Tạp chí Sông Hương -
Văn hóa “bầy đàn” trong “Bò - Người”
09:49 | 18/04/2012

Hôm qua (16/4), tại Viet art centre (42 Yết Kiêu, Hà Nội) đã khai mạc triển lãm Nguyễn Thế Dung Bò - Người - cuộc triển lãm cá nhân thứ 2 của họa sĩ sinh năm 1985 Nguyễn Thế Dung.

Văn hóa “bầy đàn” trong “Bò - Người”
Tác phẩm tại triển lãm Bò - Người

Sau thành công ở cuộc triển lãm Đàn bò một con diễn ra tại Castus gallery (3/13 Quốc Hưng Thảo Điền Q.2 TP.HCM) năm 2011, họa sĩ Nguyễn Thế Dung tiếp tục khai thác hình ảnh con bò trong cuộc triển lãm Nguyễn Thế Dung Bò - Người với một góc nhìn mới. Không phải là những con bò cái có cái đầu là bàn tay người đang “phô diễn” cơ thể trong những kiểu tạo dáng, khoe thân như cuộc triển lãm trước, lần này với chủ đề Bò - Người, Nguyễn Thế Dung lại tìm thấy sự sáng tạo mới với chân dung của những “kẻ” đầu bò - thân người. Ngoài số ít các chân dung đơn lẻ, chủ yếu các bức họa là hình ảnh những “thân người - đầu bò” đứng xếp hàng theo một trật tự nhất định.

Điểm nhấn ở 15 tác phẩm lần này, ngoài hình đầu bò, còn là những tấm thân người đang khoác những bộ veste vô cùng chỉn chu, hào nhoáng. Nếu chỉ quan sát từ chân lên đến cổ của những tạo hình này, chắc hẳn không ít người sẽ liên tưởng ngay đến những quý ông thời thượng, sang trọng, bảnh bao. Tuy nhiên, cái đầu bò lại nằm “chễm chệ” phía trên với khuôn mặt ngộ nghĩnh, đôi mắt tinh nhanh cùng với những động tác tay đầy ngụ ý có thể khiến người xem đi từ bất ngờ, tò mò đến khám phá. 

Với bút pháp của hội họa hiện đại, Nguyễn Thế Dung không vẽ nhiều vì theo anh “Có những vấn đề chỉ ở ngôn ngữ màu sắc và đường nét”. Anh cũng đã nghiên cứu rất kỹ trước khi lựa chọn chất liệu cho triển lãm lần này, đó là sơn dầu trên vải (vải toan dệt từ sợi đay của Nga) vì công đoạn để làm cho vải được bóng và mịn trước khi vẽ cũng rất cầu kỳ. Bên cạnh đó, Nguyễn Thế Dung còn sử dụng hiệu ứng cắt ghép, pop hóa.

Khi được hỏi tại sao anh lại chọn bò làm hình tượng kết nối với người, Nguyễn Thế Dung cười và bảo: “ Khi nghiên cứu đề tài này, tôi biết đã có những lớp họa sĩ đi trước đã thể hiện nhiều tác phẩm với hình ảnh đầu bò hay đầu trâu nên đến tôi, có khác chăng, đó là cách đặt vấn đề trong quan niệm của cá nhân tôi sẽ khác. Vẽ về bò là mạch cảm xúc tôi đã có từ mấy năm nay. Lần đầu là năm 2009, Khi đó, bức họa là một chú bò vô tình đang chạy lạc trên đường phố. Con người xung quanh nó thì đang rất khó chịu vì bị tắc đường, còn gương mặt của con bò lại tỏ ra rất bình thản. Năm 2011, triển lãm Đàn bò một con diễn ra tại TP.HCM đã nhận được sự quan sát và tán thưởng của khán giả. Nhưng tôi muốn những sản phẩm đưa đến công chúng luôn phải mới. Khi khán giả xem xong thấy hay thì mình phải làm cái mới nên tôi tiếp tục đến với cuộc triển lãm lần này.

Hơn nữa, chọn bò để vẽ đơn giản là vì tôi muốn vẽ những gì thân thuộc với mình. Tôi sinh ra ở một vùng quê, nơi đó, tôi đã từng chăn trâu cắt cỏ, làm ruộng nên hình ảnh của con bò quá đỗi thân thuộc với tôi. Và trong quá trình tìm tòi, quan sát và học hỏi, từ những trải nghiệm của cuộc sống tôi muốn chia sẻ một quan điểm và cách nhìn nhận về một vài hiện tượng trong xã hội hiện nay. Sống trong thời đại mà con người bị chi phối rất nhiều bởi công nghệ phát triển khiến cho sự phát triển của con người đôi khi cũng đi vào lối mòn. Bên cạnh sự phát triển rập khuôn với chính mình, người ta còn có xu hướng sống chạy theo số đông hay nói đơn giản, đó là văn hóa “bầy đàn”. Vì thế mà họ có thể khoác trên mình một bộ cánh lịch lãm nhưng lại ở trong hình hài đầu bò”. 

Hy vọng rằng, với những thông điệp “ngầm” ẩn chứa trong những bức tranh tại cuộc triển lãm Nguyễn Thế Dung Bò - Người (diễn ra từ ngày 16 đến 21/4), khán giả xem tranh có thể có những trải nghiệm thú vị trong trí tưởng tượng của mỗi người về hình ảnh “đầu bò - thân người”. 

Theo Lam Khuê - TT&VH









 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng