Nhịp sống âm thanh
Mộc mạc hò khoan Lệ Thủy
14:22 | 28/03/2017

Nói đến văn hóa Quảng Bình, không thể không nhắc đến hò khoan Lệ Thủy. Với lối hát dung dị, mộc mạc và gần gũi, làn điệu dân ca này là món ăn tinh thần bao đời nay của người dân nơi đây. Những ngày qua, hò khoan Lệ Thủy đã vang lên giữa Thủ đô, tạo điểm nhấn trong chương trình “Quảng Bình trong lòng Hà Nội”.

Mộc mạc hò khoan Lệ Thủy
Hò khoan Lệ Thủy vang lên tại Hà Nội

Gắn với đời sống lao động sản xuất

Hò khoan đã thấm vào máu thịt bao đời của người dân Lệ Thủy nói riêng và Quảng Bình nói chung. Ra đời từ cuộc sống lao động sản xuất, những điệu hò có mặt khắp nơi, như chèo thuyền, giã gạo, cày bừa, cấy lúa, kéo gỗ, nện đất, cất nhà... đến tình yêu đôi lứa. Trong chiến tranh, điệu hò được sử dụng như một cách ra hiệu lệnh của quân du kích... Lần thứ 2 ra biểu diễn tại Hà Nội, nghệ nhân Trần Đình Thám cũng như các thành viên CLB Hò khoan Lệ Thủy đã “gửi hết tình yêu quê hương vào câu hát để thấy được Quảng Bình trong lòng Hà Nội thật rõ nét, thân thương”.

Nghệ nhân Trần Đình Thám cho biết: Hò khoan gồm có 9 mái (làn điệu) và hiện đã được dựng lại đầy đủ: Mái ba, mái nện, mái chè, mái nhì, mái xắp, mái duỗi, hò khơi, hò nậu xăm, hò lỉa trâu. Qua hành trình hàng trăm năm phát triển, từ những làn điệu cơ bản, các nghệ nhân dân gian tiếp tục sáng tạo thêm các lối hò như: Giao duyên, nhân nghĩa, điển tích, ghễnh ghẹo, bồn ba… Điệu hò rất phong phú, mỗi xã ở Lệ Thủy có cách hò và sự luyến láy khác nhau. Cũng như nhiều loại hình diễn xướng khác, hò khoan dần được nâng lên thành hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng có tính sân khấu, hoặc thi trong lúc nông nhàn. Một điều độc đáo nữa ở hò khoan Lệ Thủy, ấy là chỉ trong trường hợp biểu diễn hay thi mới dùng đến các loại nhạc cụ như nhị, sáo, trống, còn thông thường, nhạc đệm là công cụ lao động như chày giã gạo, sanh, gậy, mâm đồng, chén trà, hay tiếng vỗ tay lấy đà bắt nhịp, tạo ra âm thanh mộc mạc, gần gũi, thân quen.

Đã sưu tầm hơn 2.000 câu hò khoan Lệ Thủy, nhà nghiên cứu Đặng Ngọc Tuân cho hay, vui hò hát đã đành, đằng này khi buồn hay lúc lao động mệt nhọc, người dân cũng hò. Điều đó làm nên cái da diết, cháy bỏng, day dứt và cả sức sống của những điệu hò khoan. Trong hàng nghìn câu hò cổ mà các nhà nghiên cứu sưu tầm được, có thể thấy nội dung đề cập rất phong phú, nói về nhân tình, thế thái, sự đời, cho đến tình cảm, giao duyên, thậm chí là một chút trách cứ, than phiền. Nhưng bao trùm vẫn là tình yêu đất nước, quê hương, tình yêu lứa đôi sâu nặng, nhắc nhủ con người sống giữ trọn chữ hiếu, trung, nhân, nghĩa.

Lời ca chứa đựng sự răn dạy, ý nghĩa nhân văn, tình cảm, lối hát dung dị, thân thương, hò khoan Lệ Thủy đã trở thành nguồn sữa ngọt ngào nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ người dân nơi đây. Với những giá trị văn hóa dân gian đặc sắc, UBND tỉnh Quảng Bình đang tiến hành lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa hò khoan Lệ Thủy vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đưa hò khoan vào trường học

 Từ ngày 25 - 27.3, không gian văn hóa dân ca hò khoan Lệ Thủy đã được tái hiện tại nhà Bát Giác, phía sau tượng đài Lý Thái Tổ, Hà Nội. Điệu hò khoan cũng góp mặt trong phần mở màn chương trình nghệ thuật đỉnh cao Quảng Bình trong câu hát tối 26 - 27.3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Trước sự thay đổi của đời sống xã hội, thế hệ trẻ ngày nay không còn thích nghe hò khoan, thậm chí có thời gian, điệu hò khoan bị lãng quên và mai một. Tuy nhiên, tỉnh Quảng Bình và huyện Lệ Thủy đang nỗ lực bảo tồn làn điệu dân ca truyền thống đặc sắc này. Theo nghệ nhân Trần Đình Thám, hò Lệ Thủy đã được đưa vào chương trình giảng dạy từ huyện tới xã, từ bậc mầm non đến trung học. Khi đến truyền dạy, các nghệ nhân đều nhận thấy các cháu nhỏ rất hào hứng với điệu hò quê hương. Bên cạnh đó, hàng năm huyện cũng tổ chức những cuộc thi, hội diễn giữa các trường, các cấp học về hò khoan Lệ Thủy. “Việc đưa hò khoan Lệ Thủy vào chương trình học như vậy là niềm vui, sự động viên rất lớn với nghệ nhân chúng tôi, bởi đây sẽ là nền tảng để giữ gìn làn điệu dân gian của quê hương” - nghệ nhân Trần Đình Thám nói.

Giữ gìn làn điệu dân gian của quê hương, các nghệ nhân cũng lập câu lạc bộ, cùng nhau luyện tập, dựng lại và truyền dạy những giai điệu, ca từ hò cổ sâu đậm cho thế hệ trẻ; biểu diễn giới thiệu tới công chúng. Những câu lạc bộ tại Lệ Thủy đa phần là tự phát, hoạt động dựa trên kinh phí đóng góp xuất phát từ tình yêu với hò khoan, sự nhiệt tình và tâm huyết với dân ca quê hương Lệ Thủy.

Sinh ra trong gia đình có 4 đời hát hò khoan Lệ Thủy, nghệ nhân Nguyễn Thị Lý (64 tuổi) đã thành lập được 5 CLB, trong đó làm Chủ nhiệm CLB Hò khoan Lệ Thủy, với 23 thành viên, trong đó có 7 nghệ nhân mới được nhà nước công nhận, 3 nghệ nhân cấp quốc gia và 4 nghệ nhân cấp tỉnh, đều là những người yêu câu hò và tâm huyết với việc truyền dạy, gìn giữ dân ca cổ truyền này. Nghệ nhân Nguyễn Thị Lý hy vọng: “Tâm huyết, tình yêu hò khoan của chúng tôi sẽ giúp gìn giữ bản sắc quê hương và một ngày không xa điệu hò cũng được công nhận là di sản văn hóa của quốc gia và nhân loại. Từ đó, hò khoan Lệ Thủy được giới thiệu nhiều hơn tới khách du lịch trong nước và nước ngoài đề góp phần quảng bá về nét đẹp văn hóa của Quảng Bình và huyện Lệ Thủy”. Tuy nhiên, bà Lý cũng mong muốn các CLB Hò khoan Lệ Thủy được quan tâm, hỗ trợ tạo nguồn thu để bảo đảm đời sống cho nghệ nhân, giúp họ yên tâm truyền dạy và bảo tồn di sản văn hóa quê hương.

Nguồn: Hồng Nhung - ĐBND

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng