Tạp chí Sông Hương -
Người sinh ra cho những cuộc tranh cãi
15:24 | 04/07/2012

Cuộc tọa đàm khoa học Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều tại Viện Văn học đã khép lại từ hôm 28/6, thế nhưng dư âm của nó vẫn bùng nổ trên báo chí, trên các trang mạng. Điều đó một lần nữa cho thấy nhà thơ làng Chùa này ngay từ khi xuất hiện đến khi trở thành "người khổng lồ" trên thi đàn vẫn gây ra những cuộc tranh cãi. 

Người sinh ra cho những cuộc tranh cãi
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp – Viện trưởng Viện Văn học cho rằng, không phải đến Nguyễn Quang Thiều thơ Việt Nam mới bắt đầu đổi mới. Vì đổi mới, sáng tạo là bản chất và lẽ sống của nghệ thuật. Để định vị những cách tân nghệ thuật của Nguyễn Quang Thiều, nhất thiết phải đặt thơ Thiều trong dòng chảy thơ Việt hiện đại. 
* Làng Chùa và thi giới Nguyễn Quang Thiều

Nhà thơ Trần Quang Quý cho rằng thơ Nguyễn Quang Thiều không khó hiểu, nó vẫn là hơi thở Việt thấm đẫm trong hồn sông Đáy. Có chăng nó được trình diễn dưới một hình thức mới mẻ, khác lạ so với cách nói thông thường, quen thuộc của số đông. Bằng thi pháp và nội cảm riêng, Nguyễn Quang Thiều đã tạo dựng được một vùng văn hóa sông Đáy, tạo dựng nên không gian thơ mình trong sự chuyển động và hội nhập của không gian thơ Việt.

Nhà thơ Lương Tử Đức khẳng định Nguyễn Quang Thiều đi ra ngoài khung thẩm mỹ của thơ ca nhân loại. Không ứng xử, ca ngợi, tôn thờ, phân tích, xu phụ, lợi dụng vẻ đẹp của cuộc sống. Vẻ đẹp cuộc sống với ông luôn mong manh trước nguy cơ hủy diệt. Bởi vậy, nó hiện ra trong thơ ông đẹp lộng lẫy, kinh hoàng trước sự hoảng sợ lo âu, tạo ra một giọng thơ hối thúc loài người có trách nhiệm với cuộc sống. Và ông cho rằng đừng làm phức tạp hóa thơ Nguyễn Quang Thiều bằng cách lấy chìa nọ mở khóa kia mà hãy cảm Thiều, hãy đến “tán tỉnh” làng Chùa, với đời sống hồn nhiên của làng quê để thấy rằng thơ Thiều dễ hiểu lắm, thân thuộc lắm. Nhà thơ Lương Tử Đức cho biết thêm một chi tiết Bài hát về cố hương với những câu như là một bản tuyên ngôn về làng Chùa: Tôi hát bài hát về cố hương tôi/ Trong những chiếc tiểu sành đang xếp bên lò gốm/… Tôi xin ở kiếp sau làm một con chó nhỏ/ Để canh giữ nỗi buồn - báu vật cố hương tôi, bài thơ này của Nguyễn Quang Thiều được chuyển ngữ sang tiếng Nga và được bạn đọc yêu thơ tại Nga bình chọn là bản dịch hay nhất trong năm 2011.

Trong tham luận Thơ Nguyễn Quang Thiều: Những phép lạ học từ Quán Thế Âm Bồ Tát, nhà phê bình văn học Đỗ Minh Tuấn đã khẳng định đọc tập thơ Châu thổ thấy rõ hành trình thi ca của Nguyễn Quang Thiều với nỗ lực kết nối và hòa giải được thiên chức của nhà thơ – kẻ canh giữ những ngôi đền, những báu vật quê hương – với trí tưởng tượng lang thang, phóng đãng của kẻ quên nhà, trẻ dại, kẻ du ca. Chính điều đó đã làm nên một trong những đỉnh cao của thơ Việt đương đại, khiến thơ Thiều trở nên một bảo tàng lộng lẫy chứa đựng một hồn vía xa cũ của ông cha trong một ngôn ngữ thơ cách tân mới mẻ. Nó giống như nhạc rock bảo tồn hồn vía của người Phi, kịch B.Brecht bảo tồn hồn vía kịch phương Đông và những vũ điệu của E.Sola bảo tồn hình ảnh những con người nhà quê khổ đau, lam lũ và cao cả.

Nhà văn Nguyễn Hoàng Đức nhận định, với Nguyễn Quang Thiều, thế giới sẽ chết lặng và vô nghĩa khi không thể chuyển dịch vào thơ. Một con ốc sên bò qua bờ tường cũng miết một đường sáng như dải ngân hà trên bầu trời thơ, một khúc xoan cho vào lửa còn kịp hát một bài ca bi tráng: Dưới những nhát búa cùn/ Từng khúc xoan tươi toác ra tiếng cười của lửa.

* … và những cuộc tranh cãi

Nhà thơ Hữu Thỉnh rất hào hứng khi cho biết cuộc tọa đàm đã thành công, rất nhiều ý kiến, những tiếng nói đã không còn dựa vào tham luận mà hoàn toàn “nói vo”, tạo nên sự quyến rũ của đối thoại, điều đó chỉ có thể xuất hiện khi có tranh luận khoa học. Ông kể khá nhiều về những kỷ niệm với Nguyễn Quang Thiều – con người sinh ra cho những cuộc tranh cãi. Từ năm 1983, khi tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức cuộc thi thơ, Ban chung khảo vào phút cuối "bắt" được bài thơ của Nguyễn Quang Thiều có hai câu thơ đầy sự khái quát, ám gợi lịch sử vô cùng: Biên giới giờ này đạn giặc xé rừng đêm/ Nàng Tô Thị bồng con đi lối tắt (Đêm trên sân ga).

Cuộc tranh cãi thứ hai vào năm 1993 khi Hội Nhà văn Việt Nam trao giải cho tập thơ Sự mất ngủ của lửa. Ban Chấp hành khi đó đã tranh luận quyết liệt cả buổi sáng cũng chưa thống nhất được. Nhà thơ Hữu Thỉnh đã đề nghị hoãn, Ban Chấp hành không thể có “chiếu trên, chiếu dưới” và buổi trưa cho họp chi bộ cơ quan, buổi chiều bỏ phiếu được 5/9 với thắng lợi sát nút dành cho Nguyễn Quang Thiều.

Năm 1995, cuộc thi thơ về “Người phụ nữ với tình yêu, hạnh phúc gia đình” của báo Phụ nữ Việt Nam, có một bài được đưa lên từ giải Ba, giải Nhì, rồi ban chung khảo đã quyết định đưa lên giải Nhất, một cuộc đảo mẫu số thành tử số rất thú vị. Người đoạt giải nhất đó là Nguyễn Thị Hoàng Lê. Nhiều năm sau này, mới biết được đó là một bút danh của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Và đến nay, giải Nhất vẫn chưa có người nhận và tiền giải thưởng lúc đó so với bây giờ thì chỉ đủ để ăn phở. Nguyễn Quang Thiều đã khiêu khích sự thẩm định của chúng ta và chúng ta vẫn nhận ra giá trị đó: Chị tái giá sau 10 năm đóng cửa/ Trong cơn mơ tiếng trẻ gọi vang nhà/ Chị tái giá sau 10 năm khóc vụng/ Một nửa giường tiếng mọt gọi u mê (Câu hỏi trước dòng sông).

Nguyễn Quang Thiều không sa vào bẫy chữ, mà dành công sức cho giọng điệu. Tạo ra từ trường, vòng xoáy ngôn ngữ, biết chẻ nhỏ mọi cảm xúc của mình. Một ông phù thủy về liên tưởng, đưa ta đến ga nào thì biết ga đó mà không dự báo được. Thơ Nguyễn Quang Thiều vô số những ngẫu nhiên, Thiều tung ra những trận pháo hoa về các hình tượng. Nguyễn Quang Thiều có xu hướng mỹ lệ hóa đời sống nhân dân, biết nuôi dưỡng sự thích thú của người đọc.

Bên cạnh đó, nhà thơ Hữu Thỉnh cũng cho rằng Nguyễn Quang Thiều còn lạm dụng sự kể lể trong thơ. Cần phải có sự tối thiểu để đạt đến cái tối năng, điều mà Nguyễn Quang Thiều phải làm trong hành trình thơ của mình. Phải chăng Nguyễn Quang Thiều đang đi thang máy, bấm nút hội nhập rất nhanh. Nhưng nếu đi cầu thang bộ thì lại có chiếu nghỉ, ở đó là những khoảng trống vô thanh và đạo quân tinh nhuệ nhất là tạo ra sự im lặng, chiếu nghỉ đó sẽ đưa lên đến một tầm cao mới.

Theo Đông Phương Hồng - TTVH







 

Các bài mới
Các bài đã đăng