Nhịp sống âm thanh
Nhạc chương triều Nguyễn
10:33 | 15/10/2008
PHAN THUẬN THẢONhạc chương, theo cách hiểu thông thường, là những bài hát dùng trong nghi lễ ở triều đình, tông miếu. Thể loại ca nhạc nầy có nguồn gốc lâu đời trong văn hóa Trung Hoa cổ đại, là một phần quan trọng trong Nhã nhạc của các triều đại phong kiến Trung Hoa. Trong quá trình tiếp thu Nhã nhạc từ Trung Hoa, Việt cũng đã tiếp nhận hình thức ca nhạc đặc biệt nầy.

Theo Từ Hải, nhạc chương là “cách gọi các chương trong Nhạc thư, gọi là thơ”(1). Từ điển Từ Nguyên cũng có định nghĩa tương tự như vậy(2).
Còn Hán ngữ Đại từ điển thì ghi rằng: Nhạc chương đời xưa chỉ những thơ, từ phối vào nhạc, về sau cũng phiếm chỉ những thơ, từ có thể phổ vào nhạc”(3). Nói cách khác, nhạc chương là các bài thơ, lời từ có thể được đọc lên hay hát lên bằng giai điệu âm nhạc. Chúng được dùng trong các nghi lễ của triều đình như tế tự, triều hội, yến hưởng... và cũng được sử dụng ở một số cuộc tế lễ lớn ở ngoài dân gian.
Ở Việt Nam, sử sách không nêu rõ hình thức nhạc chương được tiếp nhận và sử dụng vào thời điểm nào. Căn cứ vào thời gian Nhã nhạc truyền từ Trung Hoa vào Việt vào đầu thời Hồ (năm 1402), chúng tôi nhận thấy có một chi tiết đáng chú ý: Nhã nhạc thời nầy có bao gồm các điệu múa văn, võ(4). Thực ra, múa văn, múa võ là hai phần của điệu múa Bát dật (8 hàng x 8 người = 64 người), một vũ khúc tiêu biểu trong Nhã nhạc. Vũ khúc nầy có khi kèm theo các nhạc chương, khi thì chỉ có khí nhạc hòa đệm. Trong điệu múa Bát dật của triều Nguyễn vừa được khôi phục Huế, các nhạc công vừa múa, vừa hát các nhạc chương. Trong khi đó, điệu múa Bát dật mà chúng tôi được xem tại Khổng Miếu ở Seoul, Hàn Quốc năm 1997 thì chỉ có nhạc chứ không kèm theo việc hát các nhạc chương. Vì vậy, chúng ta vẫn chưa thể khẳng định Nhã nhạc thời Hồ có sử dụng các nhạc chương hay không.

Tư liệu lịch sử chính thống cũng không cho biết về việc sử dụng nhạc chương trong thời nhà Lê. Song, vừa qua, chúng tôi có đọc được thông tin về các bản nhạc chương thời Lê còn được lưu trữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm tại Hà Nội.
Các bản nhạc chương thời Lê đã được các nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Diện và Đinh Thanh Hiếu dịch và giới thiệu trên Tạp chí Hán Nôm số 4 năm 2000. Các tác giả của bài viết đã căn cứ vào hai chữ “cố Lê” trong đề tựa của văn bản: Cố Lê nhạc chương thi văn tập lục để khẳng định rằng tuy đây là nhạc chương thời Lê, nhưng văn bản được viết hoặc sao chép lại sau khi triều đại nhà Lê đã kết thúc, tức từ năm 1788 trở về sau. Nội dung của năm bản nhạc chương đều dành cho các nhân vật trong dòng họ chúa Trịnh. Có lẽ chúng được dùng trong các dịp cúng tế tại tông miếu họ Trịnh. Đặc biệt, năm bản nhạc chương nầy đều được viết bằng chữ Nôm theo mệnh lệnh của vua chúa(5).

Ngoài các bản nhạc chương hiện còn trên đây, chắc hẳn thời nhà Lê còn có nhiều bản nhạc chương khác dành cho các vua Lê, chúa Trịnh. Tiếc là chúng đều không còn. Việc dùng thơ chữ Nôm trong các bản nhạc chương chứng tỏ rằng Nhã nhạc (và văn học) thời kỳ nầy không còn chịu ảnh hưởng quá nặng nề từ nền văn minh Trung Hoa như thời kỳ đầu, rằng người Việt Nam đã biết gạn lọc cái tinh túy từ bên ngoài để làm nên một phong cách riêng. Có lẽ hiện tượng nầy xảy ra từ khi vua Lê Thánh Tông cùng các quan đại thần là Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Lương Thế Vinh cùng “kê cứu âm nhạc Trung Hoa, hiệp vào quốc âm ta, đặt ra hai bộ: Đồng Văn và Nhã nhạc. Bộ Đồng Văn thì chuyên tập âm luật để hòa nhạc, bộ Nhã nhạc thì chuyên chuộng nhân thanh, trọng về tiếng hát...”(6). Qua đoạn tư liệu trên đây, ta có thể suy đoán rằng hình thức nhạc chương có lẽ đã xuất hiện vào thời kỳ nầy, khi được “kê cứu” từ âm nhạc Trung Hoa để “hiệp vào quốc âm” của Việt Nam, đó chính là chữ Nôm. Loại hình âm nhạc nầy được giao cho bộ Nhã nhạc (chuyên về giọng hát) diễn xướng trong các nghi lễ cung đình. Việc sử dụng các nhạc chương cho tổ tiên các chúa Trịnh chứng tỏ hình thức âm nhạc nầy cũng thông dụng trong triều đình nhà Lê. Về sau, hình thức nhạc chương đã thực sự phát triển nở rộ dưới thời nhà Nguyễn.

Khác với thời Lê, tình hình thư tịch của nhạc chương triều Nguyễn còn được bảo lưu khá nguyên vẹn. Chúng được ghi chép bởi các sử gia triều Nguyễn trong các sách: Khâm định Đại Nam Hội điển Sự lệ, Khâm định Đại Nam Hội điển Sự lệ Tục biên, Bản triều Nhạc chương tập, Nam Giao nhạc chương, cùng với các văn bản khác của bộ Lễ... Các nhạc chương cũng được mô tả b
i các nhân chứng đương thời trong các bài viết đăng trên tạp chí Bulletin des Amis du Vieux Hué, ... Nhạc chương triều Nguyễn còn được ghi chép lại trong các sách chuyên khảo như Những Đại lễ và Vũ khúc của Vua chúa Việt Nam (Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề, xb 1968), Âm nhạc Cung đình triều Nguyễn (Trần Kiều Lại Thủy, nxb Thuận Hóa, Huế, 1997)... Với nguồn tài liệu phong phú, các nhạc chương triều Nguyễn còn lưu lại rất nhiều, lên đến con số hàng trăm bài. Đây có thể xem là một kho tàng ẩn chứa các giá trị về văn học, âm nhạc, lễ nghi đặc trưng của triều đình nhà Nguyễn.

Các nhạc chương của triều Nguyễn đều được viết bằng chữ Hán, phần lớn đều do các quan trong Bộ Lễ hoặc Viện Hàn Lâm biên soạn với nội dung phù hợp với từng cuộc lễ của triều đình. Như ta đã biết, một trong nh
ững nguyên tắc quan trọng của Nhã nhạc là âm nhạc và nghi lễ phải đi kèm với nhau, tương chế lẫn nhau để mọi vật được điều hòa. Theo đó, việc tấu các nhạc chương hoàn toàn không mang tính trình diễn mà chúng được tấu lên cùng diễn tiến của cuộc lễ. Chúng được lồng vào trong từng tiết lễ, hầu như có mặt từ đầu đến cuối cuộc lễ. Có lúc, các nhạc chương còn đi kèm với các điệu múa như múa cành hoa, múa Bát dật. Chẳng hạn như trong lễ Đại Yến, trình thức của lễ và nhạc được triều đình Nguyễn quy định như sau:
- Khi vua lên ngai, nhạc sinh tấu chương nhạc Bảo Thành, vũ sinh múa Bát dật Võ.
- Tuần rượu chúc thọ lần đầu, nhạc sinh tấu chương nhạc Bình Thành, vũ sinh múa cành hoa xanh (thanh hoa chi).
- Tuần rượu chúc thọ thứ hai, nhạc sinh tấu chương nhạc Doãn Thành, vũ sinh múa cành hoa đỏ (xích hoa chi).
- Tuần rượu chúc thọ thứ ba, nhạc sinh tấu chương nhạc Triệu Thành, vũ sinh múa cành hoa vàng (huỳnh hoa chi).
- Khi vua hồi cung, nhạc sinh tấu chương nhạc Khánh Thành, vũ sinh múa Bát dật Văn(7).

Chúng ta thấy trong những tiết lễ quan trọng đều có diễn tấu nhạc chương. Như trong lễ Tế Giao, cuộc lễ lớn nhất của triều đình, nhạc chương có mặt hầu như từ đầu đến cuối cuộc lễ:
- Trong lễ Nghinh thần (rước thần về): tấu chương nhạc An Thành.
- Trong lễ Hiến ngọc bạch (dâng ngọc và lụa): tấu chương nhạc Triệu Thành.
- Trong lễ Tiến trở (dâng mâm thịt tế): tấu chương nhạc Đăng Thành.
- Trong lễ Sơ hiến (dâng rượu lần đầu): tấu chương nhạc Mỹ Thành.
- Trong lễ Á hiến (dâng rượu lần hai): tấu chương nhạc Thụy Thành.
- Trong lễ Chung hiến (dâng rượu lần ba): tấu chương nhạc Vĩnh Thành.
- Trong lễ Triệt soạn (hạ cỗ): tấu chương nhạc Doãn Thành.
- Trong lễ Tống thần (tiễn thần đi): tấu chương nhạc Hy Thành.
- Trong lễ Phần hóa (đốt chúc văn): tấu chương nhạc Hựu Thành.
- Khi vua về cung: tấu chương nhạc Khánh Thành.
Tương tự, trong lễ tế Xã Tắc có 7 nhạc chương mang chữ PHONG: Diên Phong, Tuy Phong, Tư Phong, Mậu Phong, Hòa Phong, Dụ Phong, Khánh Phong.
Lễ tế ở tôn miếu nhà Nguyễn có các nhạc chương mang chữ HÒA, với những nội dung khác nhau ở mỗi miếu: Hàm Hòa, Gia Hòa, Tường Hòa, Dự Hòa, Ninh Hòa, Mỹ Hòa, Túc Hòa, An Hòa, Ung Hòa.

Lễ tế ở miếu Lịch đại đế vương (thờ vua chúa các triều đại trước Nguyễn) có 6 nhạc chương mang chữ HUY: Cảnh Huy, Diên Huy, Sùng Huy, An Huy, Minh Huy, Thọ Huy.
Lễ tế Văn miếu (thờ Khổng Tử) có 6 nhạc chương mang chữ VĂN: Cảnh Văn, Chiêu Văn, Ý Văn, Hiển Văn, Bỉnh Văn, Huy Văn.
Lễ Đại triều dùng 5 bài mang chữ BÌNH: L
ý Bình, Túc Bình, Khánh Bình, Di Bình, Hòa Bình.
Lễ Vạn thọ (sinh nhật vua) dùng 7 bài mang chữ THỌ: Nguyên Thọ, Trình Thọ, Vĩnh Thọ, Gia Thọ, Hi Thọ, Hiển Thọ, Tuy Thọ.
Lễ Đại Yến dùng 5 bài mang chữ PHÚC: Cảnh Phúc, Hoằng Phúc, Thuần Phúc, Sùng Phúc, Diễn Phúc.
v.v...

Thông qua việc diễn tấu các nhạc chương, chúng ta nhận thấy mối quan hệ khăng khít giữa lễ và nhạc. Các nhạc chương không những được lồng vào trong các tiết lễ mà thậm chí còn đi vào từng chi tiết động tác của vị chủ lễ (thường là vua). Một nhân chứng từng tham dự lễ tế Giao vào năm 1915 đã kể về mối quan hệ khăng khít giữa nhạc chương và các tiết lễ nh
ư sau:
“Cũng giống như lễ dâng hương, các động tác của vua và các thượng thư được thực hiện, trong khi đó, dàn nhạc phía ngoài thì hát. Câu hát đầu: vua bước đến chỗ tế lễ; câu hát thứ hai: vua quỳ; câu hát thứ ba: vua cất thẻ ngọc vào trong áo; câu hát th
tư, năm, sáu: vua dâng lễ ngọc và lụa; câu hát thứ bảy: vua lấy thẻ ngọc ra; và ba câu tiếp: người ta đặt các hộp lên bàn thờ; câu hát thứ mười một: vua lạy; câu thứ mười hai: vua đứng dậy”(8).
Cứ như thế, các nhạc chương đư
c hát lên với sự phụ họa của các dàn nhạc, cùng sự tham gia của múa Bát dật (gồm 64 văn sinh và 64 võ sinh), tạo nên một khung cảnh hoành tráng và trang trọng. Một nhân chứng khi được dự lễ Đại Triều tại điện Thái Hòa vào năm 1908 đã tỏ ra hết sức ấn tượng và xúc động trước không khí trang trọng của cuộc lễ với sự tham gia của các nhạc chương: “Bỗng đâu giữa cảnh yên lặng, người nín thở, ngựa im hơi, vùng phát lên một giọng ca vừa êm dịu, vừa lảnh lót huyền hoặc, hòa điệu với một khúc nhạc du dương kỳ diệu, khiến cho người đứng đó đều phi hồn lạc phách, xúc động vô hồi, rồi không một lịnh truyền, không một dấu hiệu, thoạt cả thảy quan viên hiện diện đều cúi lạy, và lạy rập nhau như vậy không biết mấy lạy mà đếm...”(9).

Về mặt nội dung, các nhạc chương mang nặng dấu ấn tư tưởng của ý thức hệ phong kiến, với những lời ca ngợi, chúc tụng đối tượng mà cuộc lễ hướng đến: nhà vua và thần linh. Chẳng hạn trong lễ Đại Triều, lúc các quan làm lễ khánh hạ thì tấu chương nhạc ca ngợi nhà vua như sau:
Chương nhạc Khánh Bình:
Minh minh thiên tử,
Vạn dân sở vương;
Hiển hiển lệnh đức,
Như khuê, như chương
Tuyên chiêu nghĩa vấn,
Duy dân chi chương.
Thiên tích thuần hỗ,
Thụ phúc vô cương.
Dịch:
Thiên tử sáng suốt,
Muôn dân trông vào;
Đức hay rõ rệt,
Như ngọc khuê, chương.
Bảo rõ nghĩa lý,
Làm phép cho dân.
Trời cho phúc tốt,
Hưởng phúc vô cùng.
Đây có thể xem là một dạng tụng ca với những từ ngữ, lời lẽ đậm tính khoa trương, cường điệu. V
ới lễ tế ở Văn Miếu, các nhạc chương cũng dùng những từ ngữ, hình ảnh mang tính ngợi ca khi rước Đức Khổng Tử về chứng lễ:
Chương nhạc Cảnh Văn:
Đại tai Thánh sư,
Bách thế nghi quỹ,
Văn kỳ tại tư,
Mộc đạc vạn thế.
Điển tự hữu thường,
Nhạc hòa lễ bị.
Dực dực quyết lâm,
Thần kỳ ninh chỉ.
Dịch:
Thánh sư cao cả,
Khuôn phép trăm đời,
Văn hóa còn mãi,
Đạo truyền chẳng thôi.
Điển nghi lệ cũ,
Lễ nhạc hòa vui.
Uy vệ lâm hưởng,
Thần về chính ngôi.
Nội dung của các nhạc chương đồng thời còn phản ánh nội dung của các tiết lễ, qua đó, bày tỏ tấm lòng thành của con người đến thần linh và cầu xin thần linh ban phúc lành. Trong kỳ Chung hiến lễ (Lễ dâng rượu lần thứ ba) ở Thế Miếu, nơi thờ các vua Nguyễn, chương nhạc Ninh Hòa được sử dụng với nội dung:
Tấu nhạc ký thành,
Lễ trật duy chung.
Xứng bỉ ngọc tước,
Di đốc kỳ cung.
Thần chi cách tư,
Thấu tích vô cùng.
Dịch:
Tấu trọn khúc nhạc,
Lễ sang tuần ba.
Dâng bình rượu ngọc,
Kính cẩn rót ra.
Lòng thành xin chứng,
Giúp mãi cho ta.
Chương nhạc Hựu Thành tấu khi đốt chúc văn trong lễ Tế Giao cũng là một lời ca ngợi Trời, Đất, thần linh và cầu xin điềm lành cho đất nước:
Long nghi cáo bị,
Gia hinh khánh thành,
Hữu kiền diệu hỏa,
Chúc việt phương hinh.
Không minh thụy ái,
Liễu nhiễu đan đình,
Tinh trì nguyệt ngự,
Ngưỡng chỉ vân bình,
Đại tai Càn chủy,
Chí tại Khôn sinh,
Phát tường lưu khánh,
Vĩnh hựu phi bình.
Dịch:
Đại lễ đầy đủ,
Mừng nay khánh thành,
Tưng bừng lửa sáng,
Nghi ngút khói lành.
Điềm hay rạng tỏ,
Quanh chốn đan đình.
Như trăng sao đuổi,
Như xe mây nhanh.
Ơn Trời cao cả,
Công Đất dưỡng sinh,
Ban cho h
ưng vượng,
Hưởng mãi thái bình.
Ước mong về một đất nước an bình, thịnh trị, xét cho cùng, không chỉ là lời cầu mong của riêng các bậc vua chúa cầm quyền mà đó là nguyện vọng của toàn dân. Ở đây, nhà vua chính là người đại diện cho dân, thay mặt dân đề đạt nguyện vọng đến với các bậc thánh thần, cầu mong được ban ân huệ.
Về hình thức, xét hàng trăm nhạc chương triều Nguyễn còn lưu lại, ta thấy chúng chỉ được thể hiện dưới hai dạng thơ cổ:
Thứ nhất: thể tứ ngôn, tức thơ bốn chữ, một loại thơ cổ phong của Trung Hoa. Đây là thể thơ có từ đời Hạ, đời Ân (cách đây khoảng 3500 năm), đến đời Chu thì phát triển mạnh mẽ(10). Thể thơ nầy có thể bắt gặp rất nhiều trong bộ Kinh Thi. Kế thừa truyền thống lâu đời đó, nhà Nguyễn đã áp dụng thể thơ cổ nầy trong sáng tác nhạc chương của triều đại mình.
Thứ hai: thể tạp ngôn, thể thơ có các câu thơ ngắn dài khác nhau. Đây cũng là một loại thơ cổ của Trung Hoa, nhưng ra đời muộn hơn so với thể tứ ngôn. Thể tạp ngôn xuất phát từ các thể loại ca múa nhạc trong Nhạc phủ thời Hán - Đường. So với các thể tứ ngôn, ngũ ngôn, thất ngôn, ... có số chữ bằng nhau trong từng câu thơ, thể tạp ngôn là một sự phát triển mới, mang tính biểu cảm cao, âm điệu du dương nhờ các câu thơ ngắn dài khác nhau. Thể tạp ngôn cũng được áp dụng cho các nhạc chương triều Nguyễn, đơn cử bài Bảo Thành có từ năm Minh Mạng thứ 3 (1822) dùng trong lễ Đại Yến:
Thánh chúc thùy y thường
Long lễ nhạc, túc triều cương.
Tam linh hiệp quyển triệu gia tường,
Vạn tính âu ca khánh lạc khang.
Nhật khai hoàng đạo,
Tinh lăng thiên hoàng
Bảo vị ủng tường quang
,
Vạn thọ thiên trường.
Dịch nghĩa: 
Thánh chúa xiêm áo ung dung,
Lễ nhạc long trọng, triều cương nghiêm trang.
Tam linh cùng giúp được tốt lành,
Muôn họ hát hò đều vui vẻ.
Mặt trời mở đường hoàng đạo,
Vì sao sáng tựa thiên hoàng.
Áng tường quang phủ trên ngôi báu,
Muôn năm hưởng tiết thiên trường.
Trong hai thể thơ kể trên, thể tứ ngôn được dùng cho các nhạc chương thuộc các lễ tế tự, lễ Đại triều, tức các cuộc lễ long trọng, chính thức của triều đình Nguyễn. Còn thể thơ thứ hai, thể tạp ngôn, thì được ứng dụng cho các nhạc chương thuộc các lễ Đại Yến, lễ mừng thọ Thái hậu..., tức các cuộc lễ kém long trọng hơn, với tính chất hội hè vui vẻ, nhẹ nhàng của cung đình. Như vậy, có thể thấy các thể thơ được áp dụng một cách phù hợp với tính chất của các cuộc lễ. Tương thích với hai thể thơ nầy có lẽ cũng có hai loại tính chất âm nhạc phù hợp.
Nếu như các nhạc chương được sử triều Nguyễn ghi lại có số lượng dồi dào lên đến hàng trăm bài thì phần giai điệu âm nhạc áp dụng cho chúng lại chưa/ không được tìm thấy trong các tư liệu lịch sử. Cho đến nay, chúng ta chỉ biết được thông tin cung cấp bởi một nhân chứng người Pháp sau khi nghe các nhạc chương trong một cuộc lễ cung đình vào đầu thế kỷ XX rằng bài hát trở đi trở lại với ba nốt mi, sol, la một cách chậm rãi và trang trọng. Thông tin của tư liệu nầy chưa hẳn là chính xác, nhưng ít nhất, chúng ta có thể thấy rằng giai điệu âm nhạc trong các nhạc chương tiến hành theo nhịp độ chậm rãi, tính chất trang trọng, và giai điệu không phong phú.

Một nguồn thông tin khác rất đáng quan tâm là từ các nghệ nhân cung đình. Trong số các nghệ nhân hiếm hoi còn lại, các ông Lữ Hữu Thi và La Đăng còn nhớ được giai điệu của một số bản nhạc chương (nghệ nhân thường gọi là nhạc Thài). Qua tiếp xúc với các nghệ nhân, chúng tôi nhận thấy với cùng một tuyến giai điệu, họ có thể hát nhiều lời thơ khác nhau. Cứ thế, một giai điệu, họ hát thành năm bảy bài nhạc chương, hoặc nhiều hơn nữa. Như vậy, các nhạc chương chỉ khác nhau về nội dung lời thơ, còn giai điệu âm nhạc thì khá đơn điệu. Trường hợp một giai điệu – nhiều lời ca là một hiện tượng thường gặp trong nhiều loại hình âm nhạc truyền thống của các dân tộc ở Việt và trên thế giới.
Riêng trong số mỗi nhạc chương do các nghệ nhân cung cấp, giai điệu âm nhạc cũng không được phát triển phong phú. Mỗi bài chỉ gồm vài đường nét giai điệu chính, rồi chúng được áp dụng cho nhiều khổ thơ, câu thơ, trong đó, đường nét giai điệu được điều chỉnh đôi chút để phù hợp với thanh điệu của thơ. Điều nầy dường như phù hợp với thông tin từ nhân chứng người Pháp mà chúng tôi đã nêu ở trên.

Như vậy, cho dù số lượng các nhạc chương để lại lên đến hàng trăm bài, nhưng giai điệu âm nhạc của chúng lại không được phong phú như thế. Thực ra, người xưa chỉ dùng một số đường nét giai điệu nhất định để chuyển tải nội dung lời thơ.
Ở đây, âm nhạc chỉ là yếu tố phụ trợ để chuyển tải nội dung của hàng trăm nhạc chương do các quan chuyên trách trong triều đình soạn ra với mục đích ca ngợi, chúc tụng đối tượng mà cuộc lễ hướng tới. Với những đường nét giai điệu đơn giản, âm nhạc trong các nhạc chương mang sắc thái ngâm ngợi, chậm rãi, trang trọng, phù hợp với tính chất của các cuộc lễ trang nghiêm của chốn cung đình.
Với tư cách là một thể loại âm nhạc nghi lễ, nhạc chương đã vượt khỏi giới hạn nghiêm cẩn của hoàng cung để lan tỏa ra dân gian. Ngày nay, trong các cuộc lễ lớn ở các đình làng, trong một số ngôi chùa ở Huế và vùng phụ cận, thể loại nhạc chương (nhạc Thài) vẫn được sử dụng. Và tất nhiên, trong những môi trường khác nhau, nội dung âm nhạc và lời thơ đều có sự biến thái nhất định để phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể. Do đó, nhạc chương của cung đình không giống với nhạc chương ở các đình, chùa ngoài dân gian.

Ngày nay, sau hơn nửa thế kỷ vắng bóng, hình thức nhạc chương lại hồi sinh trong các cuộc lễ cung đình vừa được phục dựng. Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, đặc biệt về mặt lễ nghi cung đình, nhạc chương là một đóng góp không nhỏ trong kho tàng văn học nghệ thuật của triều đình nhà Nguyễn. Thiết nghĩ chúng ta cần phải dày công nghiên cứu nhiều hơn nữa để phát hiện thêm tư liệu, nhận chân được các giá trị văn hóa lịch sử để hình thức nhạc chương còn đ
ược bảo tồn và phát huy với một hiệu quả cao nhất.
                                       P.T.T

(nguồn: TCSH số 222 - 08 - 2007)

 



------------------------
(1) Nhạc chương, vị nhạc thư chi thiên chương, vị thi dã.
(2) Nhạc chương, vị nhạc thư chi thiên chương. Thi dã.
(3) Nhạc chương, cổ đại chỉ phối nhạc đích thi từ, hậu diệc phiếm chỉ năng nhập nhạc đích thi từ.
(4) Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên..., Đại Việt Sử ký Toàn thư, tập II, bản dịch của Hà Văn Lâu, nxb KHXH, Hà Nội, 1985, tr.204.
(5) Nguyễn Xuân Diện, Đinh Thanh Hiếu, Về năm bản nhạc chương Nôm đời Lê, tạp chí Hán Nôm, số 4/2000, tr.64
(6) Phạm Đình Hổ, Vũ Trung Tùy bút, bản dịch của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến, nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 1989, tr.42.
(7) Nội Các triều Nguyễn, Khâm Định Đại Nam Hội điển Sự lệ, bản dịch của Viện Sử học, nxb Thuận Hóa, Huế, 1993, tập 7, tr. 93-95.
(8) L. Cadière, Le Sacrifice du Giao: Le Rituel du Sacrifice, Bulletin des Amis du Vieux Hué, 1915, p.46. Bản dịch tiếng Việt của Đặng Như Tùng, nxb Thuận Hóa, Huế, 1997, tập 2, tr.108.
(9) Robert De La Susse, Sites et monument de Hue, Le Palais Impérial, Revue Indochinoise, quyển XIX, số 1 (tháng 1/1913), tr. 17 – 26. Trích từ Vương Hồng Sển, Cung điện Huế đô năm 1908, lang bang suy nghĩ cung điện hoàng gia ở Huế, tập san Nghiên cứu Huế, tập 5, 2003, tr.245.
(10) Nhật dụng Bách khoa Toàn thư, Thượng Hải xuất bản, năm Trung Hoa Dân quốc thứ 24, tập 2, Chương Văn học, phần Thi từ loại, tr.5466.

Các bài mới
Các bài đã đăng