Ngoài 19 Kiệt tác đã được công bố vào ngày 18 tháng 5 năm 2001, lần này trong 28 Kiệt tác được ghi nhận có 03 Kiệt tác thuộc khối Ả Rập, 11 Kiệt tác thuộc Châu Á - Thái Bình Dương, 06 Kiệt tác thuộc Châu Mỹ La tinh - Caribê và 02 Kiệt tác thuộc Liên Quốc Gia (vùng Ban-tich và Tajikistan-Uzbekistan).
Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam (Nha nhac, Vietnamese Court Music) là Di sản Văn hóa phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là Kiệt tác Di sản Văn hóa Phi vật thể và Truyền khẩu của Nhân loại. Ðể có được sự tôn vinh cao quý này Nhã nhạc đã phải vượt qua gần 200 hồ sơ ứng cử ở vòng loại để bước vào vòng chung khảo gồm có 56 hồ sơ đã được Hội đồng Âm nhạc Truyền thống Quốc tế, Hội đồng Khoa học Xã hội Nhân văn và Triết học Quốc tế, Hiệp hội Múa rối Quốc tế, Học viện Sân khấu Quốc tế và Hội đồng các Bảo tàng quốc tế là các tổ chức phi chính phủ thẩm định và thông qua. Các hoạt động tích cực về bảo tồn và phát huy giá trị di sản Nhã nhạc Cung đình liên tục được đẩy mạnh ở khu di sản văn hóa Huế trong thời gian này là rất cần thiết và góp phần không nhỏ cho các bước tiếp theo. Một Hội đồng thẩm định cấp cao do chính Tổng giám đốc UNESCO chỉ định gồm có 18 thành viên và một tổ tư vấn thuộc Vụ Di sản Văn hóa của UNESCO do nhà văn Juan Goytisolo (Tây Ban Nha) làm chủ tịch đã nhóm họp từ ngày 03 đến ngày 06 tháng 11 năm 2003 để đi đến quyết định cuối cùng về việc ghi danh Kiệt tác Di sản Văn hóa Phi vật thể và Truyền khẩu của Nhân loại thông qua việc bỏ phiếu kín.
Hồ sơ ứng cử của Việt Nam do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xây dựng dưới sự chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ, Bộ Văn hóa Thông tin, Cục Bảo tồn Bảo tàng (nay là Cục Di sản Văn hóa), Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam và Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã được chuẩn bị từ tháng 04 năm 2002. Các GS.TS Tô Ngọc Thanh, GS Trần Văn Khê, PGS.TS Vũ Nhật Thăng, Nhạc sĩ Ðặng Hoành Loan, GS.Tô Vũ, Th.S Văn Thị Minh Hương... đại diện các tổ chức, ban ngành cùng các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân và gia đình nghệ nhân ở Huế cũng như các tập thể và cá nhân trong nước và quốc tế, đặc biệt là bà Noriko Aikawa, Giám đốc Vụ Di sản Văn hóa Phi vật thể của UNESCO; GS.TS Tokumaru Yoshihiko (Nhật Bản)... đã có những đóng góp tích cực trong việc xây dựng bộ hồ sơ này. Ðây là một hồ sơ khoa học đầy tính thuyết phục và mang tầm quốc tế, đáp ứng các tiêu chí chặt chẽ, nghiêm ngặt của Công ước Quốc tế về Bảo tồn Di sản Văn hóa Phi vật thể đã được chính thức thông qua tại Kỳ họp lần thứ 32 của Ðại hội đồng UNESCO (năm 2001 Công ước này chỉ là dự thảo). Về khối lượng hồ sơ này bao gồm các tài liệu bao gồm tiếng Việt, Anh, Pháp, Hán. Bản viết có 55 trang kèm theo 118 ảnh chụp, 118 phim slide, phim vidéo 10 phút, 65 phút và 120 phút. Phụ lục hồ sơ gồm 3 phần:
1. Các Văn bản Pháp quy của Nhà nước CHXHCNVN trong đó đặc biệt là Luật Di sản Văn hóa với các nội dung về Bảo tồn và Phát huy Giá trị Di sản Văn hóa Phi vật thể, kể cả các giá trị văn hóa vật thể mà Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận và cùng với nó là sự không tách rời của Nhã nhạc Cung đình Huế - Âm nhạc Cung đình Việt Nam. Các chủ trương chính sách bảo tồn và phát huy giá trị cũng như nêu lên các nguy cơ có thể bị mai một của loại hình văn hóa này.
2. Tư liệu gốc, thư tịch cổ về Âm nhạc Cung đình nói chung và về Huế nói riêng (chủ yếu bằng chữ Hán).
3. Sự lan tỏa của Âm nhạc Cung đình thông qua các tư liệu, ấn phẩm... (tiếng Việt, Pháp, Anh...)
Hội đồng thẩm định mà UNESCO đã đánh giá là Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam mang ý nghĩa "âm nhạc tao nhã". Nhã theo nghĩa Hán Việt là lịch sự, trang nhã song cũng có ý nghĩa là đàng hoàng, phân minh. Nhạc là âm nhạc. Với cách biểu đạt ngôn từ như vậy thì Nhã nhạc có chức năng là âm nhạc cung đình dành riêng cho tầng lớp vua chúa phong kiến. "Song ngược lại trong cung đình Việt Nam, không có sự thuần chất này. Trong lịch sử ngoài giai đoạn nhà Lê, còn các khoảng thời gian khác hầu như yếu tố dân gian luôn chi phối các hoạt động âm nhạc cung đình... Ðây là điểm khác biệt so với một số nước"(1). Theo các nguồn tư liệu thì Nhã nhạc có nguồn gốc từ thế kỷ 13 nhưng chỉ đạt đến mức độ điêu luyện tại cung đình Huế, dưới triều Nguyễn (1802-1945) có những nguyên nhân đe dọa sự thất truyền của thể loại âm nhạc này. Song ngày nay vẫn còn một vài nhạc công xưa của cung đình còn sống đang cố gắng làm sống lại truyền thống này và truyền đạt kỹ năng của họ cho thế hệ trẻ và là một nguồn cảm hứng cho âm nhạc trong các dịp tế lễ, các lễ hội dân gian và cho âm nhạc Việt Nam đương đại.
Như lời nhấn mạnh của ông Koichiro Matsuura, Tổng giám đốc UNESCO trong lần công bố "mục đích sự công bố này không đơn giản chỉ là thừa nhận giá trị của một vài yếu tố của di sản phi vật thể mà đòi hỏi các quốc gia phải cam kết thực hiện các kế hoạch nhằm phát huy và bảo vệ các kiệt tác được ghi danh vào danh mục".
Cũng như cách đây 10 năm, Di sản Văn hóa Huế được tôn vinh với các giá trị văn hóa vật thể thì ngày nay với sự tôn vinh giá trị văn hóa phi vật thể của cộng đồng nhân loại đối với di sản văn hóa này lại cũng là một lần nữa tăng thêm niềm tự hào và trách nhiệm vô cùng lớn lao, nặng nề đối với quốc gia, đối với địa phương Thừa Thiên Huế và đặc biệt là đối với cơ quan, cá nhân đã đăng ký và cam kết với UNESCO về "những cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm đăng ký và thực hiện chương trình phục hồi, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Nhã nhạc Huế". Di sản Văn hóa là vốn quý của quốc gia và dân tộc, là bộ phận cấu thành không tách rời của Di sản Văn hóa của nhân loại. Sự trường tồn của một Di sản chủ yếu sẽ phụ thuộc vào sự nỗ lực và ý thức của con người ngày hôm nay và sự tiếp nối của các thế hệ mai sau và nếu được sự tốt đẹp như vậy thì nó sẽ vượt qua được mọi thử thách của thời gian và các tác động của cuộc sống mới để luôn được bảo tồn và tỏa sáng. Ðiều này rất cần thiết với Di sản Huế, Di sản với 2 lần được thế giới thừa nhận sự nổi bật toàn cầu về giá trị văn hóa.
P.P (178/12-03) |