Tạp chí Sông Hương -
Cổng xưa
16:48 | 16/07/2012

Dành hàng chục năm chụp cổng làng, cổng ngõ, cổng nhà, hiện nay nhiếp ảnh gia Quách Đông Phương đang lưu giữ khoảng 1.000 bức ảnh về cổng xưa, trong đó, phần nhiều đã không tồn tại.

Cổng xưa
Triển lãm sắp đặt Cổng xưa

Một phần kho tàng ảnh này được nghệ sỹ Quách Đông Phương giới thiệu trong triển lãm Cuộc trò chuyện tháng Tư (2000), trưng bày hơn 20 bức ảnh cổng làng; Những cánh cổng 4 năm sau đó (2004), số ảnh đã tăng lên 556 bức; và triển lãm sắp đặt Cổng xưa (2011), với gần 700 bức ảnh to, nhỏ.

Kho tàng ảnh về cổng xưa - hình ảnh tiêu biểu của làng quê Việt - là kết quả của một hành trình dài từ năm 1993 đến nay, ghi lại hình ảnh những chiếc cổng xưa cũ của nghệ sỹ Quách Đông Phương. Cổng làng là bộ mặt và biểu tượng cho cốt cách của làng quê xưa, nhưng lại đang biến mất một cách nhanh chóng trong quá trình đô thị hóa, nên anh muốn chụp thật nhiều cổng làng, cổng nhà để làm tư liệu. Ban đầu, với chiếc máy ảnh cơ, và gần đây là máy ảnh số, nghệ sỹ không chỉ lưu lại hình ảnh cổng làng Hà Nội mà còn ở các tỉnh khác như Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Bình..., nhiều nhất là cổng làng của Hà Tây (cũ). Trong các bức ảnh đó, có cổng lớn, cổng nhỏ, cổng ở đầu làng, giữa làng, nhưng cũng có cổng rêu phong bị bỏ hoang giữa vùng cỏ mọc um tùm...

Từ năm 2004 đến nay, dù vẫn tiếp tục chụp cổng làng, nhưng nghệ sỹ Quách Phương Đông chỉ chụp thêm được khoảng hơn trăm bức ảnh, bởi “không gian sống đang co lại, còn đâu cổng làng xưa cũ mà chụp...”. Thông thường một làng có cổng đông và cổng đoài, giờ chỉ một số ít làng còn, mà thường chỉ còn 1 cổng. Đến nay không chỉ có cổng làng, mà phần nhiều cổng nhà xưa cũng đã không còn, chỉ số ít gia đình nhận thức được giá trị của nó và giữ lại. Ước tính có khoảng 70% số cổng được chụp trong các bức ảnh đã mất đi. Như làng Phú Thượng trước có 30 cổng nhà cổ, giờ chỉ còn 3, và 5 cổng làng trước kia thì nay chỉ còn 2. Những cổng làng Triều Khúc, Cót, Nghĩa Đô, Làng Mọc... chỉ còn là ký ức.

rân trọng những hình ảnh về cổng xưa, nghệ sỹ Quách Đông Phương cho biết: “Sắp tới, tôi sẽ phải scan lại để lưu trữ. Sau này có điều kiện, tôi sẽ in hình những chiếc cổng này thành một bộ sách như nguồn tư liệu cho những ai muốn tìm hiểu về kiến trúc cổng làng Việt cổ. Theo tôi, đó cũng là một cách giữ gìn di sản của cha ông trong giai đoạn kinh tế, xã hội và cả văn hóa đang chuyển mình”.

Theo Lê Thủy - ĐBND







 

Các bài mới
Các bài đã đăng