Tạp chí Sông Hương -
Phạm Thiên Thư: Thơ thiền đề cao tự do
09:10 | 12/07/2012

Phạm Thiên Thư là tác giả nhiều bài thơ được Phạm Duy phổ nhạc như Ngày xưa Hoàng Thị, các bài Đạo ca... Nhân dịp gần chục cuốn thơ Phạm Thiên Thư tái bản và xuất bản, PV trò chuyện với nhà thơ.

Phạm Thiên Thư: Thơ thiền đề cao tự do
Phạm Thiên Thư với các tác phẩm “Kinh Ngọc” và “Kinh Hiền Hội Hoa Đàm” vừa được NXB Tổng hợp TPHCM đồng loạt tái bản. Ảnh: T.N.A.

Ông mơ ước trở thành thi sĩ từ lúc nào?

Thú thực tôi không ước mơ thành thi sĩ. Lúc nhỏ còn ở ngoài Bắc tôi tham gia du kích, thích làm tướng thôi. Năm 1954 vào Sài Gòn đi học, tôi tập võ, lập học hội Hồ Quý Ly, bị chính quyền cũ khủng bố, tôi phải trốn vào chùa. Chính ở trong chùa tôi đã làm thơ.

Năm 1968 tôi in tác phẩm đầu tay Thơ Phạm Thiên Thư. Năm 1969 viết Động hoa vàng ca ngợi những nét đẹp của dân tộc Việt Nam, và thơ hóa tập Kinh Kim Cương của Phật giáo với cái tên Kinh Ngọc. Tôi không chỉ thơ hóa mà còn Việt hóa Kinh Phật. Chẳng hạn địa danh sông Hằng tôi chuyển thành sông Hồng, núi Tu Di tôi đổi thành núi Ba Vì.

Ông là nhà thơ của các kỷ lục, ông nghĩ thế nào về kỷ lục?

À! Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận tôi đã lập hai kỷ lục. Tôi là “Người đầu tiên viết Từ điển cười bằng thơ” (Với 5.000 mục từ) và Kỷ lục Thi hóa Kinh Hiền Ngu bằng thơ lục bát dài nhất Việt Nam. Kinh Hiền Ngu được thi hóa thành tác phẩm Kinh Hiền Hội Hoa Đàm với 12.062 câu thơ lục bát, rất đồ sộ. Nhưng, tôi không thích gọi là kỷ lục gia, tôi chỉ biết làm thơ.

Ông là một trong số rất ít nhà thơ Việt Nam được các nhà xuất bản đầu tư xuất bản và tái bản thơ với hàng chục ngàn trang sách, trong lúc thị trường thơ ế ẩm. Ông có thể cho biết chủ đề xuyên suốt trong thơ của ông là gì?

Đầu tiên là tư tưởng dân tộc. Tôi đã dành cả chục năm để viết cuốn Hát ru Việt sử thi để in vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Mảng đề tài này chiếm số lượng lớn tác phẩm của tôi.

Tiếp tới là tinh thần Phật giáo. Tôi đã thơ hóa nhiều bộ kinh Phật. Thơ tình Phạm Thiên Thư cũng được nhiều người nhớ. Thơ thiền, thơ chữa bệnh cũng là những mảng thơ lớn của tôi.

Ông ít đi đâu xa, thích thiền định, trầm tư, ngồi lặng lẽ với cây bút và những trang sổ bé xíu. Theo ông, tư tưởng của thơ thiền là gì?

Thiền là xóa bỏ cái tôi, xóa bỏ cái ngã, xóa bỏ sự chiếm hữu. Thơ thiền nói lên những vẻ đẹp của sự tự do. Vẻ đẹp trong thơ thiền không khơi gợi lên tư tưởng chiếm hữu. Nó chỉ gợi lên vẻ đẹp của cuộc sống cần phải được nâng niu và bảo vệ.

Ông làm thơ để chữa bệnh, như tập thơ “Từ điển cười” chẳng hạn. Dường như ông có cách nhìn khác người về thi pháp, thi loại?

Về hình thức, thiền là “vô tướng”, không câu nệ hình thức, nên thơ thiền phong phú, giàu sự sáng tạo.

Thơ có nhiều chức năng, nhưng tôi làm thơ là để:
“Luôn biết mình dốt
Để gột tính kiêu
Để yêu như mới
Để cởi mối hiềm
Để thêm tinh tiến
Để biến vô thường
Để đường thử thách
Để mạnh dưỡng khí
Để chí an lạc”

Cám ơn ông đã trả lời phỏng vấn!

Theo Trần Nguyễn Anh - TP

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng