung vui một nhà. Kỷ niệm ngày 23.2.1969 có thể đó là một trong những người lính Cộng hòa tự rút chạy khỏi Tây Nguyên.”
Ca sĩ Khánh Ly đã có lần bộc lộ: “Tôi thù ghét chiến tranh bởi mất mát quá lớn cho tôi, cho mọi người”. Trong một lần trao đổi với nhà báo Trần Hữu Lục, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho biết: “Năm 1969, tôi có ký hợp đồng với hãng Myrica Broadcasting Corporation thu đĩa 10 bài hát trong đó có bài “Diễm xưa” được vô chung kết và phổ biến rộng rãi ở Nhật và bài “Ngủ đi con” (do nhóm nhạc phản chiến ở Tokyo hát trước 200.000 người nghe) chiến đĩa vàng, đã phát hành trên hai triệu đĩa. Tôi nhận tác quyền đầy đủ nhưng chỉ hưởng tác quyền 200 ngàn đĩa mà thôi. Sau giải phóng, qua uỷ quyền cho thân nhân ở nước ngoài, hãng này tiếp tục trả tác quyền cho tôi và năm 1979 là đợt tra cuối cùng”. Cô Michiko Yoshii, người đã bảo vệ đề tài Cao học tại Đại học Paris VII về nhạc phản chiến Trịnh Công Sơn. Trong phần luận án Michiko viết: “Đọc một trăm bài viết về một bài hát không bằng nghe biểu diễn một bài hát”. Mở đầu buổi bảo vệ luận án, cô Michiko nâng đàn lục huyền cầm, vừa đệm đàn, vừa hát hai bài “Đại bác ru đêm” và “Ngủ đi con”. Theo Michiko, tại Nhật nhạc Trịnh Công Sơn được phổ biến nhiều nhất so với các nhạc sĩ Việt Nam khác được dịch ra tại Nhật hay được đặt lời mời trên giai điệu của những bài hát quen thuộc”. Để làm đề tài này, Michiko đã bỏ ra 4 năm tìm hiểu về thân thế tác giả, về âm nhạc, về ngôn ngữ văn học trong ca khúc Trịnh Công Sơn. Thành công của luận án là vạch ra được trong thế giới tâm hồn dân tộc có chiều mở ra với quốc tế, khả năng vượt ra thời gian và không gian của một tài năng nghệ thuật độc đáo. Luận án đạt điểm 17/20, là điểm cao nhất từ khi thành lập Phân khoa tiếng Việt của trường Đại học Jussieu (Pháp).
Một số ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn được dịch ra tiếng Nhật và tiếng Anh. Nhà báo Quốc Bảo đã phỏng vấn ca sĩ Hồng Nhung: “Có cách nào làm cho nhạc Việt gần lại với nhạc thế giới không?”. Hồng Nhung: Theo em có hai cách. Một là nhạc sĩ Việt viết trực tiếp bằng tiếng Anh. Cách thứ nhì dễ hơn, đó là dịch những bài có sẵn sang tiếng Anh như nhạc ông Sơn chẳng hạn, một người bạn Mỹ đã dịch: “Người con gái Việt” và “Đại bác ru đêm” ra lời Anh Ngữ rất hay. Em thấy như Văn Cao, Trịnh Công Sơn - nhạc của họ đã vượt ra ngoài biên giới đất nước”. Nhớ lại buổi bảo vệ luận án cao học về nhạc phản chiến Trịnh Công Sơn, theo lời đề nghị của GS.Phạm Đạng Bình, Michiko kết thúc buổi bảo vệ bằng bài hát: “Ca dao mẹ”, dịch ra tiếng Nhật, và “Nối vòng tay lớn”. Mọi người có mặt vỗ tay hát theo bài này.

HỒ VĨNH
(nguồn: TCSH số 146 - 04 - 2001)

Các bài mới
Các bài đã đăng