TRÀ AN
Người ta gọi Trịnh Công Sơn là Sứ giả tình yêu, Kẻ du ca về phận người, hay Người tình mọi thế hệ… nhưng có lẽ với tên gọi mà nhạc sĩ Văn Cao đặc biệt yêu mến dành tặng ông: “Con người thi ca” thì chức danh ấy phù hợp hơn cả.
Bởi Trịnh là một nhạc sĩ, điều đó đã hẳn, nhưng trên và trước hết người nhạc sĩ này chính là một thi sĩ tự trong bản chất và trong “cách thế sai sử ngôn ngữ của mình” (Bùi Vĩnh Phúc). Chính vì vậy, nhạc phẩm của ông cũng đồng thời được xem là thi phẩm.
Có thể nói, nhạc ngữ của Trịnh Công Sơn rất mới, tuy nhiên đó không phải là sự mới lạ ở việc dùng câu chữ phức tạp cầu kỳ mà là mới ở cách sắp đặt những từ ngữ hình ảnh ở cạnh bên nhau rất bất ngờ và độc đáo. Khảo sát sáng tác của Trịnh Công Sơn, tập trung ở nhạc phẩm “Chiếc lá thu phai” với tư cách là một tác phẩm văn học là để phát hiện ra sự mới mẻ đó. Đặc biệt, qua khảo sát này, chủ yếu khai thác sự biểu đạt thời gian, chúng ta có thể thấy rằng, đối với Trịnh, thời gian không hẳn chỉ là một đại lượng mà nó còn là một nỗi ám ảnh hoang hoải không dứt của nghệ sĩ trước cuộc đời. Thời gian trong nhạc phẩm của ông ẩn chứa rất nhiều triết lý hiện sinh sâu sắc về con người.
1. Thời gian trong sự đồng dạng với không gian
Có thể thấy, thời gian luôn được đặt trong mối tương quan với không gian. Và trong nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn, không gian cũng là một chiều kích của thời gian. Nhạc sĩ đã sử dụng những hình ảnh, những biểu tượng của không gian để nói về thời gian theo cách cảm cách nghĩ của riêng mình.
Nếu như “Diễm xưa” gợi nhắc lại quãng thời gian đã lùi vào rất xa, mở ra một không gian hoài niệm, câu thúc trong day dứt tã tầm của mưa với cánh cửa ngôn từ giàu hình tượng; “Lời buồn thánh” đi vào tâm trạng cô đơn không lối thoát trong tình yêu với những khuấy đảo vô vọng, lặp lại vùng không-thời gian trong sự hoang tàn đổ vỡ thì gặp gỡ “Chiếc lá thu phai” sẽ lại thấy một tựa đề gợi thời gian được mở đầu bằng hai câu đặc chỉ không gian:
“Về đây đứng ngồi/ Đường xa quá ngại…”
Những lời ca thơ mở đầu đã toát lên mối tương thông kì lạ giữa không- thời gian. Không gian được Trịnh mở ra ở đây là “Con đường”: “Đường xa quá ngại”. Đặt vào trong hệ thống sáng tác của Trịnh, người ta nhận ra đó không phải là một “không gian con đường” nào trong thực tại mà chính là con đường thời gian, con đường đời. Trong những nhạc phẩm khác, hơn một lần ông nhắc đến “con đường”: “Chợt tôi thấy thiên thu/ Là một đường không bến bờ” (Lời thiên thu gọi),“Đường hôm qua tôi thấy được rồi/ Đường hôm nay tôi đã cùng ngồi/ Có gì vui/ Đường tương lai xin nhắc từ đầu” (Như tiếng thở dài) hay: “Đường chạy vòng quanh một vòng tiều tụy/ Một bờ cỏ non một bờ mộng mị, ngày xưa” (Một cõi đi về)… Như thế, “con đường” chỉ là một ẩn dụ của dòng thời gian bất tận mà trên ấy chủ thể trữ tình đi - về: “Một cõi đi về”. Và khi nói: “Về đây đứng ngồi” thì “Đây” tuyệt nhiên không phải là nơi chốn cụ thể. “Đây” chỉ là một mốc thời gian không xác định, một thời điểm nghỉ chân trên “Đường xa quá ngại” mà thôi. Trong suốt nhạc phẩm - thi phẩm (5 đoạn) này, có 3 đoản khúc bắt đầu bằng chữ “về”: “Về đây đứng ngồi/ Đường xa quá ngại”; “Về thu xếp lại/ Ngày trong nếp ngày”; và: “Về bên núi đợi/ Ngậm ngùi ôi đá cũng thương thay”. Môtip “đi - về” là một môtip quen thuộc trong tiềm thức Trịnh Công Sơn. Với nghệ sĩ, cuộc đời tựa như một chuyến xe, một cuộc hành trình, có khởi đầu và kết thúc. “Về” đôi khi là điểm kết thúc của chuyến đi nhưng cũng có khi chỉ là một bến dừng tạm bợ. “Chiếc lá thu phai” có cả hai sự “về” ấy. Chữ “về” thứ nhất và thứ hai chung nhau một điểm nghỉ chân. Nhưng sang cái “về” cuối thì đó đã là điểm kết thúc của chuyến hành trình. Và có thể thấy “Về” (1) và “Về” (3) có chung một cấu trúc “về + địa điểm”. Thế nhưng trên mặt ý nghĩa đều là “về + thời gian”. Đây chính là yếu tố mới lạ trong cách thức sắp xếp và biểu hiện ngôn ngữ của Trịnh. Tuy nhiên như đã nói, trong sáng tác Trịnh Công Sơn, không gian và thời gian luôn hòa vào làm một luôn có mối tương thông, đồng dạng nên sự chênh nhau giữa cấu trúc và ý nghĩa trên không có gì là khó hiểu.
Như đã nói ở trước, nếu không gian “con đường” biểu tượng cho dòng đời thì không gian “Núi” lại là điểm kết thúc của dòng đời ấy. Nói cách khác, với Trịnh, “Núi” chính là thời khắc cuối cùng của trăm năm kiếp người, ấy là khoảnh khắc cuối cùng để người ta hò hẹn nhau về cõi thiên thu. Bởi vậy, có thể bắt gặp: “Dưới vòng nôi mọc từng nấm mồ/ Dưới chân ngày cỏ xót xa đưa/ Người đã đến và người sẽ về/ Bên kia núi” (Cỏ xót xa đưa); “Chợt như xác thân không còn/ Tưởng mình như là cơn gió/ Về chân núi thăm nấm mồ (Lời thiên thu gọi); hay “Tôi như là người ngồi trong đêm dài/ Nhìn tôi đang quá ngậm ngùi/ Một hôm buồn lên núi nằm xuống” (Tự tình khúc)… Như vậy núi và con đường mặc dù là hai hình ảnh không gian nhưng lại là những biểu tượng của thời gian. Vì thế, cõi thời gian trong Trịnh Công Sơn trở nên thật đặc biệt. Thời gian trong cảm nhận bằng không gian có thể rộng, vơi: “tháng năm quá rộng” (Khói trời mênh mông), “Ngựa xa rồi ngựa xa rồi trên ngày tháng vơi” (Phúc âm buồn). Thời gian, nhờ vậy mà hiện hữu hơn, gần gũi hơn và cũng giàu sức gợi, sức ám ảnh hơn.
2. Thời gian đồng hiện (hay thời gian cảm giác)
Trong cuốn “Thời gian”, nhà ngôn ngữ học người Đức H.Weinrich chỉ ra rằng, về cơ bản người ta thường gặp các thời hiện tại, thời quá khứ hoàn thành không xác định (le passé composé) và thời gian tương lai trong thơ. Tuy nhiên trong thực tế sáng tác người ta vẫn bắt gặp những trường hợp cá biệt, nằm ngoài quy luật chung ấy. Và “Chiếc lá thu phai” chính là một trong số hiếm hoi các trường hợp cá biệt đó. Thời gian trong “Chiếc lá thu phai” không có thì, thức, trật tự. Ấy là thời gian cảm giác. Xuyên suốt tác phẩm không hề xuất hiện một phó từ chỉ thời gian (đã, đang, sẽ…) như thường thấy và cũng thiếu hẳn các động từ. Thời gian trong nhạc phẩm được diễn tả bằng những tính từ. Cũng có thể xem đó là thời gian nhìn lại, một kiểu thời gian tĩnh nhưng bởi vì thiếu hẳn các từ chỉ thời quá khứ nên nó trở thành thời gian đồng hiện. Cái xảy ra ngày hôm qua vẫn còn diễn ra hôm nay và sẽ còn tiếp tục hôm sau, cho đến muôn đời. Có lẽ đó cũng là lý do khiến cho thời gian trong nhạc ngữ Trịnh Công Sơn thường là thời gian chiều tối hoặc đêm - khoảnh khắc bắt đầu cho sự muộn màng của ngày và dần đi đến sự tàn tạ nhưng không bao giờ vươn đến được khoảng thời gian kết thúc của thì quá khứ. Đây cũng là thời khắc ngưng đọng nhất của lòng người, là lúc con người tự ngẫm ra mình, nhìn lại mình, thấy được mình. Trong tập chuyên luận về Trịnh Công Sơn, nhà nghiên cứu Bùi Vĩnh Phúc có nhắc đến kiểu thời gian tàn phai. Nhưng đồ rằng, có lẽ đó chỉ là cái “Độ phai tàn sắp sửa” (Xuân Diệu) mà thôi. “Chiếc lá thu” chỉ mới “phai” chứ chưa tàn. Cái tôi đang “khô héo” đi chứ chưa chết. Kể cả hình ảnh “lau trắng” cũng trở nên khó xác định bởi từ “chập chờn”. Trịnh Công Sơn không dừng lại ở bất cứ khoảnh khắc nào. Với ông, trong một lát cắt thời gian luôn có cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Cả trục thời gian đồng hiện trên cùng một câu hát “Trong xuân thì thấy bóng trăm năm”. Ngay trong một khoảnh khắc “chiều hôm” ngỡ như xác định thì cũng ám ảnh trong đó cả trăm năm cuộc đời: “Chiều hôm thức dậy/ Ngồi ôm tóc dài/ Chập chờn lau trắng trong tay”.
Gói trong buổi chiều hôm là cả nghìn năm lau trắng. Và chập chờn sau nét “lau trắng” hư ảo là một thời gian hướng vọng đến thiên thu. Hình ảnh này khiến người nghe âm nhạc Trịnh Công Sơn nhớ đến: “Bao nhiêu năm làm kiếp con người/ Chợt một chiều tóc trắng như vôi/ Lá úa trên cao rụng đầy/ Cho trăm năm vào chết một ngày” (Cát bụi). Sự cảm nhận thời gian bằng cảm giác khiến cho thời gian không chảy trôi theo mạch thông thường mà được nhào trộn thành hình khối, thành một cõi hỗn mang. Trong đó, tồn tại một “cái tôi” “nằng nặng hoang mang” (Ru đời đi nhé), “ngậm ngùi” khi chẳng thể nào ở hiện tại mà luôn bị ám ảnh bởi một miền quá khứ tiều tụy hoặc một trăm năm vô biên chẳng thấy đâu là bến bờ. Thời gian cứ đan xen liên hồi giữa quá khứ - hiện tại - tương lai.
Đi vào khảo sát đoạn đầu tiên của ca khúc cũng lại thấy rõ điều này. “Về đây đứng ngồi”, chỉ một chữ “đây” đã kéo cả câu thơ về thì hiện tại. Đứng ở giây phút hiện tại, nhạc sĩ suy ngẫm về cuộc đời:
“Đường xa quá ngại”. Phút chốc trong câu thứ hai đã chứa đựng cái nhìn hai chiều Quá khứ - Tương lai. Lần này thì chữ “Ngại” lại đóng vai trò gói ý. Đứng ở cuối câu, chữ “ngại” tuồng như nén một cái nhìn lo âu pha chút chán chường về con đường dài đã đi qua và con đường xa đang còn ở trước mặt. Thời gian như được kéo giãn ra hai chiều ngược nhau mà trung tâm chính là thời điểm “Đây”. Nhưng đến câu thứ ba, thời gian lại trở về với thì hiện tại, với thời điểm dừng chân đã nói tới: “Để lòng theo chút nắng bên ngoài”. Ở thời điểm hiện tại này, lòng người tạm thả mình, nương náu vào “Chút nắng” - một biểu tượng của cái đẹp, cái bình yên, dịu vợi và man mác buồn trong thế giới Trịnh Công Sơn, để thấy tâm hồn nhẹ nhàng hơn, để rồi lại đi tìm chút gì dịu ngọt trong mùa xuân quá khứ: “Mùa xuân quá vội/ Mười năm tắm gội”. Mùa xuân là quãng thời gian đẹp nhất trong năm. Và tuổi trẻ là quãng đời đẹp nhất của mỗi người. Thế nhưng, tựa mùa xuân, tuổi trẻ thường trôi mau. Trong khoảng kiếp trăm năm chỉ có “mười năm” người ta được tắm gội trong mùa xuân tuổi trẻ. Để rồi hôm nay khi nhìn lại, chủ thể không khỏi “giật mình” hoảng sợ: “Giật mình ôi chiếc lá thu phai”. Như vậy, nếu tổng kết lại, sẽ có một bảng cấu trúc thời gian trong đoản khúc thứ nhất như sau:
Về đây đứng ngồi
Hiện tại
↓
Đường xa quá ngại
Quá khứ + Tương lai
↓
Để lòng theo chút nắng bên ngoài
Hiện tại
↓
Mùa xuân quá vội
Quá khứ
↕
Mười năm tắm gội
Quá khứ
↓
Giật mình ôi chiếc lá thu phai
Hiện tại
Nếu tiếp tục thao tác như vậy, sang đoạn hai, lại thấy sự đồng hiện của quá khứ và hiện tại trong cái “chập chờn lau trắng”, còn đoạn ba lại trở về với hiện tại để rồi đoạn thứ tư hướng vọng đến tương lai.
Có thể thấy, thời gian trong “Chiếc lá thu phai” là một dạng thời gian đồng hiện, trong đó đôi khi quá khứ - hiện tại - tương lai trở nên nhập nhằng khó phân biệt được. Cũng cần nói thêm rằng Trịnh Công Sơn là một người luôn tâm niệm “sống với mỗi sát na của hiện tại”. Ông cho rằng: “Cái giờ phút mình đang sống đây mới thật là quan trọng”. Thế nhưng người nghệ sĩ luôn yêu quý hiện tại ấy lại rất hay tìm về với quá khứ hoặc ngưỡng vọng tới tương lai. Điều này không hề mâu thuẫn. Bởi chỉ khi tìm về với quá khứ và nghĩ đến tương lai con người ta mới có thể tìm thấy ý nghĩa cho sự hiện sinh trong thực tại. Đặc biệt ở con người luôn trăn trở với kiếp người, với sự tồn tại của con người như Trịnh Công Sơn thì điều này càng trở thành một ám ảnh mãnh liệt. Ông sống với thì hiện tại và đi tìm câu trả lời cho sự tồn tại bằng quá khứ, hiện tại và tương lai trong suy tư và âm nhạc của mình.
3. Thời gian quay vòng
Lấy tâm điểm là cái tôi - hiện tại, người nhạc sĩ lần lượt xoay ống kính suy nghiệm của mình về các chiều thời gian khác nhau. Đầu tiên là tuổi trẻ:
Mùa xuân quá vội
Mười năm tắm gội
Tuổi trẻ có thể coi là khoảng thời gian người ta sinh ra và trưởng thành. Rồi ngày hôm nay là hiện tại, khi chủ thể giật mình nhận ra: “Chiều hôm thức dậy/ Ngồi ôm tóc dài/ Chập chờn lau trắng trong tay”. Tuổi già (lão) đã đến gõ cửa từ bao giờ không hay. Để rồi chỉ còn lại cái phai tàn, mỏi mệt (bệnh): “Cuồng phong cánh mỏi”. Và một kết cục tất yếu: đi về cõi hư vô (tử): “Về bên núi đợi/ Ngậm ngùi ôi đá cũng thương thay/ Nằm nghe giữa trời/ Giòn vang tiếng cười/ Điệu kèn ai buốt trong tôi”… Đến đấy đã kết thúc một hành trình: sinh - lão - bệnh - tử của con người. Nhưng dòng thời gian không dừng lại ở đó. Bài hát khép lại với một cánh cửa mở ra: “Một hôm nhớ lại/ Hẹn ngày sau sẽ mua vui”. Triết lý Phật giáo cho rằng, vạn vật có sinh có diệt. Nhưng diệt rồi lại sinh. Chính Trịnh Công Sơn cũng đã từng phát biểu: “Một ý tưởng chợt tắt để làm mầm chuyển hóa cho một ý tưởng khác nảy sinh. Cái mất không bao giờ mất hẳn. Cái còn không hẳn là còn”. Bởi không có gì là thực và cũng chẳng có gì là mộng. Sắc sắc không không. Sắc là không và không chính là sắc. Người ta đi từ cát bụi rồi trở về cát bụi để lại tiếp tục vong hóa thân. Cuộc sống là một vòng luân hồi bất tận, là chiếc bánh xe quay mãi trên con đường dài. Ông thường hay nhắc đến “cõi đi về”, đến “tiền kiếp”, “ngày sau” cũng vì lẽ đó: “Ta thấy em trong tiền kiếp với cọng buồn cỏ khô” (Rừng xưa đã khép); “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” (Diễm xưa)… Với Trịnh, thời gian cũng gắn liền với hò hẹn. Sống là một cuộc hẹn hò bất tận “Hẹn ngày sau sẽ mua vui”. Bởi thế thời gian trong Trịnh Công Sơn luôn là thời gian xoay vòng: sinh - lão - bệnh - tử rồi lại sinh.
Người ta thường nói Trịnh Công Sơn bị ảnh hưởng nhiều bởi triết thuyết Phật giáo. Sống trong một môi trường mộ Phật, hơn nửa cuộc đời được bao bọc trong tiếng chuông chùa của thành phố Huế cổ kính, điều này thiết nghĩ không có gì là lạ. Và quả thực, ca từ Trịnh Công Sơn luôn thấm đẫm đạo Phật. Trịnh Công Sơn giác ngộ cái chết để thêm yêu, thêm quý trọng mỗi phút giây của cuộc sống. Vì vậy mới có cái “giật mình”: “Giật mình ôi chiếc lá thu phai”. Trong Trịnh vừa có sự thâm trầm, tĩnh tại của người hiểu đến tận cùng bản chất của cái chết, lại vừa có nỗi lòng thiết tha với mỗi phút sống: “Về thu xếp lại/ Ngày trong nếp ngày/ Vội vàng thêm những lúc yêu người”. Ấy là tâm thế của một con người sẵn sàng đón đợi ngày ra đi, đồng thời vẫn muốn tận hưởng đến kiệt cùng cuộc sống trần gian mà mình đang có. Thế nên mới muốn “thu xếp” “ngày trong nếp ngày” để “vội vàng thêm những lúc yêu người”. Như thế, Trịnh Công Sơn đã xây dựng trong sáng tác của mình một thế giới thời gian luân hồi bất tận nhưng lại gắn vào đấy một tấm lòng ràng buộc cùng những nỗi đời, những giới hạn của cuộc sống hiện sinh. Nhờ vậy mà thời gian trong Trịnh Công Sơn thật đặc biệt.
Nếu hội họa hay kiến trúc được xem là nghệ thuật của không gian thì có thể coi văn chương chính là nghệ thuật của thời gian. Dù bằng hình thức này hay hình thức khác thì trong văn học, việc tái hiện thời gian chính là miêu tả sự vận động của cuộc sống, là tái hiện quan niệm của con người về sự tồn tại, biểu hiện tâm lý con người trước biến cố sự kiện. Vì vậy, khác với thời gian trong cuộc sống chỉ có một chiều, thời gian trong tác phẩm văn học là thời gian hư cấu đa chiều. Có nhiều khi, để biểu đạt thời gian, người nghệ sĩ đã đi ngược chiều từ hiện tại trở về quá khứ, rồi từ quá khứ đi tới tương lai và có lúc cả quá khứ và tương lai đồng hiện trong một thời khắc của hiện tại. Chính vì thế văn học có thể chiếm lĩnh, tái hiện đời sống một cách đa dạng sâu rộng mà các loại hình khác không thể nào đạt được. Với nhạc phẩm - thi phẩm “Chiếc lá thu phai”, Trịnh Công Sơn đã thể hiện được điều đó.
T.A
(TCSH386/04-2021)