Tạp chí Sông Hương -
Truyền thuyết thám Cảo tu tiên
11:09 | 05/04/2012

Một lần đến cái chợ ven đường, hốt nhiên mùi thịt chó từ trong quán cơm tỏa ra, thèm quá không thể kìm nén được ông xin phép đạo nhân được ăn một bữa cho thỏa để từ rày thôi hẳn. Đạo nhân mỉm cười cho phép…

Truyền thuyết thám Cảo tu tiên
Minh họa của Nhật Song

Nguyễn Đăng Cảo sinh năm 1619, tự Bá Thành, thụy Tùng Tiên (người làng Hoài Bão, huyện Tiên Du, Bắc Ninh) đỗ thám hoa khoa thi Bính Tuất 1646, chức Hàn lâm viện Hiệu thư. Khoa thi Đông các năm 1659 ông lại đỗ đầu, xếp trên các vị Hồ Sĩ Dương, Nguyễn Thiên, Phạm Duy Chất, Bùi Đình Viên. Ông từng đi sứ Bắc và từng tiếp sứ Bắc rất nổi tiếng. Sách Bắc Ninh địa dư chí ghi tóm tắt về ông: “Trẻ có tài lạ, kinh, truyện đọc một lần là nhớ, bấy giờ gọi là thần đồng. Thi hương, thi hội, thi đình, thi đông các đều đỗ đầu. Đi sứ nổi tiếng ở nước Tàu. Vua nhà Thanh châu phê tặng là khôi nguyên. Làm đến Đông các đại học sĩ tước Liên Thuỵ nam. Em trai Đăng Minh đỗ cùng bảng, cháu ruột là Đăng Đạo tiếp sau cũng đỗ trạng nguyên”. Tác phẩm còn lại là những câu đối đi sứ, tiếp sứ và bài ký bia Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ngoài ra còn có kho giai thoại, truyền thuyết về ông. Khoảng tháng 3.1662 ông bị bãi chức do tính hạnh khác người dù văn chương tài lạ. Truyền thuyết Thám Cảo tu tiên dưới đây phần nào nói lên tính hạnh khác người của ông.

... Hồi tiền triều có ông Nguyễn Đăng Cảo người làng Hoài Bão, huyện Tiên Du ngoài thịt chó và rượu ngon không còn ham thích nào khác. Ông học một biết mười, trí nhớ vô địch, trong bụng chứa mấy bồ kinh luân, thông tuệ kinh sách hơn hẳn người đời. Khốn nỗi tính ông ngông ngạo, chưa đi thi đã xem thường quan khảo. Kỳ thi hội ông đỗ hội nguyên điểm ưu vượt trội so với người thứ hai khiến ông càng ngông ngạo hơn. Chuyện đến tai quan trường nên họ bảo nhau vào thi đình cố tình đánh xuống tam danh cho bớt ngông ngạo đi. Chỉ được đỗ đình nguyên thám hoa khiến ông bất mãn, chỉ làm quan một thời gian ngắn rồi về nhà ở ẩn. Ông thường đội nón mê, chống gậy trúc, xách bầu rượu thẩn thơ trong dãy núi Tiên Du ham vui quên về. Một lần nhân đêm trăng sáng ông lên núi Lạn Kha du ngoạn. Đêm khuya thanh vắng không một bóng người. Đi mãi mỏi chân ông chực ngồi nghỉ tu rượu thì thấy một đạo nhân nằm trên sợi dây nhỏ căng trên hai cây gậy cắm vào đất núi ngủ ngáy kho kho. Ông lấy làm lạ, cho là gặp kỳ nhân nên quỳ dài ở dưới đất đợi đạo nhân tỉnh giấc. Ước một trống canh thì đạo nhân ngồi dậy nói: “Ông có phải thám hoa người làng Hoài Bão không?” Ông dập đầu vâng nhận, xin đạo nhân cho theo lánh đời tu tiên.

Đạo nhân vung ngón tay trỏ một vòng nói: “Ông có số nhưng không có mệnh, đừng nên làm khổ mình”. Ông vẫn cố nài xin. Đạo nhân bảo: “Tu tiên phải ăn kiêng nhiều thứ mà thịt chó là thứ phải kiêng đầu tiên, ông có kiêng được không?” Đang lúc say lánh đời ông quả quyết đáp kiêng được. Đạo nhân bèn cuốn dây thu gậy đưa cho ông vác đi theo. Trải qua nhiều núi nhiều sông thảy đều khác lạ phong cảnh dãy Tiên Du quê nhà.

Một lần đến cái chợ ven đường, hốt nhiên mùi thịt chó từ trong quán cơm tỏa ra thơm nhức mũi buốt ruột, thèm quá không thể kìm nén được ông xin phép được ăn một bữa cho thỏa để từ rày thôi hẳn. Đạo nhân mỉm cười cho phép. Rồi cầm lại dây và gậy. Ông thám Cảo vào quán gọi đủ món cầy tơ bảy món ăn cho no nê đã cơn nhịn thèm bấy lâu. Lúc vác bụng đi ra, đạo nhân bảo: “Ta là Trần Đồ Nam đây. Ông có số mà không có mệnh thì đừng tự làm khổ mình nữa”. Nói xong vụt biến mất.

Không được làm tiên thì đời còn dùng. Một lần nhà Thanh sai sứ sang sách nhiễu. Triều đình bí quá phải triệu ông hồi cung tiếp sứ. Sứ Thanh đòi nộp một cái giường đồng, 100 ông già đầu bạc, 100 người con gái tóc dài. Nghe xong ông cười to bảo “Bắc triều loạn đã lâu chi dùng không đủ nên vòi ta chu cấp. Nộp cho họ 100 gốc lúa, 100 thúng muối, 100 con dê cái”. Sứ Thanh lại đưa mười vuông gấm (4m2) đòi may thành các loại áo, mũ, xiêm, khăn, chăn, màn. Ông cho may một cái áo cổ dài, ống tay to và một cái quạt. Ông viết chữ đề quạt: “Mặc trên là áo, trang điểm ở dưới là xiêm, có dòng là khăn, có ống là túi, khoanh đầu là mũ, buông xuống là màn, che mình là chăn, trải giường là nệm”. Sứ Thanh đọc xong kính phục nói: “Địa linh nhân kiệt đời nào cũng có nhưng vượt trội hơn cả từ nay về sau chỉ có một Đăng Cảo”.

Hiện làng Hoài Bão có đền thờ thám hoa Nguyễn Đăng Cảo, Quang tiến thân lộc đại phu Đông các đại học sĩ và đền thờ trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo gần đình làng.

Theo Phạm Thuận Thành - ĐBND

 







 



 

Các bài mới
Các bài đã đăng