Cuộc tiến quân vào Tây Bắc đã làm bừng ngộ trong ý thức sáng tạo của nghệ sĩ nói chung và nhạc sĩ nói riêng rằng, chữ dân tộc không thể bị bó hẹp trong vốn cổ của người Kinh mà còn phải được tung hoành trong vốn cổ của tất cả các dân tộc trên Tổ quốc Việt Nam mà Tây Bắc là một địa chỉ quan trọng. Và thế là các nhạc sĩ của chúng ta đã mê mải nhập vào phần "dân tộc' đặc biệt quyến rũ này để chắt lọc ra những giai điệu của mình ca ngợi cuộc chiến đấu ở Tây Bắc, ở Điện Biên. Và bên cạnh trận đại thắng Điện Biên "chấn động địa cầu" còn có một trận đại thắng Điện Biên trong âm nhạc với đầy đủ ý nghĩa cách tân của thời điểm lịch sử này.
Trong hàng loạt các tác phẩm viết về Tây Bắc và Điện Biên Phủ như Đường lên Tây Bắc (Văn An), Qua Miền Tây Bắc (Nguyễn Thành), Chiến sĩ Tây Bắc hành khúc (Lưu Hữu Phước), Đèo Pha Đin (Trọng Lanh), Em bé Mường La (Trần Ngọc Xương), Hò kéo pháo (Hoàng Vân), Tây Bắc chiến thắng (Lưu Bách Thụ), Mừng chiến thắng Tây Bắc (Đặng Đình Hưng), Tây Bắc sáng lại (Trọng Bằng), thì bộ ba Hành quân xa, Trên đồi Him Lam, và Chiến thắng Điện Biên của Đỗ Nhuận quả là một kiệt tác cho sự bừng ngộ này.
1. TỪ MỘT Ý CHÍ HÀNH QUÂN
Đỗ Nhuận theo đơn vị vào Tây Bắc sau khi vừa cưới vợ nhân một đợt tuyển diễn viên cho Văn Công Quân Đội.
Ông và nhà thơ Trần Dần được biên chế vào đại đội 267 của Đại Đoàn 308 "Quân Tiên Phong" cuộc hành quân bộ đội từ Đại Từ xuyên Đèo Khế sang Tuyên Quang, rồi Bình Ca, rồi đến sông Hồng. Những người lính vai vác nặng đã tới Thượng Bằng La - Yên Bái. Họ vừa đi vừa truyền vào nhau ý chí: "Là lính, đâu có giặc là ta cứ đi". Chính từ khi nghe được câu nói ấy, trong Đỗ Nhuận đã loé lên một tia chớp sáng tạo bất ngờ, làm bừng ngộ nỗi băn khoăn đi tìm một bản hành khúc cho người lính suốt những năm trường kháng chiến. Cho nên khi y tá đơn vị đề nghị ông viết bài hát động viên chiến sĩ bảo vệ đôi chân, Đỗ Nhuận đã viết ngay "Muốn đi được tốt (a) cái chân phải bền". Song chính vì đã bắt đầu "ngấm men" suốt quãng đường hành quân hôm sau, Đỗ Nhuận chợt nghĩ tới nét giai điệu "làm vui không biết, không biết mỏi" mở đầu ca hát của nhân vật ông bố trong ca kịch Cả nhà thi đua. Từ nét giai điệu đặc dân ca này, Đỗ Nhuận đã tạo ra câu mở đầu cho bản hành khúc với ý chí "Đâu có giặc là ta cứ đi". Đó là câu "Hành quân xa dẫu có nhiều gian khổ". Chọn ngay điệu thức Sol ngũ cung "Son - la - đô - rê - mi", Đỗ Nhuận nhanh chóng viết xong nhịp hành khúc thuần Việt thật độc đáo ở thể một đoạn đơn của ca khúc. Bốn câu thơ trong thể một đoạn này thật vuông vắn. Mỗi câu thơ gồm 4 ô nhịp của nhịp 2/4: "Hành quân xa dẫu có nhiều gian khổ - vai vác nặng ta đã đổ mồ hôi...". Bài ca vừa được hát ra đã được ngay anh em đại đội súng cối hưởng ứng, hát theo. Đỗ Nhuận sướng quá như vớ đuợc của quý, cứ hát thật to từng câu anh em hòa theo. Đêm đó, Đỗ Nhuận làm lời hai:
Dù đôi chân những chặng đường đã mỏi Hãy bước đều ta hãy hỏi vì đâu Mấy năm trước sống cơ cực vì bọn giặc kia nó áp bức. Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi.
Theo nhịp hành khúc, đoàn quân tới nhà tù Sơn La - nơi mà cuối năm 1944, Đỗ Nhuận bị đày. Đêm xuống, ngồi trên nền xi măng trại tù đã đổ nát, Đỗ Nhuận đã viết ra đoạn ba trong nước mắt :
Bọn xâm lăng nó gây nhiều đau khổ Kia đồng bào đang mắt đỏ chờ ta Máu giai cấp, chí căm thù đợi lệnh truyền ra ta quyết chiến Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi.
Đỗ Nhuận viết ngay thư cho vợ kể về cuộc hành quân và chuyện sáng tác Hành quân xa. Ông không quên ép vào thư một bông hoa găng đỏ của xứ Sơn La. Chính tình yêu gia đình, nghĩa lính đã khiến cho Đỗ Nhuận vút lên từ đáy lòng mình điệu nhạc vừa chân thành, giản dị vừa gọn ghẽ, sáng sủa. Nghệ thuật đích thực thật lạ. Dũng khí đâu cứ phải hô to? "Hành quân xa" hay còn gọi là "Đâu có giặc là ta cứ đi" đã theo đoàn quân vào trận.
2. KHÚC CHIẾN THẮNG MỞ MÀN
Giờ xuất phát đánh trận Him Lam mở màn thật thiêng liêng. Khi xuất phát trời mưa tầm tã. Bộ đội đeo tiểu liên ngang ngực, bộc phá vác vai, lội bì bõm dưới giao thông hào.
Tổ sáng tác cũng căng nilon che mưa. Trên miệng hào, Trần Ngọc Xương chơi accordeon, Đỗ Nhuận kéo violon còn Nguyễn Tiến thì thổi sáo. Dàn nhạc hoà tấu Chiến sĩ Việt Nam của Văn Cao, Diệt phát xít của Nguyễn Đình Thi và Vì nhân dân quên mình của Doãn Quang Khải. Hoà tấu nhiều lần cho tới khi quân vào trận hết thì trời nắng.
Về lại hầm, Đỗ Nhuận ghi vào sổ tay những câu ngỡ như vô nghĩa, không ngữ pháp, không liên hệ, không đầu, không cuối. "Phan Đình Giót khi xuất phát nói sẽ có quà về cho văn công. Giờ G là giờ nào? Bộ đội đem theo một cán cờ dài. Cờ cuộn lại. Trận Him Lam đánh lớn, mở đầu cho chiến dịch đột phá khẩu. Hỏa lực địch... xuất kích... cắm cờ... Bác Hồ mừng vui...". Những từ ngữ này xoay tròn trong tâm tưởng Đỗ Nhuận.
Trận đánh diễn ra ác liệt. Từ ba giờ chiều đến sáu giờ tối, anh em thương binh qua hầm tổ sáng tác, đưa về trạm quân y tiền phương, Đỗ Nhuận xúc động khi nhìn những gương mặt thân thuộc bết máu nói: "Phan Đình Giót lấp lỗ châu mai để chúng tôi tiến lên. Nếu không có thân xác anh ấy cản lại hỏa lực thì tôi cũng hy sinh rồi, không còn về được đây".
Trận đánh diễn tiếp trong đêm. Khi gần sáng thì cao xạ pháo ta bắt đầu hoạt động lộ thiên trên quả đồi gần hầm hàm ếch của tổ sáng tác. Tiếng súng nổ "tằng! tằng!", tiếng anh em reo "A! trúng rồi". Đỗ Nhuận chạy ra xem, thấy hai đống lửa cháy khói đen đặc bốc lên. Có tiếng nói ta hạ một B26 và một Da-kô-ta. Sau khi ta thắng, cắm cờ trên Him Lam thì quân Pháp lồng lộn bắn phá ném bom về phía quân ta. Trận chiến thắng oanh liệt mở đầu bằng con đường máu. Chiến tranh là chiến tranh. Không thể đùa được. Lòng Đỗ Nhuận nén lại. Trong căn hầm hàm ếch từ chập tối, dưới ánh sáng ngọn đèn hộp "Gibbs" vặn nhỏ như đom đóm, một giai điệu hành khúc hào hùng bi tráng trào ra từ cảm xúc Đỗ Nhuận:
Hôm qua đánh trận Điện Biên chiến hào xuất kích Đồi Him Lam ta tiến vào đột phá tiêm đao tiến đánh vào...
Một điệu sol trưởng hun hút. Một hòa trộn nét nhạc giữa Hò Hụi với nhạc chèo giống như đoàn quân hòa trộn người khu Bốn, khu Ba trong rắn rỏi vào trận. Những từ ngữ lộn xộn hiện lên. Bỗng dưng chúng nhập vào nhau thẳng tắp như hàng quân. Cái giá máu thật đắt. Một cuộc chiến tranh sao có thể hớn hở toàn tin vui được. Máu đổ đổi lấy chiến thắng:
Ở đây chúng ta không quên Bao anh em đồng chí hy sinh trong trận này.
Và Đỗ Nhuận đã tiên đoán từ ngày 13.3.1954 rằng: "Điện Biên chúng ta toàn thắng". Tráng ca Trên đồi Him Lam đã được hát vang dọc chiến hào Điện Biên.
3. KHÚC KHẢI HOÀN ĐIỆN BIÊN
Sau trận Him Lam, Đỗ Nhuận cùng đoàn văn công trở về Mường Phăng cách Mường Thanh chừng mười cây số để sửa đường cho pháo lớn tiến vào trận địa trước mùa mưa. Ngày ngày, vừa cầm cuốc sửa đường, Đỗ Nhuận vừa nung nấu bản hành khúc chiến thắng. Ông viết trong hồi ký: "Dứt khoát bài hát phải có chất dân ca của miền Tây Bắc". Nhưng chiến thắng là của cả nước, vậy cần phải hòa điệu các dân tộc. Nhưng không tham. Tham sẽ làm loãng tính thống nhất của bài ca. Cần có nhạc cảm. Chân thực và dễ hát. Những ý đồ lớn lao dành cho tương lai. Bài hát chiến thắng này chỉ cần dựng lên một cái mốc nhỏ, đánh dấu trận chiến thắng lịch sử này bằng một hình thức âm nhạc dễ phổ cập. Về khúc thức, cần thoải mái, không nên bó hẹp trong sách vở. Người lính trèo đèo vượt núi sau bao ngày gian khổ mới làm nên chiến thắng thì khúc thức âm nhạc không cần phép tính ngang bằng sổ thẳng như Hành quân xa. Về lời ca phải súc tích. Về thời điểm viết thì đó là... nhờ trời. Cứ tập trung tư tưởng để lấy đà chờ đúng lúc thì bay lên thăng hoa. Sáng tác trước hoặc sau thời kỳ ấy đều không đủ độ, thiếu chất men. Dù ghi dày đặc năm trang sổ tay những từ ngữ lộn xộn như : "em bé xòe hoa - Đàn bướm trắng - Lá ngụy trang - Súng đại bác - Giải phóng Điện Biên". Và khoảnh khắc thiêng liêng của sáng tạo đã ập đến. Vào đúng chiều 7.5.1954, ngay tại bản nhỏ ở mặt trận Điện Biên, khi người liên lạc lao xe đạp vào giữa bản hô to: "Mường Thanh địch hàng rồi! Giải phóng Điện Biên rồi". Đỗ Nhuận ứa nước mắt, toàn thân như nhẹ bổng. Khi bay trong không gian, khi nhảy một mình tít thò lò với lởn vởn một giai điệu mới. Suốt đêm, tiếng búng dây đàn violon của Đỗ Nhuận đã làm ra một hành khúc chiến thắng của toàn dân tộc - hành khúc Giải phóng Điện Biên. Trong mùi sắn lùi thơm phức, Đỗ Nhuận như mê đi giai điệu mở đầu như tiếng kèn Trompette ca khúc khải hoàn. Rồi hơi thở dân ca Tây Bắc tràn ra: "bản Mường xưa nương lúa mới trồng - kìa đàn em bé giữa đường nắm tay xòe hoa..." Bỗng dưng ở đâu thật tự nhiên, nét nhạc của điệu chèo sắp qua cầu nối tiếp vào nhuần nhuyễn: "Xiết bao sướng vui từ ngày lên Tây Bắc - đồng bào nao nức mong chúng ta trở về...". Cung đô trưởng được thả sức tung hoành cả bảy nốt đã cụm lại rực lên cao trào như ánh nắng rực rỡ chiều chiến thắng: "Núi sông bừng lên - đất nước ta sáng ngời cánh đồng Điện Biên - cờ chiến thắng tưng bừng trên trời". Hành khúc được viết nhanh như có thần nhập. Nó đã được phổ biến cho bộ đội mặt trận. Nhờ thành tích viết bài hát này, trong lễ mừng công, Đỗ Nhuận được Bộ Tổng Tư Lệnh trao tặng Huân chương chiến công hạng nhì.
Giải phóng Điện Biên đã trở thành một đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tạo âm nhạc của Đỗ Nhuận. Hành khúc đã trở thành một nhạc hiệu thường xuyên của Đài Tiếng Nói Việt Nam. Chất dân tộc thấm đẫm trong hành khúc khiến cho khi kết bài bằng át âm sol của cung đô trưởng, vẫn có cảm giác kết trọn.
Trận đại thắng Điện Biên trong âm nhạc vẫn tiếp tục suốt nửa thế kỷ qua. Nhờ bừng ngộ hai chữ "Dân tộc" trong Đề cương văn hóa của Đảng, các nhạc sĩ Việt Nam đã đi tới những đỉnh cao của một nền âm nhạc cách mạng "tiên tiến", đậm đà bản sắc dân tộc". Đỗ Nhuận tiếp tục khẳng định mình ở tầm cao qua nhạc kịch Cô Sao, Người tạc tượng. Nguyễn Xuân Khoát tìm đến những tổ khúc cho dàn nhạc trống "Siêu giai điệu". Hoàng Việt với giao hưởng Quê hương. Đàm Linh đầy chất thổ dân trong Rhapsody Chim ưng. Nguyễn Đình Tấn với giao hưởng Đuốc sống. Nguyễn Văn Thương với giao hưởng Đồng Khởi. Đỗ Hồng Quân với Rhapsody Việt Nam. Nguyễn Thiên Đạo thành công tác phẩm Tuyến lửa ngay tại Paris 1969... và biết bao các nhạc sĩ đã tìm được ngôn ngữ riêng của mình trong kho tàng âm nhạc dân tộc đa dạng và phong phú của Việt Nam như Trọng Bằng, Doãn Nho, Nguyễn Văn Nam, Lân Tuất, Tôn Thất Tiết, Phan Ngọc... Ở thế kỷ mới, với thế hệ nhạc sĩ trẻ, trận đại thắng vẫn đang chờ đợi những Vũ Nhật Tân, Kim Ngọc, Giáng Son, Xuân Thủy...
Từ những khai thác âm nhạc dân tộc mang tính "tương tự", các nhạc sĩ Việt Nam thế hệ mới đang chuyển sang khai thác mang tính "số hóa". Tinh thần Điện Biên trong sáng tạo âm nhạc lại mãi mãi là vô tận.
N.T.K (190/12-04)
|