Tạp chí Sông Hương -
Sarah Chang - Nghệ sĩ vĩ cầm hàng đầu thế kỷ 20
07:24 | 16/04/2012

Một trong 10 nghệ sĩ vĩ cầm hàng đầu thế kỷ 20, Sarah Chang vừa trở lại Việt Nam trong chương trình hòa nhạc Hennessy Concert 2012. 6 tuổi bước chân vào trường dạy nhạc danh tiếng Juilliard với người thầy đầu tiên - Dorothy DeLay huyền thoại, 25 năm qua tiếng đàn của Sarah Chang luôn trói người nghe trong một cảm giác duy nhất: Nghe để suy nghĩ.

Sarah Chang - Nghệ sĩ vĩ cầm hàng đầu thế kỷ 20
Sarah Chang và album đầu tay gây chấn động vào năm 1992

Tuổi trẻ tài cao

“Hãy chơi thế nào để khi mọi người nghe âm nhạc phát ra từ tiếng vĩ cầm của con, họ phải suy nghĩ, suy nghĩ thật sự”, đó là bài học đầu tiên mà bà giáo Dorothy DeLay (người trước đây từng là thầy của những nghệ sĩ violin danh tiếng như Itzhak Perlman, Shlomo Mintz, Nigel Kennedy, Goro Midori) dạy cô bé Sarah Chang những bài học nhập môn khi cô mới 6 tuổi, khi mà tiếng đàn non nớt của cô bắt đấu lấp lánh những cảm nhận thiên tài.

Sarah Chang sinh năm 1980 ở Philadelphia (Mỹ), Pennsylvania trong một gia đình Hàn Quốc. Khi 6 tuổi, cô bé biểu diễn bản Violin concerto số 1 giọng Sol thứ, Op.26 của Max Bruch và ngay lập tức được nhận vào học tại trường nhạc hàng đầu ở Mỹ và thế giới: Juilliard School, New York.

Khi Sarah lên 8 tuổi, chỉ 2 ngày sau khi nghe cô bé chơi đàn, Zubin Mehta - nhạc trưởng của New York Philharmonic, đã mời cô biểu diễn bản Violin concerto số 1 giọng Rê trưởng, Op.6 của Nicolo Paganini cùng với New York Philharmonic tại Avery Fischer Hall. Cũng như vậy, Muti, nhạc trưởng của Philadelphia Orchestra sau khi nghe Sarah biểu diễn đã mời cô cộng tác cùng Philadelphia Orchestra với tư cách nghệ sĩ độc tấu trong chương trình kỷ niệm 90 năm ngày thành lập dàn nhạc vào tháng 1/1991.

Năm 1989, khi mới 9 tuổi, Sarah Chang đã trở thành nghệ sĩ violin trẻ tuổi nhất có bản ghi âm. Một trong những hãng ghi âm nổi tiếng nhất trên thế giới, EMI Classics đã cho ra mắt đĩa Debut, trong đó Chang biểu diễn những tiểu phẩm dành cho đàn violin của Paganini, Tchaikovsky, ProkofievPablo de Sarasate... Trong đĩa nhạc này, Chang vẫn chơi trên chiếc đàn violin dành cho trẻ em (quarter-sized violin). Ngay cả Jascha Heifetz huyền thoại, từng được coi là một thần đồng và là một trong những nghệ sĩ violin xuất sắc nhất mọi thời đại cũng chỉ làm được điều này khi 11 tuổi. Được tung ra thị trường vào tháng 9/1992, Debut nhanh chóng lọt vào danh sách những album bán chạy nhất thuộc thể loại nhạc cổ điển theo tổng sắp của Billboard. Và chỉ một năm sau, năm 1993, Chang giành được những giải thưởng quan trọng đầu tiên trong sự nghiệp của mình: giải “Young Artist of the Year” (Nghệ sĩ trẻ trong năm) của tạp chí uy tín Gramophone và giải “Echo” Schallplattenpreis của Đức. Năm 1994 là 2 giải: giải “Debut” của Royal Philharmonic Society Of Music và “Newcomer Of the Year” (Nghệ sĩ mới của năm) đầy danh giá của International Classical Music Awards.

Con đường không rải hoa hồng

Sinh ra trong một gia đình âm nhạc, được thọ giáo những người thầy vĩ đại, được học trong một môi trường đỉnh cao, được biểu diễn trong những thánh đường huyền thoại vì thế tuổi thơ của Sarah Chang không có những trò chơi của trẻ nhỏ… “Thực sự lúc ấy tôi chẳng thấy vui gì với những trò trẻ nít cho dù cha mẹ tôi luôn khuyến khích tôi làm bất cứ gì mình thích. Nhìn lại thời khóa biểu lúc ấy tôi toàn thấy tập nhạc và biểu diễn. Thế giới của tôi chỉ có mỗi cổ điển, lúc nào tôi cũng chìm đắm trong ấy, vui chơi trong đấy và lúc nào cũng thấy niềm vui”. Sarah Chang kể lại tuổi thơ bằng niềm vui nhưng ít ai biết cô đã bao nhiêu lần bật máu ở tay khi tập đàn, đã phải xa nhà không biết bao nhiêu lần khi rong ruổi trên hành trình biểu diễn khi còn quá nhỏ, hàng ngày những giờ tập đàn thường chỉ kết thúc trước khi đi ngủ nửa tiếng đồng hồ…

Âm nhạc cổ điển dường như cũng biến Sarah Chang thành một con người “cổ điển”. “Tôi trọng môi trường nơi tôi đang cống hiến, nơi chẳng có ánh đèn nhấp nháy, không có hát nhép, không chiêu trò. Chúng tôi chỉ phải có một việc duy nhất, chơi hay hoặc chơi dở, thế thôi và tôi thích như thế”.

Sarah Chang bắt đầu chơi nhạc của Max Bruch từ năm lên 5, một điều quá sức tưởng tượng khi âm nhạc của Bruch thường dành cho những người từ 17 tuổi trở lên bắt đầu thử độ khó. Nhưng Sarah Chang cũng thừa nhận “việc bạn chơi được là một chuyện còn bạn có cảm xúc hay không lại là chuyện khác”. Sau khi chơi nhạc của Bruch và được nhận vào trường Juilliard, phải 10 năm sau cô mới dám chơi lại. Sarah hiểu rằng cảm xúc của một đứa bé không thể chuyển tải hết tư tưởng của một thiên tài. Dorothy DeLay ngoài việc dạy cô tìm những nét mới trong âm nhạc thể hiện còn phải biết kìm nén và chờ đợi một thời điểm thích hợp để bùng nổ. “Phải đến năm 18 tuổi tôi mới dám chơi nhạc của Brahms, năm 20 mới bắt đầu thử sức Shostakovich, Vivaldi cũng vậy. Tổ khúc 4 mùa của ông quá kinh điển, cho dù nhận được sự ủng hộ của EMI Classic nhưng tôi cũng chưa dám chơi lại tổ khúc này. Có đến 6.000 phiên bản chơi tổ khúc này ngoài thị trường và bạn sẽ bị chìm nghỉm khi tung ra một album chẳng có gì nổi bật hoặc khá khẩm hơn”, Sarah bày tỏ. Nhưng cuối cùng thì Sarah cũng có Vivaldi của riêng mình và đó là một trong những album bán chạy nhất của EMI Classics.

Sau thành công của album đầu tay, danh tiếng của Sarah Chang được cả thế giới biết đến. Cô liên tục nhận được lời mời cộng tác của những dàn nhạc danh tiếng và những nhạc trưởng xuất sắc ở Mỹ và châu Âu: New York Philharmonic, Philadelphia Orchestra, Chicago Symphony Orchestra, Boston Symphony Orchestra… Các nhà phê bình đã nhận xét: “Nghệ thuật biểu diễn violin của Sarah Chang thật ấn tượng. Cách rung của cô vô cùng hoạt bát và tràn đầy cảm hứng. Những ngón tay ma thuật của cô đã thêu dệt nên những nét giai điệu thật khó tin. Thật sự khâm phục óc sáng tạo phi thường của Chang đồng thời có thể nói quyền lực từ gương mặt gợi cảm của cô cũng tương đương như sức mạnh mà Chang tạo ra từ archet và cây đàn violin của mình”.

Tháng 10/1994, Chang có buổi ra mắt tại Carnegie Hall, New York khi cô biểu diễn cùng Charles Dutoit và Montreal Symphony Orchestra. Năm 1997, Chang biểu diễn tại Kennedy Center, Washington D.C. Ký hợp đồng ghi âm độc quyền cho EMI Classics, điều mà rất ít nghệ sĩ làm được, Chang đã thực sự trở thành một trong những nghệ sĩ violin hàng đầu trên thế giới. Sau đĩa Debut, Chang đã thu âm những tác phẩm lớn, tương xứng với vị thế của một nghệ sĩ lớn. Cô thu âm Tchaikovsky cùng Sir Colin Davis và Dàn nhạc giao hưởng London, thu Nicolo Paganini, Camille Saint-Saëns với sự tham gia của dàn nhạc Philadelphia Orchestra cùng nhạc trưởng Wolfgang Sawallisch… Cho đến nay, dù còn rất trẻ nhưng Chang đã có gần 20 bản thu âm cùng EMI Classics. Chang cũng là một trong những nghệ sĩ có lịch biểu diễn bận rộn nhất trên thế giới. Ngoài việc xuất hiện tại hầu hết những nhà hát danh tiếng của Mỹ, châu Âu, châu Á, cô còn là vị khách mới quen thuộc tại những chương trình truyền hình, truyền thanh của Bắc Mỹ, châu Âu và thậm chí là tại cả vùng Viễn Đông. Trong một mùa diễn, Chang thực hiện từ 100 đến 150 buổi biểu diễn.

Năm 2005, Đại học Yale (Mỹ) đã quyết định lấy tên Sarah Chang làm tên một chiếc ghế danh dự tại Sprague Hall. Tên tuổi của Chang đã vươn xa ra ngoài lãnh địa của nhạc cổ điển.

                                                                                                 theo Nguyên Minh - TT&VH

Các bài mới
Các bài đã đăng