Nhịp sống âm thanh
Ca trù qua một số truyền thuyết
15:13 | 27/11/2009
TrẦn thỊ AnCho đến nay, ca trù vẫn là một thể loại văn chương âm nhạc rất xa lạ với đông đảo đại chúng. Trong ấn tượng chung, ca trù là một sinh hoạt âm nhạc trước hết gắn với lễ lạt của các ông hoang bà chúa hay các miếu đền, sau nữa là thú ăn chơi ở dinh quan, thậm chí trở nên sa đọa và trụy lạc nơi ca quán.
Ca trù qua một số truyền thuyết
Ca trù Việt Nam - Ảnh: yenbai.gov.vn

Ấn tượng đó thực ra không phải không có cơ sở, căn cứ vào sự phát triển tự thân của thể loại ca trù mà như một số nhà nghiên cứu đã tổng kết các giai đoạn của nó là: ca trù- nhạc (gắn với cung đình, đền miếu), ca trù- thơ (ở các dinh quan, giáo phường), ca trù- rượu (ở các cao lâu, tửu điếm). Có vẻ như ca trù là một thế giới hoàn toàn khép kín của các bậc vương giả, của người có tiền, người có chức sắc hay những bậc quân tử hào hoa. Vậy trên thực tế ca trù có phải hoàn toàn tách rời đời sống nhân dân hay không? Lịch sử và truyền thuyết dân gian đã cho thấy một thực tế khác. Vào nhiều thời điểm lịch sử, ca trù chẳng những gắn bó với đời sống hàng ngày của nhân dân (sinh hoạt hát ả đào trong dân gian) mà còn tích cực đóng góp sức mình vào công cuộc kháng chiến vì đại nghĩa của dân tộc (truyền thuyết về các ả đào giết giặc Minh, các bài hát hiệu triệu lòng yêu nước vào những năm đầu thế kỷ XX).

Thực tế trên cho thấy, ca trù quả có một đời sống riêng khá phong phú và phức tạp, rất cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để tránh những thành kiến và quy chụp đơn giản một chiều. Mặc dù không thể kết luận được sự hình thành và phát triển của thể loại qua cứ liệu truyền thuyết nhưng trong tình hình thiếu tư liệu nói chung, những truyền thuyết còn sót lại có thể gợi một đôi điều suy ngẫm về vị trí và ý nghĩa của ca trù trong đời sống tâm thức dân gian và trong đời sống sinh hoạt dân gian. Bởi những gì có ý nghĩa với cộng đồng, dân tộc thì đều được truyền thuyết quan tâm ghi lại. Đó là phạm vi mà bài viết nhỏ của chúng tôi muốn đề cập đến.

1/ Truyền thuyết về ca vũ và ban nữ nhạc:

Truyền thuyết về các nhân vật dân gian:

Các nhà nghiên cứu khi bàn đến sự hình thành và phát triển của ca vũ đều dẫn Ngô Thì Sỹ trong Việt sử tiêu án một truyền thuyết kể rằng: Tương truyền vua Triệu Vũ Đế (thế kỷ II trước công nguyên) khi đi tuần thú đến làng Đồng Sâm (Kiến Xương, Thái Bình) đã lập hành cung ở đó và lấy bà Trình Thị làm hoàng hậu. Bà là một ca nữ tài giỏi nên sau khi bà mất, con cháu bà vẫn giữ nghiệp ca công. Truyền thuyết về tài ca hát của bà không còn nhưng bà đã để lại một dấu ấn trong lễ tục hát ca trù đó là lễ Chầu Cử ngày 6 tháng 8, ngày giỗ Triệu Đà hàng năm ở đền Đồng Sâm. Sách Việt Nam ca trù biên khảo trong mục Tổ chức giáo phường có ghi cách tổ chức lễ này vào ngày giỗ tổ 11 tháng chạp và ngày giỗ Triệu Đà 6 tháng 8 như sau: “Trước ngày giỗ độ một tháng, các trùm họp nhau lại cắt đặt đào hay kép giỏi mọi nơi về hát thờ, đào kép dầu ở cách xa mấy mà giáo phường đã cắt đặt cũng phải tìm về hát. Những người được về hát thờ coi đó là một vinh hạnh”. Trong ngày này, đào kép giỏi ở các nơi được gọi về hát thờ nghi lễ rất trọng thể. Tài năng và công lao của Trình hoàng hậu đối với sự nghiệp ca trù như thế nào, đến nay chúng ta không còn biết nhưng việc ghi nhớ công ơn của bà trong lễ hát thờ ở đền Đồng Sâm cho thấy trong tâm thức dân gian ca trù có một lịch sử rất lâu đời. Đây là một sự thật lịch sử hay chỉ là một ý muốn tôn vinh, mong muốn cho nghề nghiệp của mình có một lịch sử lâu đời của người dân? Và liệu tài ca hát của bà hoàng hậu họ Trình có phải là ca trù ngày nay ta biết hay không? Đó là một vấn đề cần được tìm hiểu.

Cũng với một ý thức tôn vinh, truyền thuyết dân gian đã ghi lại những tấm gương liệt nữ là các ả đào. Đó là các đào nương họ Đào (Đào Xá, Tiên Lữ, Hưng Yên), họ Lương (Chuế Cầu, Ý Yên, Nam Định) đều dùng tiếng hát của mình làm diệu kế giết giặc Minh, phò vua Lê dựng nên nghiệp lớn. Ngoài ra còn có các ả đào dùng mỹ nhân kế phá súng thần công của giặc Tàu-Ô thời vua Lê chúa Trịnh. Các nàng đều được phong làm phúc thần, được lập đền thờ nghìn năm hương hỏa. Đặt vào hoàn cảnh lúc đó, trong một xã hội mà “xướng ca” bị coi là “vô loài” (Luật Hồng Đức cấm quan lại lấy phụ nữ làm nghề xướng ca, con nhà xướng ca không được đi thi mà Đào Duy Từ là một nạn nhân tiêu biểu) thì mới thấy nhân dân công bằng biết nhường nào, yêu quý và tôn kính các cô đào dám xả thân vì nghĩa lớn đến mức nào. Có thể vì chiến công của các cô đào mà nghề ca trù được trọng vọng lên nhiều nhưng cũng có thể vì yêu quý nghề hát của mình mà người dân đã thêu dệt thêm những chiến công oanh liệt cho các cô đào hát, hòa trộn lòng yêu mến tiếng hát lời ca vào lòng yêu nước thành một niềm tự hào hết mực về truyền thống dân tộc.

Truyền thuyết về các nhân vật lịch sử và dã sử:

Các truyền thuyết dân gian còn tìm gặp được sự tôn vinh nghề hát xướng của mình qua những nhân vật lịch sử và dã sử. Đó là các bậc vương phi giỏi hát ca, giàu lòng thương dân yêu nước. Trước hết phải kể đến nàng Bích Châu, vị nữ thần ngự ở ngôi đền thiêng nơi cửa bể Hà Tĩnh. Nàng ca nhi họ Nguyễn này được vua Trần Duệ Tông (1374-1377) yêu quý lập làm phi đã cùng vua xông pha dẹp giặc, dám mang thân liễu yếu đào tơ để làm yên sóng biển, giúp ba quân yên lòng vào chốn trận mạc. Sách Truyền kỳ tân phả chép nàng có tên là Nguyễn Cơ tự Bích Châu, còn sách Lê triều dã sử và Thần tích làng Kỳ Hoa thì chép nàng họ Nguyễn được vua phong là Tử Vân phu nhân. Sau này nàng còn hiển linh âm phù vua Lê Thánh Tông thắng trận, được tu sửa đền miếu và được sắc phong. Đền thờ nàng được lập ở xã Kỳ Hoa, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Đo còn là cô gái gõ phách bị câm tương truyền là con của Nguyễn Trãi từ khi gặp vua Lê Thánh Tông (1460-1497) đã cất hát du dương khiến nhà vua yêu quý lập làm Trường Lạc hoàng hậu. Đó còn là vương phi Phùng Ngọc Đài (dưới thời Trịnh Tráng) nổi tiếng đẹp người hát hay đã xin được nhà Chúa cho dân Thiên Bản miễn phu phen tạp dịch, là người mà dân nhớ ơn nên hàng năm mở hội kéo chữ để bày tỏ tấm lòng làm nên tục kéo chữ ở hội Phủ Giày ngày 7 tháng 3 hàng năm. Cùng thời chúa Trịnh còn có ca nhi nổi danh đất kinh kỳ Nguyễn Thị Huệ rất thông tỏ lịch sử được chúa Trịnh Cương phong Ngọc Kiều phu nhân giữ chức nữ quan trông coi ban nữ nhạc. Nàng rất giàu lòng thương người đã cứu muôn dân khỏi ốm đau bệnh tật. Sống giàu lòng nhân, chết linh thiêng, nàng được phong làm phúc thần, dược lập đền thờ ở Hà Nội. Đó còn là vương phi Nguyễn Thị Kể (dưới thời Trịnh Doanh) chẳng những cứu được mấy trăm người dân vùng biên giới Cao Bằng, Lạng Sơn khỏi tội chết mà còn cứu được hai làng Lôi Động và Lập Thạch, Vĩnh Phú khỏi bị triệt hai. Nàng còn thường xuyên bỏ tiền của ra cứu giúp người nghèo khó, làm việc công ích khiến dân hết lòng yêu thương kính phục. Các bậc vương phi, hoàng hậu này đều xuất thân từ nguồn gốc bình dân, hay nói cách khác là từ phong trào ca hát dân gian, bằng tài năng và đức độ của mình đã được chính quyền phong kiến thừa nhận ở những địa vị tột bậc cao sang. (Chính một ca nữ ở đời Lê Dụ Tông 1706-1729 sau khi được tiến vào phủ Chúa đã xin đước Chúa Trịnh Cương bãi bỏ lệnh cấm con nhà ca xướng không được đi thi. -Vũ trung tùy bút).

Thực tế cho thấy một điều là vào thời vua Lê Chúa Trịnh, hát ca trù đã phát triển rất sâu rộng trong dân gian với rất nhiều gương mặt tiêu biểu và đã có những giao thoa nhất định với nhã nhạc trong cung đình. Cũng sách Việt Nam ca trù biên khảo ghi rằng việc vua Lê Thánh Tông sách lập cô gái trong ban Nữ nhạc làm Trường Lạc hoàng hậu là vào năm Quang Thuận (1460- 1469) còn việc soạn hai bộ Đồng văn và Nhã nhạc thì xảy ra sau đó vào năm Hồng Đức (1470-1497). Dòng dân gian và dòng cung đình, nhã nhạc và tục nhạc đến đây tuy đã có phân biệt rất rõ ràng nhưng không thể nói là hoàn toàn cách biệt. Lại có thể thấy rằng, từ chức quản giáp mà vua Lê Thái Tổ đặt ra để quản lý các phường nhạc dân gian để tuyển lựa những người hát hay múa giỏi vào phục vụ triều đình (mà sau này được đọc chệch là kép trong hát ca trù) đến các giáo phường đời Lê trải đã mấy trăm năm nay thì sự ảnh hưởng qua lại đó tuy mạnh yếu có lúc khác nhau nhưng không thể không lưu lại những dấu ấn đáng kể. Những dẫn chứng nêu trên cho thấy một điều là sự thừa nhận của nhà Chúa đối với những thân phận đào nương bé nhỏ trước hết là sự thừa nhận những tài năng âm nhạc trong dân gian. Còn trong tâm thức nhân dân, các ả đào có công với nước dù vô danh hay có tên tuổi đều xứng đáng được tôn vinh. Để rồi từ những chỗ đứng cụ thể trong lịch sử, họ đã bước vào thế giới bất tử của nữ thần, hòa chung trong điện thờ linh thiêng của thần dân nước Việt. Sự tôn vinh, niềm tự hào chính đáng về truyền thống ca hát của các ban Nữ nhạc của nhân dân ta có khi không được các sử gia phong kiến ghi vào chính sử nhưng truyền thuyết dân gian đã bổ sung vào để ta có thể hình dung được một cách đầy đủ hơn tình cảm, suy nghĩ, cách ứng xử của lịch sử đối với một hiện tượng văn hóa truyền thống vốn được coi là phức tạp này.

2/ Truyền thuyết về tổ ca trù:

Lễ tế tổ là một sinh hoạt rất quan trọng trong các giáo phường song ngày tế tổ và đối tượng thờ thì mỗi nơi một khác. Theo cụ Chu Hà, ở Bãi Thủy, Chẩn Xuyên (Thiệu Yên), Ngọc Trung, Bàn Thạch (Thọ Xuân), Văn Trinh (Quảng Xương) của tỉnh Thanh Hóa là những nơi có dòng ca công phát triển, đã thờ chung vị tổ sư tên là Phong Quân. Ông này vốn là một hàn sỹ tiều phu, nhờ hát hay đàn ngọt đã chinh phục trái tim công chúa (không rõ thời nào), khiến công chúa bỏ cả cung đình đi theo tiếng gọi của nghệ thuật. Về sau cả hai vợ chồng đều trở thành nghệ sỹ dân gian, truyền nghề hát và được lập đền thờ ở xã Ngọc Trung. Đền thờ nay không còn chỉ còn dấu tích gọi là Dải Đàn và Túi Sênh (giống cây đàn đáy và túi sênh). Còn ở làng Lỗ Khê (xã Liên Hà, Đông Anh, Hà Nội), nơi có sinh hoạt hát ca trù nổi tiếng thì sự tích tổ ca đã được ghi lại ở bản thần phả Sự tích tổ sư giáo phường do Đông Các học sỹ Đào Cử soạn tháng giêng năm Hồng Đức thứ 7 (1476). Theo bản thần phả này, tổ ca trù là ông Đinh Dự và bà Đường Hoa, con ông Đinh Lễ đời Lê Thái Tổ, quê gốc ở Thanh Hóa. Đinh Lễ do đi đánh giặc nên đóng quân ở Lỗ Khê, và ở đây, Đinh Dự đã gặp tiên nữ Đường Hoa rồi nên duyên vợ chồng. Hai ông bà đã mở giáo phường truyền nghề hát ả đào khắp vùng. Mãn hạn trần, Đường Hoa về trời và Đinh Dự cùng hóa ngày 13 tháng 11. Sau khi họ mất, vua phong cho chồng là Thanh Xà đại vương, vợ là Mãn Đường Hoa công chúa, cho lập đền thờ ngay cạnh đình Lỗ Khê. Hàng năm, vào ngày hóa của họ, dân làng tổ chức cúng tế rất linh đình.

Sự tích Tổ cô đầu ở làng Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) là sự tích được kể chi tiết nhất. Truyền thuyết này có một số chỗ giống và khác với bản thần phả ở Lỗ Khê. Truyền thuyết kể rằng, người truyền bá nghề hát ca trù ở làng Cổ Đạm ra khắp nơi là Đinh Lễ, tên tự là Nguyên Sinh. Thuở bé, Sinh đã giỏi đàn ca, tính tình rất phóng khoáng, thường dùng lời ca tiếng đàn để tiêu sầu, làm bạn cùng cây cỏ. Lớn lên, Sinh được tiên ông trao cho khúc ngô đồng và mẫu vẽ đàn để làm ra cây đàn đáy, khiến cho tiếng hát trở nên tuyệt hay có một không hai. Từ đó chàng đi ngao du khắp nơi, tiếng đàn của chàng đã giúp cho nàng Bạch Hoa (ở Thường Xuân, Thanh Hóa) khỏi bệnh câm và họ nên duyên vợ chồng. Cũng như Trường Lạc hoàng hậu đời vua Lê Thánh Tông, Bạch Hoa đã dùng tiếng hát để giải tỏa nỗi câm lặng trong lòng, nhờ tiếng hát mà hồi sinh, tái tạo một cuộc đời mới. (Phải chăng đó là ẩn ý sâu xa của tác giả dân gian về ý nghĩa hát ca trù?). Hai vợ chồng trở về Cổ Đạm lập nghiệp, chồng dạy đàn vợ dạy hát, đệ tử rất đông. Sau Đinh Lễ được tiên ông đưa về trời, hóa thành con chim xanh. Bạch Hoa cũng vì bệnh mà mất hóa thành cây đào đỏ. Vì thế, chồng được phong là Thanh Xà đại vương, vợ được phong là Mãn Đào Hoa công chúa, sắc cho dân lập đền thờ, lấy ngày 11 tháng Chạp làm ngày giỗ. Ở Hưng Yên, Hà Đông, Nam Định, Hà Nội đều có đền thờ hai vị tổ sư này. Riêng ở giáo phường Phượng Mỗ (Hà Tây) thì lại thờ một vị tổ sư có tên là Đinh Triết. Họ Đinh này có phải là hậu duệ của Đinh Lễ ở Cổ Đạm hay không, chưa đủ cứ liệu để chứng minh.

Dân ca công Ngọc Trung (Thanh Hóa) thì lưu truyền rằng, nơi đây xưa kia các giáo phường ca công trong cả nước đều về cúng lễ. Song sử sách không thấy lưu giữ được tên tuổi của các nghệ nhân, các tác giả và các sinh hoạt giáo phường ở đây. Như vậy, có thể ở Ngọc Trung (Thanh Hóa), vào một giai đoạn nào đó ca trù đã phát triển và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các vùng khác nên dân ca công ở đây đã tôn vinh vị tổ của mình thành tổ nghề ca trù. Song cứ liệu sách vở thì đã bị thất truyền. Còn ở Cổ Đạm, những tài liệu còn lại đã cho thấy nơi đây trong sự tác động tổng hợp của nhiều yếu tố (sẽ nói ở phần sau), chắc chắn đã có một giai đoạn ca trù phát triển rực rỡ, có ảnh hưởng tới các giáo phường lân cận cũng như các vùng khác trong cả nước. Sự phát triển sâu rộng ca trù trong đời sống dân gian một cách đột khởi khiến cho người dân Cổ Đạm tin rằng, vị tổ nghề đã xuất hiện nơi đây và truyền nghề cho cả nước.

Có một vấn đề khá lý thú khi tìm hiểu truyền thuyết tổ ca trù là mối quan hệ giữa nguồn gốc ca trù, thời điểm xuất hiện ca trù và vấn đề tổ ca trù. Các nhà nghiên cứu rất quan tâm đến vấn đề: Ca trù thoát thai từ đâu? Và họ đã tìm ảnh hưởng của các nền nhạc ngoại lai vào ca trù (Chiêm Thành, Trung Quốc, Ả Rập). Nhưng sau khi rất khó tìm thấy dấu vết của ảnh hưởng ngoại lai, các tác giả quay về xu hướng coi nó là một yếu tố nội sinh. Nhạc sĩ Phạm Duy đã phỏng đoán rằng: “Hát ả đào khi xưa đã theo âm luật Trung Hoa. Tuy nhiên nếu ta nghiên cứu số điệu hát ả đào còn lại thì ta thấy nhạc ngữ vẫn rất Việt Nam. Ngay một nhạc cụ rất quan trọng của hát ả đào là cây đàn đáy tuy có mặt từ lúc hát ả đào mới hình thành (TK XV) cũng là một cây đàn hoàn toàn Việt Nam”. Nhà văn hóa Nguyễn Văn Ngọc thì hào hứng khẳng định: “Văn hát nói thật là một lối văn đặc biệt của nước ta cũng như các lối phong dao, lối lục bát đặc biệt vậy. Thơ hay phú, văn tế hay văn bia...còn bảo bắt chước, mô phỏng của Tàu ra chớ hát nói thì thật là riêng của ta, tự ta đặt thành lối, xưa nay chưa ai từng thấy có điệu từ, khúc hay nhạc phủ nào của Tàu giống thế”.

Quay về yếu tố nội sinh, các tác giả đã nghiên cứu sự xuất hiện của ca trù trên dòng phát triển của nền ca vũ nước ta. Nhiều tác giả dẫn Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sỹ chi tiết vua Lý Thái Tổ ban thưởng cho Đào Thị, do đó, con hát được gọi là đào nương, và sách Khâm định Việt sử chép việc vua Lý Thái Tổ đặt chức quản giáp (sau đọc chệch là kép) để khẳng định ca trù ít nhất cũng có từ đời Lý. Tác giả sách Việt Nam ca trù biên khảo viết: “Con người hễ biết nói là biết múa hát để bày tỏ tình cảm của mình và múa hát theo một hình thức nào đó thì được gọi là ca trù. Tuy nhiên ca trù tiến hóa không ngừng, về khúc hát cũng như về âm luật. Ca trù đời Lý không phải ca trù đời Lê ; ca trù đời Lê không phải ca trù đời Nguyễn”. còn theo tác giả sách Đặc khảo dân nhạc Việt Nam thì ca trù ra đời khoảng thế kỷ XIV,là “hậu thân của những tổ chức phường chèo bội: đào nương dưới quyền của người quản giáp (gọi nôm na là ông trùm), đi múa hát trong những cuộc lễ thần (hát cửa đình) hoặc trong những đám tiệc của nhà quan (hát cửa quyền)”. Cũng theo Phạm Duy thì “tổ chức của hát ả đào lúc đó rất là chặt chẽ, không có tỉnh nào của Bắc Việt là không có hát ả đào (hai tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa ở Trung Việt cũng có tổ chức), mỗi huyện có đến hai ba làng ả đào và hai ba huyện kết lại thành một đoàn thể hát ả đào. Ngoài việc hát cửa đình, hát cửa quyền, đào nương còn đi hát khao, hát vọng tại các nhà giàu nữa”. Các tác giả Ngô Linh Ngọc và Ngô Văn Phú có nêu một nghi vấn nhỏ về hai nhân vật truyền thuyết là Trình hoàng hậu (TK II tcn) và ca nữ Phạm Thị Trân được vua Đinh Tiên Hoàng phong chức Ưu Bà dạy múa hát trong quân đội. Tác giả viết: “Không có thư tịch nào cho biết hát múa thời Trình hoàng hậu và Ưu Bà Phạm Thị Trân như thế nào, chỉ có môn ca trù còn truyền lại đến ngày nay với khá rõ ràng về cứ liệu và hình thức hoạt động của nó”. Khi khảo sát các bộ phận của ca trù, về hát cung đình tác giả nêu dẫn chứng thời Nguyễn mạt với việc “lai kinh chúc hỗ” còn khảo sát về hát cửa đình ở nông thôn thì tác giả đã đẩy mốc thời gian về rất xa: “Đây là khu vực giáo phường với những luật lệ chặt chẽ nhất của giới ca trù từ ngàn xưa truyền lại”.

Sơ qua như vậy có thể thấy thời điểm hình thành ca trù có rất nhiều giả thuyết. Thế mà tổ ca trù lại xuất hiện vào đời Lê (theo Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề là cuối Lê), một giai đoạn mà ca trù đã phát triển rất rực rỡ, nhiều lối hát đã định hình. Thậm chí, theo tác giả Vũ trung tùy bút thì “cuối Lê chỉ có những ả đào già mới biết những xoang điệu cũ”, có nghĩa là ca trù đã trải qua một giai đoạn cực thịnh trong những giai đoạn của mình. Tại sao lại như vậy? Tìm hiểu vấn đề này, theo chúng tôi, cần đặt sự phát triển của ca trù trong mối liên hệ nhiều chiều với các nguồn tư liệu và các cách giải thích. Và chúng tôi thử tìm tìm hiểu sự giao thoa của các mối liên hệ ấy qua một vùng còn lưu giữ được khá nhiều tài liệu để đối chiếu, đó là làng Cổ Đạm.

3/ Nôi ca trù Cổ Đạm:

Truyền thuyết về đàn đáy:

Danh cầm đàn đáy Nguyễn Phú Đẹ (1923) - Ảnh: catruthanglong.com



Một chi tiết rất đáng chú ý trong các truyền thuyết về tổ nghề ca trù là truyền thuyết về cây đàn đáy. Đàn đáy là một nhạc cụ không thể thiếu được của hát ca trù mà hẳn ai cũng biết rằng “phi đàn đáy bất thành ca trù”. Trong tất cả cá truyền thuyết về tổ ca trù ở nhiều vùng mà hiện nay chúng ta còn có được chỉ có vùng Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) là có truyền thuyết về sự ra đời của cây đàn đáy. Theo truyền thuyết thì tiên ông đã ban cho Đinh Lễ khúc ngô đồng và tờ giấy vẽ kiểu mẫu đàn để ông chế tác ra cây đàn đáy. Tiên ông có dặn rằng: “Tiếng đàn gẩy lên sẽ trừ dược ma gủy, người ốm nghe khỏi bệnh, người buồn phiền nghe hóa vui vẻ”. Và cũng theo truyền thuyết, khi thành hình, chiếc đàn đáy có công hiệu phi thường, chẳng những cảm hóa được vạn vật mà còn tái tạo được cuộc đời mới cho con người (chữa được bệnh câm cho nàng Bạch Hoa). Truyền thuyết còn kể về cái tên của đàn là do “khúc đàn cuồn cuộn như nước chảy ra biển sâu không thấy đáy, sau mới bỏ chữ không đi, thành ra đàn đáy, có tên chữ là vô để cầm “(theo Việt Nam ca trù biên khảo). Có phải ngẫu nhiên chăng mà truyền thuyết về tổ ca trù gắn liền với việc chế tác ra cây đàn đáy và việc truyền bá nghệ thuật chơi đàn đáy? Chắc chắn không phải ngẫu nhiên bởi vì ca trù, như chúng ta biết ngày nay đã không thể tách rời với cây đàn đáy. Như thế có nghĩa là, cách đây mấy trăm năm, tính đến khi có cây đàn đáy, thì ca trù đã có một bước tiến nhảy vọt về chất để định hình thành một diện mạo ổn định, có một lề luật nội tại chặt chẽ, một sự hài hòa ở đỉnh cao chưa từng có. Sự kiện ý nghĩa này đáng được ghi thành một cái mốc lịch sử trong sự phát triển ca trù, người chế tác cây đàn đáy đáng được thêu dệt thành một thiên truyền thuyết đầy thơ mộng, đáng được tôn vinh thành một tổ nghề. Do đó, điều lạ là ca trù có thể có từ đời Lý (như một số truyền ngôn) mà đến cuối đời Lê mới xuất hiện tổ ca trù trở nên dễ hiểu.

Nôi dân ca Nghệ Tĩnh:

Chúng ta biết, làng Cổ Đạm nằm trong cái nôi dân ca Nghệ Tĩnh với hơn 100 điệu ru, ví, dặm, hò, vè... Đó chắc chắn là một miếng đất rất tốt để làm nảy nở và nuôi dưỡng một thể loại thơ nhạc đặc biệt như ca trù. Hơn nữa rất cần chú ý gợi ý của tác giả Nguyễn Đức Mậu về sự liên quan giữa dân ca Nghệ Tĩnh và ca trù: Đó là việc dùng “hơi trong” của ca trù với nguyên câm “ư” làm nền (khác với “hơi ngoài” của quan họ và chèo) và tiếng đưa hơi “ư, hư, ni, nị” tạo giọng trầm của hát dặm Nghệ Tĩnh. Ý nghĩ về việc hát ca trù và hát dặm có dùng một quê mẹ văn hóa là rất đáng suy nghĩ.

Những danh nhân tài hoa:

Có lẽ không có thể loại âm nhạc dân gian nào lại gắn bó chặt chẽ với tên tuổi của các văn nhân tài hoa như ca trù. Và chính Cổ Đạm là nơi lui tới hát xướng thường xuyên của các bậc học giả tài hoa, giỏi chữ và đam mê ca hát nổi tiếng như Nguyễn Khản, Nguyễn Công Trứ. Đặc biệt là Nguyễn Công Trứ, người có công hoàn chỉnh hát nói, đưa hát nói thành một thể thơ dân tộc, người mà Nguyễn Văn Ngọc đã đánh giá là “có sở trường về nghề ca trù”, tuy không phải là tổ nghề nhưng con nhà nghề và những người đi hát nên suy tôn và thờ tự cụ. Phải là một cái nôi ca trù mới sản sinh ra được Nguyễn Công Trứ và nhờ có Nguyễn Công Trứ thì ca trù mới có được bộ mặt ngày nay như chúng ta thấy.

Như vậy, Cổ Đạm vừa chắt lọc được hồn tinh túy của dân ca cổ truyền, vừa chứng kiến được sự phát triển đột biến tự thân của ca trù, vừa tiếp nhận được sự sâu sắc và uyên bác của các bậc thâm nho, sự phóng khoáng ngang tàng của các bậc trượng phu. Những yếu tố đó, cùng với lòng say mê của người dân, Cổ Đạm đã trở thành trung tâm đỉnh cao nghệ thuật đặc sắc, lòng đam mê một ngành nghệ thuật cùng với sự tích vị tổ nghề của mình. Đằng sau lớp vỏ huyền ảo, truyền thuyết tổ ca trù Cổ Đạm đã chứa đựng nhiều lớp trầm tích của văn hóa, lịch sử và xã hội. Sự hình thành truyền thuyết này chắc chắn không phải chỉ một lúc mà được hình thành từ với rất nhiều sự bổ sung cho đến khi nó phát triển đầy đặn như ngày nay ta có. Do đó không phải ngẫu nhiên, rất nhiều nơi trong cả nước thờ tổ cô đầu Cổ Đạm, thừa nhận Cổ Đạm là cái nôi ca trù trong khi lịch sử ca trù đã có tới hàng ngàn năm và các vùng hát ca trù nổi danh thì có khắp hai miền Trung Bắc. Ngày nay, sau rất ngiều năm ngừng hoạt động, sinh hoạt hát ca trù lại được khôi phục ở Cổ Đạm. Theo ông Nguyễn Ban, ở Cổ Đạm bây giờ đã có câu lạc bộ ca trù và ở Nghi Xuân đến năm 1998 đã có ba thế hệ hát ca trù. Đó là những tín hiệu rất đáng mừng đối với việc khôi phục lại một di sản văn hóa truyền thống đang có nguy cơ mai một.

Tuy nhiên, cũng không vì những đoán định này mà quên rằng, việc tìm hiểu nguồn gốc hình thành, thời điểm xuất hiện, nơi phát tích tổ ca trù đã được mở rất rộng về thời gian và không gian với rất nhiều giả thiết. Cho nên ý tưởng ca trù vượt tầm đơn vị làng mà nhiều nhà khoa học đã nêu ra là rất có sức thuyết phục.

Theo dòng truyền thuyết, ngược với thời gian, chúng ta thấy rằng, ca trù luôn gắn bó số phận mình với lịch sử dân tộc. Bỏ qua một cách nhìn tính đếm về số lượng chiến công mà các đào nương lập được hay số lượng các phi tần vừa giỏi hát ca vừa giàu lòng yêu nước, hơn hết thảy mọi điều, ca trù là tiếng nói đích thực của đời sống tinh thần của người dân. Là một sinh hoạt âm nhạc gắn với lễ nghi long trọng ở đền miếu, ca trù là niềm thành kính thiêng liêng của quần chúng. Là một thú chơi tao nhã, ca trù là tiếng nói cao sang khoáng đạt của đời sống tâm hồn con người trước chiều sâu thẳm khôn cùng của đời sống. (“ Dù thế nào văn hát nói cũng chỉ là một lối văn chơi mà chỉ là văn chơi cũng đã đủ lắm rồi”- Nguyễn Văn Ngọc). Bởi vậy, phục hồi và phát huy ca trù là một việc làm rất cần thiết và có ý nghĩa trong các sinh hoạt lễ hội truyền thống, trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, trong việc làm phong phú đời sống tinh thần của con người trong xã hội công nghiệp hôm nay.

T.T.A
(125/07-99)


--------------------------
Tài liệu tham khảo:
1/ Nguyễn Văn Ngọc- Đào nương ca, Vĩnh Hưng Long thư quán, Hà Nội, 1932.
2/ Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề- Việt Nam ca trù biên khảo. Sài Gòn, 1962.
3/ Phạm Duy- Đặc khảo về dân nhạc ở Việt Nam. Nxb Hiện Đại, Sài Gòn, 1972.
4/ Chu Hà - Hát Cửa đình Lỗ Khê. Sở văn hóa thông tin Hà Nội, 1980.
5/ Ngô Linh Ngọc và Ngô Văn Phú - Tuyển tập thơ ca trù. Nxb Văn học Hà Nội. 1987.
6/ Nguyễn Đức Mậu - Vấn đề tổ quê ca trù. Tạp chí văn học số 2/1998.
7/ Nguyễn Ban - Hát ca trù ở Cổ Đạm. Tạp chí Văn hóa nghệ thuật số 172, tháng 10 năm 1998.




 

Các bài mới
Các bài đã đăng