Tạp chí Sông Hương -
Văn học Việt trên đất Mỹ
23:07 | 08/03/2012

Sáng 7/3, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức họp báo về Diễn đàn văn học Việt - Mỹ, nhìn lại và phát triển, sẽ khai mạc 9/3 tại TP Huế, nhân 20 năm sau lần gặp gỡ chính thức giữa các nhà văn cựu binh Việt với các nhà văn cựu binh Mỹ của trung tâm William Joiner.

Văn học Việt trên đất Mỹ
Nhà thơ Kevin Bowen nói về việc dạy văn học Việt. Ảnh: Lê Thoa

Nhà thơ Kevin Bowen cho biết, ở ĐH Massachusetts (Boston, Mỹ), tiếng Việt và văn học Việt Nam nằm trong chương trình giảng dạy Đại học. Tại Trung tâm William Joiner của trường, có rất nhiều người đến đọc, tra cứu và tìm hiểu các tài liệu về văn học của Việt Nam trước, trong và sau cuộc chiến tranh với Mỹ.

Gần 37 năm sau chiến tranh, nhiều người lính đã từng cầm súng ra mặt trận, giờ lại cầm bút viết nên những vần thơ về một thời khói lửa, những suy tư triết lí trong cuộc sống thời hậu chiến. Cả hai bên chiến tuyến Việt - Mỹ, giờ tái ngộ trong mối quan hệ bạn hữu mà trước đó, có trong mơ cũng không ai dám nghĩ tới.

Trung tâm William Joiner nghiên cứu về chiến tranh và những hậu quả xã hội thông qua văn học do Kevin Bowen làm giám đốc. Ông vốn là một nhà thơ, tiến sĩ văn học, đồng thời là giảng viên của ĐH Massachusetts, đã cùng các thành viên của mình bền bỉ suốt mấy chục năm để giới thiệu các nhà văn  và tác phẩm Việt tới công chúng Mỹ.

Hội Nhà văn cho hay, với vị trí của các nhà văn, Trung tâm William Joiner đã tác động liên tục và mạnh mẽ vào nhiều chính khách, tầng lớp trí thức và công chúng Mỹ nhằm phá bỏ hàng rào cấm vận của Chính phủ Mỹ chống Việt Nam. Trung tâm cũng tập hợp các cựu binh Mỹ kêu gọi chính phủ Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Họ đã đưa trên 100 nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ sĩ Việt đến Mỹ nhằm tạo ra các diễn đàn tại các trường ĐH, viện nghiên cứu, tổ chức văn hóa - xã hội, trung tâm văn bút, báo chí... Đồng thời, tổ chức này cũng đưa các nhà văn, tri thức Mỹ vào Việt Nam để họ hiểu hơn về đất nước, con người để góp tiếng nói vào phong trào kêu gọi đền bù cho các nạn nhân da cam.

Chuyển ngữ những tác phẩm văn chương cũng là điều được Trung tâm này chú trọng. Họ đã dịch, giới thiệu thơ, truyện ngắn và các bài viết của các nhà văn Việt để đăng tải trên hàng chục tờ báo, tạp chí ở Mỹ, xuất bản nhiều tuyển tập văn thơ của các thế hệ tác giả Việt Nam.

Ông Kevin Bowen cho hay, không chỉ giảng dạy ngôn ngữ và văn học Việt, ĐH Massachusetts còn đưa lên website của trường những thông tin giới thiệu về các tác phẩm văn học Việt Nam và về cuộc chiến tranh Việt - Mỹ. Ông cũng nhấn mạnh, trong tương lai, nhiệm vụ trọng tâm của mình và các đồng nghiệp là sẽ mở ra một trung tâm nghiên cứu mới về Việt Nam.

Nhà thơ Nguyễn Bá Chung, người Mỹ gốc Việt chia sẻ: “Chúng tôi đều đã ngoài 60 tuổi, chỉ có thể làm việc được hơn 10 năm nữa là phải chuyển giao cho thế hệ kế tiếp. Tôi cho rằng có hai cách để đưa văn học Việt sang Mỹ. Một là dựa vào những người Mỹ gốc Việt, nhưng lại có hạn chế là thế hệ những người trẻ giờ đây chỉ có khả năng nói tiếng Việt bình thường, không hiểu biết về văn chương Việt. Hai là dựa vào những người giỏi tiếng Anh trong nước đang làm công việc dịch giả, cộng tác với một nhà thơ, nhà văn của Mỹ để chuyển ngữ các tác phẩm văn học tiêu biểu”.
 

Trong Diễn đàn văn học Việt - Mỹ tới đây tại Huế, sẽ có 9 nhà văn Mỹ, 40 nhà văn Việt Nam cùng với 200 giáo sư, cộng tác viên, sinh viên của Đại học Huế. Họ sẽ tổng kết chặng đường 20 năm hợp tác đã qua và trở lại chiến trường Quảng Trị xưa, đó là Khe Sanh, đường 9, thăm lại con sông Hiền Lương, nói chuyện ở Lao Bảo, thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ ở Nghĩa trang Trường Sơn...

Trong đoàn nhà văn cựu binh ấy, ông Kevin Bowen vốn là một người lính thuộc Quân chủng Không vận số 1 tác chiến nhiều năm ở Huế. Bên kia chiến tuyến của ông là nhà văn Đỗ Kim Cuông cũng từng cầm súng chống Mỹ tại Huế một thời khói lửa. Nhiều cây bút nổi tiếng của Việt Nam như Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Hoa, Trung Trung Đỉnh... cũng xuất thân từ nhà binh, rời cây súng, họ chuyển sang cầm bút với một nhiệm vụ mới và giờ đây đã bắc cây cầu hữu nghị giữa hai đất nước.

                                                                                                              Theo Lê Thoa - Đất Việt

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng