Nghệ sĩ duy nhất của giới cải lương miền Bắc cho đến nay, vinh dự được tặng giải thưởng danh giá bậc nhất Việt Nam - Giải thưởng Hồ Chí Minh - là NSND Sỹ Tiến (1916 - 1982), một nghệ sĩ toàn năng hiếm có của nền sân khấu VN thế kỷ 20, người được giới nghề ghi nhận tài năng xuất chúng và nhân cách lớn.
1. NSND Doãn Hoàng Giang - Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội NSSK VN nhấn mạnh: “Tôi rất yêu mến và kính trọng ông Sỹ Tiến, vừa tài, vừa đẹp, một vẻ đẹp văn minh. CL là nghệ thuật kịch hát xuất xứ từ miền Nam, mà Sỹ Tiến lại nhiều lần dẫn đoàn vào Nam - cái nôi CL. Đúng như ông mong muốn, miền Bắc chính là “chiếc xe nôi” đưa CL tiến lên. Tại Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ, ông đã làm nghiêng ngả cả nghệ sĩ lẫn khán giả CL và được gọi là “ông hoàng CL đất Bắc”. Nhiều kỷ lục của Sỹ Tiến đến nay chưa ai vượt được”.
Niềm vui lớn cuối đời của lão nghệ sĩ Khánh Hợi là sự tưởng thưởng xứng đáng cống hiến lớn lao của NSND Sỹ Tiến với CL nói riêng, nền sân khấu (SK) VN nói chung. Từ Paris, bà đã bay một mình về Hà Nội hôm 25/3, để chờ đón ngày trọng đại. Tuổi cửu thập vẫn minh mẫn, đôi mắt bà ánh lên hạnh phúc mà lệ chứa chan.
SK là cuộc sống của vợ chồng bà. Họ vào nghề từ năm 8 tuổi và tận lực đúng nghĩa “sinh nghề tử nghiệp”. Sỹ Tiến đã xả thân trọn đời vì sân khấu bằng tình yêu, đam mê mãnh liệt từ tài năng kiệt xuất, đa dạng nhiều lĩnh vực. GS-Anh hùng lao động Vũ Khiêu, người bạn thân cùng tuổi NSND Sỹ Tiến nhận định: “Sỹ Tiến - sống chết vì sân khấu bằng tài năng toàn diện, nhân cách cao cả, là nghệ sỹ lớn trong các nghệ sĩ lớn nhất, ngôi sao sáng trong những ngôi sao sáng nhất của nền SK VN thế kỷ 20”.
2. Năm 1957, Sỹ Tiến tham gia sáng lập Hội Nhà văn VN, Hội Nghệ sĩ sân khấu VN khi đã có mấy chục năm tuổi nghề trên cả hai lĩnh vực. Thiên khiếu cho ông sự say mê, can đảm theo nghiệp dẫu bao nhọc nhằn khổ ải. Cậu bé Nguyễn Xuân Kim (tên thật của ông) rất nhỏ đã thuộc, ngâm thơ Phan Bội Châu theo ông nội, 8 tuổi lên SK, 14 tuổi viết được những bài ca đầu tiên, theo đúng niêm luật bài bản; 18 tuổi đã lẫy lừng SK ba miền, có cuộc đời như một vở diễn, một bộ phim li kỳ, một tiểu thuyết chương hồi hấp dẫn, gay cấn. Và khi nhân vật chính đã từ trần 30 năm, xem kịch bản (KB) của ông, tất cả vẫn còn sống động, gây dư chấn.
Đọc tác phẩm Sỹ Tiến, nghe những nghệ sĩ cùng thời, học trò Sỹ Tiến kể lại, tôi như “nhập đồng” tình yêu sân khấu (SK) của bậc tài hoa.
Chưa một hồi ký nào khiến tôi bị cuốn hút và xúc động đến thế. Đích thực những trang viết “chưng cất” từ mồ hôi, nước mắt, tim não tác giả, làm sống dậy cả một “triều đại” kịch hát thăng hoa hơn nửa thế kỷ, có danh vọng lẫn đắng cay, hạnh phúc và mất mát.
Vì quá mức khiêm tốn, ông đã giấu mình khi viết về hành trình SK trong vai trò của một kép chính, soạn giả danh tiếng được các bạn, đoàn, gánh 3 miền nể trọng, là chứng nhân của các sự kiện SK mà ông tham gia, như một nhân tố chủ lực. Độc giả tinh vẫn nhận ra nỗi thiết tha ham cống hiến, tình nghĩa, sự liên tài của ông với đồng nghiệp trong Nam ngoài Bắc.
3. Lịch sử CL miền Bắc và lịch sử cải lương VN có một “sử gia” ghi lại, đó là Sỹ Tiến, cuộc đời ông như “biên niên sử” của sân khấu HN. Tầm vóc hàng chục công trình nghiên cứu các lĩnh vực tuồng, chèo, cải lương, giáo trình hướng dẫn sử dụng nhạc cụ dân tộc của SK kịch hát dân tộc (đã in sách hoặc lưu trữ tại Viện Nghệ thuật SK) khiến “ Sỹ Tiến là người đầu tiên nghiên cứu và viết giáo khoa thư - nền tảng của Cải lương học” như Phó GS Tất Thắng viết về ông.
Nhiều công trình nghiên cứu sau này đều từ nền tảng tinh hoa ấy, mà tác giả hoàn toàn tự học, không học hàm học vị. Tác phẩm của Sỹ Tiến là khối lượng đồ sộ gần 100 KB. Nhìn danh mục tác phẩm của ông, tôi kinh ngạc không hiểu nổi bộ não sáng tạo ấy đã viết khi nào lúc nào khi đời sống qua nhiều nổi nênh, gánh vác vai trò lãnh đạo, lo từ chuyên môn tới cơm áo cho anh em, gây dựng tiếng tăm cho các đoàn, mà chẳng màng danh lợi.
Cả đời ông không hề lĩnh lương, không biết giữ tiền, chịu nhiều thua thiệt. Vợ ông lại tính nghệ sĩ hào phóng, nên ông bà chẳng thể giàu, với đàn con 8 đứa và những đứa cháu nghèo phải nuôi, với thân thể bị bệnh phổi, gan từ 1962 rồi đau dạ dày nặng - bệnh nghề nghiệp sau những vai diễn để đời.
Trả giá ư? Nếu coi đó là trả giá, thì Sỹ Tiến đã dám trả rồi. Trong sự “hoang tưởng” của tuổi trẻ, giả dụ có sống gấp đôi số mệnh mình, tôi không viết nổi 1/5 lượng tác phẩm Sỹ Tiến. Và tôi biết, rất nhiều người kính phục ông, không chỉ bởi tài năng phi thường mà bởi tất cả họ cộng lại, cũng không thể có độ điên say tận hiến đến phút cuối như Sỹ Tiến, người được những người bạn danh tiếng trong giới cầm bút gọi là “Victor Hugo Việt Nam” “Molière Việt Nam” bởi sự đa dạng và tính nhân văn, hài hước trí tuệ trong các vở diễn mà ông là tác giả.
4. Vào nghề, có năng khiếu thiên bẩm, lại sáng dạ, chịu tập, rèn mình khắc nghiệt, cậu bé Kim 8 tuổi đã được lưu diễn kiếm tiền, trong khi vẫn phải làm “hậu đài”, “chạy cờ” mà DV tập sự học nghề phải trải. Trưa nắng to, bà chủ gánh bắt cậu mặc mũ mão cân đai, đi hia, ngồi xe rong khắp thị xã Bắc Giang, quảng cáo cho suất diễn tối. Mấy chị mới lớn, có chút tiền buôn bán, viết thư tình, mua nước hoa gửi qua bà hàng nước cửa rạp.
Khổ nỗi, cậu bé xinh trai hát hay múa đẹp kia nào biết chuyện ái tình. Các chị kéo nhau “bao vây” cửa rạp, đòi lại quà. Kinh hãi, Kim bỏ Bắc Giang về Hà Nội. Từ đây, cậu lại đi bộ đến Nam Định, rồi nhập ban gánh vào Nghệ An, gặp anh ruột. Cậu xin phép, cũng là thông báo, cậu sẽ theo đoàn Mụ Giám (ông chủ gánh người Hoàng tộc, ở Huế đàn ông quyền quý cũng gọi là “Mụ”) vào Huế. Rồi thọ học Tư Hợi - thầy tuồng của đoàn. Một hôm, bọn sở cẩm bắt thầy Tư Hợi, vì đoàn diễn “Ngũ hổ bình tây”, bị quy “bình Tây” là “đánh Tây”.
Mụ Giám theo kiện, xin xỏ mấy tuần không được, đoàn rã đám. Cậu bé Kim lại một mình cuốc bộ vượt đèo Hải Vân. “Cả ngày tôi chỉ ăn 2 cái bánh đa, khát uống nước ao, lần vào Đà Nẵng”. Đọc đến đây, tôi bật khóc.
Theo Vi Thùy Linh - TTVH