Âm sắc Huế
Đoàn Ba Vũ và nghệ thuật múa cung đình Huế
14:19 | 08/06/2015

TÔN THẤT BÌNH

Ba Vũ là đoàn múa cung đình độc nhất còn lại ở Huế đến ngày nay. Đây là một đoàn có nguồn gốc lịch sử lâu đời; có nghệ thuật trình diễn độc đáo.

Đoàn Ba Vũ và nghệ thuật múa cung đình Huế
Một vai tuồng của Đoàn Ba Vũ - Ảnh: Lê Văn Lợi

Múa cung đình Việt Nam có từ đời tiền Lê. Qua đời Lý, hình thức múa có bước phát triển qua sự kiện Lý Thánh Tông trong cuộc Nam Chinh bắt hơn một trăm cung nữ Chiêm Thành giỏi múa hát khúc Tây Thiên đem về Thăng Long(1) (1044). Đến đời Trần, hình thức múa hát tập thể đã khá phổ biến ở cung đình. Đến đời Lê, qua các điệu múa Bình Ngô phá trậnChư hầu lai triều được biểu diễn vào năm 1456 nhân khi Lê Nhân Tông đến Lam Kinh bái yết lăng miếu, ta thấy hình thức múa đã phát triển đến hình thức tổ khúc. Đến giai đoạn Trịnh Nguyễn phân tranh, họ Nguyễn vào trấn đất Thuận Hóa, lập một giang sơn riêng biệt. Đời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, Đào Duy Từ vì xuất thân từ con nhà xướng hát, không được đi thi, phẫn chí vào nam giúp Chúa Nguyễn. Chính Đào Duy Từ là người đầu tiên xây dựng cho múa cung đình Huế (Thuận Hóa) những cơ sở đào tạo nghệ thuật múa đầu tiên:

"Từ đời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635), Lộc Khê hầu Đào Duy Từ lập ra Hòa Thanh Thự luyện tập một ban vũ và nhạc, để múa hát vào những ngày khánh lễ. Hòa Thanh Thự gồm 3 đội, mỗi đội có 1 suất đội 120 người lính đều thuộc quyền viên phó quản điều khiển. Vũ sinh tuyển cả con trai và con gái. Đội nhất và đội ba trông coi về nhạc, đội nhì trông coi về ca và vũ (2).

Đến đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) đoàn múa hát cung đình gọi là Tiểu hầu... Đoàn vũ nữ trình diễn khoảng từ 40 - 50 người. Thích Đại Sán, một nhà sư Trung Quốc được mời sang Thuận Hóa đã có những nhận xét về nghệ thuật múa thời bấy giờ: "Cơm nước xong, Quốc Vương hỏi rằng: "Trước mặt lão hòa thượng có thể lấy múa hát cung dưỡng chăng"? Ta bảo rằng: "Trong mười thứ cung dưỡng, âm nhạc là một vậy". Kế khiến gọi ra bốn, năm mươi cung nữ, người nào cũng thoa son, đánh phấn, bận áo hoa màu lục dài phết đất, đội mão vàng giống mão "thất Phật", tay cầm nhạc khí... Bọn cung nữ nhịp nhàng, sắp thành hàng ngũ, âm nhạc hòa tấu, ca nhi hát khúc Thái liên (hái hoa) ngâm giọng chậm rãi cho ăn nhịp với trống đàn, vũ nữ hoa tay múa, bộ như đang hái hoa sen vậy. Diễn tuồng(?) xong, nhà vua lấy ra 50 ngàn đồng tiền(?) giao cho ta ban thưởng cho "tiểu hầu" tức tên gọi đoàn "lê viên" (vũ mã), tên nghe cũng nhã vậy"(3).

Tên gọi Tiểu hầu còn duy trì đến đời Gia Long (1802-1820). Đoàn múa cung đình gọi là "tiểu hầu", đội trông coi về nhạc được gọi là "tiểu nam". Nhân viên hai đội có 2 chánh ca trưởng, 6 phó ca trưởng và 184 người lính. Đến năm Gia Long thứ 3 (1804) hai đội "tiểu nam", "tiểu hầu" họp lại làm một, đổi gọi là Việt Tường đội.

Đến năm Minh Mệnh nguyên niên(1820), đổi lại là Thanh bình thự, có 1 thự trưởng, 1 phó quản, 3 chánh phó đội, 6 quyền suất đội và 120 người lính. Thanh bình thự là trường dạy tuồng, múa và nhạc. Đoàn múa cung đình chỉ là một bộ phận trong 3 bộ phận của Thanh bình thự; chỉ gồm 40 diễn viên(4).

Năm Thành Thái nguyên niên (1889) lại đổi tên là Võ Can Thự cách tổ chức cũng giống như thời Minh Mạng; nhân viên có 120 người, chia làm 3 đội. Về sau lấy thêm 20 đồng ấu học tuồng.

Đến đời Khải Định, đoàn đổi tên là Ba Vũ (múa hoa). Năm 1924, nhân lễ tứ tuần đại khánh, có múa hoa đăng, tức là Ba Vũ:

"Tháng 9 năm 1924, lễ tứ tuần đại khánh vua Khải Định, khắp hai bên đường thành phố Huế làm những khải hoàn môn kết lá xanh tươi, dán chữ thọ và chữ phúc bằng hoa rực rỡ. Ở trên kỳ đài và những cột cờ bên vệ đường đều treo cờ rồng vàng lẫn với cờ ngũ sắc, có đuôi nheo, cờ long phượng nhật nguyệt. Trong điện, bọn cô đầu Bắc kỳ đứng trên chiếu hát, có khi múa và hát những bài hát chúc hô. Buổi tối, 64 trẻ em mặc quần áo lụa màu vàng và xanh đỏ, đầu đội mũ đỏ, vai mang đèn lồng, múa hoa đăng, kế đến ban Bát dật múa..."(5)

Đoàn Ba Vũ được duy trì cho đến năm 1945. Từ sau Cách mạng tháng Tám đến 1954, Bà Từ Cung vẫn thường xuyên giúp đỡ đoàn. Sau 1954 đến 1975 đoàn vẫn được duy trì, nhưng quy mô và nghệ thuật ngày càng giảm. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đoàn Ba Vũ được đổi tên là đoàn múa hát truyền thống, có hai bộ phận: múa và tuồng.

Như vậy, từ thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613 - 1635), đoàn múa cung đình Huế là một bộ phận được huấn luyện trong Hòa Thanh Thự. Đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) và đời Gia Long (1802-1820) đoàn có tên là Tiểu Hầu trong Việt Tường đội. Đến đời Minh Mạng đoàn ở trong biên chế của Thanh Bình Thự. Năm Thành Thái nguyên niên (1889), đoàn ở trong Võ Can Thự. Đến đời Khải Định, đoàn lại có tên là Ba Vũ.

Tên Ba Vũ chỉ rõ nghệ thuật của đoàn một cách trung thực hơn cả.

Về các vũ khúc đoàn trình diễn, chưa rõ các đời chúa Nguyễn gồm các vũ điệu gì; chỉ đời chúa Nguyễn Phúc Chu có khúc Thái Liên (hái hoa sen) mà hòa thượng Thích Đại Sán đã được chứng kiến. Đến đời nhà Nguyễn chỉ còn lại 11 khúc. Diễn viên vừa hát, vừa múa. Các bài hát toàn bằng chữ Hán Việt chỉ trừ múa tứ linh là không hát, nhưng có âm nhạc phụ họa.

11 vũ khúc đó là: Bát dật, lục cung, song quang, tam tinh, chúc thọ, bát tiên hiến thọ, trình tường tập khánh, vũ phiến (múa quạt), nữ tướng xuất quân, Tam Quốc - Tây Du, lục triệt hoa mã đăng và tứ linh.

Theo tương truyền, Đào Duy Từ là người có công sửa lại các điệu múa ở cung đình và sáng tác ra các điệu múa song quang, nữ tướng xuất quân và Tam Quốc - Tây Du. Tác giả Đại Nam liệt truyện tiền biênViệt cầm sử thoại viết:

"Duy Từ có công ngoài đánh chúa Trịnh, trong mở đất Chiêm Thành, làm cho dân giàu nước thịnh, về nghệ thuật, ông sửa lại các lối hát và các điệu múa cổ. Đặt ra điệu múa song quang, điệu múa nữ tướng xuất quân, điệu múa Tam Quốc - Tây Du, dùng khi quốc gia đại lễ. Trong nhà ông lúc nào cũng nuôi một bọn ca vũ để dạy múa hát"(6).

Mười một vũ khúc kể trên được trình diễn trong những ngày lễ lớn: Vạn Thọ (sinh nhật vua), Thánh Thọ (sinh nhật hoàng thái hậu), tiên thọ (sinh nhật hoàng thái phi), thiên xuân (sinh nhật thái tử), thiên thu (sinh nhật hoàng hậu). Ngoài những lễ kể trên, còn diễn vào lễ Hưng quốc khánh niệm, tết Nguyên Đán, lễ kết hôn của hoàng tử hoặc công chúa và các dịp tiếp đãi sứ thần ngoại quốc. Sách Minh Mạng chính yếu có ghi rõ: "Đời nhà Nguyễn, năm Minh Mạng thứ 7(1826), bà Hoàng thái hậu lên thọ lục tuần đại khanh, quan hữu tự dựng thái lâu ở cửa Tiên thọ, trong bày các thứ âm nhạc, vua cùng các quan rước hoàng thái hậu lên xem nhạc công múa khúc trình tường, rồi hòa bản nhạc Bát man"(7).

Ngày lễ vạn thọ của vua Thiệu Trị cũng đã tổ chức múa cung đình: "Năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), tháng 5, lễ tứ tuần đại Khánh, ngày Giáp Tý, rước Hoàng thái hậu lên thái lâu, tấu âm nhạc và ca vũ "(8). Hoặc lễ vạn thọ dưới triều Tự Đức: "Đời vua Tự Đức (1848-1882), ngày lễ vạn thọ, trước 5 ngày và sau 4 ngày, ở trên kỳ đài treo cờ vàng và cờ đủ màu sắc, ngoài phía đông kinh đô, dựng nhà Thảo bằng để diễn các trò vui cho quan quân và nhân dân đồng lạc. Trên chính lâu múa Bát dật, ở Phu Văn Lâu đốt pháo cây, múa hoa đăng, múa tứ linh và ca nhạc" (9).

Trong khi diễn các vũ điệu cung đình, ban nhạc thiều được sử dụng, nhạc khí có: trống lớn hay trống cái, trống con, trống tiểu bồng, trống yên cổ, đàn tỳ bà, đàn tam, đàn nguyệt, hồ, nhị, sáo, kèn, sênh tiền, tam âm, chuông, khánh, đàn sến, đàn cầm, đàn tranh, mõ, song loan.

Ban nhạc có y trang dành cho đại lễ và ngày thường.

Tùy theo từng điệu vũ, các vũ công sẽ được phục trang, mang đạo cụ, khí cụ khác nhau và còn được vẽ mặt, hóa trang hoặc đội lốt thú vật như trong vũ điệu tứ linh.

Để có một cái nhìn về tính chất nghệ thuật múa của đoàn múa cung đình Huế, chúng ta sẽ lần lượt đề cập đến từng điệu múa đã được lưu truyền từ thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên đến nay.

Các điệu múa còn lưu truyền có thể chia làm ba nhóm chính: múa nghi lễ, múa chúc tụng và múa theo tích sử, truyện.

Múa nghi lễ có các điệu: Bát dật, lục cúng và song quang.

Múa chúc tụng gồm có các điệu: tam tinh, chúc thọ, bát tiên hiến thọ, trình tường tập khánh, vũ phiến, lục triệt hoa mã đăng và tứ linh.

Múa theo tích sử, truyện gồm: nữ tướng xuất quân, Tam Quốc, Tây Du.

Chúng ta sẽ đề cập đến nhóm múa nghi lễ trước.

1. Múa Bát dật: Vũ khúc Bát dật có ở Trung Quốc từ đời Chu, đến năm Minh Mạng nguyên niên, vua sai Viện Hàn Lâm sửa lại để múa những khi tế giao, miếu, xã tắc, lịch đại đế vương và đức Khổng tử.

Đây là loại múa lễ thức, đội hình múa gợi lên hình bát quái. Qua múa Bát dật, ta thấy múa cung đình đã tiến thêm một bước về quy mô hình thức múa (64 người).

2. Múa lục cúng: có gốc từ Ấn Độ, do các vị sư Ấn Độ truyền sang. Các chùa ở hạt Thuận Thành, Yên Mỹ, Thường Tín v.v… Thờ Phật tứ pháp (vân, vũ, lôi, điện) khi múa thường múa để dâng hương, hoa, đăng, trà, quả và thực lên Tam bảo. Múa cung đình đã gạn lọc cái hay của múa tôn giáo và dân gian, thể hiện nội dung chủ đề lục cúng bằng những hình tượng múa cụ thể, theo những cách nhìn về cái đẹp rất Việt Nam, nên ngôn ngữ và kết cấu múa lục cúng khác xa với múa Ấn Độ. Những nét cầu kỳ hoặc nặng nề của nước ngoài đã được đơn giản hóa.

Múa Lục cúng là hình thức múa 6 người; trong quá trình phát triển, múa lục cúng biến thành múa đông người. Đây là loại múa hình tượng, có sử dụng những yếu tố xiếc, tạp kỹ như chồng người. Các thế tay được kết hợp với các thế chân và động tác chân.

Kết cấu múa hoa đăng lục cúng là kết cấu của một bức tranh đẹp được trình bày ở cuối khúc múa trong tổ khúc gồm 6 khúc múa liên tục.

3. Múa song quang: Được múa vào những ngày lễ vạn thọ, tiên thọ, thánh thọ và cúng mụ. Nội dung nói lên sức mạnh của Phật lực Hộ pháp và Tề thiên đại thánh cùng nhau khu trừ yêu ma, quỉ quái.

Nhóm múa chúc tụng gồm:

1. Múa tam tinh chúc thọ:   có nghĩa là 3 ngôi sao chúc nhà vua sống lâu (sao phúc, lộc, thọ) được thể hiện bằng hình tượng ba ông lão. Ông già sao phúc một tay bế hài nhi, một tay cầm quạt thuẫn. Ông già sao lộc một tay cầm ngọc như ý, một tay cầm quạt thuẫn, ông già sao thọ cũng cầm quạt thuẫn ở một tay, tay kia chống gậy. Ba ông lão đều mặc xiêm dài và có giáp. Đội hình múa chủ yếu là vòng tròn thể hiện sự di động của các vai. Động tác múa minh họa cho lời hát và khắc họa tính cách nhân vật.

2. Múa bát tiên hiến thọ: Được múa trong các lễ vạn thọ, thánh thọ, thiên thọ, có nghĩa là tám vị tiên dâng các trái cây và thuốc chúc tụng nhà vua sống lâu. Tám vị tiên đó là: Hán Chung Ly, Trương Quả Lão, Hàn Tương Tử, Lam Thái Hòa, Tào Quốc Cửu, Lã Đồng Tân, Lý Thiết Quài và Hà Tiên Cô.

Đây là hình thức múa đông người. Kết cấu múa của bát tiên hiến thọ là múa đồng điệu, không có những bè múa riêng biệt.

3. Múa trình tường tập khánh: Được múa vào các ngày lễ vạn thọ. Điệu múa có bốn vị "tứ trụ thiên thần" vâng mệnh trời xuất chúc cho dân giàu nước mạnh. Hai vị mặt đỏ râu bạc và hai vị mặt trắng râu đen. Các vị này đội mũ xuân thu, bình thiên, kim khôi, bào đĩnh, mặc giáp đeo đao, chân đi hia, lưng giắt thần thông bửu bối.

Tứ trụ thiên thần tay phải cầm liễn cuốn tròn, múa bộ, rồi mỗi ông dâng câu liễn đang cầm lên chúc thọ vua.

Đội hình múa là hàng ngang, hàng chéo, hình vuông là chính, kết hợp với những tuyến múa liên kết các đội hình.

Múa trình tường tập khánh là lối múa đồng điệu, mặc dù mỗi khi kết hình tượng, từng tư thế riêng của mỗi người ghép thành một quần tượng có nội dung cụ thể.

4. Vũ phiến (múa quạt)

Dùng để múa trong tiệc cưới. Dành cho hoàng thái hậu, hoàng hậu, phi tần và công chúa xem. Nội dung là để chúc tụng vợ chồng hòa hợp. Các vũ nữ vừa múa vừa hát, đây là hình thức múa nữ đông người (10 người). Mỗi vũ nữ cầm một quạt của các vai đào trong tuồng cổ.

Điệu múa được thể hiện bằng mấy động tác quạt: guộn quạt xoè, guộn quạt gập, chỉ (bằng quạt gập) và nghiêng lượn vòng hai tay quá đầu với một tay quạt xoè.

Đội hình chủ đạo là vòng cung và hàng ngang với các lối chuyển thông thường từ hai đội hình này sang nhau.

5. Múa lục triệt hoa mã đăng:

Thường được múa tại Phu Văn Lâu vào ngày lễ Hưng quốc khánh niệm, nội dung chúc nhà vua sống lâu, ca ngợi đất nước và nhân dân hòa bình, thịnh vượng.

Lục triệt là sáu khúc hát trong điệu múa: từ nhất triệt đến lục triệt.

Điệu múa do 48 vũ sinh cưỡi 48 con ngựa đã được huấn luyện trước. Vũ sinh vai nịt chữ thập, hai bên vai đeo hai cái đèn giấy vẽ hoa, vừa múa vừa hát. Về sau thấy dùng ngựa khó khăn nên Thự Thanh Bình mới sửa lại, dùng ngựa giả. Vũ sinh một tay cầm đầu ngựa giả, một tay cầm đuôi ngựa giả, đi lại theo điệu múa. Nghệ thuật múa là sự phối hợp nhịp nhàng giữa người và ngựa, vũ sinh phải mất nhiều công phu tập luyện trước khi trình diễn.

6. Múa tứ linh: Tứ Linh là bốn con vật linh thiêng theo quan niệm của người Việt, đó là: long (rồng), ly hay lân (kỳ lân), quy (rùa) và phụng (chim phượng). Điệu múa này được múa trong các lễ vạn thọ, Hưng quốc khách niệm, Thánh thọ, Tiên thọ, Thiên xuân và cúng mụ.

Đây là điệu múa dùng hình tượng vật, và múa không có lời hát kèm theo.

Vũ khúc tứ linh có từ thời cổ, từ dân gian đến cung đình đều có múa. Sau Đào Duy Từ sửa lại để múa ở cung đình, về hình thức, tứ linh có thể được múa liên tục, hoặc múa chiếc (từng con một). Ngày trước, để chúc tụng vua, tứ linh lần lượt được múa theo thứ tự: long, lân, phụng, quy. Các vũ sinh đội lốt tứ linh mà múa.

Qua nhiều lần cải biên, điệu tứ linh được gia công sáng tạo của các vũ sư. Múa long được cải biên thành "Long hổ hội", múa lân thành "lân mẫu xuất lân nhi", múa phụng thành "song phụng" và múa quy được múa chung với múa "song phụng".

Tiến trình nghệ thuật múa tứ linh của đoàn Ba Vũ đã minh họa cho nội dung mà vũ điệu muốn diễn đạt. Trong múa "long hổ hội", con rồng đã được nhân cách hóa một cách mạnh dạn, con hổ cũng đã có những động tác được nâng cao về mặt nghệ thuật mà thuộc tính bài vật không còn làm cản trở sự sáng tạo của vũ công trong cung đình. Những động tác bê đỡ, nhào lộn, đứng trên bi tròn trong múa đôi "long hổ hội" đã vận dụng kỹ xảo của xiếc.

Về phương diện nghệ thuật, đây là hai múa đôi, phức điệu. Mỗi con thú có một lối múa riêng biệt. Loại múa này đã phát triển hình thức múa đôi trong múa dân tộc.

Nhạc kèm chủ yếu là bản xàng xê, có kèn chiến và bộ nhạc gõ phụ họa. Các nhạc cụ khác được sử dụng là bạt và phách tiền.

Múa lân mẫu xuất lân nhi có chủ đề hạnh phúc gia đình nên đã chú trọng đến những động tác thể hiện tình cảm của lân cha, lân mẹ và lân con.

Múa lân mẫu xuất lân nhi là điệu múa đồng điệu, múa theo nhạc, điệu mã vũ và Bát man, có kèn và bộ nhạc gõ phụ họa.

Tiến trình của múa Song phụng gồm hai giai đoạn: Giai đoạn 1: đôi chim tỏ tình; giai đoạn 2: sinh hoạt của chim phụng. Trong giai đoạn 1, hai chim cùng bước ra sân khấu theo lối đi của loài cò. Mỗi con quay vòng tròn tại chỗ; rồi bước lên 3 bước cung kính chào khán giả. Hai chim làm động tác gù nhau, động tác giao cách, rỉa đuôi và rỉa lông chân lần lượt cho nhau.

Kế tiếp một con nằm, một con đứng, thay phiên nhau rỉa lông bụng. Xong đôi chim làm động tác xoay tròn, quẹt mỏ, giũ lông cánh sau khi tắm, rồi hai chim theo nhau đi vào.

Múa quy được trình diễn kèm theo với múa phụng. Đang lúc đôi phụng múa xoay tròn, quy bò ra, đầu và bốn chân cùng đuôi thò ra thụt vào và di chuyển theo điệu nhạc. Đôi phụng thấy quy, múa đuôi nhanh rồi nhảy tròn vầy quy. Quy vẫn bò chậm theo vòng tròn, đôi phụng làm động tác mổ quy, quy lững thững bò vào.

Điệu múa phụng là điệu múa tứ linh là nói lên sức mạnh và quyền lực quân vương, thể hiện sự thanh bình của đất nước, hạnh phúc của nhân dân trong cảnh quốc thái, dân an. Những điềm lành đã báo hiệu cảnh thịnh trị trong toàn đất nước.

Tuy ý nghĩa của tứ linh đã được thể hiện qua các vai: rồng tượng trưng cho vua và quyền lực quân vương; lân biểu tượng cho điềm lành, báo hiệu đất nước thanh bình mỗi khi xuất hiện; quy biểu tượng sự lâu đời; phụng báo hiệu những điều tốt lành, hạnh phúc, nhưng tiến trình nghệ thuật múa lại mang nội dung mới cho các vai, làm cho người xem quên hẳn tính cách thiêng liêng cùng với ý nghĩa mà nó biểu tượng. Điệu múa lân mẫu xuất lân nhi trở thành một hình ảnh điển hình rất sống động cho hạnh phúc gia đình, một gia đình nhỏ rất ấm cúng và đầy tình thương mến giữa vợ chồng, con cái. Với điệu múa lân trong tứ linh chúc thọ, ta thấy có sự khác biệt về ý nghĩa. Con lân múa trong tết Trung thu, con lân Trung Hoa, cốt biểu dương kỹ xảo, tài nghệ và sức mạnh, đó là con lân của sự phô trương nặng tính cách anh hùng cá nhân, sống theo bản năng mà thiếu tình cảm. Điệu múa song phụng nghiêng sang chủ đề hạnh phúc lứa đôi. Cảnh đôi chim phụng gù nhau, rỉa lông cho nhau, cùng nhau múa giao cánh, xoay tròn gợi cho ta những hình ảnh đẹp của lứa đôi đang độ yêu đương, thể hiện những tình cảm âu yếm, chăm sóc cho nhau từng chút một. Đôi chim phụng ở đây không còn một dấu vết gì là biểu tượng của vật linh nữa, mà đã có những cảm xúc, cử chỉ rất thực của con người.

Ngoài hai nhóm múa nghi lễ và chúc tụng, múa lấy nguồn từ tích sử, truyện Việt Nam và Trung Quốc cũng được chú trọng. Có hai điệu múa còn được lưu truyền.

1. Múa nữ tướng xuất quân:

Tương truyền do Đào Duy Từ đặt ra để ghi nhớ công ơn hai Bà Trưng, người đã đánh đuổi thái thú Tô Định, đem lại độc lập cho nước nhà.

Điệu múa này được múa trong những ngày lễ chiến thắng, hưng quốc khánh niệm, những buổi dạ yến và tiếp đãi sứ thần ngoại quốc.

Điệu múa kiếm do 10 vũ sinh, toàn nữ biểu diễn, chia làm hai bè:

- Bè của hai Bà Trưng làm trung tâm.

- Bè của các nữ binh, gồm 8 người đứng vây tròn quanh hai bà.

Điệu múa này có 4 khúc hát do diễn viên vừa múa vừa hát. Các động tác múa tuồng được sử dụng ở thế tay cầm kiếm, những động tác tay như chém, đỡ, đâm, loan kiếm, múa kiếm xoay tròn, cầm kiếm chạy.

Động tác thể hiện nội dung hình tượng của lời hát, múa minh họa cho lời hát. Các đội hình chính là hàng ngang, vòng cung, bốn đôi ở bốn góc cùng một đôi chính (Hai Bà Trưng) ở giữa.

2. Múa Tam Quốc Tây Du: Điệu múa do 72 người múa (36 nam, 36 nữ).

Nội dung ý nghĩa các khúc múa dựa theo tích Tam Quốc và Tây Du. Nội dung Tam Quốc đề cao giai cấp thống trị phong kiến, nội dung Tây Du nhằm siêu thoát âm hồn thập loại chúng sinh qua việc Tam Tạng thỉnh kinh ở Tây Trúc.

Có 6 bài Tam Quốc:

1- Vu kim chúng thượng
2- Ngưu lung bích thọ
3- Thị hồ huỳnh cân
4- Thị hồ vu hiên
5- Thị hồ thiên thương
6- Thị hồ nan thông.

Và 6 bài Tây Du:

1- Đường Tam Tạng đi Tây Trúc thỉnh kinh
2- Đường Tam Tạng gặp Tề Thiên Đại Thánh
3- Đánh động Hồng hài nhi
4- Đánh động Thất tinh nương
5- Đánh quán Hoàng Hoa
6- Đánh động Thanh Hoa tiên sứ.

Động tác múa và kịch câm là phương tiện chủ yếu để diễn đạt nội dung và lời hát viết bằng chữ Hán. Động tác múa thể hiện nội tâm nhân vật như Vương Doãn vui thì vuốt râu dài, chân chạy lúp xúp và vòng tại chỗ, còn Trương Phi vui thì vỗ tay, chân bước nhanh. Hai tính cách nhân vật khác nhau, một đằng là niềm vui của cụ già, một đằng là nỗi vui mừng của kẻ trung niên đầy nhiệt huyết.

Trong từng bài múa bông, có những đoạn nam nữ múa chung một động tác. Nhưng ngược lại, cũng có đoạn mà bè múa nam khác với bè múa nữ.

Hình thức múa bông trong Tam Quốc - Tây Du là hình thức múa đông người với những đoạn múa đôi.

Sau khi đã tìm hiểu về lịch sử và nghệ thuật múa của đoàn Ba Vũ qua 11 điệu múa còn lại từ đời Nguyễn, ta hãy điểm qua một số đặc điểm về tính chất nghệ thuật múa cung đình Huế.

Múa dân gian đã thâm nhập vào cung đình qua đề tài (long, lân, quy, phụng; múa bông; múa quạt...) qua các vũ sư giỏi trong dân gian được triệu về kinh để dạy múa. Nó được quy mô hóa về hình thức (múa đông người) và phức tạp hóa (múa cùng với ngựa trong vũ điệu "lục triệt hoa mã đăng").

Múa cung đình Huế chú trọng đến múa lễ thức và múa chúc, không có hình thức múa vũ hội như ở Âu Châu; chủ yếu là do vũ sinh biểu diễn, không có sự tham gia của hoàng thân, vua chúa.

Tính chất dân tộc được coi trọng, bảo trì. Sự kiện du nhập hai điệu múa Bát dật (múa Trung Quốc) và Lục cúng (múa Ấn Độ) vay mượn về đề tài, nội dung, nhưng đã được các vũ công tái tạo thành những hình tượng múa độc đáo Việt Nam là những chứng minh cụ thể.

Động tác múa cung đình Huế có quan hệ tương hỗ với động tác múa tuồng. Rõ ràng nhất là trong các hình thức múa bông Tam Quốc - Tây Du, múa Lục cúng, múa Tam tinh chúc thọ v.v... Điều này cũng dễ giải thích khi ta tìm hiểu về tổ chức của các trường ca vũ và tuồng từ thời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên cho đến thời Khải Định - bộ môn ca vũ và tuồng thường được huấn luyện dưới một mái trường: Hòa Thanh Thự, Việt Tường đội, Thanh Bình Thự, Võ Can Thự.

Đối với khán giả đương thời, và đối với nhân dân dưới chế độ phong kiến, loại hát - múa cung đình đã làm hạn chế khả năng thưởng thức, vì khó mà lãnh hội được ý nghĩa các bài hát bằng chữ Hán trong các điệu múa trên. Vì quan niệm múa cung đình là trình thức nên không dám có những thay đổi nếu tác giả không phải là người có uy quyền. Phần âm nhạc phụ họa cũng vậy. Đó là lý do tại sao múa cung đình Huế tuy được bảo lưu qua những thăng trầm của lịch sử, nhưng tính chất hiện thực bị nghèo dần, không có cuộc sống sống động. Ngày nay, ta phải có cái nhìn và quan niệm khác hơn, cần nâng cao nghệ thuật và nội dung tư tưởng trong các điệu múa cung đình. Tuy nhiên nếu chỉnh lý, cải biên cũng cần phải giữ sao cho được bản sắc và tâm tình dân tộc.

So với múa cung đình của các thời đại trước, múa cung đình Huế đã có những tiến bộ hình thức và nghệ thuật: quy mô về số lượng người múa (48 người trong múa Ba mã, 64 người trong múa Bát dật) phức tạp hơn (múa có ngựa) và dùng kỹ xảo xiếc (Long Hổ Hội). Cũng chưa có điệu múa cung đình nào lại đưa lên sân khấu cảnh sinh đẻ nhưng vẫn không làm giảm tính chất thẩm mỹ như điệu múa Lân mẫu xuất lân nhi của đoàn Ba Vũ.

Dưới thời Lý, Trần vua và các quan cùng tham gia múa hát, chứng tỏ ở giai đoạn này, múa cung đình còn gần gũi với múa dân gian. Sang triều Nguyễn, múa dân gian và cung đình tách rời nhau, biệt lập hẳn. Vua quan chỉ là người thưởng ngoạn.

Múa cung đình Huế nhằm diễn tả ý nghĩa trong toàn bộ phận con người sự phối hợp giữa các bộ phận trên khuôn mặt, tay chân và thân hình nhằm biểu đạt tâm tư, tình cảm. Từng ngón tay, thế tay, thế chân riêng biệt không chủ yếu diễn tả một điều gì cụ thể như múa Cămpuchia. Trong múa bông Tam Quốc, muốn diễn tả ý "thán thiên thương" (kêu thấu trời), nghệ nhân thể hiện bằng động tác giơ hai tay lên trời, rung bàn tay, từ từ ngồi xuống trên hai gót chân đồng thời tay cũng hạ xuống. Múa cung đình Huế đã cách điệu hóa động tác sinh hoạt. Đường nét võ thuật Việt Nam làm cho động tác sinh hoạt thêm phong phú về mặt tạo hình và luật động.

Trên đường phát triển của múa dân tộc, múa cung đình Huế đã biết tiếp thu có sáng tạo múa nước ngoài, giữ được bản sắc dân tộc. Tuy nhiên do quan niệm thống trị phong kiến cũng như phong cách trình diễn tại cung đình, nghệ thuật và nội dung múa có mặt hạn chế như sự cấm kỵ do sự phạm tất đã buộc nghệ nhân hạn chế phần nào sự phát triển động tác, đội hình và tuyến múa. Lời hát bằng chữ Hán làm người xem khó thâu nhận ý nghĩa bài múa và sự lạm dụng hình thức hát - múa làm sân khấu múa kém sinh động. Ngày nay, đoàn múa cung đình Huế đã có nhiều cố gắng để vượt qua những hạn chế trên.

Lối hát - múa đã được giảm đến mức tối đa, bỏ hẳn những bài hát chữ Hán vốn nặng nề khó hiểu; cải biên một số điệu múa như nữ tướng xuất quân, trình tường tập khánh với nhiều động tác sinh động dựa trên vũ đạo tuồng, trình bày những tuyến múa đẹp mắt, phong cách diễn đạt vừa nhẹ nhàng thanh thoát vừa đậm nét hào hùng. Các điệu múa cũ được dựng lại là Tứ linh, vũ phiến, lục cúng hoa đăng. Sáng tác điệu múa chèo dựa trên cơ sở cách điệu và nâng cao nghệ thuật động tác chèo thuyền của dân gian. Một số điệu múa có thể dựng lại để phục vụ nghiên cứu nghệ thuật như Tam tinh chúc thọ, Bát dật - Tam Quốc - Tây Du - Ba mã v.v... nếu có điều kiện bổ sung về số lượng diễn viên và có phương hướng phát triển.

Trong những năm sau ngày giải phóng, mặc dù có những khó khăn nhất định, đoàn múa cung đình đã lập được nhiều thành tích xuất sắc, đoạt được nhiều huy chương và bằng khen như lần hội diễn ca múa nhạc toàn quốc 1985, đoàn đã được 5 huy chương vàng cho cá nhân và tập thể cùng một giải đặc biệt do Bộ Văn Hóa tặng(10). Tuy nhiên, vì số lượng diễn viên còn ít, nên đoàn chưa thể dựng lại những điệu múa cần một tập thể đông người như Bát dật, Tam Quốc-Tây Du, Lục triệt hoa mã đăng.

Chúng tôi hy vọng trong tương lai, đoàn sẽ được sự lưu tâm của chính quyền hơn nữa để có thể rộng đường phục vụ nhân dân trong nước, khán giả bốn bể năm châu các điệu múa tuy gọi là cung đình, nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc.

Tháng 12 - 1986
T.T.B.
(SH35/01&02-89)

----------------------------
(1) Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, quyển II, tr. 223
(2) Đỗ Bằng Boàn và Đỗ Trọng Huề: Những đại lễ và vũ khúc của vua chúa Việt Nam, Hoa Lư, 1968, tr. 442-443.
(3) Thích Đại Sán: Hải ngoại ký sự. Viện Đại Học Huế xuất bản trang 40.
(4) Theo tư liệu tại Thanh Bình từ đường, người đọc: Bác Dương Hòa, 85 tuổi.
(5) Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề: Việt Nam ca trù biên khảo, Sài gòn 1962, tr.30-31; trích dẫn theo Bulletin des Amis du Vieux Huế, số 2 năm 1925 - tr.41-42.
(6) Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề: Việt Nam ca trù biên khảo, tr. 201-202, dẫn theo Đại Nam liệt truyện tiền biênViệt cầm sử thoại.
(7) Minh Mạng chính yếu, quyển II tr.31.
(8) Quốc triều chính biên toát yếu, quyển 4, tr.32,
(9) Đại nam hội điển tục biên, quyển 19, trang 18 và 42.
(10) Về xây dựng múa, 1 về đội tấu, 1 về nhạc, 1 về múa, 1 dành cho tập thể đoàn; hiện có tên là đoàn nghệ thuật cung đình.







 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Chiều Huế tím (23/04/2015)