So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, nền nghệ thuật âm nhạc Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận.
Nền âm nhạc thế giới cũng đã ghi nhận hàng loại gương mặt nghệ sĩ xuất sắc như GS-TS Trần Văn Khê (âm nhạc truyền thống), NSND Tạ Bôn (violin), NSND Đặng Thái Sơn (piano), nhạc trưởng Lê Phi Phi, NSƯT Bùi Công Duy (violin)… Tuy nhiên, tại thời điểm hội nhập, việc đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp đang đối mặt với nhiều bài toán khó để có thể phát triển và thăng hoa.
Thiếu chiến lược đào tạo
Theo PGS-TS Ngô Văn Thành, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam: Hiện chúng ta cũng đã đào tạo được một số ít tài năng âm nhạc nhưng thực sự những “sản phẩm” này còn mang nhiều tính tự phát, ngẫu nhiên. Các tài năng âm nhạc Việt Nam vẫn chưa thực sự đạt những thành tích tốt ở những giải thưởng quốc tế, đòi hỏi trình độ chuyên nghiệp cao. Trong khi đó, một số nước trong khu vực dù chỉ mới đào tạo tài năng (khoảng 10-15 năm) nhưng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Họ có những chiến lược phát triển tài năng bài bản, hiệu quả, dễ dàng vượt xa thí sinh Việt Nam ở những cuộc thi quốc tế.
Nguyên nhân được chỉ ra là do hệ thống đào tạo với thiết chế và cơ chế bao cấp đã không còn đáp ứng được yêu cầu đào tạo tài năng giai đoạn mới. Cho đến nay, cả nước chỉ còn vài nhạc viện lớn vẫn kiên trì đào tạo tài năng ở một số loại hình nghệ thuật nhất định. Việc đào tạo được duy trì một cách đối phó cũng là nguyên nhân khiến chất lượng nguồn nhân lực suy giảm dần. Cùng đó, một số cơ sở đào tạo cũng rất lúng túng khi bị chi phối bởi cơ chế thị trường, hoặc “bất đắc dĩ” chạy theo cơ chế thị trường, không có cơ chế tự chủ rõ ràng để mạnh dạn xây dựng những khung chương trình theo chuẩn quốc tế… Song nguyên nhân được coi là quan trọng nhất đó là việc thiếu chiến lược đào tạo căn bản mang tầm nhìn xa.
Chia sẻ kinh nghiệm về đào tạo âm nhạc, nhà nghiên cứu Zhao Ke (Đại học Nghệ thuật Quảng Tây, Trung Quốc) cho rằng, chiến lược phát triển của trường này là xây dựng nền tảng quốc tế thông qua hợp tác đào tạo. Trước hết là dự án trao đổi 3+1 ngành âm nhạc với Trường Đại học Western Oregon (Mỹ). Ở dự án này, sinh viên học 3 năm trong nước và năm cuối tại Mỹ; thứ nữa là dự án hợp tác với 30 trường nghệ thuật nổi tiếng của Đông Nam Á, xây dựng theo mô hình trung tâm đào tạo kết hợp với lễ hội âm nhạc, diễn đàn và khóa học, làm nổi bật các đặc trưng âm nhạc trong khu vực ASEAN và phát huy vai trò hai chiều (thu hút tài năng đến Trung Quốc và gửi tài năng ra nước ngoài).
Tiếp cận môi trường âm nhạc thế giới
Mổ xẻ kỹ hơn về những rào cản trong việc đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp trong bối cảnh hội nhập, nhiều chuyên gia âm nhạc khẳng định, hội nhập quốc tế trong đào tạo âm nhạc rất cần thiết cho mỗi quốc gia nên việc liên kết giảng dạy để tìm ra những tài năng âm nhạc; sau đó giảng dạy, đào tạo là cần thiết. Nhưng để làm được việc này cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành để âm nhạc là sợi dây xóa bỏ rào cản ngôn ngữ, kết nối các quốc gia trên thế giới.
Đồng tình với quan điểm này, GS-TS Trần Thu Hà nhấn mạnh: Muốn hội nhập, chúng ta phải có sự học tập, nghiên cứu, tìm hiểu nghiêm túc, đầy đủ về tình hình, tốc độ phát triển cũng như những xu thế mới trong đào tạo âm nhạc trên thế giới hiện nay để xây dựng một quy trình đào tạo chặt chẽ, mang tính khoa học. Trong đó, yếu tố quan trọng đầu tiên là hình thành đội ngũ người thầy có chất lượng cao và phát triển mạnh hơn nữa về số lượng. Bởi đây là ngành mang tính đặc thù, những giờ học chuyên môn thường là một thầy một trò. Thời gian người thầy làm việc với học trò, dẫn dắt học trò là một quá trình lâu dài trong nhiều năm. Bên cạnh vai trò của đội ngũ giảng dạy, cần phải thay đổi quy trình, phương pháp đào tạo để có thể đi bằng con đường ngắn hơn nhưng có kết quả cao hơn; cần đưa vào chương trình giảng dạy một tỷ lệ nhiều hơn các tác phẩm đương đại để sự nghiệp đào tạo mang nhiều hơi thở của thời đại.
Giờ đây, bên cạnh việc tiếp thu kiến thức trực tiếp từ thầy, cô giáo thì việc thu nhận, tìm hiểu kiến thức từ Internet cũng đem lại nhiều hiệu quả tốt đối với những người được đào tạo chuyên nghiệp. Vì thế, một số ý kiến của người tâm huyết với âm nhạc cho rằng, nên xây dựng thư viện âm nhạc được số hóa, mở ngân hàng dữ liệu online cung cấp văn bản, bản nhạc, âm thanh và hình ảnh âm nhạc cho nhiều đối tượng khác nhau trong và ngoài nước… Việc quảng bá kiến thức âm nhạc chuyên nghiệp qua mạng sẽ góp phần nâng cao dân trí, tức là không giới hạn trong đào tạo chuyên nghiệp mà còn mở rộng ra cả lĩnh vực giáo dục kiến thức phổ thông.
Cùng đó, theo TS Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cũng được kỳ vọng sẽ đem tới luồng gió mới trong tư duy đào tạo âm nhạc, đề cao vai trò của người thầy, thể hiện thông qua năng lực sư phạm, biểu diễn và nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu của xã hội, thúc đẩy sự chuyên nghiệp hóa trong công tác đào tạo biểu diễn…
Theo Mai An – SGGP