Nhịp sống âm thanh
Giao hưởng Mùa Xuân
08:59 | 27/01/2016

Mùa thu năm 1839, khoảng một năm trước khi cưới Robert Schumann, Clara Wieck thổ lộ trong nhật ký: “Những tác phẩm viết cho piano không thể hiện được trí tưởng tượng và khát vọng lớn lao của anh ấy… Ước nguyện lớn nhất của mình là được thấy anh ấy sáng tác cho dàn nhạc… Cầu mong cho mình có thể đưa anh ấy tới đó!”
Và cô đã làm được điều đó.

Giao hưởng Mùa Xuân
Nhà soạn nhạc Robert Schumann và vợ ông, Clara Schumann

Mùa xuân của âm nhạc, mùa xuân của cuộc đời

Bản giao hưởng Mùa xuân được Schumann viết vào giữa mùa đông năm 1841, sau khi ông và Clara Wieck vượt qua sự ngăn cản của cha Clara nhằm cho con gái đừng “phí hoài cuộc đời vì một tay soạn nhạc nghèo” tổ chức lễ cưới. Vì vậy, những ca khúc, bài thơ, những trang nhật ký và những bức thư của ông trong giai đoạn này đều rạng rỡ niềm vui.
Bản giao hưởng này là hành trình đi từ cái lạnh giá và u ám của mùa đông tới ánh sáng và sự hứa hẹn của mùa xuân. Schumann lấy cảm hứng cho bản giao hưởng từ bài thơ Im Tale blüht der Frühling auf (Trong thung lũng, mùa xuân bừng trỗi dậy) của Adolph Böttger, nói về tâm trạng của người đang yêu khi so sánh nỗi sầu khổ của mình với niềm hân hoan của thế giới bên ngoài khi mùa xuân gõ cửa.

Thách thức lớn

Thời điểm này, Beethoven đã qua đời được 14 năm nhưng vẫn phủ một cái bóng dài lên giới soạn nhạc, bản thân Schumann cũng chỉ viết cho piano. Mặt khác, trong vai trò nhà phê bình, ông cũng từng mỉa mai về những nỗ lực bất thành của một vài đồng nghiệp nhằm thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Beethoven.

Thực ra, Schumann đã từng thử sức với thể loại giao hưởng vào năm 1932 và đã bỏ cuộc giữa chừng. Nhưng lần này, trong trạng thái hân hoan, cùng với quyết tâm khẳng định vị thế của mình ở thể loại giao hưởng, ông đã dành toàn tâm toàn ý cho bản giao hưởng. Quá trình phác thảo tác phẩm chỉ diễn ra gói gọn trong bốn ngày; những bước tiến đáng ngạc nhiên này được ông ghi lại trong cuốn nhật ký viết chung với Clara:

Ngày 23 tháng 1: Bắt đầu bản giao hưởng Mùa xuân.
Ngày 24 tháng 1: Hoàn thiện chương Adagio và Scherzo của bản giao hưởng.
Ngày 25 tháng 1: Lửa giao hưởng bừng cháy – những đêm không ngủ – đang hoàn thiện chương cuối.
Ngày 26 tháng 1: 26: Hoan hô! Bản giao hưởng hoàn tất!        

Schumann dành mấy tuần sau hoàn thiện tác phẩm và kết thúc công việc vào 20 tháng hai.

Trong lá thư gửi Wolfgang Robert Griepenkerl, một người bạn là nhà phê bình âm nhạc uy tín, Schumann nói rằng bản giao hưởng Mùa xuân được “ra đời trong một thời khắc dữ dội”. Trong lá thư khác gửi nhà soạn nhạc kiêm nhạc trưởng Louis Spohr, ông nêu rõ: “Tôi viết bản giao hưởng này trong trạng thái vội vã của mùa xuân, nó cuốn con người đi, bất kể người đó tuổi đã cao, và cứ mỗi năm nó lại mang đến một sinh khí mới.”

Khi trao đổi qua thư với nhạc trưởng Wilhelm Tauber, Schumann viết: “Ông có thể thổi một chút mong mỏi khát khao mùa xuân vào dàn nhạc khi họ chơi bản này được không? Đó là điều mà tôi nghĩ đến nhiều nhất khi sáng tác vào tháng một năm 1841. Tôi muốn tiếng kèn trumpet đầu tiên vang lên phải có âm hưởng như tiếng gọi từ trên cao, như lời hiệu triệu con người thức tỉnh. Thêm nữa, trong phần mở đầu, tôi muốn âm nhạc phải cho thấy rằng thế giới đang nhuốm dần màu xanh, có lẽ là với một chú bướm bay lượn, rồi sau đó, ở phần Allegro, âm nhạc phải thể hiện được mọi thứ cho thấy rằng mùa xuân đang hồi sinh.” Nhưng điều ngạc nhiên hơn cả là khi ông viết thêm rằng: “Tuy nhiên, những ý tưởng này chỉ đến sau khi tôi đã hoàn thiện tác phẩm.”

Hành trình của mùa Xuân

Ban đầu, Schumann đã đặt tiêu đề cho từng phần trong bản nhạc. Sau đó, ông đã gạch bỏ trước khi công diễn, song thiết nghĩ chúng ta vẫn nên nhớ đến chúng, bởi đây là manh mối cho thấy những gì diễn ra trong tâm tư của nhà soạn nhạc, qua đó giúp chúng ta hiểu rõ hơn nội dung và tinh thần bao quát từng chương.

Chương đầu tiên được ông đặt tên là Mùa xuân bừng dậy, và tiếng kèn trumpet mở đầu tương ứng với câu thơ của Adolph Böttger, nguồn cảm hứng của Schumann khi sáng tác:
Ồ kia! Hãy quay lại! Quay lại và đi lối khác

Trong thung lũng mùa xuân bừng dậy rồi!

Chương thứ hai có tên ban đầu là Buổi chiều, một khúc nhạc êm dịu và mơ màng đúng theo phong cách của Schumann và ẩn chứa tinh thần mộ đạo. Chương này được chuyển liền sang khúc scherzo với tiết tấu nhanh và mạnh mẽ với tiêu đề Những người bạn vui vẻ. Tương tự như các scherzo khác của Schumann, khúc này cũng gồm hai phần trio tương phản nhau: phần thứ nhất mang không khí huyền bí, còn phần thứ hai lại sôi nổi theo đúng tinh thần của điệu nhảy dân gian Đức Ländler. Và dẫn lối tới chương cuối mang tên Lời từ biệt của mùa xuân là âm thanh của các nhạc cụ dây.

Để từ không khí đầy sống động trong đoạn kết của chương một đến đoạn kết của bản giao hưởng không gây ra cảm giác hụt hẫng, Schumann đã xây dựng đoạn kết bản giảo hưởng bằng một đoạn nhạc dài có tiết tấu nhanh, nhún nhẩy, như lời từ biệt vui vẻ.


 

Bản giao hưởng mùa Xuân là mốc xuất phát cho những tác phẩm giao hưởng về sau của nhà soạn nhạc. Vào tháng tư và tháng năm, ông viết tác phẩm The Overture, Scherzo, và Finale (một bản giao hưởng không có chương chậm mà Schumann gọi là bản “symphonette”). Ngay sau đó, vào ngày 20 tháng năm, ông hoàn tất bản Fantasy piano cung La thứ (sau được phát triển thành chương đầu bản piano concerto nổi tiếng của Schumann). Mười ngày sau, ông lại tiếp tục viết tác phẩm khác, bản giao hưởng cung Rê thứ (một thập kỷ sau đó, ông viết lại bản này thành tác phẩm mà ngày nay chúng ta gọi là bản giao hưởng số 4). Cuối năm đó, ông còn tập trung vào một bản giao hưởng khác ở cung Đô thứ (nhưng bản này không được hoàn thiện). Vậy là chỉ trong một năm, Schumann đã thiết lập được cho mình một vị trí vững chắc trên cương vị sáng tác giao hưởng.


Nguồn: Bùi Thu Trang - Tia Sáng

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Cười cùng Haydn (11/08/2015)