Tạp chí Sông Hương -
Cây bút hài hước và tinh tế
06:58 | 29/03/2012

Chưa đầy bốn chục tuổi đã có tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa – sự công nhận ở cấp độ như thế đã đến với nhà văn Czech Michal Viewegh…

Cây bút hài hước và tinh tế
Tiểu thuyết dành cho phụ nữ được đưa lên sân khấu

Cơ hội chọn người sẵn sàng đón nó

Trên thực tế, Michal Viewegh (sinh năm 1962) bắt đầu viết văn từ năm hai mươi tuổi, khi còn kiếm sống bằng nghề gác đêm. Phải nói, gác đêm là nghề rất tốt, có nhiều thời gian để tập viết và đọc những kiệt tác của Fyodor Dostoyevsky, Thomas Mann, Lev Tolstoy, Ernest Hemingway, Gabriel Marquez, Gunter Grass… Nhưng gửi bản thảo đi, anh chỉ được in rải rác một số truyện ngắn trên vài tờ báo văn nghệ thanh niên, còn sách thì phải chờ thời. Ở thời điểm ấy, vào những năm 1980, mỗi cuốn sách muốn in đều phải qua hai vòng thẩm định: một – chất văn học, và hai – chất tư tưởng. Vòng một, Michal Viewegh thường lọt qua và đến vòng hai thì bị ách lại. Uy tín đến như Bohumil Hrabal (1914-1997) cũng chưa muốn in tác phẩm, còn đa số nhà văn khác thì vẫn giữ im lặng, chừng như muốn chờ đợi điều gì...

Năm 1991, Michal Viewegh đã viết xong bản thảo một cuốn sách tâm huyết, kể lại sống động và thoải mái về cuộc sống Tiệp Khắc ở thời kỳ mình được chứng kiến... Cuốn sách có tên Những năm đẹp nhất đi tong (Bajecna leta pod psa, 1992) - câu chuyện bi hài của một gia đình trí thức thông qua góc nhìn của một thiên tài trẻ tuổi. Hình ảnh chân thực của nước Tiệp Khắc thời kỳ bình thường hóa được tái hiện với những chuyện gia đình chuyển rời chỗ ở, phải nỗ lực thế nào để mong kiếm được một căn hộ, rồi người cha tự đóng cho mình một chiếc quan tài… Thông qua lăng kính của một “nhân tố phổ biến trong xã hội”, tác phẩm đề cập những vấn đề gần gũi với từng con người như bố mẹ với con cái, vợ với chồng để truy tìm nguyên nhân phá vỡ mối quan hệ từng một thời êm ấm và lý giải những sự tan – hợp… Cuốn sách có những chương rất hay trích từ nhật ký của một cậu bé đang còn đi… nhà trẻ. Những năm đẹp nhất đi tong được giới phê bình văn học đánh giá cao, đánh dấu sự phục hồi của văn xuôi hiện đại Czech và năm 1993, tác giả trẻ đã được nhận giải thưởng danh giá mang tên Jiří Orten (1919-1942, nhà thơ Czech gốc Do Thái, bị xe của quân phát xít Đức cán chết, đến đầu thập niên 1990 mới được in rộ).

Người Czech có câu “cơ hội chỉ chọn người sẵn sàng đón nó”, và Michal Viewegh là nhà văn đã làm như thế.

Không để mất bạn đọc

Tuổi đời còn trẻ đã được đặt vào đỉnh cao, Michal Viewegh tự thấy mình luôn luôn phải đối mặt với nguy cơ mất bạn đọc, vì - xét theo phương diện tâm lý – sức đối kháng mạnh nhất xuất hiện ngay từ lúc bị ràng buộc vào một cái gì đó… Và những tiểu thuyết được ra đời liên tiếp chứng tỏ tác giả thực hiện đúng phương châm sáng tạo của mình.

Tiểu thuyết dành cho phụ nữ (Román pro ženy, 2001) là nhật ký của Laura, 22 tuổi, làm việc trong tòa soạn một tạp chí dành cho phái đẹp, thân hình khêu gợi, tính tình hơi ngây thơ và hơi nổi loạn, có phần nền nếp và có phần phóng đãng… Cuốn nhật ký kể về quan hệ của cô với mẹ - một phụ nữ còn khá trẻ, chán đồ nội và chuộng đồ Tây - với cô bạn gái lúc nào cũng thổn thức nức nở, để cho đàn ông lừa dễ dàng, hoặc với những người đàn ông trong cuộc sống đầy ảo ảnh, khi là ông thầy người Mỹ tính hay bẽn lẽn, khi là một đại gia có cả du thuyền, và sâu đậm hơn – với Oliver tuổi đã 40, chuyên nghề soạn lời quảng cáo và từ thuở xa xưa đã từng “đặt vấn đề” với mẹ cô. Đây là cuộc kiếm tìm bất tận của người đàn bà mong gặp một người đàn ông lý tưởng. Cốt truyện đầy những cuộc gặp gỡ tình cờ; các tình tiết được cài đặt khéo léo, tạo cho người đọc cảm giác hoàn toàn có thực. Tác giả không nhầm khi liệt kê đủ những mong muốn của một người đàn bà và nguyên do những bất hạnh của họ, đồng thời giữ thái độ khách quan, giọng trào phúng thông minh nhằm vào những cái nhược của cả phái yếu, cả phái mạnh. Cuốn sách được tác giả gọi nửa đùa nửa thật là “một truyện tình thuần túy mà dễ đọc”, và bảy năm sau, ông tiếp tục mạch truyện này trong Tiểu thuyết dành cho nam giới.

Trong tiểu thuyết Chơi hết tầm (Tři v háji, 2004), những người bạn cùng lớp đã xa nhau đến hai chục năm mà vẫn không quên được: một cô bạn xấu xí sau này hóa ra là người lưỡng tính, một cậu bạn hay õng ẹo đến cuối sách là người đồng tính… – đây là đề tài chủ yếu của không riêng Michal Viewegh, mà của cả mấy nền văn học Đông Âu hậu xã hội chủ nghĩa. Cuộc sống con người gồm toàn những bi kịch “từ tuổi thơ” và những biến cố về thể chế dẫn đến ngày một nhiều những “thế hệ đã mất”. Cuối sách, Michal Viewegh kết luận rằng, với các nhân vật của mình thì “những bi kịch cuộc sống họ gặp chẳng hề liên quan đến chế độ nào”, nghĩa là có thể để những mối tình học trò và các trò con trẻ được lui vào dĩ vãng, bỏ qua và đi tiếp” – kết luận đó đối với văn học Czech thực sự mang ý nghĩa cách mạng.

Đến Thiên thần ngày ngày (Andělé všedního dne, 2007), tác giả kể chuyện ba vị thiên thần được phái xuống thành phố Praha vào đúng ngày 5.9.2006 và thấy những gì? Một cô giáo Maria vô cảm chỉ quan tâm đến những khía cạnh đạo đức tư sản của các chương trình phát thanh; còn Karel chồng cô, một thanh tra giao thông do cả đời chưa được nghe một lời âu yếm nào của vợ nên chỉ quen tâm tình với những chiếc xe hơi và tìm thú vui xác thịt nơi các cô học trò của mình. Một chàng kỹ sư Zdeněk vợ con, niềm tin, rồi sự sống rời bỏ, trong khi mẹ của Zdeněk chỉ tin vào phép lạ… Ba thiên thần này có thể dừng thời gian lại nhưng không dám vì e bị lộ, không bất tử nhưng trường thọ, không sa vào những trò hám của ngọt mặc dù vẫn chơi bời với nữ thiên thần Ilmut, họ chỉ có một ưu thế là sắp xếp vũ trụ theo thứ bậc trước nữ nhân vật chính Ester, người phụ nữ thánh thiện săn sóc Zdeněk chồng mình khi hấp hối tự nhiên hết mực. Cách nhìn nhận của Ester cũng như của các thiên thần tràn đầy chất hiện sinh và nhận biết về sự mạt thế.

Michal Viewegh cũng là tác giả định hướng khá rõ đối tượng người đọc cho tác phẩm của mình nên chú trọng những đề tài tâm lý xã hội ở những tiểu thuyết Nhã ý của một bạn đọc (Napady laskaveho ctenare, 1993), Giáo dục con gái ở Czech (Vychova divek v Cechach, 1994), Những người chép chuyện tình của cha (Zapisovatele otcovske lasky, 1998), Những chuyện về vợ chồng và tình dục (Povidky o manzelstvi a o sexu, 2001), Biomanželka, 2010), Những góc nhìn một án mạng (Nazory na vrazdu, 1990),  Mafia ở Praha (Mafie v Praze, 2011), Độ tuổi khác đầy quyến rũ (Další báječný rok, 2011)…

Kế tiếp Kundera

Michal Viewegh có số phận khá giống những nhà văn hiện đại như Bernard Werber (nhà văn - triết gia Pháp, sinh 1961), Milan Kundera (nhà văn gốc Czech định cư tại Pháp, sinh 1929) và Milorad Pavicá (nhà văn Serbia, sinh 1929). Trong các tiểu thuyết, yếu tố tự truyện khá đậm: nhân vật chính đều là nhà văn kiếm sống tự do, ở tuổi trung niên đã ly dị, nuôi cô con gái mỗi năm một lớn. Dường như có một mạch chung về cuộc sống một gia đình, nhưng lại giữ được góc riêng, Biên niên một mối tình của người cha phức tạp hơn một chút: nhân vật chính đang mơ thành nhà văn với chiếc máy tính xách tay suốt ngày chúi mũi dưới gầm bàn, gặp gì ghi nấy, mãi sau này mới thấy: hóa ra, đây là cuốn sách của một gã đàn ông “gà trống nuôi con”.

Lý giải thành công của Michal Viewegh, nhiều nhà phê bình văn học ghi nhận một văn phong giản dị mà bay bướm, những đoạn giao hoan có liều lượng, chất hài hước tinh tế và tránh sự cao giọng dạy đời. Sách của Michal Viewegh thường xuất bản ở Praha với ấn lượng từ 80.000 đến 110.000 bản và được dựng thành phim.

Dân Czech nói “Michal Viewegh là người kế tiếp Milan Kundera” là hơi cường điệu về giá trị văn chương, nhưng cũng  đúng, vì đây là nhà văn Czech được in nhiều nhất ở nước ngoài.

                                                                             theo Đăng Bẩy - NĐBND

 

Các bài mới
Các bài đã đăng