Tạp chí Sông Hương -
Phim tài liệu thiếu... sự thật
09:18 | 29/06/2012

Lạc hậu, dàn dựng, can thiệp vào hiện thực quá lộ liễu, phim tài liệu nhưng lại thiếu sự thật… Đây là nhận xét chung của nhiều người làm nghề cả trong và ngoài nước về phim tài liệu Việt Nam hiện nay.

Phim tài liệu thiếu... sự thật

Phim tài liệu là thể loại phim kén khán giả nhưng rất hấp dẫn, bởi qua những bộ phim đó, chúng ta có thể nhìn thấy cuộc sống ở các vùng miền khắp nơi trên thế giới, những thân phận con người và tất cả vấn đề mà toàn xã hội quan tâm một cách chân thực và sinh động. Sức hút của phim tài liệu có thể thấy qua các tuần lễ phim tài liệu quốc tế hoặc những ngày phim tài liệu tổ chức tại Hãng phim tài liệu và khoa học T.Ư gần đây, lượng khán giả rất đông. Tại Liên hoan Phim tài liệu châu Âu - Việt Nam, ban tổ chức thậm chí phải tổ chức chiếu ở hai phòng chiếu để đáp ứng cho khoảng 400 - 500 người xem trong mỗi suất chiếu. Những bộ phim tài liệu chất lượng trên truyền hình gần đây như Huyền thoại về tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn hay Me Kong ký sự... cũng thu hút lượng lớn khán giả. Trước đó, những bộ phim tài liệu gai góc của đạo diễn Trần Văn Thủy như: Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế, Tiếng vỹ cầm ở Mỹ Lai... từng được khán giả xếp hàng đi xem. Chuyện tử tế sau khi giành giải Bồ câu Bạc tại LHP Leipzig, hơn 10 đài truyền hình lớn trên thế giới đã mua bản quyền chiếu rộng rãi ở châu Âu, Nhật Bản, Australia và Mỹ.

Giám đốc Hãng phim tài liệu và khoa học T.Ư Phạm Thị Tuyết khẳng định, để kéo khán giả đến gần với phim tài liệu thì điều quan trọng là phải tạo ra được những bộ phim chất lượng, mang hơi thở của cuộc sống. “Nếu phim hay, lôi cuốn, chắc chắn khán giả sẽ tự nguyện xem”. Tuy nhiên, đứng ở góc độ người làm nghề, NSND Lương Đức cho rằng, nhìn chung gần đây phim tài liệu Việt Nam đa phần lạc hậu, cách làm như những năm 1960, 1970. “Bố trí dàn dựng, can thiệp vào thực tế quá lộ liễu. Phim nặng về tuyên truyền, cổ động, nội dung thì ôm đồm, áp đặt, sơ lược minh họa, thiếu tính triết lý, thiếu tầm tư tưởng, lời nói át hình ảnh, nói triền miên, nhiều khi nhắm mắt vẫn hiểu phim”. Ông cũng nhận xét, hạn chế phổ biến là phim không có kịch tính, không có xung đột, chỉ liệt kê sự việc nên hầu hết phim thiếu cấu trúc. Tư liệu phim sử dụng tùy tiện...

Đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy cũng đánh giá, từ lâu phim tài liệu Việt Nam đã quá trì trệ, từ đơn đặt hàng ý tưởng đến cách thức triển khai và nhược điểm lớn nhất là khiến cuộc đời thực trở nên giả tạo trong phim. Những tác phẩm của ông và đồng nghiệp đã quá cũ, nhưng hiện nay người ta vẫn tiếp tục duy trì lối làm phim cổ đó, thậm chí, nhiều người còn tạo ra những thước phim làm giả sự thật. “Từ xưa đến nay, phim tài liệu Việt Nam thiếu nhất một thứ, đó là sự thật, bởi vẫn làm phim theo lối dàn dựng, dẫn dắt, áp đặt ý kiến chủ quan của người làm phim lên hiện thực bằng lời bình...”. Là tác giả của những bộ phim tài liệu gai góc, chạm tới hiện thực nhức nhối nhất của đời sống, được công chúng đón nhận nồng nhiệt, đạo diễn Trần Văn Thủy khẳng định, kinh phí, phương tiện và kể cả sự kiểm duyệt không phải là lý do cản trở một bộ phim hay ra đời mà tất cả nằm ở cách làm, tài năng và trí tuệ của đạo diễn.

Tham gia giảng dạy về phim tài liệu cho học viên Việt Nam suốt 4 năm nay, đạo diễn phim tài liệu tài danh người Bỉ Thierry Michel thẳng thắn nhận xét, ngoài tác phẩm của một số nhà làm phim trẻ bắt đầu có cách tiếp cận hiện thực mới, cách kể chuyện mới, thì các phim tài liệu Việt Nam chiếu tại Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam 2012 vẫn mang nặng tính tuyên truyền. Một nguyên tắc khi làm phim tài liệu là ghi lại hiện thực qua hành động chứ không phải qua kịch bản viết sẵn và nội dung thuyết minh sau đó. “Chỉ có lời kể tự nhiên của nhân vật khi họ thật sự tin tưởng và gần gũi để chia sẻ với nhà làm phim, cùng những bối cảnh thật, mới vẽ lên hiện thực một cách tốt nhất, gây xúc động nhất. Nhưng quá nhiều bộ phim Việt Nam bị lời bình áp đặt, dẫn dắt cả phim, không xây dựng được kịch tính...”.

Tuy nhiên, bên cạnh dòng phim tài liệu vẫn đi theo lối truyền thống đã quá cũ thì ở Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện những cách tiếp cận hiện thực mới, cách kể chuyện mới của các nhà làm phim trẻ. Những bộ phim trình chiếu trong Đêm của các nhà làm phim trẻ tại Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam 2012 được đánh giá là những thước phim đầy ắp sự thật. Dù khuôn hình có thể chưa đẹp, cách dựng phim đôi lúc khá ngây ngô hay mới chỉ mon men những vấn đề gai góc của cuộc sống, nhưng các nhà làm phim trẻ đã mạnh dạn lựa chọn đề tài, dám thể hiện cá tính và bứt ra khỏi lối làm phim truyền thống, không làm những thước phim giả sự thật. Điều thú vị là họ không áp đặt mà để nhân vật tự kể chuyện, cũng tức là mở rộng cơ hội tự khám phá và tự đánh giá bộ phim cho khán giả. Theo đạo diễn Thierry Michel, điều này cho thấy các đạo diễn đã chịu khó khảo sát, tìm ra được những nhân vật có bối cảnh lịch sử, ghi lại chân thực hình ảnh xảy ra... Nếu tiếp tục phát triển theo hướng này, điện ảnh tài liệu Việt Nam hoàn toàn có tương lai.

Theo Hoàng Hương - ĐBND






 

Các bài mới
Các bài đã đăng