Tạp chí Sông Hương -
Họa cả tâm hồn
07:48 | 14/03/2012

Chân dung qua nét cọ của danh họa Italy thời Phục hưng Titian (1486-1576) không chỉ rất thật, mà còn lột tả được tâm lý, tình cảm của nhân vật qua ánh nhìn, cái hé môi, một nụ cười đầy biểu cảm...

Họa cả tâm hồn
Bức tranh Đức Mẹ và Hài đồng với thánh John và thánh Cather

Phòng trưng bày Quốc gia Australia ở thủ đô Canberra những ngày này nhộn nhịp khác thường. Nơi đây đang diễn ra triển lãm những kiệt tác của các danh họa thời kỳ Phục Hưng, trong đó đặc biệt nhất là họa sĩ Italy vĩ đại thế kỷ XVI Tiziano Vecellio (Titian). Phần lớn các họa sĩ châu âu thế kỷ sau đều ít nhiều chịu ảnh hưởng phong cách hội họa của ông. Giám đốc Phòng trưng bày Quốc gia Australia, ông Ron Radford nhấn mạnh sự xuất hiện các kiệt tác của danh họa Italy tại “xứ sở chuột túi” là rất hiếm hoi và sự kiện này hầu như sẽ không bao giờ lặp lại.

“Nghệ thuật của Titian mạnh hơn cả tự nhiên”

Đó là nhận xét của nhà phê bình hội họa hiện đại David Rosand, vì theo ông, Titian đã vẽ được cái hồn ẩn chứa bên trong của tự nhiên.

Không chỉ vẽ chân dung giống như thật, mà danh họa này còn lột tả được tâm lý, tình cảm của nhân vật qua nét nhìn, cái hé môi, một nụ cười biểu cảm... Có lẽ vì thế mà cả các nhà phê bình hội họa thế giới cũng như thầy dạy vẽ của Titian - họa sĩ Giorgione, cũng đều có cùng đánh giá: Titian là họa sĩ thiên tài bẩm sinh.

Titian được xếp vào hàng các họa sĩ bậc thầy thế giới như Michelangelo, Leonardo da Vinci... chuyên vẽ chân dung những nhân vật nổi tiếng đương thời. Ông từng được giáo hoàng Paul III gọi là “bạn” và được vua Francois Đệ Nhất sắc phong bá tước.

Trong tranh của danh họa sinh ra ở vùng Pieve di Cadore (phía Bắc Venice), con người luôn sống động với các màu sắc hài hòa, ấn tượng và độc đáo. Tuy học thầy, thậm chí mượn ý tưởng của thầy, nhưng Đức Mẹ Đồng Trinh trong tác phẩm của Titian lại khác biệt hoàn toàn với tranh của Giorgione về cách tạo hình, màu sắc cũng như họa tiết.

Biểu đạt thành công sức mạnh tôn giáo

Thế mạnh này của Titian dường như đã bắt đầu được bộc lộ ngay từ tác phẩm độc lập sáng tác đầu tiên Ba phép thần kỳ của Thánh Anthony (1511).

Tuy nhiên, tác phẩm tiêu biểu cho thể loại này phải kể đến bức Đức mẹ thăng thiên (1516-18) với những sắc màu mạnh, ánh sáng vàng huyền ảo, những nhóm hình tượng tôn nghiêm được lên tranh rõ ràng và có thể chiêm ngưỡng từ xa. Hay trong bức Madonna của Nhà Nguyện (1519-26), Titian đã tạo ra một sự thay đổi cốt yếu ở đề tài đàm luận về thần thánh trong thời kỳ Phục hưng - Đức Mẹ Đồng Trinh được tôn lên cao giữa các vị thánh. Về bố cục, phía sau lưng Đức Mẹ là sự đổ vỡ của hai cột đá khổng lồ, vừa xóa đi khoảng trống của tác phẩm, vừa gợi mở những cảm giác chuyển động vô tận, dọn đường cho sự phát triển của phong cách mỹ thuật baroque. Song tác phẩm giàu tính mở nhất của ông là bức Cái chết của Thánh Peter tử vì đạo (1530), trong đó những hành động bạo lực tội ác được lưu khắc trên nền trời hay những thân cây.

Sự rung động của những thần thoại

Một mảng thành công khác của Titian là những sáng tác mang hơi thở của thần thoại. Ý tưởng sáng tác được ông lấy từ nền văn học La Mã và những tác phẩm điêu khắc của Michelangelo, kết hợp hài hòa vẻ đẹp khoái cảm của quá khứ với vẻ đẹp quy củ đương thời, đồng thời biểu đạt thành công một thế giới tự nhiên quyến rũ và đầy ấn tượng.

Trong những bức tranh về đề tài này như Ba giai đoạn của con người (1513), Tình yêu thiêng liêng và thế tục (1515), các hình tượng và bố cục được dàn trải trên một nền tảng chặt chẽ và uyển chuyển, hậu cảnh trở nên sống động, màu sắc chú trọng đến nội tâm và sự hài hòa. Những phong cách mới này càng thể hiện sâu sắc hơn trong ba tác phẩm về Thần hội hè Bacchus (1518-1522) là Worship of Venus, Bacchanal of the Andrians Bacchus and Ariadne, với những gam màu rực rỡ vui tươi…

Trau chuốt từng nét cọ trong bức Tarquin và Lucretia, Titian đã lột tả khuôn mặt đầy xúc động của Lucretia - đôi mắt đẫm lệ ánh lên như châu ngọc dù vẫn đọng vẻ sợ hãi khi nhìn chằm chằm con dao đang nâng lên của Tarquin. Tuy nhiên, bức tranh này cũng tiết lộ suy nghĩ và hành động của chính tác giả. Theo các nhà nghiên cứu mỹ thuật, bức tranh này có nhiều phiên bản cho thấy con dao của Tarquin đặt ở những vị trí khác nhau, chứng tỏ bậc thầy hội họa Titian đã vẽ nhiều bức tranh với cùng một ý tưởng cho nhiều loại khách hàng khác nhau.

                                                                                                 Theo Hạnh Thi - NDBND

 

Các bài mới
Các bài đã đăng