Tạp chí Sông Hương -
LHP Cannes: 65 năm một “bệ phóng”
07:46 | 15/05/2012

LHP Cannes sẽ chính thức khai mạc vào ngày mai, 16/5 và kéo dài đến 27/5. Mừng tuổi 65 của LHP này, các nhà tổ chức sẽ “thết đãi” 700 nhân vật nổi tiếng của làng điện ảnh một bữa tối trang trọng và màn bắn pháo hoa vào ngày 20/5. Trong nhiều thập kỷ, LHP này luôn là sân chơi hết sức thoải mái của những người làm nghề.

LHP Cannes: 65 năm một “bệ phóng”
Áp-phích LHP Cannes lần thứ 65

Chủ tịch lâu năm của LHP Cannes - Gilles Jacob (81 tuổi) - lần đầu tiên tới LHP hồi năm 1964, lúc đó ông còn là một nhà phê bình chưa mấy tiếng tăm. “Thời điểm đó, hầu như chẳng có bất cứ một sức ép nào cả, tất cả chúng tôi đều quen biết nhau” - Jacob kể.

Những ngày tháng êm đềm đầu tiên

Nhưng sau đó, LHP Cannes đã như “thỏi” nam châm hút các nhân tài và gương mặt nổi tiếng, trở thành nơi tụ hội của những người giàu có, chuyên di chuyển bằng máy bay phản lực và các ngôi sao như James Dean và Grace Kelly - nữ minh tinh đã gặp Hoàng tử Rainier của Monaco tại LHP năm 1955 và kết hôn với ông 1 năm sau đó.

Trong suốt những năm 1950, các nữ minh tinh Gina Lollobrigida và Sophia Loren luôn bị các tay paparazzi “quấy nhiễu” khi họ xuất hiện tại LHP. Tuy vậy, phải đến những năm 1960, không khí tại LHP Cannes vẫn còn khá êm đềm, thoải mái.

Ông Jacob vẫn còn nhớ: “Thời đó, các ngôi sao vẫn có thể hòa vào đám đông công chúng đi dạo dọc bờ biển. Nhưng mọi thứ đã thay đổi từ khi truyền hình xuất hiện”.

Giờ đây, chuẩn bị cho LHP lần thứ 65,  700 cảnh sát được huy động làm nhiệm vụ, bên cạnh 4.600 nhà báo sẽ tác nghiệp tại đây. LHP sẽ có 90 bộ phim được trình chiếu ở hạng mục tranh giải chính và các sự kiện bên lề. Chưa kể có khoảng 4.300 bộ phim được chào hàng tại một hội chợ điện ảnh lớn nằm trong khuôn khổ LHP.

Hollywood vẫn có truyền thống đưa các ngôi sao tới Cannes. Năm nay sẽ có sự hiện diện của các ngôi sao như Nicole Kidman, Brad Pitt, Jessica Chastain và Sean Penn.

Các ngôi sao có phim tham gia tranh giải Cành cọ Vàng sẽ có buổi chụp ảnh vào buổi sáng và sau đó tham gia cuộc họp báo rồi trả lời các cuộc phỏng vấn trước khi bước lên những chiếc Limousine để tới tham dự lễ khai mạc.

Cannes đã vượt qua được sự cạnh tranh của nhiều đối thủ, từ LHP Berlin, được thành lập sau Thế chiến II, tới LHP Sundance được sáng lập ở thành phố Salt Lake vào năm 1978, hay LHP Tribeca của New York, được sáng lập sau khi xảy ra các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001.

Và Cannes vẫn là một sự kiện điện ảnh nổi bật với sự hòa trộn các dự án điện ảnh độc lập và phim bom tấn, là một hội chợ điện ảnh lớn, tạo ưu thế chiến lược cho các nhà sản xuất phim.

Bệ phóng cho nhiều nhà làm phim

Nhiều năm qua, Cannes đã trở thành bệ phóng cho hàng chục nhà làm phim, mà gần đây nhất là đạo diễn Michel Hazanavicius của Pháp, tác giả bộ phim câm The Artist, người đã giành chiến thắng tại LHP Cannes.

Francois Truffaut, thần tượng của trào lưu “Làn sóng Mới” của Pháp, đã đoạt giải với bộ phim The 400 Blows khi ông mới 28 tuổi. Trong khi đó, các nhà làm phim  George Lucas, Ken Loach và Steven Soderbergh đều giới thiệu phim nhựa đầu tay của mình tại Cannes, lần lượt là phim THX1138, Family Life và tác phẩm đoạt giải Cành cọ Vàng Sex, Lies and Videotape.

Reservoir Dogs, bộ phim đầu tay của đạo diễn Mỹ Quentin Tarantino cũng được trình chiếu tại LHP Cannes và năm 1993, Jane Campion (New Zealand) trở thành đạo diễn nữ đầu tiên đoạt giải Cành cọ Vàng.

 Từng bị ảnh hưởng bởi chính trị

Một trong những LHP Cannes thời kỳ đầu tiên, được tổ chức vào ngày 1/9/1939, nhưng chỉ kéo dài 48 tiếng và chỉ trình chiếu một phim duy nhất là Thằng gù nhà thờ Đức Bà của Hollywood. Năm đó, LHP phải khép lại vào ngày 3/9 khi Hitler xâm lược Ba Lan, phá vỡ bầu không khí hòa bình và cả LHP.

Sau chiến tranh, LHP Cannes hồi phục lại và năm 1946 có 21 nước gửi phim tới tham dự, trong đó có phim Brief Encounter của David Lean.

Chính trị từng là vấn đề nhạy cảm khi xảy ra Cuộc chiến tranh Lạnh và trong những năm 1950, nhiều bộ phim - mang đề tài về chủ nghĩa thực dân hay các trại tập trung của Phát xít Đức - đã bị loại ra khỏi danh sách chiếu phim vì các vấn đề ngoại giao. 

Năm 1968, làn sóng phản đối chính trị ở Pháp đã lan tới cả LHP Cannes. Tháng 5/1968, các nhà làm phim Jean-Luc Godard and Francois Truffaut cũng hưởng ứng các phong trào của sinh viên.  Kết quả là LHP năm đó phải bế mạc sớm hơn dự kiến 5 ngày.

     theo Việt Lâm - TT&VH

 

Các bài mới
Các bài đã đăng