Tạp chí Sông Hương -
Quảng bá và bảo tồn truyện tranh tại Bỉ
08:54 | 12/07/2012

Trung tâm của Bỉ về truyện tranh (CBBD) là trung tâm tư liệu duy nhất trên thế giới về truyện tranh và cũng nổi tiếng là nơi gặp gỡ giao lưu giữa các nhà chuyên môn về truyện tranh và công chúng yêu truyện tranh. GIÁM ĐỐC CBBD JEAN AUQUIER hy vọng một ngày nào đó truyện tranh của Việt Nam sẽ xuất hiện tại đây.

Quảng bá và bảo tồn truyện tranh tại Bỉ
Một góc trung tâm của Bỉ về truyện tranh

- Là một trong những người tham gia dự án thành lập Trung tâm của Bỉ về truyện tranh, xin ông cho biết xuất phát từ đâu các ông đưa ra ý tưởng này, bởi tại Bỉ văn hóa truyện tranh trở thành văn hóa gia đình, gia đình nào cũng đã có tủ sách truyện tranh?

- Nghệ thuật truyện tranh ở Bỉ đã có từ rất lâu đời, các gia đình đều đọc truyện tranh, từ người lớn tuổi đến trẻ em. Đây là một nghệ thuật tương đối quý đối với chúng tôi. Vì thế, một bảo tàng về truyện tranh là điều hiển nhiên, và năm 1989 chúng tôi đã lập nên Trung tâm của Bỉ về truyện tranh (CBBD), coi đó là bảo tàng truyện tranh của Bỉ. Chúng tôi đã tìm được địa điểm rất đẹp để đặt CBBD. Đó là một cửa hàng bán vải từ đầu thế kỷ XX, với kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Chính vì tòa nhà tráng lệ đó, nên trong số công chúng đến với chúng tôi, có người đến để thăm quan tòa nhà, có người đến với truyện tranh, và chúng tôi mơ ước rằng những người đến với tòa nhà sẽ có dịp đến với truyện tranh, và những người đến với truyện tranh sẽ có dịp chiêm ngưỡng tòa nhà. Đến nay, mơ ước ấy của chúng tôi đã thành sự thật, công chúng đến với chúng tôi vừa vì nghệ thuật truyện tranh, vừa để chiêm ngưỡng tòa nhà.

- Được biết mỗi năm CBBD đón trên 200.000 khách tham quan. Phải chăng nhờ vị trí thuận lợi đó, CBBD mới thu hút được nhiều khách tham quan đến vậy?

- Ngay cả ở Bỉ hiện nay, chúng tôi cũng gặp khó khăn trong việc thuyết phục những người làm du lịch rằng mọi người đến CBBD là vì truyện tranh và để tham khảo truyện tranh. Hiện nay, CBBD thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động: các triển lãm thường kỳ, triển lãm riêng, ngoài ra chúng tôi còn có trung tâm thông tin tư liệu vô cùng quý báu đối với những người nghiên cứu truyện tranh. Nhưng tất cả chi phí hoạt động đó đều do khách du lịch và khách thăm trả tiền. Số khách đến CBBD chỉ 20% là người Bỉ, 40% là người châu âu, phần còn lại là khách du lịch tới từ châu Á và các đối tượng khác. Một điều quan trọng là chúng tôi không chỉ tập trung vào truyện tranh của Bỉ, ngay từ tên gọi, đó là Trung tâm của Bỉ về truyện tranh, chứ không phải Trung tâm Truyện tranh của Bỉ. Do vậy, bất kỳ khách du lịch mang quốc tịch nào khi đến Trung tâm đều có thể tìm hiểu được nền truyện tranh của thế giới, chứ không chỉ của Bỉ nói riêng. Nếu một ngày nào đó bạn đến thăm Trung tâm, bạn cũng có thể tìm hiểu nền nghệ thuật truyện tranh của Việt Nam tại đó.

- Tức là hiện nay tại CBBD đã có truyện tranh của Việt Nam?

- Rất tiếc là hiện nay chưa có truyện tranh Việt Nam tại Trung tâm. Có thể trong thư viện trung tâm có một số lưu trữ về truyện tranh của Việt Nam, nhưng nếu nói về nghệ thuật truyện tranh của Việt Nam thì chưa. Tôi hy vọng một ngày nào đó truyện tranh của Việt Nam, bằng tiếng Việt và tiếng Pháp, sẽ xuất hiện tại đây.

- Như trên ông có nói, số khách đến CBBD chỉ 20% là người Bỉ, còn lại là khách đến từ châu âu, châu Á… Vậy đối tượng công chúng ban đầu mà CBBD hướng tới là ai, người Bỉ hay người nước ngoài?

- Đương nhiên là chúng tôi không chỉ tập trung vào người Bỉ. Khoảng 15 ngày nữa chúng tôi sẽ tổ chức triển lãm của một họa sỹ người Anh rất nổi tiếng là Simmonds, qua đó quảng bá truyện tranh của Anh và thu hút nhiều khách đến hơn nữa, trong đó có khách Anh. Chiến lược của chúng tôi là mở triển lãm về truyện tranh của các nước, để giới thiệu nghệ thuật truyện tranh của nước đó, cũng như đón tiếp nhiều khách du lịch từ các châu lục, chứ không chỉ người Bỉ. Chúng tôi không tập trung vào riêng đối tượng nào, mà có chiến lược mở rộng ra toàn cầu.

Tác phẩm của JC Servais lưu trữ tại CBBD


- Hai nhiệm vụ song song của CBBD là quảng bá và bảo tồn truyện tranh. Giữa hai nhiệm vụ ấy, nhiệm vụ nào khó hơn, thưa ông?

- Bảo tồn cần phải có con người, kỹ thuật, tài chính mà Giám đốc CBBD phải lo, vì Chính phủ không cung cấp ngân sách để chúng tôi làm việc đó. Đây là một công việc rất khó, vì không phải ai cũng quan tâm đến truyện tranh, đặc biệt là những người làm thương mại. Trung tâm hoạt động được như hiện nay là nhờ vào các đối tác. Hiện nay, chúng tôi phối hợp tích cực với các hiệp hội nghệ thuật, giới du lịch và hợp tác tích cực với nước ngoài. Điều thiết yếu nhất để vận hành Trung tâm là sự chuyên nghiệp. Đây là điều sống còn. Tất cả cán bộ làm ở CBBD đều thành thạo 3 thứ tiếng và am hiểu nghệ thuật này. Trang web của chúng tôi bằng 4 thứ tiếng (Anh, Pháp, Trung, Nhật), ai cũng có thể truy cập dễ dàng và có thể tải các bài giới thiệu truyện tranh. Ngoài ra, tôi cũng liên hệ chặt chẽ với các tác giả truyện tranh, làm sao cho họ hiểu rằng không phải chúng tôi đang khai thác họ, mà chúng tôi đang bảo vệ họ và muốn phát huy họ.

- Xin cám ơn ông!

Hiện nay, CBBD gìn giữ 7.000 - 8.000 bản vẽ truyền thống, nguyên tác (bản vẽ trước khi đưa ra in của truyện tranh), không chỉ của Bỉ mà của tất cả các quốc gia trên thế giới. Về các tác giả và tác phẩm truyện tranh của Việt Nam, Jean Auquier đánh giá cao trước hết về nét vẽ phong phú, nhiều màu sắc. “Rất tiếc tôi không đọc được tiếng Việt, nhưng chỉ cần nhìn 4 - 5 truyện tranh, tôi thấy trí tưởng tượng phong phú, cách vẽ đẹp. Chúng ta không cần quá vội để đi đến sự chuyên nghiệp. Bởi sự chuyên nghiệp cần có thời gian để tích lũy kinh nghiệm trở thành tác giả lớn. Chúng ta nên đi chậm, từ từ nhưng chắc chắn”.


Theo Ng.Anh - ĐBND

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
K-Pop hay J-Pop? (10/07/2012)