NSND Lê Hùng vẫn nguyên vẹn vóc dáng hình hài một “con sói già” dũng mãnh cao ngạo của sân khấu. Con sói đầu đàn chuyển giao quyền lực, thỏa nguyện, thanh thản nhếch mép nhìn lũ đàn em bước tiếp vào cuộc gấu ó kế sinh nhai mới.
Lê Hùng tóc râu rậm rạp, mắt sáng, miệng cười duyên ngồi trước micro chỉ đạo diễn xuất. Đang cung trầm dịu ngọt, đã nghe anh đột ngột quát lên, oang oang lệnh vỡ: “Em ra sân khấu là thấy kịch rồi, ngoài đời người ta đâu có thế”. Ngoài đời, Lê Hùng bảo, người ta hay mai mỉa: kịch thế, như hàm ý diễn thế, giả dối thế. Sân khấu lẽ ra phải thật, thật hơn cả những sự thật thiên biến vạn hóa của cuộc sống, mà đôi khi kẻ vô tâm lãng mạn nhất cũng khó lòng đoán định. NSND Lê Hùng lại những tháng ngày bận rộn, maraton với thời gian, (dẫu đã dằn lòng gạt bớt đi rất nhiều lời mời), dàn dựng tác phẩm cho các đơn vị nghệ thuật sửa soạn tham dự một kỳ hội diễn mới.
1. Lẫn giữa tập thể diễn viên đông đảo, Lê Hùng vẫn y nguyên vẻ oai vệ quyền uy của một tướng ông ngông nghênh, đầy sức mạnh. Bảo đứng là đứng, bảo ngồi là ngồi, ngôi sao đến đâu nổi danh cỡ nào, Lê Hùng đã chỉ tay cất tiếng, tất cả đều im re câm bặt. Đoàn Kịch nói Công an nhân dân dàn dựng kịch bản Tôi là người Việt Nam của nhà văn Nguyễn Đình Chính, kể chuyện một điệp báo viên an ninh chịu tiếng phản bội để nhập vai, hoàn thành chức phận tối quan trọng của mình với Tổ quốc. Lê Hùng như thường lệ, được mời đạo diễn.
Ở Đoàn Kịch nói Công an, nhiều người thường truyền tai nhau, anh Lê Hùng có công lắm, làm nhiều vở cho đoàn, từ tận những ngày trứng nước mới ra ràng. Lê Hùng hề hề cười, hồn nhiên khoe chiến tích: “Như Nguyễn Hải đây, anh biến một diễn viên chuyên đàng hoàng vai chính diện thành ra kẻ phản diện”. NSƯT Nguyễn Hải nheo nheo mắt nhìn, rưng rưng hào hứng: “Vì là phản diện nên anh mới nổi tiếng, kể từ Chuyện làng Nhô. Giờ anh đang bắt đền Lê Hùng, để được trở lại làm “người tử tế”. Vai diễn của NSƯT Nguyễn Hải trong Tôi là người Việt Nam, tiết mục dự kiến trình làng tại Hội diễn sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2012 tổ chức vào tháng 7 ở thành phố Huế êm đềm, sẽ là một người không những “tử tế” mà còn âm thầm chịu đựng vô vàn thiệt thòi mất mát vì nhiệm vụ.
Đùa vui tếu táo chốc lát, Lê Hùng lại đăm đắm hướng lên sân khấu, dõi theo từng chuyển động của diễn viên. Nhắc nhở cử chỉ này, ầm ầm sôi lên ở tình huống khác, đôi lúc chịu không nổi sự chậm hiểu của học trò, Lê Hùng bổ nhào lên, tận tay thị phạm. Bục bệ phông màn vô tri, những gương mặt người lóng ngóng, thoắt cái đã thành sinh động tươi mới hẳn lên sau những mệnh lệnh thức đầy gắt gỏng của Lê Hùng. Lê Hùng, ngắn gọn lại, chỉ chăm chắm đúc kết một điều: Đừng kịch thế, diễn như đời đi, như đang sống, căng mắt ra quan sát và thẩm thấu thật tinh tế sâu sắc những ẩn dụ nghệ thuật. Đôi khi những điều quá ư tối thiểu, rất đỗi a, b, c, cứ phải đạo diễn nhấn nhá, diễn viên mới ơrêka, ngộ ra chân lý…:
“Các em trẻ giờ không chịu đọc, không chịu học, không chịu tích lũy bồi bổ cho mình phông văn hóa vững, không chịu đào sâu cật vấn các câu hỏi tại sao thế này, làm sao thế kia”, Lê Hùng buồn bực. Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa, Lê Hùng gây tò mò thêm nữa vì liên tục hành hạ cái micro bằng những thanh âm cường độ cao bất thần tuôn ra xối xả trên các sàn tập.
Tịnh không còn lấn cấn trong mớ bòng bong những ồn ã thị phi ròng rã cả tháng trời, NSND Lê Hùng trở lại toàn tâm toàn ý với công việc chuyên biệt của mình, một đạo diễn sân khấu. Với nghệ thuật, anh vẫn là người khó lòng thay thế. Đắt sô sân khấu, đắt sô lễ hội, ở miền Bắc, Lê Hùng gần như đạo diễn bận rộn ham công tiếc việc bậc nhất. Làm không hết việc, anh đây đẩy chối từ các lời mời dựng vở, nhất là trước mỗi dịp lễ lạt, dẫu nhiều khi khốn đốn bởi tính cả nể cố hữu, do không thể ôm đồm nhiều.
Tự ví mình như kiếp “trâu cày”, lúc nào cũng tất bật công việc, hùng hục làm việc, cả ngày nghỉ, ngày thiên hạ vui chơi đầm ấm gia đình, Lê Hùng vẫn hành xác ở một tỉnh thành xa xôi nào đó. Mùng 2-9, 30-4, điện thoại, đã thấy ầm ầm trống nhạc và chát chúa thét gào anh đang Hải Phòng, anh đang Thanh Hóa, có được nghỉ đâu, anh chịu số giời hành. Chất quái và các mảng miếng lạ trong từng vở diễn của anh, hoặc đôi khi chỉ đơn thuần là cái tên NSND Lê Hùng trưng trên băng rôn quảng bá, cũng có thể “thần hồn nát thần tính”, át vía được một ban giám khảo, ban tổ chức một kỳ liên hoan hội diễn nào đó.
Có những lúc, có ai đó bực vì Lê Hùng “nhúng” tay vào nhiều vở diễn, chính danh hay không chính danh, biết rõ mười mươi là vở này tên đạo diễn này nhưng Lê Hùng thực hiện, vở kia rõ ràng không thể phủ nhận được dấn ấn Lê Hùng, nhưng rồi vui hay không vui thì người ta vẫn ôn tồn đồng thuận trao giải nhất cho anh, cho vở diễn của anh và đoàn kịch mà anh căng sức mình ra dựng vở. Nhà hát sống bằng tác phẩm, đạo diễn định danh bằng tác phẩm, Lê Hùng có một sê ri tác phẩm đã trở thành niềm mơ ước của bất cứ một đạo diễn nào từ Bắc chí Nam. Không ai, trong chừng một thập kỷ, được như anh dàn dựng nhiều kịch kinh điển đến thế, những tác phẩm thoáng nghe tên, người ta đã trầm trồ vì sự mực thước nghiêm ngắn được chứng thực qua quãng cách thời gian.
2. Gần trọn bộ sưu tập các vở diễn đình đám của mình, NSND Lê Hùng chăm chút cho Nhà hát Tuổi trẻ. Con cáo và chùm nho, Lôi vũ, Macbeth, Âm mưu và tình yêu, Nhà búp bê, rồi 100 phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử…, Nhà hát Tuổi trẻ nhiều tháng ngày, giữ được tiếng thơm, giữ được thương hiệu nhờ những kịch mục ấy. Nhưng cách mà Lê Hùng tạo sự khác biệt cho chính anh và Nhà hát mà anh gần trọn đời gắn bó, lại ở sê ri hài kịch Đời cười đã làm đến chủ đề thứ mười mấy, sau ngần ấy năm. Đời cười giúp Tuổi trẻ “đi được bằng hai chân” như lập ngôn của Lê Hùng, vừa chính kịch vừa thị hiếu, vừa tung hứng nghệ thuật vừa thoải mái doanh thu, bán vé sốt vé và tạo trở lại các tình huống phe vé ngập tràn cổng nhà hát.
Nhà hát Tuổi trẻ, hàng thập kỷ ròng rã, khác với Nhà hát kịch Hà Nội, sang trọng hơn hẳn Nhà hát kịch Việt Nam, vì được đứng đắn làm nghề trong môi trường chính thống, lại được đàng hoàng sống bằng nghề vì tiết mục ăn khách, vé bán chạy, diễn viên ngày càng sáng danh sáng tên tuổi. Lê Hùng nói hay không nói ra, thì mọi người đều hiểu, thành quả ấy có công lớn ở tài phù phép biến hóa và năng lực nghệ thuật vượt trội của chính anh.
60 tuổi, tròn một vòng quay hoàn chỉnh để “thiên can và địa chi” cùng lặp lại, NSND Lê Hùng dính đại họa. Tủm tỉm cười bật mí tử vi nhắc rồi, tháng tư năm này thể nào cũng gặp nạn thị phi, chạy trời không khỏi nắng, Lê Hùng tưởng vững chãi là vậy, cũng không khỏi chuếnh choáng thẫn thờ vì họa lại đến từ những thân yêu quen thuộc nhất với mình. Nói nhiều, kể nhiều, nhưng nhắc đi nhắc lại đừng vội đưa lên mặt báo, anh không cần thanh minh, cãi vã. Nghệ sỹ sống bằng tác phẩm, tồn tại trong “cõi giang hồ gió mưa nghệ thuật”, như lời nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc, cũng bằng tác phẩm, NSND Lê Hùng đã có được diện mạo độc đáo của riêng mình. Ấy là điều không dư luận nào phủ nhận được.
Khoát tay không màng bận tâm chẳng thèm để ý, Lê Hùng vẫn lấn cấn nỗi đau, lợn cợn sự giày vò dẫu thừa hiểu thời thế thế thời là vậy: Nếu có đồng hồ đếm ngược, nếu thời gian quay trở lại, nếu cái quyết định thành lập không phải Nhà hát kịch quốc gia mà Trung tâm kịch nghệ Việt Nam như đề án ban đầu được ban hành 3 năm về trước, đúng thời khắc Lê Hùng đọc cho người dưới quyền của mình đánh máy, trình lên Bộ, thì chắc chắn đại họa thị phi sẽ không cách chi bùng phát. Cá tính và nghệ sỹ vậy, Lê Hùng tự nhận, anh cũng không kém phần quyết đoán, nên cấm có ai cãi hay dám trái ý ông đạo diễn chiếu trên đàn anh đàn chú.
Kể là ở nhà hát, ví như lập hội đồng bỏ phiếu bầu chọn cho Lê Khanh, Lê Hùng lệnh phải đủ 100% số phiếu, nếu thiếu tôi giải tán hội đồng này lập ngay hội đồng khác. Có người ý kiến thế là vận động phiếu bầu, Lê Hùng OK ngay, tôi có vận động cho tôi đâu, con chị nó đi con dì nó lớn, người trên chưa đủ đầy tước hiệu thì bao giờ mới tới lượt người trẻ hơn, thấp bé danh phận và vị thế trong đời hơn. Tuổi trẻ cũng là Nhà hát hiếm hoi có chế độ bồi dưỡng đêm diễn vượt xa quy định nhà nước, cốt để anh em yên tâm sống tốt với nghề. Nhiều cái gạch đầu dòng tưởng mới ngay đây thôi, mà nay đã thành dĩ vãng quá xa xôi, thành nỗi nhớ vô vọng và hằn lên nữhng nỗi đau thời gian không bao giờ khỏa lấp nổi ở người trong cuộc.
NSND Lê Hùng vẫn nguyên vẹn vóc dáng hình hài một “con sói già” dũng mãnh cao ngạo của sân khấu. Con sói đầu đàn chuyển giao quyền lực, thỏa nguyện, thanh thản nhếch mép nhìn lũ đàn em bước tiếp vào cuộc gấu ó kế sinh nhai mới. “Con sói già” còn vô vàn những bạn bè khác, những danh tiếng đủ đầy khác đang mời gọi chực chờ nhập hội, để lại kiêu hãnh tru lên những tiếng hú dài chứng tỏ oai quyền và thực lực của mình. Lê Hùng làm kịch ở Đoàn Công an, cân nhắc lời mời ở Thái Nguyên, Hải Phòng, Quân đội và một danh sách dằng dặc dài hay làm tổng đạo diễn các lễ hội ngoài trời, những dự án sân khấu bất tận, có lời mời đích danh từ các đại sứ quán nước ngoài. NSND Lê Hùng 60 tuổi đời, bắt đầu một hành trình mới, hừng hực sức sống cho những ý tưởng nghệ thuật luôn trẻ, luôn cám dỗ được số đông người
Theo Ngô Hương Sen - ANTG