Tạp chí Sông Hương -
Điểm hẹn điện ảnh tài liệu
08:35 | 06/06/2012

Sau thành công 3 năm trước, Liên hoan Phim tài liệu châu Âu - Việt Nam không chỉ trở thành điểm hẹn cho những người yêu phim tài liệu mà còn là dịp giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp giữa các nhà làm phim tài liệu Việt Nam và châu Âu.

Liên hoan Phim tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 4 sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 8 - 17.6 và tại Đà Nẵng từ ngày 15 - 24.6. Từ 4 nước tham gia Những ngày phim tài liệu châu Âu lần đầu tiên năm 2009 và chỉ tổ chức tại Hà Nội, đến nay sự kiện này đã được nâng lên thành Liên hoan Phim tài liệu châu Âu - Việt Nam, thu hút tới 9 quốc gia châu Âu, gồm: Áo, Anh, Đức, Ba Lan, Đan Mạch, Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Sỹ, Wallonie - Bruxelles (Bỉ) cùng với Hãng Phim tài liệu và khoa học T.Ư Việt Nam; và địa điểm tổ chức mở rộng đến Đà Nẵng (năm 2011 là TP Hồ Chí Minh). Đây được đánh giá là một trong những hoạt động thành công nhất của Mạng lưới Các tổ chức văn hóa châu Âu tại Hà Nội (EUNIC).

Cũng giống như mọi năm, mỗi tối trong thời gian diễn ra Liên hoan phim sẽ giới thiệu 1 phim tài liệu châu Âu và 1 phim tài liệu Việt Nam, cùng đề tài. Theo Ban tổ chức, phim châu Âu được chọn trình chiếu là những tác phẩm đặc sắc, gây tiếng vang ở nước sở tại và có giá trị nghệ thuật cao. Mở màn là 2 tác phẩm về đề tài âm nhạc Vinyl - Câu chuyện của thế giới nhạc Underground ở Vienna của Áo và Chuyện làng Then của đạo diễn Trần Phi - Hoàng Ngọc Dũng. Trong các buổi chiếu tiếp đó, các phim phản ánh nhiều đề tài đang được xã hội quan tâm như: môi trường, khám phá, ký ức chiến tranh, người khuyết tật, kiến trúc... Chọn lựa đề tài phim đa dạng, trên nguyên tắc như cuộc đối thoại giữa phim tài liệu châu Âu và Việt Nam, Liên hoan phim mong muốn giới thiệu sức sống mãnh liệt của điện ảnh tài liệu, đang phát triển rực rỡ từ nhiều năm nay. Bên cạnh phim truyện, phim tài liệu trở thành một loại hình điện ảnh riêng biệt, với mật mã, kỹ thuật riêng và những nhà đạo diễn chuyên biệt. Thành công của phim tài liệu từ nhiều năm nay trên trường quốc tế chứng tỏ rằng công chúng đang đòi hỏi một “nền điện ảnh hiện thực”.

Đặc biệt, LHP năm nay sẽ dành riêng một ngày để chiếu 14 bộ phim tài liệu của các đạo diễn trẻ Việt Nam. Đây là kết quả của những dự án, khóa học làm phim tài liệu tổ chức gần đây như: dự án/workshop DocLab Hà Nội; các khóa học mùa hè Ateliers Varan - dự án hợp tác với Viện Goethe Hà Nội; hay từ workshop đào tạo của đạo diễn người Bỉ Thierry Michel; Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD)... Các bộ phim được trình chiếu như: Đôi tay biết nói, Ký sự đường tàu, Mở mắt, Phòng mạch của bác sỹ Thi… thể hiện cách nghĩ, cách làm của nhà làm phim trẻ. Trưởng đại diện Phái đoàn Wallonie - Bruxelles tại Hà Nội Frank Pezza cho biết: “Đêm của nhà làm phim trẻ Việt Nam là một nét mới của LHP lần này với mong muốn trở thành điểm khởi dựng mạng lưới và trao đổi cho các nhà làm phim trẻ Việt Nam”.

Bên cạnh giới thiệu nhiều phim tài liệu có đề tài hay và hấp dẫn tới công chúng yêu điện ảnh Việt Nam, Liên hoan phim còn là dịp giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp giữa các nghệ sỹ làm phim tài liệu trong nước và quốc tế. Theo Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học T.Ư Phạm Thị Tuyết, qua LHP, các nhà làm phim tài liệu Việt Nam được tiếp cận phong cách làm phim đa dạng của các quốc gia châu Âu, từ đó nâng cao chất lượng phim tài liệu trong nước, hướng đến đưa phim tài liệu Việt Nam vươn ra thế giới. Thực tế, việc hợp tác với các nước châu Âu tổ chức Liên hoan phim tài liệu đã mở ra các lớp đào tạo về phim tài liệu cho các đạo diễn, nhà làm phim Việt Nam. 4 lớp đào tạo về biên kịch, làm phim tài liệu đã được tổ chức, học viên không chỉ thuộc Hãng phim mà cả những nhà làm phim trong nước quan tâm tới lĩnh vực này. Năm nay, khóa đào tạo ngắn hạn về phim tài liệu được tổ chức từ ngày 4 - 9.6, với giảng viên là đạo diễn nổi tiếng người Bỉ Thierry Michel. Khóa đào tạo có sự tham gia của 75 học viên là các đạo diễn, nhà làm phim thuộc thuộc nhiều thế hệ, thể hiện các tầng lớp tham gia sáng tạo phim tài liệu của Việt Nam. Trong khóa học, Thierry Michel đi sâu phân tích cách viết kịch bản, dựng phim, xây dựng kịch tích trong phim tài liệu... Ngoài ra, ông dành một buổi để phân tích và góp ý các dự án phim cụ thể của các nhà làm phim Việt Nam...

Viện trưởng Viện Goethe Almuth Meyer - Zollitsch khẳng định, qua lần thứ tư được tổ chức, Liên hoan Phim tài liệu châu Âu - Việt Nam đang tạo lập chỗ đứng trong bức tranh văn hóa Việt và trở thành điểm hẹn điện ảnh tài liệu được công chúng đánh giá cao.

Theo Lê Thủy - ĐBND






 

Các bài mới
Các bài đã đăng