Tạp chí Sông Hương -
Tiên sa, nào quản ba đào...(Phần cuối)
07:51 | 26/06/2012

Nghệ sĩ Nhân dân Liên bang Nga Alla Larionova (1931-2000) xuất hiện từ phim cổ tích Sadko đi tìm hạnh phúc, “nữ hoàng trong tim” của nhiều bậc nam nhi, là Diva trong thuở bình minh của điện ảnh Xô Viết. Lướt qua những đợt sóng vùi dập của cuộc sống thường nhật, nữ nghệ sĩ sống và làm việc cho đến hết thế kỷ XX.

Tiên sa, nào quản ba đào...(Phần cuối)
Alla Larionova bên chồng – Nikolai Rybnikov

Giáng trần

Phàm đời, sự tung hô hay kéo theo lòng ghen tỵ, mấy ai đã tránh được đâu… Alla Larionova cũng không tài nào trở thành ngoại lệ. Bộ trưởng Văn hóa hồi đó – G. Alexandrov – không thể không để ý đến cô nghệ sĩ tiên sa. Có lần đến thăm xưởng Lenfilm, thấy cô đang tập dượt vai Olivia cho Đêm thứ mười hai, bộ trưởng đã đứng ngẩn. Những kẻ hay ghen ghét còn tung tin “bộ trưởng đã tắm cho Alla trong một bồn tắm đầy rượu champagne”. Mọi dị nghị đều chẳng có ai xác minh, chỉ biết, tất cả các xưởng phim trong nước đều nhận được một thông báo mật: cấm mời Alla Larionova vào những bộ phim mới, không hề có giải thích kèm theo. Đạo diễn A. Ptushko mời A. Larionova vào vai Vasilisa cho bộ phim cổ tích Ilia Muromets, ngày nào cũng gọi điện cho cô, vậy mà không hiểu nổi vì sao cô không đến Yalta để quay ngoại cảnh. Thì ra Larionova thuộc biên chế Nhà hát Điện ảnh, và không xin được phép của cơ quan chủ quản, thế thì đi xa đóng phim làm sao! Thậm chí điện thoại của nữ nghệ sĩ trong khu nhà tập thể cũng bị cắt nốt…

Đến khi được phổ biến lại chuyện “tắm bằng rượu champagne”, Larionova giận đến mức tóc tai dựng đứng. Biết mình rơi vào sổ đen, nữ nghệ sĩ viết đơn rồi gọi điện vài lần xin gặp tân bộ trưởng Văn hóa để trình bày trực tiếp, mong làm sáng tỏ sự thật, nhưng rồi lên bộ chỉ được gặp mấy chuyên viên trẻ. Cô đã kêu oan trong nước mắt… Nào ngờ, vài ngày sau, thấy báo đưa tin về đoàn nghệ sĩ sắp sang thăm và làm việc tại Pháp, trong danh sách có tên mình. Thì ra tân bộ trưởng N. Mikhailov có nghe báo cáo lại và hiểu thấu sự tình nên đã gửi thư an ủi A. Larionova rồi ra tay giải quyết.

Bao nhiêu tin đồn thất thiệt chỉ được hóa giải sau cả một đời làm người vợ chính chuyên.

Diễm tình, một thiên

Không cần đến thợ trang điểm hay thợ làm tóc, Alla Larionova là người có tác phong sống thật tự nhiên mà vẫn đẹp mê hồn, cho đến “thời Brezhnev” vẫn được đám nhà báo trẻ ca tụng. Chân dung Larionova là loại bưu ảnh thời thượng, ấn hành nhiều triệu bản vẫn không đủ bán. Bản thân nữ nghệ sĩ có đến xem kịch hoặc xem xiếc ở rạp nào thì lại hút hết khán giả về mình, khiến họ bỏ quên cả sân khấu… Thư từ thì vô vàn, đến từ khắp miền, có thư chỉ đề “Larionova ở Moskva” cũng vẫn cứ đến, lại có cả thư hứa hôn của một chàng trai sắp… hết hạn tù. Nhưng đường nhân duyên của nàng có thể là thiên diễm tình hạng nhất trong điện ảnh Xô viết…

Quen nhau từ hồi sinh viên, chàng năng đến chơi nhà nàng nhưng lại làm ra rằng mình chỉ quan tâm đến bố mẹ, khiến nàng tưởng mình không được để ý, chẳng qua chỉ là bạn học cùng trường. Hóa ra chàng đã thầm yêu trộm nhớ mình sáu năm ròng, yêu tuyệt vọng đến mức đã chui vào tròng tự vẫn... Có anh bạn cùng khóa chỉ nói đùa là “vẫn hay gặp Alla, nếu muốn thì sẽ nhường”, mà chàng cũng đả cho tới số, đến mức một ngón tay chàng bị gãy đến già vẫn còn queo. Sự cố này khiến thầy Sergei Gerasimov phải lớn tiếng mắng mỏ trước toàn trường: “Định treo cổ vì một con đàn bà à, sao nghĩ cạn thế hả”. Chàng dám cự lại: “Cô ấy không phải con đàn bà, mà là mỹ nhân, cô ấy đâu có lỗi khi yêu người khác”. Thầy nghiêm mặt: “Nếu là mỹ nhân sao không chiếm lấy”. Và chàng chinh phục thật.

Chàng là Nikolai Rybnikov – diễn viên có biệt tài giả giọng của nhiều nhân vật danh tiếng. Ngày 30.12.1956, tại Minsk, nơi nàng đang đóng phim, thì chàng xong công việc ở đoàn làm phim Trên cao tìm đến, và đòi cưới luôn, bất chấp nàng đang mang thai với I. Pereverzev. Nhưng đấy là dịp nghỉ tết, phải đợi đến ngày 2.1.1957, các phòng đăng ký kết hôn sở tại mới mở cửa, mà lại phải chọn đúng chỗ đối diện rạp chiếu bóng, để họ biết mặt biết tên và chấp nhận hoàn tất thủ tục ngay… Cứ theo thông lệ, đăng ký xong, nhà chức trách ghi vào hộ chiếu “sau khi lấy chồng, đổi họ - Larionova thành Rybnikova”. Lại phải giải thích “tôi rất tôn trọng họ nhà chồng, nhưng vì là diễn viên đã quen thuộc, phải giữ lại nguyên Alla Larionova”, nhà chức trách ở Minsk đành phải gạch dòng chữ vừa phê chưa ráo mực…

Sau khi đã nên chồng nên vợ, hai người đến dự lễ ra mắt phim Trên cao (1957, A. Xakhri), lúc nhân vật trong phim có lời thoại “Thế nào, Nikolai, cậu chấm dứt đời lính phòng không được chưa?”, cả rạp vỗ tay rào rào. Họ đã đóng chung tám bộ phim và sống chung với nhau 33 năm, êm thuận, đi xa đóng phim mà ngày nào cũng gửi về nhà một điện tín với nội dung “Anh yêu em. Hôn em. Nikolai”. Hai cô con gái Alyona và Alina sau này chẳng cô nào chịu theo nghề của bố mẹ: lúc chúng còn nhỏ, bố mẹ đi xa đóng phim, đã có bà ngoại chăm nom, khi trưởng thành, chúng vẫn quan tâm săn sóc cho đến khi bố mẹ xuôi tay nhắm mắt…

Đó là do số phận – dẫu người đẹp trong đời gặp nhiều cơ hội, được nhiều người theo đuổi, nhưng tiếc nuối mà làm chi: Nikolai vô cùng yêu vợ, là con người có nhân cách, sống theo phương châm đơn giản, chỉ cần có “người đàn bà ưa thích, ngôi nhà ưa thích, công việc ưa thích”… Nikolai Rybnikov (1930–1990) đã ra đi trước vợ mười năm, sau một thời gian dài không có vai phù hợp để diễn và không kịp thực hiện suất diễn do một đạo diễn điện ảnh nước ngoài thỉnh mời.

Một thời để nhớ

Đời điện ảnh của Alla Larionova khá khiêm tốn - gồm ba chục vai diễn – nhưng được xuất hiện và nổi lên trong cái thời sơ khai, số phim cả nước sản xuất mỗi năm không đáng là bao. Sang thập niên 1960, bà hầu như vắng bóng, thỉnh thoảng mới thấp thoáng trên màn ảnh: đó là Nina trong Hai cuộc đời (1961), Liubov trong Tuổi trẻ thứ ba (1965), Elena trong Nhà ảo thuật (1967), nữ hoàng Ekaterina Đệ Nhị trong Có một ý tưởng (1977)… và cuối cùng là Mercader - em gái của người hạ sát Lev Trotsky trong bộ phim lịch sử Trotsky (1993, Leonid Mariagin). Trong Mật ong rừng (1966, Vladimir Chebotaryov chuyển thể tiểu thuyết của nhà văn Leonid Pervomaisky), bà sắm vai phóng viên mặt trận nên phải hóa trang kỹ lưỡng, đến nỗi chồng không nhận ra, cả khi cùng vào một thang máy, cả khi vợ giả giọng người khác bảo “chị ấy nhắn là đồ ăn trưa đã sẵn trong tủ lạnh” chồng cũng… rối rít cảm ơn. Đến thập niên 1970 thì, trên thực tế, Alla Larionova đã giã từ màn ảnh. Về già, được hỏi về vai diễn hụt đáng tiếc nhất trong đời, nữ nghệ sĩ thành thật: “Trong phim của Vua hài Charlie Chaplin, được mời, nhưng không được phép tham gia”.

Trong đời, Larionova đã hơn chục lần được vượt đại dương, và liên hoan phim nào cũng vui như tết, nhưng Larionova cũng đã từng nếm mùi cái chết. Một lần, trên máy bay trở về sau chuyến lưu diễn, bà thấy khó thở rồi ngất xỉu, các tiếp viên phải đặt bà nằm giữa hai hàng ghế trong khoang, nới cổ áo, làm hô hấp nhân tạo và cho uống thuốc giãn mạch, hạ áp - thứ thường có sẵn trong túi tư trang của nữ nghệ sĩ cùng đi Nonna Mordiukova - bà mới mở mắt. Một nữ nghệ sĩ vội nhắc nhở: “Chị gỡ mái tóc giả ra cho dễ chịu”, bà thì thào “có chết cũng vẫn phải để mình mang tóc giả”… Máy bay hạ cánh, xe cấp cứu đã sẵn chờ, cứ tưởng ngôi sao điện ảnh đã chết. Khi ấy, mọi người đều bảo đó là điềm lành và bà sẽ còn sống rất lâu...

Nhưng rồi ngày tận cũng đến khi bà sắp đầy 70 tuổi. 11 giờ rưỡi đêm 25.4.2000, hàng xóm còn thấy bà ra ban công hút thuốc, rồi bà đi vào một giấc mơ nào đó và vĩnh viễn không tỉnh dậy nữa – một kết cục do tạo hóa bày sẵn và chỉ dành riêng cho những bậc tu hành…

theo Đăng Bẩy - NDBND

Các bài mới
Các bài đã đăng