Lại là Thanh Tâm. Tôi chợt nhớ lời chị tôi: “Ca Huế cổ kính thì gặp bà Minh Mẫn, còn nghe ca đài các sang trọng thì gặp cô Thanh Tâm”. Trong suốt chuyến vô Huế lần đó, cái tên Thanh Tâm cứ được nhắc tới hoài. Không ít người bảo: “Gặp cô Thanh Tâm à? Khó đấy!”. Mà quả là lần ấy, có lẽ duyên chưa tới nên tôi không tìm được lúc nào thư thả để gặp cô. Hai năm sau tôi trở lại Huế, khi cái lạnh của đợt trường rét vẫn còn theo chân những màn mưa bụi trượt trên những lớp ngói Ngọ Môn. “Anh về mô?”- chú xe ôm hỏi. “Cho về chợ Tây Lộc, đường Lê Ngọc Hân”. Thế là lần này, tôi đến thẳng nhà cô Thanh Tâm. Cô đón tôi rồi hãm ấm trà, bỗng trời hửng nắng. Ngồi bắt chéo chân, cô châm điếu thuốc, tự nhiên cất tiếng ca vo một vài câu Cổ Bản: Ai phong lưu người điệu là khách Hương Bình/ Bạn chung tình với mình mà chơi/ rượu khuyên mời/ Cạn lời đinh ninh… Ca chưa hết câu thì mẹ cô đã ngoài 90 ở trong nhà ra, bà cũng là một nghệ nhân tuồng cung đình của Huế. Cụ bảo: “Cô ca giỏi lắm, cái gì cũng ca được hết, cả ca Huế và Tuồng”, rồi cụ lại bảo: “Tính cô cứng rắn, ngang lắm, cũng khổ, chẳng có ai chịu được.” Nước ngược chia phôi cho dang dở Người đi kiếp người… Cô Thanh Tâm là con gái của cố nghệ nhân Phan Hữu Lễ, thành viên của đội tuồng Thanh Bình Thự dưới triều vua Khải Định. Cụ được coi là một nghệ sĩ tài hoa, tay trống bậc nhất của nghệ thuật cung đình. Ngoài Tuồng ra, cụ Lễ còn am hiểu thấu đáo các môn nghệ thuật khác như Ba Vũ hay Ca Huế. Dưới triều Bảo Đại, cụ dạy cho đoàn Ba Vũ. Năm 1956 được cử hướng dẫn nghệ thuật cho đoàn Ba Vũ đi công diễn ở Philippines; Năm 1958 được bổ nhiệm về phụ trách ban Tuồng Đại Nội. Lên 6, cô Thanh Tâm đã theo cha vào Đại Nội xem tập luyện. Đến năm 11 tuổi cô được vào học Ba Vũ trong đội Đồng Ấu, 13 tuổi đã đi múa. Cô còn được cha và các thầy giáo trong đoàn dạy Tuồng cung đình, được thầy Đinh Hữu Khai dạy Ca Huế, và sớm trở thành giọng ca tài hoa ở đất đế kinh. Cô kể, khi bắt đầu vào nghề, cô thường xuyên được kêu vào hát hầu cho Mệ Sen, Mệ Sen là công chúa của đức Thành Thái, tên thật là Công Tằng Tôn Nữ Lương Linh. Hồi đó, trong phủ chỉ có người nhà mới được đi giày còn lại phải đi chân đất nhưng cô bé Thanh Tâm kiên quyết không bỏ giày. Bị Mệ trách cô nói: “Thưa Mệ! con ca mà đi chân đất coi sao được”, rồi vào đến trong nhà ngồi trên salon hát, Mệ Sen không cho cô ngồi vắt chân, cô lại bảo: “Thưa mệ! Con ca mà không cho con ngồi vắt chân thì làm sao mà con đánh phách được”. Rồi cô cười với tôi: “Nói thế thôi, chứ Ca Huế hoặc ngồi chiếu, hoặc ngồi salon thì phải vắt chân nhìn nó mới sang. Chứ còn ngồi thế nào mà chả đánh phách được, nhưng nói thế Mệ cũng phải chịu”. Sau năm 1975, cô Thanh Tâm theo nhà chồng lên vùng kinh tế mới từ bỏ nghề cầm ca. Hồi đó, theo sự phân công, nhà cô về Lâm Đồng, nhưng không hiểu sao cả nhà đi tuột thẳng xuống Cà Mau để lập nghiệp. Nhưng trót “mang lấy nghiệp vào thân”, ở được 2 năm, cô ôm hai đứa con còn bé về lại Huế, ngày dọn hàng nước cùng mẹ đẻ tối đạp xe đi ca kiếm tiền nuôi con. Mỗi lần hát, tôi vẫn thấy hai tay cô nâng cặp phách lên đầu như vái. Cô bảo, trước khi hát cô vẫn lạy tổ nghề, lạy thầy, xin tổ, xin thầy gia hộ cho. Cô bảo: “Nếu không được tổ phù hộ cho thì có lẽ cô cũng không hát được cho đến giờ”. Một khách nghe ở đường Phan Đăng Lưu, nơi tập trung dân buôn người Hoa rất sành nghe Tuồng kể với tôi rằng: Hồi đó ở Nhà văn hoá, hễ tối nào mà không có Thanh Tâm ca thì khán giả bỏ vé về. Có một nghệ sĩ Thanh Tâm ca Huế, rồi lại có một nghệ sĩ Thanh Tâm đóng Tuồng, từ vai Lữ Bố trong Phụng Nghi Đình đến vai Thị Kính diễn suốt 5 màn kịch bản Tuồng chuyển thể từ Chèo do lão nghệ sĩ Hoàng Châu Ký dàn dựng. Cô Thanh Tâm kể diễn vai Thị Kính mà cứ vừa diễn vừa khóc, khó suốt cả 5 màn. Có hôm đang diễn thì mất điện, khán giả không chịu về, họ cứ bật hộp quẹt hết người này đến người khác, xem cho hết vở thì thôi. Sáng ra cô ra chợ Đông Ba, bà con ở đấy tự nhiên cứ dúi tiền vào áo: “Thưởng riêng cho mi hát hôm qua hay quá!” Có đêm diễn ra ngoài, mọi người cứ chạy ra thưởng thêm tiền, cả một nón tiền, cô lại chia đều cho anh chị em trong đoàn rồi đạp xe về nhà. Kể đến đấy, thấy tôi luýnh quýnh vì tiếng điện thoại di động, cô ngồi tự ca vo một bản Tương tư khúc: Một bóng về đêm/ Em âm thầm đường xa đơn độc… Sau ngày giải phóng đã có lúc cô nghĩ đoạn tuyệt với nghề. Hôm đó là một buổi trưa mùa hè, tự nhiên cô lên nhà thỉnh ba tiếng chuông rồi đứng trước bàn thờ Phật, cắt tóc cạo trọc đầu. Người nhà không ai dám nói một câu,. Cứ thế rồi trưa nào cũng vậy, cô thay một chiếc áo trắng, đi bộ ra đến gần Cửa ngăn rồi lại đi về nhà. Dạo đó cô làm đủ mọi việc chân tay, bê vác đồ nặng cố làm chai, hỏng đôi tay từ trước đến giờ chỉ quen cầm đôi phách. Được một thời gian sau, cô lại đi ca, theo các đoàn văn công đi đến mọi nơi để ca, ca không công cũng ca, ròng rã như thế suốt 3 năm. Kể đến đây tự nhiên tôi lại muốn nghe cô ca quá. “Cô ca cho con nghe đi cô”. Cô ngồi thẳng lưng hò một câu Hò mái nhì: Tủi lắm anh ơi/ trăng cũng chờ gió vẫn đợi anh/ Đợi khi mô mà thông reo vi vút “Học mà không được ca thì uổng lắm, tổ cho ăn lộc, nhưng tổ bắt theo nghề thì biết làm răng? Thầy dạy Ca Huế cho cô là cụ Đinh Hữu Khai chết trên sân khấu trong khi ca vì đói, tủi lắm!”. “Ngày xưa ở đoàn Ba Vũ, lương tháng là 20 đồng, mà con biết không, lúc đó ở Huế chỉ cần 5 hào là có một bữa cơm thịnh soạn rồi”. “Ngày xưa cứ một tuần là đức Từ (Hoàng thái hậu Từ Cung, thân mẫu vua Bảo Đại) cho gọi đoàn đến ca hát, mỗi lần như vậy cụ mổ một con bò cho cả đoàn ăn trước, diễn xong lại được ăn cháo. Về sau đức Từ mất tội lắm, trước lúc đó mấy chị em trong đoàn thay phiên nhau đến trông cụ, cô còn nhỏ nhưng cụ rất thương, cho cô một cái chén ngọc”. Má hồng da tuyết Quyết liều như hoa tàn trăng khuyết Vàng lộn theo chì… Cô kể chuyện có một cô mới học hát ra thuyền đánh phách cho cô ca Cổ Bản, cô đánh phách trật bèn nói với anh đánh đàn rằng: “do chị Tâm ca làm em đánh trật phách”, cô nghe xong giận quá bảo: “Em có thể chê chị hiếng, đui què chứ bảo chị ca để em đánh trật phách Cổ Bản là xúc phạm chị”. Từ đó cô cũng vãn dần ra thuyền. Đến khi nhà nước bảo đóng tiền để cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ, từ đó cô không ra thuyền hát nữa. Có ai mời đi hát salon thì cho xe đến tận nhà mời mới đi. Cô bảo: “Tuỳ người mới cấp thẻ, chứ những nghệ sĩ cả đời làm nghệ thuật như các cô, các chú mà còn phải đóng tiền để cấp thẻ, đi thi để cấp thẻ thì làm răng có chuyện đó, mà đi thi để lấy thẻ thì lấy mô ra người thẩm định đây.”Cô kể hôm có người đến mời cô đi ca, rồi hỏi tiền, rồi mặc cả. “Lấy chi mà mặc cả nghệ thuật hỉ?”. “Cô thèm ca lắm, nhưng như thế thì ca sao cho đặng” Trước khi đến thăm cụ Trần Kích, cô đưa tôi đi đến chùa Vạn Phước, trên đường đi bất giác tôi hỏi cô: “Giờ cô có dạy ca cho ai không?”, cô trả lời: “Dạy thì có nhiều lắm, nay người này đến học, mốt có người đến học”, tôi lại hỏi: “Thế có ai cô định truyền nghề cho chưa?”, cô bảo: “Cũng đang có một nhỏ con của một người bạn, nhưng còn phải xem đã, chừ cứ dạy thế thôi”. Tôi im lặng không biết nói gì, đường Nam Giao thẳng tắp trước mắt, tự nhiên tôi nhớ lại một câu, và giờ tôi mới hiểu: truyền nhân phải là người nối tiếp cuộc sống nghệ thuật của thầy mình. Ngồi giữa sương sa Chỉ Hằng Nga Thấu cho chăng là… Đêm một ngày cuối xuân, tôi lấy một con thuyền ngược Đập Đá về phía Linh Mụ. Chiếc thuyền máy chạy thật nhanh đến gần cồn Giả Viên thì buông neo tắt máy, phơn phớt chút mưa xuân không đủ làm cho mặt nước Hương Giang xao động. Tôi phấp phỏng chờ đêm hát này từ mấy hôm nay rồi; cuộc vui hôm nay thiếu cụ Kích vì tuổi già, buổi tối cụ không ra ngoài được, cụ Châu thì ở mãi tận Phong Điền, bà Minh Mẫn thì lại đang ở trong Nam. Cô Thanh Tâm hôm nay một mình ca, tôi vẫn muốn nghe cô ca riêng một buổi, giờ mới có dịp. Hôm nay có anh Thảo kéo nhị, anh Hùng đàn Tỳ, một cây đàn bầu và đàn nguyệt của mấy anh em trong nhóm Phú Xuân, thiếu một cây đàn tranh là đủ ngũ tuyệt nhưng không hề gì; anh Nguyễn Đình Vân tay trống cự phách chuyên đi đánh Tam luân cửu chuyển cùng ông Châu hôm nay ở vị trí thính giả. Dạo đầu là bản Lưu Thuỷ, lúc đó không hiểu sao trong đầu tôi cứ lẩm nhẩm lời ca của bài này: Dòng lạc dòng đào nguyên/ Đây lâm tuyền hợp quần bạn tiên…Vừa dứt suy nghĩ thì ngay sau đó cô Thanh Tâm đã vào ca Cổ Bản, rồi ca tiếp Tứ Đại Cảnh Ai phong lưu người điệu là khách Hương Bình Bạn chung tình Với mình mà chơi Rượu khuyên mời Cạn lời đinh ninh, trong bóng trăng vằng vặc luồng gió như gợi trêu tình Thanh lịch người xinh Chơi để dành riêng mình Bạn tài danh quốc anh Giọng cô dày lắm, hơi đẹp, không ai từng nghĩ ngày xưa cô đã từng cắt amidan rồi, cô kể: “Trước khi cắt cô nghĩ mình sẽ thôi không hát được nữa, ai ngờ sau hai năm lại vẫn hát được, có lẽ là nhờ ơn tổ”. Cách lấy hơi của cô sao mà lạ, tạo ra tiếng hát lúc xa, lúc gần, thi thoảng điểm một vài tiếng phách nghe đài các lắm, rồi tự nhiên vào đến chỗ lưu không anh Hùng bấm mấy tiếng tì bà nghe xinh xắn quá, rồi lại thêm mấy tiếng nhị của anh Thảo đưa đẩy đến là duyên, tiếng đàn câu hát cứ như phải lòng nhau. Cô Thanh Tâm có lần nói với tôi: Nhiều khi đi hát kể cả khách không biết nghe thì cô vẫn cứ hát Nam Ai, Nam Bình, Tứ Đại như thường, mắc mớ chi, vì mình hát cho anh em mình nghe, trong nghề nghe với nhau cơ mà. Khách nghe không quen toàn yêu cầu Lý tình tang với Hò giã gạo, đấy cũng là cái buồn cho Ca Huế. Cứ mỗi lần nghe cô nhắc đến chuyện cô thèm đi ca lắm tôi lại cảm thấy đau lòng, tôi rất muốn nói với cô về bức chữ tôi đã viết ở Hà Nội định bụng đem vào Huế, nhưng tiếc là mấy đứa em làm thất lạc trong chuyến đi vào. Tôi viết cho cô câu: Cầm tâm duy hữu dạ đăng tri, những mong tri âm được tiếng hát và tiếng lòng của người nghệ sĩ say nghề. Đêm đã về khuya, anh Thảo kéo mấy tiếng nhị dọn hơi cho cô hò câu mái nhì để vào Nam Ai, Nam Bình. Lá thu rời rạc, trước rèm châu… Sao cô nhả hai chữ rời rạc sao mà tài tình thế, tự nhiên lúc đó tôi phải làm ấm người bằng một ly rượu, tài tình quá, nghe hai chữ đó sao tưởng tượng sắp có sự chia ly xa cách. Hình như ngày mai chúng tôi về Hà Nội. Cô gập hai chiếc đèn hoa đăng vào làm một tặng tôi để lát nữa tôi thả xuống sông Hương. Tiếng tỳ bà nắn nón, tiếng phác cầm nhịp vang lên bài cô đã ca vào đến bài Nam Ai: Ái ân chi để riêng mình Ôm mộng chung tình… Cặp đèn hoa đăng xuôi dòng Hương Giang mang theo những điều ước rời rạc, ánh nến loang trên mặt sông đưa câu tâm sự của bài
ai lặn vào trong ánh nến. Mà có lẽ chỉ ánh đèn kia mới hiểu được lời tâm sự của nó… Viết trong một ngày hè năm Mậu Tí
TRẦN NGỌC LINH (nguồn: TCSH số 232 - 06 - 2008) |