Tạp chí Sông Hương -
Tiên sa, nào quản ba đào...(Phần 1)
14:13 | 20/06/2012

Nghệ sĩ Nhân dân Liên bang Nga Alla Larionova (1931-2000) xuất hiện từ phim cổ tích Sadko đi tìm hạnh phúc, “nữ hoàng trong tim” của nhiều bậc nam nhi, là Diva trong thuở bình minh của điện ảnh Xô Viết. Lướt qua những đợt sóng vùi dập của cuộc sống thường nhật, nữ nghệ sĩ sống và làm việc cho đến hết thế kỷ XX.

Tiên sa, nào quản ba đào...(Phần 1)
Cảnh trong phim Sadko đi tìm hạnh phúc

Mơ dậy trước mọi người

Chào đời ngày 19.2.1931 tại Moskva, Alla Larionova được đấng tạo hóa ban phát hào phóng, không thiếu chút gì: từ vóc dáng, mái tóc đến đôi mắt, làn môi… Mỗi khi hàng mi của Diva điện ảnh Xô Viết chớp chớp, bậc nam nhi nào cũng muốn nhanh đến phủ phục dưới chân nàng. Một nhan sắc có đủ quyền để sống như trong cổ tích, vậy mà sinh thời, nữ nghệ sĩ luôn luôn nói về ngoại hình của mình bằng giọng giễu cợt…  

Khi đã thành ngôi sao, Alla Larionova mới thú thực: hồi nhỏ chỉ mơ làm… cô lao công, vì thấy nghề ấy cực kỳ lãng mạn: bao giờ cũng được dậy trước mọi người, mùa thu thì gom những chiếc lá vàng rơi, mùa đông thì xúc những xẻng tuyết trắng nõn… Giàu mơ mộng, nhưng tuổi thơ từng nếm trải một cuộc sống khắc nghiệt. Bố đang làm giám đốc công ty gia cầm thì ra trận, bị bắt sống, may gặp được ân nhân - một bà nông dân người địa phương cứ khăng khăng nhận đấy chính là anh trai mình, bọn Đức cả tin, bèn thả. Còn mẹ - mới học hết lớp bốn, làm cô bảo mẫu trong nhà trẻ, mấy năm sơ tán sang tận Tataria bận bịu ngày đêm, để cô con gái hơn mười tuổi thường xuyên đến trạm quân y trổ tài múa hát và đọc thơ trước những thương binh đang điều trị… Hóa ra, trong số đó, có cả Zinovy Gerdt (1916 - 1996), sau này trở thành Nghệ sĩ Nhân dân Liên Xô, đóng chung với cô trong phim Nhà ảo thuật (1967, đạo diễn Pyotr Todorovsky).

Một lần, có cô trợ lý đạo diễn đến gặp mẹ xin cho Alla đi đóng phim, vận động hồi lâu mà không được… Một nữ trợ lý đạo diễn khác cũng đứng rình ngoài đường và chộp lấy Alla – lúc này đã học lớp tám, nên không phải xin phép mẹ nữa – nên cô gái cao ngồng, mặt đầy tàn nhang được xếp vào lớp diễn viên của xưởng Mosfilm và hay được gọi vào những cảnh đông người, cho nên ở lớp, được điểm trung bình là đã… thở phào. Còn đấy hình ảnh Alla nhỏ tuổi, trong phim Đoàn tàu đang đi về hướng đông (1947, Yuly Raizman) bây giờ hay được chiếu lại trên truyền hình.

Người đẹp tuyệt trần

Xong bậc phổ thông, khỏi cần suy nghĩ, Alla đâm đơn vào hai trường, Sân khấu GITIS và Điện ảnh VGIK. Giám khảo GITIS thấy cô thí sinh luống cuống đến quên cả lời thoại thì kết luận: “Ở tuổi mười bảy như em lẽ ra phải có trí nhớ tốt hơn”. Còn giám khảo VGIK – Sergei Gerasimov – thì bảo nhỏ người trợ lý chung thân cũng là vợ của mình: “Con bé có cái mũi và môi hơi bị dày, khó ăn ảnh” và nhận được lời khuyên “Anh để ý kỹ đi, đôi mắt và mái tóc nó đẹp thế”.

Và con vịt xấu xí đã hóa thiên nga tuyệt trần trong không riêng lớp học của thầy S. Gerasimov, mà trong cả nền điện ảnh Xô Viết suốt thập niên 1950. 

Đang còn là sinh viên, Alla đã có vai nàng Liubava trong bộ phim cổ tích Sadko đi tìm hạnh phúc (1952, Alexander Ptushko), dẫu bị thầy Gerasimov ngăn cản theo thông lệ của trường, và vẫn lại nhờ tài năn nỉ của cô trợ lý phu nhân. Hãy nhớ: cô giáo mát tay ấy là Tamara Makarova (1907 - 1997), Nghệ sĩ Nhân dân, Anh hùng Lao động Xã hội chủ nghĩa Liên Xô, một diễn viên ngôi sao trước thập niên 1950 (trong các phim Người thầy, Lời thề, Đội cận vệ Thanh niên…), về sau trở thành nhà sư phạm uy tín.

Không thua gì Lidia Vertynskaya khi đó đang rực rỡ với Cánh buồm đỏ thắm, Người cá… vẻ đẹp mặn mà chất Slavơ của Alla Larionova đã gây sửng sốt cho khán giả, mang lại thành công vang dội cho phim Sadko: thu hút 27,3 triệu khán giả và được chuyển nhượng sang Mỹ năm 1963, phiên bản tiếng Anh do một người 23 tuổi thực hiện, về sau trở thành nhà điện ảnh nổi tiếng: Francis Ford Coppola…

Chính trong thời gian đóng bộ phim này, số phận đưa đẩy người đẹp đến với người đàn ông đầu tiên. Đó là Ivan Pereverzev, sắm vai Timofei trong Sadko - diễn viên đẹp trai, mạnh mẽ và ăn khách thời ấy - nhất là từ bộ phim Cuộc so găng đầu tiên (1947) - đã chinh phục trái tim của nhiều cô gái. Alla Larionova đã yêu, tha thiết và khá lâu, thậm chí đã mang thai, nhưng rốt cuộc I. Pereverzev không chịu cưới...

Năm 1953, đoàn làm phim Sadko được mời tham dự Liên hoan phim quốc tế Venice – điều bất ngờ lớn trong bối cảnh từ trước 1947 và mấy năm sau đó, khi điện ảnh Liên Xô còn chưa được ban tổ chức quốc tế nào ngó ngàng tới. Đoàn được một nhà lãnh đạo kỳ cựu khi đó đang là Bộ trưởng Ngoại thương căn dặn kỹ càng để khỏi choáng ngợp trước môi trường lạ. Thế mà sang Italy, Alla vẫn bị choáng, khi loay hoay mở vòi tắm trong khách sạn hoặc khi nhìn đôi tất chân của cô hầu phòng… Ấy là thời trước khi bay ra nước ngoài mới được mượn trang phục bằng chung một chất liệu vải, giày da thì chân nào xỏ vào cũng cứ vừa… Vậy mà cô diễn viên Liên Xô được đồng nghiệp và báo giới quốc tế ca tụng không tiếc lời: “Trẻ trung nhất, vui vẻ nhất, xinh đẹp nhất!”, “Vầng mặt trời Venice mọc trong mái tóc Alla Larionova”... Khi công bố giải Sư tử Bạc thuộc về phim Sadko, nhiều nhà làm phim, nhiều vị đạo diễn nước ngoài đổ xô đến xin ký hợp đồng với Alla Larionova, nhưng sau đó, nhà chức trách đã đáp rằng, cả Liên bang Xô Viết chúng tôi chỉ có một mình Alla Larionova, cô ấy đã có lịch đóng phim suốt đến năm 2000!

Tất cả các ước mơ vừa tuột khỏi tầm tay, người đẹp đã khóc thầm suốt chuyến bay về, nhưng vừa đặt chân xuống mặt đất liền nhận được điều an ủi: có quyết định giao vai nữ chính cho cô trong phim Anna được công kênh (1954, I. Annensky chuyển thể truyện ngắn của Anton Chekhov).

Đó là một cô gái con nhà nghèo khó nhưng đẹp lộng lẫy và rất biết cái giá của mình. Để cứu cả nhà, cô chỉ có giải pháp duy nhất: chấp thuận lấy một ông già hơn mình những 34 tuổi… Trong phim này, Larionova được đóng cặp với Alexander Vertynsky, một diễn viên từ nước ngoài hồi hương, có phong cách sang trọng, quý phái mà người đẹp nào cũng tôn thờ. Đặc biệt, lại được diễn cùng với Mikhail Zharov – vốn được coi là thần tượng mà mình đã gặp từ hồi còn nhỏ. Không hiểu sao, màn khiêu vũ phải quay đi quay lại mất cả tháng, toàn phải quay về đêm vì ban ngày các diễn viên quần chúng phải về nhà hát operetta để tập tiết mục. Zharov bảo Larionova: “Cô phải sẵn sàng, sao cho đã quay là được, kẻo bác sĩ sắp triệu tôi về”, và ông là người nhảy đẹp nhất hội. Sau buổi quay, trở về nhà trời đã rạng sáng, nằm vật trên chiếc giường quá khổ mượn được của diễn viên Evgeny Morgunov - “người khổng lồ nổi tiếng” (vai Stakhovich trong Đội cận vệ thanh niên, Michael trong Người Mexico…) nên diễn viên này thường đùa: “Alla Larionova ngủ trên giường tớ đấy”… Ai biết được, rồi bao nhiêu tiếng đồn sau đó có bắt nguồn tự câu đùa này…

Cô gái Anna đẹp lộng lẫy trong trang phục dạ tiệc nhảy với ngôi sao Zharov đã hút hồn tất cả các khán giả - không phân biệt ai là ai, và đưa Larionova lên đỉnh cao vinh quang. Liền đó, vai Olivie quý phái trong phim Đêm thứ mười hai (1955, Yan Frid chuyển thể kịch của Shakespeare) khiến khán giả mê mệt đến mất ăn mất ngủ. Vậy mà nữ diễn viên trong mộng của các bậc nam nhi lúc này vẫn sống cùng bố mẹ đẻ, trong tầng trệt của một khu tập thể, phải trổ thêm hai cửa kính mới đủ ánh sáng, nhưng phải đóng kín suốt ngày đêm vì người hâm mộ hay nhòm ngó, lại nữa, để mùa tuyết tan, rác rưởi đường phố khỏi lọt vào nhà…

Những dị nghị của người đời đã không buông tha người đẹp “ở chui” trong cảnh nghèo khó ấy…

 Theo Đăng Bẩy - NĐBND

Các bài mới
Các bài đã đăng