Tạp chí Sông Hương -
Người đặt nền móng cho Đoàn Quân nhạc Việt Nam
16:34 | 09/05/2012

Không chỉ phối khí và chỉ huy dàn nhạc, sự tài hoa của nghệ sĩ Đinh Ngọc Liên còn được thể hiện qua việc ông đã sáng tác nhiều tác phẩm như "16 nhịp trống hành khúc", "Hải cảng về ta", "Chúng ta có Bác Hồ", "Vọng gác tiền tiêu"… Đặc biệt, bản "Chiến thắng Phủ Thông" tuy không nhiều người biết lời hát nhưng khi cất lên giai điệu thì mọi người từ lớn, bé, già, trẻ, từ nông thôn đến thành thị đều quen hành khúc dành cho chiến thắng này. Không chỉ lo cho những tác phẩm lớn, ông còn lo đến cả khúc kèn hiệu cho quân đội...

Người đặt nền móng cho Đoàn Quân nhạc Việt Nam
NSND Đinh Ngọc Liên và con gái.

Cuốn kỷ yếu của Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã dành một trang trân trọng giới thiệu về một nhạc sĩ thuộc thế hệ đầu tiên khi chính quyền Cách mạng vừa thành lập. Từ một thanh niên theo đạo Công giáo, yêu âm nhạc từ thuở thiếu thời, ngay khi nước nhà vừa giành độc lập, được giác ngộ, người nghệ sĩ ấy đã vận động đưa cả dàn nhạc kèn thuộc chế độ cũ về với Cách mạng. Ông là NSND Đinh Ngọc Liên, nguyên Trưởng đoàn Quân nhạc đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nếu còn sống thì tới ngày 1-5 năm nay, ông tròn tuổi 100.

1. Sinh ra và lớn lên tại làng Phú Nhai, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định, ngay từ bé tâm hồn của cậu bé Đinh Ngọc Liên đã được nuôi dưỡng bằng sự tươi đẹp, màu mỡ của miền quê ven biển, bằng sự hồn hậu của những người dân chài lưới chất phác. Quê ông là một xứ đạo toàn tòng, nhà ông lại sát liền với nhà thờ nên ngày nào ông cũng được tắm đẫm tiếng ngân nga của dàn chuông cổ kính, những âm hưởng của các bản thánh ca với nhiều bè bối. Các buổi rước lễ dàn kèn đặc biệt làm cho ông si mê. Những âm điệu đó đã rời vòm nhà thờ theo ông ra với đời sống âm nhạc, phục vụ nhân dân.

Ngày ấy, cả họ đều mong muốn ông sau này sẽ trở thành một linh mục. Theo ước muốn ấy, khi lớn lên, ông đã được gia đình đưa vào học ở trường dòng, học tiếng La Tinh, học đàn, học kèn và học vẽ. Do khéo tay, lại chăm chỉ nên ông thường được các sơ, các dì nhờ vẽ mẫu hoa lá để thêu lễ phục cho Cha. Thế nhưng, trong ngần ấy thứ được học, âm nhạc lại có sức cuốn hút ông hơn cả. Hơn mười tuổi, ông đã ngồi trước đàn Acmonium để đệm cho dàn ca nhà thờ. Dường như, sự nghiệp âm nhạc của ông bắt đầu từ đó. 17 tuổi, ông khăn gói rời Phú Nhai lên Hà Nội với ý định thi vào Trường Mỹ thuật Đông Dương. Nhưng, nghiệp kèn đã níu ông lại khi bất ngờ đi ngang qua trại lính khố xanh đúng ngày tuyển lính kèn cho đoàn nhạc binh. Không bỏ lỡ cơ hội, ông đã thi và đỗ ngay vòng đầu.

Từ một anh lính kèn, hơn chục năm sau, ông vượt qua sáu, bảy bậc để lên đến chức quan chánh quản. Viên quan tư nhạc trưởng người Pháp  Parmentier thấy ông có hoa tay đã cho chép phân phổ, tổng phổ. Do chép mãi, chép nhiều lại có năng khiếu âm nhạc nên dần dà ông tự hòa âm phối khí, rồi được giao tập nhạc cho dàn kèn của Pháp.

Mặc dù hoạt động trong dàn kèn của chế độ thực dân song với lòng yêu nước nồng nàn, ông đã hiểu ra rằng, việc làm của mình cũng chẳng mang lại vinh quang gì cho cuộc sống hiện tại, có chăng chỉ là được mặc một đồng phục đẹp. Ông trăn trở với suy nghĩ làm sao âm nhạc phải dành cho nhân dân.

Cuộc Cách mạng Tháng Tám đã mở ra cho đất nước và nhân dân ta một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do. Đồng chí Vương Thừa Vũ lúc đó gặp ông và nói: "Anh Liên ạ! Cách mạng đang rất cần có quân nhạc phục vụ Tổ quốc và nhân dân".

Sau khi gặp đồng chí Vương Thừa Vũ, với uy tín của mình, ông đã vận động cả đội nhạc binh cùng ông về với cách mạng để trở thành Ban âm nhạc Giải Phóng- mở đầu cho một sự nghiệp vẻ vang của người nghệ sĩ. Cũng từ đó, tên ông và đoàn quân nhạc gắn với các sự kiện lớn của dân tộc, của đất nước.

 au ngày toàn quốc kháng chiến, các chiến sĩ trong đoàn quân nhạc ấy lại cùng ông lên chiến khu Việt Bắc. Mặc dù cuộc sống ngày ấy ở chiến khu khó khăn vô cùng, song với họ, đó là những ngày tươi đẹp và ấm áp trong tình đồng chí, đồng đội. Trong chiến khu mới xuất hiện những bản hành khúc đầy hào khí dựng cho dàn kèn đồng. Đinh Ngọc Liên là một trong những nghệ sĩ đầu tiên thổi những giai điệu trầm hùng đầy khí phách của hành khúc cách mạng như "Sông Lô", 'Chiến sĩ Việt Nam", "Hải quân Việt Nam", "Diệt phát xít", "Tiếng gọi thanh niên", "Lãnh tụ ca", "Bình Trị Thiên khói lửa", "Qua miền Tây Bắc"… Điều đáng nói là trong số những nhạc phẩm mà đoàn dàn dựng, bài "Vì nhân dân quên mình" ra đời đã được quân nhạc chơi đầu tiên và góp vị trí quan trọng để đưa tác phẩm của Doãn Quang Khải trở thành Khúc quân ca của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Không chỉ phối khí và chỉ huy dàn nhạc, sự tài hoa của nghệ sĩ Đinh Ngọc Liên còn được thể hiện qua việc ông đã sáng tác nhiều tác phẩm như "16 nhịp trống hành khúc", "Hải cảng về ta", "Chúng ta có Bác Hồ", "Vọng gác tiền tiêu"… Đặc biệt, bản "Chiến thắng Phủ Thông" tuy không nhiều người biết lời hát nhưng khi cất lên giai điệu thì mọi người từ lớn, bé, già, trẻ, từ nông thôn đến thành thị đều quen hành khúc dành cho chiến thắng này. Không chỉ lo cho những tác phẩm lớn, ông còn lo đến cả khúc kèn hiệu cho quân đội. Ngày ấy, để tập hợp, họp hành, ăn cơm, báo thức, tắt đèn đi ngủ đều dùng kẻng để báo hiệu. Tiếng kẻng vừa khô, vừa lạnh lẽo và đơn điệu. Có lúc ngơ ngác lẫn cả tiếng kẻng của tổ đổi công, của lớp học bình dân học vụ ban đêm. Thế là một trưa hè, bị đánh thức bởi tiếng kẻng, ông đã ngồi viết nhạc cho kèn hiệu.

Với những đóng góp của mình, ông đã nhanh chóng được giao trọng trách là đoàn trưởng, rồi nhạc trưởng của Đoàn Quân nhạc Việt Nam. Ở đơn vị nơi ông phụ trách, ông vừa chỉ huy dàn nhạc, vừa dàn dựng, vừa hòa âm phối khí. Trong đơn vị có tới nửa nghìn quân ấy, vừa phải xây dựng tác phong, tư chất cho một quân nhân, vừa phải có kiến thức âm nhạc, tâm hồn phong phú của người nghệ sĩ. Mà đâu phải một đơn vị, ông còn là người thành lập và trực tiếp đào tạo cho Bộ Công an một đội quân nhạc phục vụ nghi lễ riêng cho ngành đến nay vẫn tồn tại và phát triển. Trong Nam, ngoài Bắc, nơi nào có dàn nhạc hơi, hễ mời là ông giúp đỡ hết lòng. Ngoài công việc chỉ huy dàn dựng, ông còn tham gia đào tạo nhiều học sinh. Nhiều người nay đã trở thành những nghệ sĩ uy tín trong và ngoài quân đội. Ngoài ra, ông còn viết một số hòa tấu kèn.... Với những đóng góp của mình, năm 1988, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.

2. Một điều thật đặc biệt khi chúng tôi biết rằng ông chính là người chồng đầu tiên của NSND Tuyết Mai, người phụ nữ có giọng đọc "vàng" không tuổi, truyền cảm biết bao thế hệ bạn nghe đài. Hai người sinh được 3 người con, họ đều là những đảng viên, nghệ sĩ mẫu mực. Thật đáng tiếc, ngày đất nước hòa bình, vì lý do riêng, NSND Ngọc Liên đã chia tay với người vợ của mình. Ít lâu sau, NSND Tuyết Mai đã đi tiếp bước nữa với NSƯT Phan Phúc. Riêng NSND Đinh Ngọc Liên, ông vẫn ở vậy một mình nuôi các con khôn lớn và trưởng thành. Một điều ít ai có thể nghĩ được rằng, mối quan hệ giữa 3 người nghệ sĩ ấy vẫn diễn ra hết sức tốt đẹp. Họ luôn giữ được bản lĩnh, sự mẫu mực của những người nghệ sĩ thế hệ đầu đàn của nền nghệ thuật đương đại Việt Nam.

Trong câu chuyện với chúng tôi về NSND Đinh Ngọc Liên, nghệ sĩ Tuyết Lan - con gái ông - tâm sự rằng, ký ức về người cha của mình dường như vẫn còn vẹn nguyên và đầy ắp trong tâm trí của chị. "Mặc dù lên Hà Nội từ năm 17 tuổi, đã đi nhiều nước nhưng bản sắc "Phú Nhai" của ông vẫn rất sâu đậm. Bữa cơm nghèo của một thời gian nan, đạm bạc với đàn con đang tuổi ăn, tuổi lớn thật khốn khó. Khi ngồi vào mâm, bao giờ ông cũng gắp miếng ăn ngon đầu tiên cho mẹ già, miếng ngon thứ hai cho đứa bé nhất rồi lần lượt. Nếu có đứa con nào bị miếng bé hơn thì ông ủi: "Ôi, miếng cá này giống bản đồ nước Ý, hình chiếc ủng đây mà. Miếng thịt này nhọn một đầu, lại cong cong giống hình khóa "sol" nhỉ". Thế là đứa nào cũng muốn được đổi lấy cái miếng "nghệ thuật" ấy.

Bữa cơm thông thường khi đã sung túc cũng chỉ có canh cua, rau đay với vài quả cà muối" - Nghệ sĩ Tuyết Lan nhớ lại. "Cha tôi là một sĩ quan quân đội, với bộ quân phục gọn gàng và bình dị, vầng trán cao, mái tóc bạc, nụ cười hồn hậu luôn nở trên môi. Chúng tôi được ông cho học nhạc từ sáu, bảy tuổi. Bận như thế nhưng vẫn dạy con "đồ, rê, mi". Chúng tôi còn nhỏ, như mọi đứa trẻ khác không thích học, chỉ thích chơi đùa tự do thôi. Để động viên chúng tôi học, ông còn vẽ trên mỗi đầu bài một bức ký họa rất ngộ nghĩnh… Ông rất mê đọc sách, khi có tác phẩm nào hay, ông thường kể cho chúng tôi nghe. Ông khuyến khích con cái đọc sách, báo. Theo ông, mỗi cuốn sách là một cuộc đời, nếu con người ta được sống bằng nhiều cuộc đời chẳng phong phú lắm sao. Ông mua sách, bọc lại cẩn thận bằng giấy pơluya để vẫn nhìn được bìa và làm cho người cầm cuốn sách phải trân trọng, giữ gìn nâng niu bằng hai tay khi đọc"…

NSND Đinh Ngọc Liên qua đời năm 1991, hưởng thọ 79 tuổi. Điều cần nói thêm là từ ngày ông qua đời, NSƯT Phan Phúc không chỉ chăm chút cho gia đình riêng mà còn coi những người con của NSND Đinh Ngọc Liên như những người con trong gia đình. Chị Tuyết Lan tâm sự rằng: "Tôi chưa từng thấy người đàn ông nào tốt như NSƯT Phan Phúc. Ông không phải là người đã sinh ra chúng tôi nhưng ông chăm lo cho chúng tôi từng li từng tí. Các cháu nội trong nhà đều rất yêu quý ông". Còn Đại tá Lê Hiền, nguyên Chính ủy Sư đoàn 350 thì nhận xét: "NSND Đinh Ngọc Liên là người đạo đức trong sạch, không những có chuyên môn cao mà còn có nhiều đóng góp lớn cho cách mạng".

Theo Lưu Vinh - Nguyễn Hương - VNCA





 

Các bài mới
Các bài đã đăng