Âm sắc Huế
Ca khúc của các nhạc sỹ Huế ít được phổ biến ở Huế - vì sao ?
14:31 | 30/12/2009
VIỆT ĐỨCCâu trả lời đầu tiên vẫn thuộc về môi trường sinh hoạt âm nhạc. Hiện nay ở thành phố Hồ Chí Minh mỗi đêm có đến 50 tụ điểm ca nhạc hoạt động với cơn sốt ca sỹ leo thang đến chóng mặt.

Trung bình tiền cátsê cho một sơ diễn với hai bài hát là 5 triệu đồng Việt Nam đối với một số ca sỹ được mến mộ, thu nhập hàng tháng của họ có thể lên đến vài chục triệu. Còn các ông bầu ca nhạc thì sao? Khỏi phải nói, nước lên thuyền lên, nghề nào kinh doanh có lãi thì làm, chỉ thương cho các nhạc sỹ, cha đẻ của các bài ca đó luôn luôn hứng chịu phần thiệt thòi nhất về mình.

Nói như vậy để thấy rằng môi trường âm nhạc ở Huế bình lặng quá - bình lặng đến ngỡ ngàng, các nhạc sỹ Huế ít lo bị mất bản quyền vì ca khúc của họ sản xuất ra mấy khi được vang lên, ngược lại ca khúc của các nhạc sỹ ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh luôn hiện diện ở Huế qua các hội diễn, hội thi, qua sóng phát thanh - truyền hình và ngay trong đời sống thường nhật của thanh, thiếu niên thành phố. Hiện tượng này cũng dễ hiểu vì Huế chưa có một trung tâm sản xuất và phát hành băng đĩa ca nhạc nào Huế chỉ là nơi tiếp nhận và "nhai lại" sản phẩm băng đĩa của hai đầu với các ca khúc nằm trong top này top nọ được dàn dựng, phối âm khối khí tương đối công phu qua các giọng ca đang ăn khách hiện nay.

Câu trả lời thứ hai thuộc về nhạc sỹ sáng tác! Có phải các nhạc sỹ ở Huế sáng tác chưa hay hoặc chưa nắm bắt được thị hiếu của công chúng?

Xin thưa với các bạn rằng: để có được một ca khúc hay đối với nghề sáng tác là vô cùng khó vì nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như : cảm xúc - tâm lý - tri thức -tay nghề - vốn sống - những ý tưởng nằm ngoài ý thức v.v... mặt khác, quan niệm của đông đảo các bạn yêu nhạc "Như thế nào là một ca khúc hay" cũng rất khác nhau.Điều này phụ thuộc vào trực giác - xúc cảm - tâm sinh lý của từng người; có người thích nhạc Rooc nhạc Pop, có người thích nhạc Rap nhạc Da, có người thích nhạc cổ điển, có người thích nhạc tiền chiến, có người thích nhạc phát triển từ chất liệu dân ca, dân vũ dân tộc. Chính vì vậy mà những tác phẩm âm nhạc được giải của hội chuyên ngành có uy tín nhất nước (Hội Nhạc sỹ Việt Nam) thì không thấy nằm trong các top mà chỉ tồn tại trên các sân khấu chính thống. Ngược lại các ca khúc hơi sến hoặc chất lượng trung bình hoặc yếu ( dưới con mắt các nhà chuyên nghiệp) thì liên tục nằm trong các top và được hát ra rả suốt ngày đêm trong các nhà hàng, quán cà phê, các tụ điểm âm nhạc, các quầy băng vidéo - catsette trên phạm vi cả nước.

Cho nên trong đời người nhạc sỹ sáng tác không phải lúc nào cũng có ca khúc hay, có khi cả cuộc đời chỉ có một hai tác phẩm âm nhạc tồn tại với thời gian. Đối với người sáng tác thế là may lắm, hạnh phúc lắm, tất nhiên loại trừ một số nhạc sỹ có nhiều tác phẩm hay như :  (Đỗ Nhuận, Văn Cao, Hoàng Vân, Trịnh Công Sơn, Thanh Tùng, Trần Tiến, Phú Quang, Hoàng Hiệp v.v...)

Và các Nhạc sỹ Huế cũng không nằm ngoài qui luật này; hàng ngày họ vẫn nhẫn nại làm việc và miệt mài sáng tác, song không phải lúc nào cũng có ca khúc hay, nhưng không phải là không có, chúng ta có thể thấy "Dòng sông ai đã đặt tên, Huế ở nơi xa " của Trần Hữu Pháp; "Dòng sông bến đậu, Làng tôi bên dòng Ô Lâu" của Nguyễn Trọng Tạo; "Dạ Lan, Cơn mưa chiều Hà Nội" của Vĩnh Phúc; "Đợi chờ, Những người hát bè trầm" của Dương Bích Hà; "Câu lý qua đèo, Gặp Huế đêm trăng, Nhớ Huế" của Việt Đức; "Mưa, Lời ru dòng sông" của Lê Phùng; "Huế thương quê mình" của Nguyễn Việt và một số ca khúc của các nhạc sỹ Trần Ngọc Tuấn, Nguyễn Phương Căn, Minh Phương, Mai Xuân Hòa.vv... vẫn có sức lan tỏa đến Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các vùng đất khác. Nhưng ở Huế sức lắng đọng của các ca khúc này vẫn chỉ là múc độ mà thôi. Có lẽ điều này các nhạc sỹ sáng tác ở Huế cũng nên rà soát lại một cách nghiêm túc vì người Huế rất yêu thơ ca - nhạc - họa, và chính vùng đất này là nguồn cảm hứng vô tận, là nơi sản sinh ra biết bao khúc tình ca gây xúc động lòng người.

Câu trả lời thứ ba thuộc về các nhà chỉ đạo, quản lý văn hóa!

Có một hình ảnh mà tất cả chúng ta đều dễ dàng nhận thấy là hàng trăm triệu người hâm mộ bóng đá trên hành tinh có thể theo dõi các diễn biến của Woncup - 98 qua màn ảnh nhỏ, song cũng có hàng trăm nghìn người may mắn được vào xem trực tiếp các trận đấu này. Mặc dù có người vào xem với giá cắt cổ.

Hình ảnh thứ hai, đó là các cuộc biểu diễn âm nhạc quốc tế lớn, hàng trăm nghìn khán giả bị lôi cuốn theo sự thăng hoa của ca sỹ - diễn viên và dàn nhạc, họ có thể hồi hộp, khóc, cười, thậm chí ngất xỉu phải đi cấp cứu vì sự rung động mãnh liệt với nội dung bài ca được thể hiện triệt để dưới tài năng của các nghệ sỹ.

Như vậy, nếu chỉ xem biểu diễn âm nhạc qua màn ảnh nhỏ không thôi thì chưa đủ, vì đây là mô hình sinh hoạt khép kín. Hơn nữa cũng không phản ánh hết cảm xúc thật của một buổi diễn trực tiếp. Ngược lại, nhu cầu của con người là sự vận động và giao tiếp, từ đó sinh ra ý thức và thẩm mỹ nghệ thuật, các mối quan hệ ràng buộc lẫn nhau, giải quyết được nhu cầu giải tỏa trong thưởng thức và sáng tạo nghệ thuật. Còn thực trạng ở Huế hiện nay thì sao?

- Các nhà hát xuống cấp trầm trọng (kể cả hình thức bên ngoài lẫn nội dung bên trong).

- Trang thiết bị âm thanh, ánh sáng chưa đồng bộ, thiếu hẳn những người có tay nghề thực sự trong việc điều chỉnh âm thanh nghệ thuật.

- Thiếu hẳn sự đầu tư, định hướng và bồi dưỡng nghiệp vụ cho các ca sỹ được sàng lọc qua các hội thi ca nhạc.

- Thiếu sự phối hợp nhịp nhàng giữa các nhà quản lý văn hóa với các nhạc sỹ và người chỉ đạo nghệ thuật.

 - Chưa có sự định hướng, phổ biến giới thiệu các loại hình âm nhạc trên sóng phát thanh - truyền hình địa phương cũng như khu vực.

Nếu có thể được, chúng tôi xin mạnh dạn đề nghị các nhà quản lý và hoạch định chính sách văn hóa của tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như thành phố Huế nên có những đầu tư thích đáng cho hoạt động sáng tác và biểu diễn văn hóa nghệ thuật ngang tầm với một trung tâm văn hóa và du lịch của cả nước, cụ thể là :

+ Đầu tư nâng cấp các nhà hát phù hợp với nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân, tuyển chọn cán bộ quản lý cũng như chuyên viên nghiệp vụ có khả năng đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.

+ Khuyến khích các tác phẩm âm nhạc viết về quê hương, con người và thiên nhiên tươi đẹp của Huế trong sự nghiệp CNH - HĐH theo định hướng của Đảng.

+ Khuyến khích các hoạt động giao lưu và biểu diễn nghệ thuật trong nước cũng như quốc tế.

+ Khuyến khích các tụ điểm ca nhạc hoạt động, tạo một sân chơi lành mạnh cho các tầng lớp nhân dân.

Khi đã tạo được môi trường sinh hoạt âm nhạc sinh động nó sẽ tác động trực tiếp đến nhạc sỹ sáng tác đòi hỏi các nhạc sỹ phải có những ca khúc hay, tác động trực tiếp đến ca sỹ phải nâng cao nhận thức chuyên môn và phong cách biểu diễn; tác động trực tiếp đến phong trào ca hát quần chúng v.v... và chỉ có như vậy ca khúc của các nhạc sỹ Huế mới bắt kịp được với tâm hồn Huế, sức sống Huế trước thềm thế kỷ 21.

V.Đ
(122/04-99)



 

Các bài mới
Các bài đã đăng