Tạp chí Sông Hương -
K-Pop hay J-Pop?
14:43 | 10/07/2012

Bắt đầu từ đầu những năm 1990, nhiều nước châu Á thoải mái đón nhận làn sóng văn hóa Hàn Quốc (Hallyu), mở đầu bằng phim truyền hình, rồi đến thể loại âm nhạc giải trí thời thượng được gọi bằng cái tên K-Pop. Tham vọng tìm kiếm chỗ đứng của công nghiệp giải trí Hàn, cụ thể là lĩnh vực ca nhạc tại thị trường âm nhạc lớn thứ hai thế giới là Nhật Bản đã đi đến đâu?

K-Pop hay J-Pop?
Nhóm 2NE1, đại diện cho K-Pop

Không thể phủ nhận đã có một sự nhảy vọt đáng kể về mức độ phổ biến của thể loại nhạc pop Hàn Quốc (K-Pop), vốn trước đó cũng đã được chào đón không tồi tại xứ sở Phù Tang trong vòng mấy năm qua. Tại đây, người ta cho rằng K-Pop có cái gì đó hấp dẫn hơn, thời thượng hơn và đặc biệt là mức độ “tài năng” không thể phủ nhận của các nghệ sĩ Hàn (điều này chủ yếu do chế độ luyện tập hà khắc tại các công ty quản lý, song đây lại là chuyện khác). Chưa hết, nhiều nhóm nhạc nữ Hàn Quốc, do có cá tính hơn, đã lấn át cả những nhóm nhạc “đồng nghiệp” Nhật Bản.

Bài phỏng vấn với ông Robert Michael Poole, giám đốc điều hành hãng ghi âm Someting Drastic International Music Promotion, và là biên tập viên cho tạp chí văn hóa du lịch CNNGo sẽ giúp lý giải phần nào hiện tượng trên. Ông Poole đã theo dõi K-Pop trong một thời gian dài, cũng như đích thân phỏng vấn nhiều ngôi sao bậc nhất, như các nhóm 4Minute, 2NE1 và Brown Eyed Girls… Ngoài ra, ông cũng từng làm việc với nhóm nhạc nam Big Bang, vốn từng gây tiếng vang tại thị trường Nhật.

- Người Nhật mê K-Pop là những ai?

- Từng tham gia nhiều buổi hòa nhạc K-Pop tại Nhật, tôi nhận thấy số đông khán giả người Nhật có mặt lại là đám thiếu nữ chứ không phải nam giới. Điều này có thể được nhìn nhận như sự phản ánh văn hóa đại chúng của một trào lưu xã hội thật sự. Trong những năm qua, ở Nhật chứng kiến sự thu mình của nam giới, họ dành nhiều thời gian ở trong nhà, thụ động, thiếu quyết đoán cũng như giảm quan tâm đến tình dục. Ngược lại, phụ nữ Nhật đang ngày càng mạnh mẽ và tự chủ cuộc sống hơn so với trước đây.

- Và trào lưu này xảy ra đúng vào lúc có sự xuất hiện của các nhóm nhạc nữ Hàn, đóng vai trò hình mẫu để các phụ nữ Nhật - vốn ngày càng độc lập - nhìn vào?

- Đúng vậy. Thị trường nhạc Pop Nhật Bản có truyền thống sùng bái tính dễ thương, thể hiện hình ảnh nữ giới như những búp bê đáng yêu biết phục tùng, mà lại hoàn toàn thiếu sự gợi cảm giới tính. Thế là sự bùng nổ các nhóm nhạc nữ Hàn dường như đã trám vào vết khuyết đó. Các nữ ca sĩ K-Pop chính là liều thuốc bổ mà phái yếu tại Nhật đang rất cần - những hình mẫu phụ nữ cá tính, mạnh mẽ đồng thời lại rất gợi cảm.

Dĩ nhiên là tôi vẫn đang tỏ ra khá chủ quan, tuy nhiên hiện tại phụ nữ Nhật đang xem trào lưu K-Pop như tương lai, thay vì một J-Pop đã lỗi thời và già nua. Họ muốn được giống như hình ảnh của các cô gái K-Pop, cũng như khao khát có được sự tự tin trong đó.

- Liệu công nghiệp âm nhạc Nhật Bản sẽ làm theo hình mẫu K-Pop, và quan tâm hơn đến nhu cầu giải trí của đối tượng người nghe nữ giới?

- J-Pop đơn giản là không có khả năng tạo ra một nhóm nhạc theo phong cách K-Pop. Bởi vì cá tính mạnh mẽ như vậy được xem là không thuần Nhật. Nếu có một nhóm nhạc (nữ) J-Pop cố gắng làm theo điều này, họ tất sẽ bị đào thải.

Tôi nhận thấy các nhóm nhạc nữ J-Pop đang ngày càng tỏ ra đáng yêu hơn về mặt phong cách và hình ảnh, tuổi của họ cũng ngày một trẻ hóa và hầu hết đều thể hiện sắc thái bên ngoài giống các cô hầu, chẳng hạn nhóm AKB48 và các nhóm nhạc bắt chước khác. Vì đây là hình mẫu phụ nữ mơ ước đối với nam giới Nhật.

- Nhiều ý kiến cho rằng một lý do khác để K-Pop ngày càng phổ biến tại Nhật đơn giản bởi nghệ sĩ Hàn Quốc tài năng hơn. Có đúng vậy hay không?

- Về phương diện âm nhạc thì đúng là như vậy. Theo ý kiến cá nhân tôi, các nhóm nhạc Hàn đang ngày càng bỏ xa đồng nghiệp J-Pop của họ. Các nghệ sĩ Hàn được đào tạo bài bản hơn,  cả về khả năng vũ đạo lẫn thanh nhạc, họ cũng biết nắm bắt các trào lưu mới nhất thẳng từ thị trường âm nhạc Mỹ, trong khi J-Pop vẫn bị “mắc kẹt” trong thế giới âm nhạc xưa cũ của thập niên 1990, và quanh đi quẩn lại không có giai điệu mới.

Các nhóm nhạc nữ Hàn Quốc phải trải qua kỳ thi tuyển rất khó khăn. Tôi đã xem băng ghi hình quá trình xét tuyển thành viên của nhiều nhóm nhạc K-Pop lớn, và họ rõ ràng đều có tài năng. Còn J-Pop, hình ảnh và sự dễ thương trong tạo hình được xem trọng hơn tài năng rất nhiều. Dĩ nhiên vẫn có những ca sĩ sở hữu chất giọng tuyệt vời, chẳng hạn Alan, thế nhưng nhìn chung các nữ nghệ sĩ J-Pop đã bị đóng đinh một cách bất di bất dịch vào hình ảnh nhí nhảnh, đáng yêu.

Trong khi đó, nhiều nhóm nhạc nữ K-Pop còn tự mình thành lập, chẳng hạn như Brown Eyed Girls, rồi mới ký hợp đồng với các hãng giải trí. Tất nhiên, nói thế không phải để phân biệt tính mới mẻ trong âm nhạc của các nghệ sĩ K-Pop hay J-Pop, bởi dù sao đó cũng chỉ là âm nhạc thị trường.

- Vậy công nghiệp âm nhạc Nhật Bản có nên lo lắng không?

- Tôi nghĩ vậy. Nên xem K-Pop là hồi chuông cảnh tỉnh cho công nghiệp âm nhạc pop của Nhật. Năm 1999, J-Pop tỉnh dậy sau cơn hôn mê của thể loại nhạc vũ trường buồn tẻ, khi có sự xuất hiện của luồng sinh khí mới từ các nữ danh ca Ayumi Hamasaki, Utada Hikaru và Misia. Song 12 năm sau đó, vẫn chỉ có ngần ấy gương mặt thống trị J-Pop, và họ vẫn không ghi thêm được dấu ấn đáng kể nào vào thế giới nhạc pop quốc tế. Nhiều gương mặt khác vẫn chỉ là bản sao của ba đàn chị này. Rồi cả nhóm nhạc nam lừng danh EXILE cũng phải từ bỏ thể loại sở trường là R&B để thay bằng loại nhạc pop có giai điệu dễ nghe, dễ thuộc mà cũng chóng quên. Cơn sốt K-Pop trên toàn châu Á nói chung và tại Nhật nói riêng là lời cảnh báo rằng J-Pop đã lỗi thời.

- Ông đã tiếp xúc và phỏng vấn những nhóm nhạc pop lớn nhất của cả Nhật Bản lẫn Hàn Quốc. Họ có những điểm gì khác biệt?

- Có nhưng không đáng kể. Bộ mặt của các nhóm K-Pop luôn tỏ ra bộc trực, cá tính và mạnh mẽ, nhưng nhiều khi đây cũng chỉ là chiêu bài tiếp thị có chủ ý. Thể loại âm nhạc họ theo đuổi hấp dẫn hơn nhiều so với J-Pop. Có điều tất cả những nữ ca sĩ K-Pop tôi tiếp xúc đều hoặc luôn có nét lo âu, cẩn trọng quá mức do luôn bị nhà quản lý kiểm soát gắt gao, hoặc chỉ là những cô gái Hàn đơn thuần không thích nói nhiều ở nơi công cộng. Nên về mặt tính cách, các đại diện K-Pop lẫn J-Pop tỏ ra rất tương đồng.

Điểm khác biệt duy nhất là ở những mục tiêu của họ. Các cô gái K-Pop luôn miệng nói về tham vọng chinh phục thị trường châu Á, thậm chí Mỹ, nhưng các đồng nghiệp J-Pop không bao giờ phát ngôn những điều tương tự, và họ thường chỉ thích làm hài lòng khán giả nội địa. Nghệ sĩ J-Pop e ngại việc đương đầu rủi ro.

                                                                                       theo Vương Đỗ - NDBNN

Các bài mới
Các bài đã đăng