Tạp chí Sông Hương -
Oscar phân biệt chủng tộc?
07:39 | 12/03/2012

Số nữ diễn viên da màu giành tượng vàng trong suốt chiều dài lịch sử Oscar chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điều này đặt ra câu hỏi phải chăng Viện hàn lâm Khoa học và nghệ thuật điện ảnh Mỹ quá khắt khe với nữ diễn viên da màu, hay bản thân cơ quan quyền lực nhất của điện ảnh Mỹ vẫn chưa thoát khỏi tư tưởng phân biệt chủng tộc?

Oscar phân biệt chủng tộc?
Tại sao diễn viên da mầu it giành giải Oscar

Octavia Spencer, người vừa giành giải Oscar Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất năm 2012 với vai diễn trong phim The Help (Người giúp việc), chỉ là một trong 6 nữ diễn viên da màu được Viện hàn lâm Khoa học và nghệ thuật điện ảnh Mỹ tôn vinh. Lâu nay, số nữ diễn viên da màu giành giải Oscar vốn rất ít ỏi, trong hoàn cảnh chung là số nghệ sỹ da màu ở các hạng mục diễn xuất được Viện hàn lâm vinh danh cũng hiếm hoi. Năm 1940, Hattie McDaniel là nữ diễn viên da màu đầu tiên được đề cử và thắng giải Oscar. Bà giành được danh hiệu vinh dự này cho vai nữ gia nhân trong bộ phim Gone With the Wind (Cuốn theo chiều gió). Vai diễn của Hattie trong Cuốn theo chiều gió cực kỳ ấn tượng: bà vú già với cách cư xử thẳng thắn, nhân ái, giàu tình cảm đối với cô chủ da trắng Scarlett do Vivien Leigh thủ vai. Tuy nhiên, ngay tại buổi lễ trao giải, Hattie và khách mời của bà vẫn không được ngồi cùng đoàn làm phim mà phải ngồi tách biệt ở một bàn riêng. Hình ảnh này đã khiến không ít khán giả da màu cảm thấy đắng ngắt.

Kể từ sau Hattie McDaniel, mới chỉ có thêm 5 nữ diễn viên da màu giành giải Oscar. Năm 1991 Whoopi Goldberg giành giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất cho vai diễn bà đồng trong phim Ghost (Hồn ma); năm 2001 Halle Berry được giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho phim Monster’s Ball (Bữa tiệc của quỷ); năm 2006 Jennifer Hudson được trao giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất cho bộ phim ca nhạc Dreamgirls (Những cô gái mộng mơ); năm 2009 Mo’Nique cũng giành giải này với vai diễn bà mẹ trong phim Precious. Octavia Spencer của The Help là người thứ 6.

Dường như giải thưởng của Viện hàn lâm ít nhiều khắt khe hơn đối với diễn viên da màu. Và nếu ngược lại lịch sử, vai diễn đầu tiên của Hattie cũng không khác nhiều so với vai diễn mới nhất của Octavia Spencer. Trong The Help, Octavia thủ vai một nữ gia nhân ở thập kỷ 1960. Khi công bố danh sách đề cử, hai vai diễn của Octavia Spencer và Viola Davis đã gây không ít tranh cãi. Bộ phim và cả cuốn sách nguyên gốc chính là nguyên nhân khiến Hiệp hội các sử gia da màu phải ra tuyên bố rằng: “The Help cho thấy phụ nữ da màu gợi lại thời kỳ của bà vú Mammy - thời kỳ không đáng nhớ và đầy thất vọng mà rất nhiều người Mỹ đã lờ đi sự phân biệt chủng tộc có tính hệ thống, đẩy phụ nữ da đen vào những công việc nặng nhọc, thu nhập cực thấp và bị bóc lột hết cỡ”. Nhiều ý kiến trên các blog cá nhân hoặc diễn đàn cũng chỉ trích điều này. Có người viết: “Tôi muốn các nữ diễn viên da đen giành giải, nhưng không phải với kiểu vai diễn nô lệ những năm 1940 - 1960”.

Ngay cả Viola Davis và Octavia Spencer cũng không khỏi thấy bối rối. Davis trả lời phỏng vấn trên tờ Essence: “Tất nhiên tôi cũng thấy băn khoăn lắm chứ. Tại sao tôi lại phải đóng vai một bà vú? Nhưng nếu là diễn viên, bạn sẽ làm gì nếu được trao một vai nhiều đất diễn, thú vị và giàu cảm xúc, nhưng vai diễn đó lại chỉ là một người giúp việc tại bang Mississippi vào năm 1962?” Đây là câu hỏi hoàn toàn hợp lý và thích đáng nếu nhìn lại hàng loạt vai diễn dành cho các diễn viên da màu. Tại sao từ trước đến nay các thể loại vai diễn dành cho họ lại rất hạn chế? Viola Davis đã đưa ra câu hỏi ngược lại: “Bạn biết có vai diễn nào của nữ diễn viên da màu ngang tầm với của Meryl Streep, Julia Roberts hay Nicole Kidman không?” Và tại sao bản thân Viện hàn lâm không nâng tầm các vai diễn của người da màu giành giải lên?

Trong cuộc sống thực, Hattie McDaniel từng là nữ công nhân, đó là công việc bà hay làm khi không có vai diễn nào. Bà từng nói: “Tại sao tôi lại phải phàn nàn về mức lương 700 USD/tuần cho việc đóng vai một bà giúp việc, trong khi nếu đi làm như thế thật, lương của tôi chỉ là 7USD/tuần?”.

Xem ra trong mắt các thành viên Viện hàn lâm, nữ giúp việc của thời Cuốn theo chiều gió cách đây hơn 70 năm không khác nữ giúp việc của Người giúp việc ngày nay là mấy.

Theo Đông Quỳnh - NĐBND

 

Các bài mới
Các bài đã đăng