Âm nhạc giao hưởng điện tử đang trở thành “món ăn” tinh thần mới lạ ở Việt Nam. Tiếc là ý tưởng âm nhạc độc đáo này mới chỉ được đón nhận một cách dè dặt ở Huế.
Hai luồng ý kiến
Cuối năm 2015, phong cách âm nhạc giao hưởng điện tử bắt đầu được nhiều bạn trẻ tại Huế chú ý khi nhóm nhạc Mafia Music (kết hợp nhiều sinh viên Học viện Âm nhạc Huế) ra đời. Sử dụng các nhạc cụ giao hưởng, như: violin, cello, sáo flute, kèn trumpet… những thành viên trong nhóm đem các bài nhạc giao hưởng chơi trên nền nhạc điện tử.
Mới ra đời, nhóm biểu diễn ở một số sự kiện tổ chức tại Huế. Tuy nhiên, lượng người đón nhận còn khiêm tốn nên việc duy trì phong cách âm nhạc này dần rơi vào thế khó. Quang Nhật, trưởng nhóm Mafia Music, buồn bã: “Trong khi khách Tây thích thú và hòa mình vào đêm nhạc thì nhiều khán giả tại Huế vẫn còn thấy lạ lẫm. Từ đây, xuất hiện hai luồng ý kiến ủng hộ hoặc không đồng tình với phong cách âm nhạc này”.
Anh Trần Thành Nhân, một người yêu âm nhạc tại TP. Huế bày tỏ, lâu nay nhiều người đã quen nghe âm nhạc thuần cổ điển hoặc thuần hiện đại. Việc kết hợp, trộn lẫn hai thể loại là không nên. Phía ngược lại, những người đồng tình cho rằng, phong cách âm nhạc mới ra đời là xu hướng tất yếu và đi kịp thời đại. Hình thức kết hợp âm nhạc như hòa chảy theo xu hướng thế giới hiện nay trong sự bão hòa âm thanh và sáng tạo. Đây được xem là nhịp cầu giữa cái cũ và cái mới, mang lại cho người nghe cơ hội khám phá, thưởng thức những âm thanh, giai điệu mới lạ.
Nhạc sĩ Lê Phùng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế cho rằng, đời sống xã hội phát triển, nhu cầu giải trí của con người cũng thay đổi theo thời gian. Hiện nay có khá nhiều thể loại, phong cách âm nhạc mới được sản sinh phù hợp với nhu cầu của người nghe đương đại. Cái mới ra đời hợp với văn hóa, có nghệ thuật thì cũng có thể chấp nhận được.
Sự kết hợp hợp âm nhạc đã trở nên quen thuộc trên thế giới từ những thập niên 80, 90. Tuy du nhập vào Việt Nam khá muộn, song gần đây, phong cách âm nhạc giao hưởng điện tử “bén rễ” ở hai đầu đất nước và có sự lan tỏa. Điển hình như trong dự án âm nhạc CD Li ti của ca sĩ Tùng Dương đã kết hợp giữa chất liệu điện tử với các nhạc cụ giao hưởng và DJ; hay năm 2011, DJ Đoàn Trí Minh, một trong những tên tuổi của làng nhạc điện tử Việt Nam trình làng “Hanoi Love Story” pha trộn giữa hai thể loại âm nhạc, đĩa nhạc này được đón nhận nồng nhiệt cả trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Ngọc Ban, Phụ trách Khoa Giao hưởng, Học viện Âm nhạc Huế cho rằng, các nghệ sĩ, trong đó có những sinh viên theo ngành âm nhạc thích tìm tòi có ý nghĩa tích cực trong việc phát triển khả năng sáng tạo bản thân. Đối tượng sinh viên ở Huế thường chọn phối các bài nhạc có sẵn theo phong cách mới. Đây không phải là cách làm mới, vấn đề quan trọng là kết hợp như thế nào để không phá vỡ cấu trúc bài nhạc, sáng tạo phù hợp chứ không phải trộn lẫn, hiểu rõ khái niệm sáng tạo thì sự hình thành phong cách âm nhạc mới là phù hợp.
Tìm hướng đi
Sự kết hợp giữa âm nhạc giao hưởng và nhạc điện tử mang tính nghệ thuật và được nhiều người thừa nhận. Trong bối cảnh các loại hình giải trí tại Huế còn khiêm tốn thì phong cách âm nhạc mới này ra đời như một nhịp sống mới, nhất là với đối tượng giới trẻ. Song trong bối cảnh hiện nay, việc tìm hướng đi cho phong cách âm nhạc này vẫn còn bỏ ngỏ.
Tại một buổi hội thảo về âm nhạc trong nước, nghệ sĩ đàn tranh Hải Phương cho rằng, sự kết hợp trong âm nhạc là độc đáo và thú vị, đem lại sự tò mò và thích thú nhất định cho khán giả. Tuy nhiên chỉ nên xem đó là sự phá cách nhẹ nhàng chứ không nên là một sự thay thế hoàn toàn. Nghĩa là phải kết hợp tinh tế và có chọn lọc.
Việc thiếu kinh nghiệm từ các bạn trẻ (nhóm Mafia Music) làm cho “đứa con” tinh thần mới ra đời ở Huế chưa được nhiều người đón nhận, thậm chí còn bị đánh giá là thứ âm nhạc dễ dãi. Tuy nhiên, khách quan mà nói, lý do còn lại cũng một phần do nhiều người chưa sẵn sàng tiếp nhận cái mới, trong khi việc quảng bá về phong cách âm nhạc này, nhất từ phía người đam mê đang còn hạn chế. “Do say mê biểu diễn nên tụi em chưa chú trọng giới thiệu để nhiều người biết phong cách âm nhạc này. Đồng thời, vì sự đầu tư cho tập luyện và biểu diễn lớn, cát sê đưa ra khá cao khiến các đơn vị ngại mời. Đây là những vấn đề cần khắc phục”, Quang Nhật nói.
Theo ông Nguyễn Ngọc Ban, ngoài sự đầu tư về chuyên môn, ở Học viện Âm nhạc Huế có khá nhiều hoạt động để thực tập, biểu diễn, nếu các thành viên theo phong cách âm nhạc giao hưởng điện tử nắm bắt, đây cũng là cơ hội để nhóm quảng bá hướng đi mà họ đang theo đuổi.
Nhiều chuyên gia âm nhạc cho rằng, cái mới thường tạo ra những “băn khoăn” và khiến người khác để ý. Với những cái mới tích cực, ngoài việc quảng bá, cũng nên có sự đầu tư, chú trọng chất lượng. Nghệ thuật phục vụ cuộc sống nên khi đảm nhận đúng nhiệm vụ, mặc nhiên sẽ được mọi người đón nhận.
Nguồn: Minh Tâm - TTH