Vừa qua UNESCO đã chính thức ghi danh công nhận di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Theo đó, nghệ thuật hát Văn (hay còn gọi là hát chầu văn, hát bóng) ngày càng có chỗ đứng hơn trong các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian truyền thống của người Việt Nam.
Đây cũng là cơ hội để nghệ thuật hát Văn ở làng An Mô, xã Lê Lợi, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương được bảo tồn và phát huy giá trị.
Chúng tôi về An Mô để tìm hiểu về nghề hát Văn. Muốn gặp được đầy đủ những người hát văn của làng không dễ, bởi dịp này vào mùa “làm ăn”.
Họ rất bận rộn. Họ tỏa đi khắp các đền, phủ để hát Văn, hát hầu các canh đồng, giá đồng. Tuy nhiên, những người tôi gặp cũng giúp tôi hiểu được về nghề hát văn ở đây.
Theo đó, nghề hát Văn ở làng An Mô có từ lâu đời gắn với những hoạt động tín ngưỡng tâm linh thờ Mẫu ở Đền Sinh, Đền Hóa. Lão làng nhất trong nghề hát văn ở An Mô là ông Phạm Văn Trạnh, 77 tuổi.
Ông chính là người khôi phục nghề hát Văn ở An Mô, ông kể: “Ngày bé tôi chỉ nghe các cụ trong làng rồi nhớ. Lúc đó chỉ nhớ lõm bõm thôi. Sau này, khi đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ nên chẳng còn ai hát Văn nữa. Mà các cụ biết hát Văn cũng đã qua đời rồi, lớp trẻ sau này không còn ai biết”.
Những năm 1979 – 1980, sau khi nghỉ công tác xã đội, ông Trạnh về nghỉ và bắt tay vào khôi phục lại nghệ thuật hát Văn. Ông tìm đến những cụ già còn sống, rồi đến gia đình con cái của các cụ ngày xưa biết hát Văn trong làng để hỏi, ghi chép lại những lời Văn cổ. Rồi ông học chơi các nhạc cụ như: đàn nguyệt, thổi sáo, thanh la.
Ông Trạnh “khăn gói” lên đường đến các địa phương có nghệ thuật hát Văn như Thái Bình, Nam Định, Hà Nam để sưu tầm, ghi chép lại những bài hát Văn cổ.
Ông còn tìm hiểu rất kỹ các thể hát, lối hát trong hát Văn như: Hát Phú, Dọc, Cờn, Xá Thương, Xá Bằng, ngâm thơ...
Ngoài ra, ông Trạnh còn đến những di tích lịch sử, đền có thờ các Thánh, các danh nhân lịch sử có công với nước như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Nam Định, Hà Nam, Lạng Sơn, Cao Bằng… để sưu tầm các tích để về viết lời hát Văn mới.
Lúc đầu, một mình ông biểu diễn, tay đàn, miệng hát, chân gõ phách. Sau này, ông dạy cho con trai út là Phạm Ngọc Miền. Hai bố con đi hát khắp các nơi.
Hiện nay, anh Miền cũng đã trở thành một cung văn có tiếng trong vùng.
Ngoài ra, ông Trạnh còn dạy cho 2 cháu nội là Phạm Ngọc Khải, Phạm Ngọc Hoàng. Cháu Khải hiện ở nhà theo chú Phạm Văn Miền đi hát còn cháu Hoàng học ở Học viên Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và hiện sinh sống và hát Văn ở Hà Nội.
Không những dạy cho con, cho cháu trong gia đình, ông Trạnh còn dạy cho nhiều người trong làng, thậm chí ở nhiều tỉnh xa như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Lạng Sơn cũng đến xin học. Học trò tự mang gạo, tự ăn tự nấu, ngủ tại nhà thầy. Trong thời gian học, thầy không thu tiền.
Các học trò sau khi được thầy Trạnh dạy xong những kiến thức cơ bản về đàn, hát, thầy cho đi theo các buổi hát hầu đồng để thực tập. Khi nào có thể hát được các bài trong 36 giá đồng, coi như thành công.
Trong làng có nhiều người sau này trở thành những cung văn giỏi nghề như: cung văn Phạm Văn Quyết, Phạm Văn Tâm, Phạm Văn Minh, Hoàng Văn Khải…
Còn ông Phạm Văn Tâm, 50 tuổi, một cung văn có thâm niên, học trò của ông Trạnh cho biết: “Lớp người tuổi chúng tôi và trẻ hơn ở làng này đều là học trò của ông Trạnh. Nhà tôi có 3 anh em trai gồm tôi, anh trai là Phạm Văn Quyết, em trai là Phạm Văn Tới đều học đàn, hát Văn từ ông Trạnh. Tôi bắt đầu học hát Văn năm 25 tuổi. Sau khi được ông Trạnh dạy xong, tôi có theo anh em đi hát khắp nơi. Trước đây, một năm tôi đi hát đến 5 – 6 tháng. Anh trai và em trai tôi cũng vậy”.
Ngoài 3 anh em anh Tâm biết hát văn, nhiều con cháu của các anh cũng nối nghiệp theo nghề hát Văn. Anh Phạm Văn Quyết có 2 con trai là Phạm Văn Chí, 30 tuổi, Phạm Văn Trung, 27 tuổi cũng theo học hát Văn từ bố, các chú. Bây giờ, cả 2 anh em đều là những cung văn trẻ. Còn anh Tâm có con trai Phạm Văn Tú, 18 tuổi, đang học hát Văn và được bố cho theo phụ việc.
Theo anh Tâm, để biết hát dăm ba câu Văn thì dễ, ở làng có hàng trăm người biết hát nhưng để học thành được nghề, đi diễn chuyên nghiệp đòi hỏi người đó phải có năng khiếu, thẩm âm phải tốt, chất giọng cuốn hút, hát có hồn rất khó, phải khổ luyện, phải có “duyên” với nghề nữa. Có người học vài năm cũng chẳng thành, có người đi diễn rồi nhưng không có “duyên” cũng chẳng theo được nghề.
Sau hơn 30 năm kể từ khi ông Phạm Văn Trạnh khôi phục, đến nay, nghề hát Văn ở An Mô đã tương đối phát triển. Nhiều người biết hát, theo học hát Văn và đi hát chuyên nghiệp. Vào những mùa lễ hội, mấy chục cung văn của làng lại đi khắp nơi để biểu diễn. Ông Phạm Văn Cương, Bí thư chi bộ thôn An Mô cho biết: “Hiện ở An Mô có tới trên 200 hộ gia đình có người biết hát Văn, trong đó có 30 người làm nghề hát Văn chuyên nghiệp. Họ hoạt động rộng khắp từ trong Nam ra Bắc”.
Nguồn: Việt Cường - ĐĐK