Tạp chí Sông Hương -
Kim Phúc và những người bạn Đức
16:34 | 25/06/2012

Không một mảnh vải trên người và bị bỏng nặng toàn thân, lúc đó Kim Phúc mới chín tuổi. Ngay trong ngày, bức ảnh lịch sử đã được phân xã AP tại Sài Gòn gửi về New York (Mỹ) và được truyền đi khắp thế giới.

Kim Phúc và những người bạn Đức
Nick Út và bức ảnh Cô bé Napalm

Bức ảnh Cô bé Napalm

Ngày 8.6.1972 bức ảnh Cô bé Napalm đã được phóng viên chiến trường của phân xã AP tại Sài Gòn là Nick Út (tên đầy đủ của anh là Huỳnh Công Nick Út) chụp ngay tại nơi bom napalm Mỹ vừa ném xuống thị trấn Trảng Bàng, Tây Ninh. Một biển lửa bùng lên, những nạn nhân hoảng loạn và kêu thét đau đớn đến tột độ chạy về phía các phóng viên kêu cứu. Nhân vật chính trong bức ảnh là Phan Thị Kim Phúc, không một mảnh vải trên người và bị bỏng nặng toàn thân, lúc đó Kim Phúc mới chín tuổi. Ngay trong ngày, bức ảnh lịch sử đã được phân xã AP tại Sài Gòn gửi về New York (Mỹ) và được truyền đi khắp thế giới.

Bức ảnh đã lập tức được đăng trên hầu hết các tờ báo lớn và chiếu đi chiếu lại trên những kênh truyền hình, trở thành bức ảnh nổi tiếng với cái tên chung là Napalm Girl (tiếng Anh), Das Napalm - Madchen (tiếng Đức), Cô bé Napalm... Đã có nhiều cái tên và lời bình luận khác nhau về bức ảnh: Bức ảnh lịch sử, bức ảnh viết nên lịch sử; bức ảnh của thế kỷ (XX), bức ảnh của thời đại, một trong những bức ảnh định nghĩa cả một thời đại; bức ảnh nổi tiếng nhất về chiến tranh; bức ảnh làm thay đổi thế giới... Có báo, đài truyền hình ở Đức đã đánh giá: bức ảnh là biểu tượng của sự dã man tàn bạo của chiến tranh; không lời nào có thể lột tả hết sự rùng rợn, man rợ của chiến tranh, sự đau đớn đến tột cùng của nạn nhân như địa ngục giữa trần gian bằng chỉ một bức ảnh.
Tranh luận gay gắt về bức ảnh

Buổi sáng ngày 8.6.1972, sau khi Nick Út chụp được mấy bức ảnh Kim Phúc và các nạn nhân đang chạy về phía đám phóng viên kêu cứu, anh kinh hoàng thấy Kim Phúc với những mảng da trên cánh tay và lưng bị tróc ra khỏi cơ thể và kêu khóc thảm thiết. Anh lập tức ngừng tác nghiệp, tháo bỏ bốn máy ảnh đặt xuống đường, vội cùng với phóng viên truyền hình Anh là Christopher Wain và những người khác, lấy nước từ bi đông dội lên người Kim Phúc vì em liên tục kêu gào “nóng quá, nóng quá”. Sau khi sơ cứu cho Kim Phúc, Nick Út và lái xe của anh đã đưa Kim Phúc đến bệnh viện dã chiến ở Củ Chi.

Sau khi phim được tráng, anh quyết định chọn ra tám bức ảnh để gửi đi, trong đó có bức ảnh Kim Phúc. Kỹ thuật thời đó truyền ảnh qua vô tuyến còn rất chậm (14 phút/ảnh). Bảy bức ảnh được truyền đi trót lọt, nhưng bức ảnh Kim Phúc vấp phải sự phản đối. Số là hãng thông tấn AP (cũng như các cơ quan truyền thông khác và báo chí nói chung) có những quy tắc gọi là quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Lúc đầu biên tập viên ảnh của phân xã AP tại Sài Gòn không muốn gửi đi bức ảnh này vì nó vi phạm nguyên tắc của AP là cấm kỵ tuyệt đối ảnh khỏa thân, trong khi bức ảnh của Nick Út lồ lộ một bé gái không còn quá nhỏ hoàn toàn trần trụi, ảnh lại được chụp chính diện trong cự ly gần. Nhưng Nick Út và người phụ trách bộ phận ảnh của phân xã Sài Gòn là Horst Faas kiên quyết đòi truyền về trung tâm. Cuộc tranh luận đã lên đến “tầng lãnh đạo” của Tổng xã AP ở New York, cuối cùng nhờ sự thuyết phục của Faas, bức ảnh được phát đi khắp nơi trên thế giới.

Horst Faas là người Đức, sinh năm 1933 tại Berlin. Ông làm việc cho AP gần 50 năm liên tục, là phóng viên ảnh chiến tranh nổi tiếng, trước hết nhờ những bức ảnh về chiến tranh Việt Nam, nơi ông đã tác nghiệp từ năm 1962 đến 1974. Năm 1967 ông bị thương nặng trong một lần tác nghiệp. Ông không ngần ngại dấn thân vào những nơi chiến sự ác liệt thay vì nhận ghế của một biên tập viên an toàn cho tính mạng. Ông luôn trung thành với nguyên tắc và niềm tin của mình: “Chiến tranh là tàn bạo và nhiệm vụ của chúng ta là lột tả chiến tranh với tất cả những đau khổ do nó gây ra”. Ông đã hai lần được giải thưởng báo chí Pulitzer (năm 1965 cho phóng sự ảnh từ Việt Nam) và nhiều giải thưởng báo chí khác. Những năm đầu ở Việt Nam ông phân phát miễn phí ảnh cho người dân, ngay cả trước khi nó được các cơ quan truyền thông phát hành, ý thức rằng điều đó góp phần đáng kể vào việc phổ biến tin tức một cách trực tiếp và nhanh chóng nhất. Năm 2005 ông được mời sang Việt Nam tham dự cuộc họp mặt phóng viên nước ngoài tại Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam Việt Nam. Ông qua đời tháng 5.2012 ở tuổi 79.

Mười năm sau khi bức ảnh được công bố

Người bạn Đức thứ hai còn gắn bó và liên quan đến cuộc đời của Kim Phúc nhiều hơn, suốt từ 1972 cho đến tận ngày nay, đó là Perry Kretz. Kretz sinh năm 1933 tại Koln (Tây Đức), năm 1950 ông sang Mỹ học tập và sinh sống. Năm 1953 ông gia nhập quốc tịch Mỹ, nhưng sự nghiệp của ông vẫn gắn bó với nước Đức. Năm 1969 ông trở lại Đức làm phóng viên ảnh cho tạp chí Stern (Ngôi sao, một trong những tạp chí ảnh lớn nhất ở Đức), chủ yếu tác nghiệp ở nước ngoài. Kretz được đánh giá là một trong những phóng viên ảnh dày dạn nhất, trở nên nối tiếng với những phóng sự ảnh xuất sắc về chiến tranh Việt Nam, về Trung và Nam Mỹ... Ông đã giành được nhiều giải thưởng báo chí quốc tế, trong đó có hai lần đoạt giải thưởng World Press Photo Award và đã có nhiều cuộc triển lãm ảnh.

Hai ngày sau khi Kim Phúc được đưa đến bệnh viện ở Củ Chi để cấp cứu, phóng viên Christopher Wain trở lại đây và nhận thấy Kim Phúc đã được cứu sống. Ông đề nghị chuyển cô bé về bệnh viện Barsky-Spital ở Sài Gòn (do người Mỹ điều hành) vì đây là bệnh viện duy nhất có các trang thiết bị y tế phù hợp để cứu chữa cho Kim Phúc. Cô bé đã nằm điều trị tại đây 14 tháng và phải trải qua 17 cuộc phẫu thuật đau đớn.

Trong những năm 1970 Perry Kretz cũng được tạp chí Stern cử sang Sài Gòn làm phóng viên thường trú. Thời gian Kim Phúc nằm điều trị tại bệnh viện ở Sài Gòn, ông đã nhiều lần đến thăm, đem thuốc men và quà cáp cho cô bé. Ông nhớ rõ trong một lần vào thăm Kim Phúc, khoảng một năm sau khi điều trị, ông được chứng kiến “nụ cười đầu tiên” trên gương mặt của cô bé mà ông không bao giờ quên được.

Sau khi Kim Phúc ra viện, Kretz cũng thường đến thăm Kim Phúc tại gia đình ở Trảng Bàng nên biết khá rõ hoàn cảnh gia đình, ba má và anh chị em cô. Đó chính là những thông tin rất quan trọng mà sau này ông cung cấp cho đại sứ quán ta tại Bonn để chuyển về trong nước nhằm tìm ra tung tích của Kim Phúc. Mười năm sau Kretz đã thành công trong việc đưa Kim Phúc sang Đức chạy chữa. Từ đó giữa Kim Phúc và Kretz đã hình thành mối quan hệ thân tình như cha con. Cô luôn gọi ông là “Papa Perry” (Ba Perry) và ông cũng luôn quan tâm đến cô suốt từ 1972, khi cô còn nằm viện, đến ngày nay.

Tìm ra Kim Phúc và Kretz đi làm phóng sự

Đầu năm 1982 tôi nhận được một cuộc gọi của Perry Kretz từ tòa soạn của tạp chí Stern tại Hamburg xin gặp đại sứ quán ta tại Bonn để trình bày ý tưởng làm một phóng sự về “Das Napalm - Madchen” (Em bé Napalm) sau mười năm bức ảnh được công bố. Đại sứ Nguyễn Tuấn Liêu và tôi với tư cách là tùy viên báo chí ngày 19.2.1982 đã tiếp phóng viên Kretz. Chúng tôi đề nghị ông cung cấp thông tin chi tiết về Kim Phúc và gia đình, quê quán cô. Có thể thấy trước việc tìm ra tung tích Kim Phúc có phần nào như mò kim đáy biển. Ngày 20.4.1982, tuy thời gian thăm Đức rất ngắn nhưng bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch vẫn trả lời phỏng vấn Kretz và khích lệ nên làm phóng sự ngay trong năm 1982 đúng dịp kỷ niệm mười năm công bố bức ảnh lịch sử.

Sau đó Kretz đã cung cấp cho tôi nhiều thông tin khá chi tiết về ngày giờ, địa điểm xảy ra vụ máy bay Mỹ ném bom Napalm; về tên bệnh viện và thời gian Kim Phúc nằm điều trị tại Sài Gòn, số lần cô phải phẫu thuật...; về quê quán, vị trí ngôi nhà của gia đình cô (nằm ngay tại đầu thị trấn Trảng Bàng, sát quốc lộ, phía trước có một cây bàng to...); về nghề nghiệp của ba má cô (có quán bán bún trước cửa nhà); về gia cảnh (một gia đình nghèo, đông con)... Đại sứ quán đã gửi các thông tin này về các đơn vị hữu quan thuộc Bộ Ngoại giao như Vụ Báo chí, Trung tâm Dịch vụ báo chí nước ngoài, Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Tây Ninh... Sau này tôi được biết các cơ quan hữu quan trong nước đã rất cố gắng và mất nhiều thời gian và công sức mới tìm được gia đình Kim Phúc. Tuy vậy cũng phải mấy tháng sau đại sứ quán mới nhận được kết quả tìm kiếm và đã thông tin ngay cho Perry Kretz. Lập tức Kretz lên đường sang Việt Nam để làm phóng sự về Kim Phúc. Sau khi Kretz về nước, tạp chí Stern đã đăng một phóng sự nhiều kỳ rất cảm động về Kim Phúc. Phóng sự của Kretz đã gây tiếng vang và xúc gây động trong công chúng.

Đưa Kim Phúc sang Đức chữa bệnh

Phóng sự của Kretz cũng đồng thời làm thức tỉnh lòng nhân ái, sự đồng cảm và sẻ chia của công chúng Đức đối với những đau thương, mất mát của nhân dân Việt Nam và của Kim Phúc. Nhiều người dân Đức đã lên tiếng đề nghị tạo điều kiện cho Kim Phúc sang Đức chữa các vết bỏng. Tạp chí Stern đã mở một tài khoản đặc biệt để quyên góp tiền cho Kim Phúc sang Đức chữa bệnh.

Khoảng cuối năm 1982, Kim Phúc được đưa sang Đức điều trị tại bệnh viện Unfallklinik ở Ludwigshafen (Tây Đức), một bệnh viện hiện đại vào bậc nhất trong lĩnh vực điều trị các thương tích do bỏng và do tai nạn gây ra, kết hợp với phẫu thuật thẩm mỹ và phục hồi chức năng. Giáo sư Rudolf Zellner, một trong những chuyên gia hàng đầu của Đức trong lĩnh vực này, đã trực tiếp mổ và điều trị cho Kim Phúc. Tại đây cô được mổ lại để loại bỏ các vết sẹo cũ luôn gây cản trở và đau đớn khi đi lại. Trong điều kiện chiến tranh và với trình độ và phương tiện y khoa của năm 1972, những vết sẹo cũ của Kim Phúc mới chỉ như những mảnh da vá víu, chằng chịt, dúm dó, tuy cứu được tính mạng nhưng không giải quyết được hết các di chứng, nhất là khi thời tiết thay đổi các mảng da vá víu bị co lại làm cho cô rất đau đớn và thường xuyên bị đau đầu. Về phương diện thẩm mỹ các vết sẹo đó cũng còn xấu... Giáo sư Zellner và tập thể nhân viên y tế tại bệnh viện đã chữa chạy cho cô một cách cơ bản, để trở lại cuộc sống tương đối bình thường...

Truyền thông Đức với Kim Phúc

Năm 1991 đài truyền hình ZDF (kênh truyền hình quốc gia lớn thứ hai ở Đức) đã có một chương trình đặc biệt với tên gọi Historische Bilder chiếu lại “Những bức ảnh lịch sử” (nếu tôi không nhầm thì chỉ có tất cả mười bức ảnh được chọn, trong đó có bức ảnh về Kim Phúc). Mỗi buổi chiếu nói về một bức ảnh được truyền hình trực tiếp với sự hiện diện của một nhân vật điển hình trong ảnh hoặc tác giả, nhân chứng của bức ảnh... Kim Phúc được mời sang Đức tham gia buổi phát sóng bức ảnh về cô. Rất tình cờ đúng dịp đó tôi có chuyến công tác đến Bonn và đã gặp Kim Phúc tại Đại sứ quán ta ngày 8.8.1991. Đây là lần đầu tiên tôi gặp trực tiếp Kim Phúc mặc dù gần mười năm trước đã gián tiếp tham gia vào việc tìm Kim Phúc và đưa cô sang Đức chữa bệnh.

Sau đó Kim Phúc còn nhiều lần đến Đức, cả với lý do công việc lẫn cá nhân: như tháng 12.2005 Kim Phúc lại được mời sang Đức để cùng với Pery Kretz (Stern) tham gia chương trình truyền hình trực tiếp Trò chuyện với Johannes B. Kerner (MC) trên kênh ZDF...

Đặc biệt tháng 6.2011 kênh truyền hình thông tấn WD - World của Đức (kênh đối ngoại phát đi khắp thế giới bằng nhiều ngôn ngữ) đã chiếu một bộ phim tài liệu về Kim Phúc với nhan đề Das Madchen und das Photo (Cô gái và bức ảnh) gồm hai phần (mỗi phần khoảng 45 phút) kể lại câu chuyện về “bức ảnh gây xúc động toàn thế giới, là biểu trưng cho tính chất vô nhân đạo của chiến tranh”. Bộ phim được quay ở chính tại các địa điểm đã diễn ra sự kiện và đi sâu phân tích các bối cảnh cho đến nay chưa từng được biết đến. Bộ phim đã được phát trên cả bốn khu vực châu Âu, châu Á, châu Phi, Bắc Mỹ và Mỹ Latin trong nhiều ngày và vào nhiều giờ khác nhau.

Tất nhiên trong những ngày này, khi bức ảnh Napalm Girl tròn 40 tuổi, truyền thông thế giới và ở Đức lại có nhiều bài, phim ảnh nhắc nhớ. Ngày nay với phương tiện tìm kiếm rất tiện ích, ai quan tâm đều có thể vào mạng đọc trực tiếp các bài hoặc xem các video clip về Kim Phúc.

Giúp trẻ em những vùng chiến sự

Bốn mươi năm trước toàn thế giới biết đến Kim Phúc với bức ảnh Em bé Napalm gây xúc động mạnh, lúc đó em mới chín tuổi. Bốn mươi năm sau, cuộc đời Kim Phúc đã có nhiều thay đổi: cô đã được chạy chữa các vết bỏng và di chứng của nó một cách cơ bản, có một gia đình hạnh phúc với hai con trai. Hiện tại cô và gia đình đang sinh sống tại Canada và tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện. Lúc đầu bức ảnh còn là một nỗi ám ảnh đối với Kim Phúc, nhưng một ngày kia, như cô nói, “tôi nhận ra rằng bức ảnh này chính là cuộc đời của tôi. Và tôi không thể thoát khỏi nó”. Kim Phúc đã lập ra KIM Foundation (Quỹ KIM) mang tên cô để giúp đỡ trẻ em tại các khu vực chiến tranh. Cô trở thành một phụ nữ có tiếng tăm với tư cách là Đại sứ thiện chí của UNESCO (2006) về các nạn nhân chiến tranh và ngày 23.9.2006 Kim Phúc được tổ chức YWCA (Mỹ) vinh danh là một trong sáu phụ nữ có những đóng góp tích cực và thiết thực nổi bật trong cộng đồng và trao tặng giải thưởng Thành tựu nổi bật hàng năm.

Theo Trần Ngọc Quyên - ĐBND





 

Các bài mới
Các bài đã đăng