Âm sắc Huế
Nguồn gốc và cấu tạo từ ngữ nghệ thuật tuồng Huế
10:28 | 30/09/2014

LÊ MAI PHƯƠNG  

Tuồng, loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của dân tộc manh nha hình thành từ thế kỷ XIII dưới thời Trần. Tuồng phát triển mạnh vào thế kỷ XVII -XVIII. Sang triều Nguyễn (thế kỷ XIX) Tuồng vẫn giữ vị trí xứng đáng trong đời sống văn hóa ở cung đình cũng như trong dân gian. Sau khi nhà Nguyễn cáo chung, Tuồng cũng mất đi môi trường diễn xướng, hiện nay đang có nguy cơ mai một dần.

Nguồn gốc và cấu tạo từ ngữ nghệ thuật tuồng Huế
Tuồng cung đình Huế, hình chụp năm 1874 - Ảnh: wiki

Trong quá trình nghiên cứu nghệ thuật Tuồng, chúng tôi đã khai thác, thu thập được từ những nghệ nhân cung đình còn đang sống, và các nghệ sĩ trẻ được thừa hưởng vốn quý này những “từ ngữ chỉ nghệ thuật Tuồng” tương đối đầy đủ. Hy vọng, đây sẽ là sự đóng góp cho công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật Tuồng nói chung và từ ngữ Tuồng nói riêng.

Đặc điểm nguồn gốc từ ngữ nghệ thuật Tuồng Huế

Trong quá trình hình thành và phát triển của mình, ngôn ngữ nào cũng thu hút nhiều yếu tố của các ngôn ngữ khác, do đó có nhiều từ ngữ giống hoặc tương tự với các từ ngữ của các ngôn ngữ khác đó là lớp từ ngoại lai.

Về từ ngữ nghệ thuật Tuồng Huế, từ ngữ gốc Ấn - Âu chiếm tỉ lệ quá ít so với từ thuần Việt và từ ngữ gốc Hán, cụ thể chỉ xuất hiện 2 từ là: giày ba ta và đàn ghi ta phím lõm. Tác động của phương Tây khi tiếp xúc và ảnh hưởng văn hóa, chính trị đối với nước ta. Tuy nhiên sự xuất hiện hạn chế, với tần xuất quá thấp như vậy vì Tuồng vốn là nghệ thuật truyền thống của dân tộc Việt, sức ảnh hưởng của phương Tây cũng không đủ mạnh, giai đoạn phát triển của loại hình này đã đạt đến đỉnh cao và thoái trào vào cuối triều Nguyễn nên sự ảnh hưởng của ngôn ngữ Ấn - Âu vào loại hình nghệ thuật này không đáng kể.

Số lượng từ ngữ gốc Hán lớn hơn số lượng từ thuần Việt. Do chữ Hán đóng vai trò công cụ hàng đầu trong văn hóa Việt Nam dưới chế độ quân chủ. Nó là văn tự chính trong các lĩnh vực văn hóa, hành chính, giáo dục, thi cử, lễ nghi, văn học. Và nguồn gốc của Tuồng hình thành manh nha từ triều Trần, phát triển rực rỡ dưới triều Nguyễn, được triều đình phong kiến đặc biệt quan tâm do đó từ ngữ gốc Hán trong nghệ thuật Tuồng Huế chiếm số lượng vượt trội là điều dễ hiểu.

Lớp từ thuần Việt chiếm tỉ lệ thấp hơn từ vay mượn gốc Hán. Ở mục từ đơn chỉ bằng 1/3 ngữ định danh, cho thấy rằng: lượng từ đơn để chỉ cách thức hát, múa cũng như đạo cụ trong Tuồng không nhiều. Đó là lớp từ cơ sở, lớp từ này là gốc để kết hợp với hình vị khác tạo nên ý nghĩa loại biệt đáp ứng với sự ngày càng đa dạng hóa các khái niệm, tính chất, cách thức mà nghệ thuật Tuồng Huế biểu thị.

Đặc điểm cấu tạo từ ngữ nghệ thuật Tuồng Huế  Từ đơn

Qua khảo sát, thống kê và phân loại, số lượng từ đơn trong từ vựng chỉ nghệ thuật Tuồng Huế mà chúng tôi thu được là 111 đơn vị, chiếm 20,94. Tuy số lượng, tỉ lệ không cao nhưng đây là bộ phận từ thuộc lớp từ vựng cơ bản của vốn từ ngữ nghề nghiệp, ra đời sớm và đóng vai trò quan trọng trong giao tiếp giữa các nghệ nhân, nghệ sĩ trong nghề và chúng cũng là những đơn vị đóng vai trò hạt nhân trong cấu tạo từ phát sinh. Những từ đơn ấy thường gọi tên những động tác, bài bản, âm nhạc, cách thức hát cũng như đạo cụ trong nghệ thuật Tuồng, có thể nói, từ đơn phân bổ tương đối đều trong tất cả các mục từ. Đào, kép, Bê, bứt, cầm, chống, khai, loan, bạch, thán, láy, luyến, áo, mão, râu, đao, phủ, cờ, cung, tên, gậy, đuốc, kiếm, quạt... (đạo cụ Tuồng). Từ đơn chỉ động tác Tuồng có nội dung phản ánh hẹp hơn so với các mục từ trên, vì vậy, phần lớn các từ đơn chỉ động tác Tuồng phải là những người trong nghề mới hiểu, ví dụ như Bê, bứt, chuốt, cầu, chao, chặt, chỉ, khai, loan... bởi các động tác trong Tuồng hình thành từ võ thuật và múa dân gian kết hợp với sự cách điệu hóa mang tính tượng trưng, ước lệ nên một số từ có tính đơn lẻ phục vụ trong nghề, không phổ biến.

Từ ghép đẳng lập (ghép phân nghĩa)

Những từ ghép đẳng lập chỉ nghệ thuật Tuồng Huế mà chúng tôi thu thập được chỉ có 2 hình vị. Cũng như phần lớn các từ ghép đẳng lập 2 âm tiết khác, trật tự các yếu tố trong những từ nghề nghiệp kiểu này, về lý thuyết là tự do, nghĩa là chúng có thể hoán đổi vị trí cho nhau như: trùng điệp, luyến láy, chùy côn, ta có điệp trùng, láy luyến, côn chùy, xóc xông. Nhưng trên thực tế, khả năng thay đổi trật tự các yếu tố ở các từ ghép đẳng lập chỉ nghệ thuật Tuồng Huế là có hạn chế. Có một số từ mà cách sắp xếp trước sau của các yếu tố là không thể thay đổi. Sự cố định này là do thói quen như: trống mái, cung tên, điệu thức. Còn từ xóc xông, mang hình thức là láy phụ âm đầu, song nó không phải là từ láy, đây là từ ghép được sắp xếp theo trật tự logic của hiện thực khách quan. Trật tự logic ở đây là thời gian, việc xảy ra trước sẽ ở vị trí trước còn việc xảy ra sau sẽ đi sau.

Về mặt nguồn gốc, những yếu tố tham gia cấu tạo từ ngữ chỉ nghệ thuật Tuồng Huế một nửa là yếu tố thuần Việt. Nếu dùng ký hiệu V để chỉ yếu tố thuần Việt, thì về lý thuyết các từ ngữ kiểu này có cấu trúc hình thái như sau: V - V: Trống mái, xóc xông, luyến láy. Mô hình cấu trúc thứ 2 mà chúng tôi tìm được là: H - H: cung tên, điệu thức, trùng điệp.

Ngữ định danh

Qua thu thập, phân loại, số lượng ngữ định danh chiếm phần lớn trong tổng số đơn vị từ ngữ thu thập được 419 đơn vị, chiếm 79,06%.

Dựa vào số lượng yếu tố trung tâm và từ loại của nó, chúng tôi chia ngữ định danh thành 2 loại chính: Ngữ định danh chỉ sự vật và ngữ định danh chỉ hoạt động.

a) Ngữ định danh chỉ sự vật

Để phân định loại định danh này chúng ta có nhiều cách phân loại: Phân loại theo tính chất các mối quan hệ, phân loại theo cấu trúc tầng bậc, phân loại theo cấu tạo nguồn gốc.

- Phân loại theo tính chất các mối quan hệ

+ Ngữ định danh có cấu trúc danh từ - danh từ (A - A) như: Đào văn, kép, câu mái, lời hường...

+ Ngữ định danh có cấu trúc danh từ - thành tố phụ danh ngữ: (A - A’) như: Tuồng xuân nữ, kép tròng mỏ, chân chữ bát, lý năm canh, áo đào văn.

+ Ngữ định danh có cấu trúc danh từ - động từ (A - B) như: Đào chiến, bộ gõ, tóc búi, bạn hát, nam chạy, râu vẽ...

+ Ngữ định danh có cấu trúc danh từ - thành tố phụ động ngữ (A - B’) như: Dây thắt lưng, Trống nhảy thành, Khách hành binh, Trống khắc canh...

+ Ngữ định danh hợp nghĩa có cấu trúc danh từ - tính từ (A - C) như: Đào điên, đào ác, đào bi, đào hài, kép đen, tóc bạc, tròng lõa, tròng xéo...

+ Ngữ định danh có cấu trúc danh từ - thành tố phụ tính ngữ (A - C’) như: đào giả dại, lý thương nhau...

+ Ngữ định danh có cấu trúc thành tố chính danh ngữ - danh từ (A’ - A) như: cẩm tú hài, đăng đàn cung.

+ Ngữ định danh có cấu trúc thành tố chính danh ngữ - động từ (A’ - B) như đàn cò lòn, đàn cò líu.

+ Ngoài ra, ngữ định danh hợp nghĩa còn có một số kiểu cấu trúc danh từ - số từ như: đàn nhị, đàn tam, đàn tứ, hò ba, hò bảy, tư, rụp ba, rụp một, rương nhất, rương nhì,...

- Phân loại theo cấu trúc tầng bậc


Tùy theo mức độ phức tạp về mặt cấu tạo trong nội bộ thành tố trực tiếp, quan hệ phụ lại còn có thể chia thành nhiều thứ bậc khác nhau. Nếu quan hệ chính là quan hệ bậc 1, thì ta có thể chia quan hệ phụ thành quan hệ bậc 2, bậc 3, bậc 4...

Ví dụ: Trong ngữ định danh áo đào văn, ta sẽ có:

Quan hệ chính bậc 1: giữa áo đào văn

Quan hệ phụ (bậc 2): giữa đào văn

- Ngữ định danh có cấu tạo 2 tiếng:


Tất cả các mô hình A - A, A - B, A - C, đều chỉ có một bậc:

Ví dụ:



- Ngữ định danh có cấu tạo 3 tiếng. Đó là các từ có mô hình cấu trúc theo kiểu: A - A’, A - B’ và A - C’.

Loại này có một thành tố trực tiếp cấu tạo bởi một tiếng, thành tố trực tiếp còn lại có cấu tạo 2 tiếng, tùy vào thành tố trực tiếp 2 tiếng có quan hệ cú pháp và ý nghĩa như thế nào mà chia chúng thành 2 loại:

* Nếu thành tố trực tiếp 2 tiếng có quan hệ chính phụ thì ngữ định danh hay ngữ định danh loại này có cấu tạo 2 bậc, ví dụ: A - A’, A - B’, A - C’, A’ - A, A’ - B, A’ - C



* Nếu thành tố trực tiếp 2 tiếng chỉ có quan hệ mà không có quan hệ ngữ nghĩa, hoặc có quan hệ ngữ nghĩa mà không có quan hệ chính phụ thì ngữ định danh (ngữ định danh) loại này chỉ có cấu tạo 1 bậc như:



- Phân loại theo cấu tạo nguồn gốc

Các ngữ định danh (ngữ định danh) chỉ nghệ thuật Tuồng Huế đa phần được cấu tạo từ các yếu tố Hán - Việt với 272 từ ngữ. Còn lại 258 từ ngữ được cấu tạo từ các yếu tố thuần Việt. Điều này hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, với môi trường diễn xướng nguyên thủy của loại hình nghệ thuật truyền thống này. Ta có thể thấy các mô hình sau:

V - V    (Con hát, đào điên, xỏ léo, trống cơm, câu mái).

V - H    (Cửa sinh, đào bi, ra vĩ, vào thủ, hơi thuận, hơi nghịch).

H - V    (Niêm râu, hạ hơi, trống lệnh, nam ai, nam biệt, ngữ khí).

V - H - V (Đầu thụ búi, đầu thụ xõa).

H - H   (Phân trần, tư thế, bình điệu, điệp âm, điệu thức).

H - V - H (Xướng xuống nam, thủ hát khách, thủ hát tẩu mã).

H - A - V (Đàn ghita phím lõm).

V - A    (Giày bata).

(H: yếu tố Hán: V: yếu tố thuần Việt; A: yếu tố Ấn - Âu).

b) Ngữ định danh phân nghĩa chỉ hoạt động

Các ngữ định danh chỉ hoạt động đều có từ 2 đến 4 tiếng, trong đó 2 tiếng chiếm đa số, tiếp đến là 3 tiếng.

- Ngữ định danh có cấu tạo 2 tiếng: Thông thường có cấu trúc 1 bậc.

- Ngữ định danh có cấu tạo 3 tiếng: Ở các ngữ định danh này, đứng đầu thường là các thực từ mà cụ thể đó là các động từ, các phụ ngữ sau nó có thể là một từ mà cũng có thể là một ngữ đoạn, một mệnh đề nên cấu trúc của nó nhiều nhất là 2 bậc.

- Ngữ định danh có cấu tạo 4 tiếng:

Ngữ định danh có cấu tạo 4 tiếng mà chúng tôi thu thập chỉ có duy nhất 1 ngữ định danh: ngồi trên gót chân có cấu trúc 3 bậc.

Như vậy, về cấu tạo, từ ngữ nghệ thuật Tuồng Huế chỉ có 1 từ láy, đó là từ chập chõa. Từ láy chập chõa dựa trên sự mô tả âm thanh của nhạc cụ và mô tả hình thức thể hiện nhạc cụ. Đây là hình thức thể hiện rất đặc biệt của nhạc cụ này mà hình như không có đối với nhạc cụ truyền thống khác

Từ ngữ nghệ thuật Tuồng Huế có 111 từ đơn chiếm tỉ lệ 20,94 %, tuy chiếm số lượng ít hơn ngữ định danh song đây là từ cơ bản, làm cơ sở để tạo nên các ngữ định danh.

Đại bộ phận từ ngữ nghệ thuật Tuồng Huế là ngữ định danh, gồm 419 đơn vị chiếm tỉ lệ 79,06%. Số lượng từ đẳng lập rất ít 2 đơn vị. Như vậy, có thể nói, vốn từ nghệ thuật Tuồng Huế chủ yếu là ngữ định danh phân nghĩa, vì thế nó tạo cho từ ngữ nghệ thuật Tuồng Huế có đặc điểm cá thể, cụ thể về nghĩa.

Từ nghệ thuật Tuồng Huế có cấu tạo từ 1 đến 4 âm tiết, chủ yếu là loại 2,3 âm tiết, loại 4 âm tiết không nhiều. Nhìn chung từ nghệ thuật Tuồng Huế có cấu tạo theo phương thức định danh miêu tả, như cấu tạo của cụm từ, kết cấu lỏng.

Về nguồn gốc và thành phần các yếu tố trong từ chỉ nghệ thuật Tuồng Huế, từ thuần Việt và từ vay mượn (chủ yếu là từ có yếu tố Hán) chiếm tỉ lệ tương đương nhau, từ thuần Việt có 258 từ, chiếm 48,67.%, từ vay mượn có 272 đơn vị, chiếm 51,33%.

Khi khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển với những công cụ, phương tiện hiện đại thì việc giao lưu ngôn ngữ với quá trình vay mượn từ của các ngôn ngữ khác là một tất yếu. Song, từ ngữ chỉ nghệ thuật Tuồng Huế với những đặc điểm riêng của ngành nghề truyền thống luôn mang tính ổn định, bền vững, ít chịu sự chi phối, tác động của lịch sử xã hội nên cơ bản vốn từ vẫn được lưu giữ.

L.M.P  
(SH307/09-14)





 

Các bài mới
Các bài đã đăng