Tạp chí Sông Hương -
Xuất bản sách danh nhân: Xin đừng cẩu thả
08:17 | 24/07/2012

Cẩu thả trong mọi nghề đều đáng phê phán. Cẩu thả trong nghề xuất bản đáng phê phán hơn. Vì sách là sản phẩm văn hóa còn lưu lại đến nhiều thế hệ về sau. Ngạn ngữ Hy Lạp có câu: "Lời nói bay đi, chữ viết ở lại", đã bao hàm ý này. Cẩu thả với sách viết về nhân vật lịch sử, về danh nhân văn hóa càng đáng phê phán mạnh mẽ hơn cả.

Xuất bản sách danh nhân: Xin đừng cẩu thả

Tôi có thói quen hay đọc sách về nhân vật lịch sử, về danh nhân văn hóa, bao gồm hồi ký của nhân vật/ danh nhân viết ra và người đương thời hoặc hậu thế viết về nhân vật/ danh nhân. Mỗi khi cầm một cuốn sách viết về nhân vật lịch sử/ danh nhân văn hóa, tôi luôn trân trọng. Trân trọng người được viết trong sách và trân trọng cả những người tham gia vào quy trình để cuốn sách đến tay bạn đọc, trân trọng người xưa và trân trọng người nay. Hiện nay, mỗi khi có cuốn sách về nhân vật/ danh nhân ra đời, tôi đều cố gắng mua để đọc. Nhìn những cuốn sách mới ra, giấy trắng mịn, hoặc giấy xốp nhẹ, bìa cứng, mà lòng biết bao bồi hồi, nó khác hẳn với cái thời gian khó giấy ố vàng, khô ráp, đen sì trước kia. Nhưng bên cạnh niềm vui là nỗi buồn với ngành xuất bản. Sai sót quá nhiều. Mà nguyên nhân chính của sự sai sót đó là cẩu thả.

Nhiều khi tôi tự hỏi, với những cuốn sách như vậy, có khi nào những người tham gia vào quy trình xuất bản sách, như người biên tập và nhân viên sửa bản in đọc lại, để rồi đỏ mặt vì xấu hổ hay không?

Xin dẫn ra một vài ví dụ:

1. Cuốn "Tạ Mỹ Duật - Dấu ấn thời gian" - NXB Khoa học và Kỹ thuật  (2010), chào mừng 1.000 năm Thăng Long và 100 năm ngày sinh kiến trúc sư Tạ Mỹ Duật (1910-1989). Chỉ riêng phần 1, Hồi ký "Dấu ấn thời gian" từ trang 16 đến trang 65, tính tỉ lệ hầu như trang nào cũng có lỗi. Đây là những lỗi kỹ thuật vi tính rất đơn giản như mất dấu, mất chữ, không viết hoa tên địa danh, tên người… Có lẽ biên tập viên không đọc bản thảo mà chuyển sang chế bản ngay từ khi nhận file vi tính của người chủ biên nên mới để xảy ra lỗi này. Khi đọc, có những câu thừa chữ nghe rất tức cười như "tiếp cận với văn học Pháp, tôi lĩnh hội một cách hồn nhiên tư tưởng tự do bình thường đẳng đồng thời với cái lãng mạn, trữ tình qua các tác phẩm". Chỉ cần bỏ chữ "thường" ở giữa đi, câu trên trở về đúng với nghĩa ban đầu tác giả viết: "tự do bình đẳng".

2. Cuốn "Bút ký Phạm Ngọc Cảnh" do NXB Thanh niên và Doanh nghiệp sách Thành Nghĩa in năm 2006. Niềm vui xen lẫn nỗi buồn. Vui vì những trang văn Phạm Ngọc Cảnh viết đọc như được tưới thêm dòng nước mát. Buồn vì quá nhiều sai sót. Tôi có thói quen hay dùng bút mực dấu nhiều loại màu để đánh dấu lỗi sai. Đọc hết cuốn sách, giở lại xem thì chi chít lỗi. Chẳng lẽ lại đổ hết cả lỗi lên đầu người đánh máy?

Xin dẫn ra một ví dụ: Trang 165 có câu "Trên mình ngựa, một nàng trai mặc áo chàm thô mềm rũ, ngoặt nghẹo như cái măng rừng luộc chín". Nàng trai hóa ra là xăng pha nhớt à? Những lỗi về ngữ nghĩa tương tự như thế này là khá phổ biến trong sách. Cuốn sách dày 264 trang thì từ trang 11 đến trang cuối cùng vẫn còn lỗi như: "Tháng 5/ ?000". Số 2 thành dấu hỏi (?).

Đọc đến trang 110, tôi không nhịn được cười vì sự sáng tạo của biên tập viên chứ một người như nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh chẳng thể nào nhầm lẫn được như thế. Nguyên là tác giả viết khi về một xã vùng cát thuộc huyện Hải Lăng trước Tết Mậu Thân 1968 để diễn chèo. Sách in như sau: "Tôi đang sắm vai Lưu Bị của một tích chèo hiện đại. Tôi theo nàng Châu Long chui vào ruột đất để học làm người". Biên tập viên đã lấy râu ông nọ để cắm vào cằm bà kia. Lấy ông Lưu Bị trong "Tam quốc diễn nghĩa" của La Quán Trung là nhà văn Trung Quốc để gắn vào với Lưu Bình trong vở chèo cổ "Lưu Bình - Dương Lễ" của Việt Nam. Thật khôi hài.

3. Cuốn truyện ký "Nhà văn Kim Lân và tôi" của tác giả Chu Tam Thành, NXB Quân đội nhân dân (2010). Bỏ qua một số lỗi về chính tả, tôi chỉ đi vào những sai sót kiến thức mắc phải của người biên tập. Tay gấp bìa 4 cuốn sách giới thiệu tác giả đã ngoài 80 tuổi. Cuốn sách lại viết gần như dạng hồi ký nên có những chi tiết nhớ lẫn lộn. Điều này chính là lúc vai trò của biên tập viên được phát huy. Đáng tiếc là còn để sai sót.

 

Ở trang 115, khi viết về Trần Dần và Hoàng Cầm có câu: "Bây giờ anh ta (Trần Dần - MK) già rồi vẫn âm thầm sáng tác trường ca Hồ Chí Minh. Hoàng Cầm tung ra trên báo bài thơ Nắng Thuận Thành. Lãng mạn thế nào lại Váy em trùm cửa võng...". Đến trang 120, viết về Lê Đạt - theo tác giả Chu Tam Thành: "Nghe tin Bác mất ông (Lê Đạt - MK) đóng chặt cửa buồng chong đèn thâu đêm suốt sáng, chắt nội [?] gọi mời cơm cũng không mở cửa vì đang khóc Bác bằng thơ. Một trường ca 626 dòng, nhiều câu chỉ một chữ, hai chữ".

Chỉ tính riêng hai trang này tác giả đã có những sự nhầm lẫn. Thứ nhất, Hoàng Cầm không có bài thơ nào là Nắng Thuận Thành mà chỉ có "Mưa Thuận Thành" - tên bài thơ và cũng là tên của cả tập thơ được in tại NXB Văn hóa. Còn câu "Váy em trùm cửa võng" thì phải trích dẫn đúng nguyên văn là "Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng" (bài "Lá diêu bông"). Thứ hai, tác giả nhầm khi viết về nhà thơ Trần Dần "già rồi vẫn âm thầm sáng tác trường ca Hồ Chí Minh". Tính đến thời điểm này (7/2012), với những di cảo của Trần Dần được công bố, chưa hề thấy có trường ca "Hồ Chí Minh". Trường ca viết về Hồ Chí Minh là của Lê Đạt với tên gọi "Trường ca Bác" được tác giả "Viết ngày giỗ đầu" (năm 1970), "In ngày thế giới kỷ niệm 100 năm sinh nhật Bác" tại NXB Thanh niên, 1990 (chữ trong ngoặc kép là trên trang xi-nhê "Trường ca Bác" - MK). Điều này khớp với thông tin "Một trường ca 626 dòng, nhiều câu chỉ một chữ, hai chữ". Thứ ba, tác giả viết khi Bác mất, chắt nội gọi mời cơm Lê Đạt. Năm 1969, nhà thơ Lê Đạt mới 40 tuổi. Vợ nhà thơ, bà Thúy Thúy mới 31 tuổi. Con đầu của ông bà sinh năm 1957, năm đó 12 tuổi. Như vậy, cháu nội ông còn chưa có, làm sao đã có chắt nội?

Trang 122, tác giả viết về Nguyễn Hữu Đang: "Ông này che ô cho Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa". Người che ô cho Bác Hồ khi Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập là ông Chu Đình Xương - Giám đốc Sở Liêm phóng Bắc Bộ. Những thước phim tư liệu về ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập hiện lưu giữ tại Bảo tàng Công an nhân dân. Còn Nguyễn Hữu Đang là người tổ chức dựng lễ đài trong ngày 2/9/1945. Thông tin này có thể xem trong bài "Những ngày cuối năm, tìm thăm người dựng Lễ đài Tuyên ngôn Độc lập" ở cuốn "Ba phút sự thật" được nhà văn Phùng Quán viết rất kỹ lưỡng.

Trang 126, tác giả Chu Tam Thành viết: "Còn chuyện ông Trịnh Đình Thảo ư? Ông ta du học Pháp trở thành một triết gia nổi tiếng đã tranh luận ngang ngửa và thắng áp đảo nhà luận thuyết Giăng-pôn-sác về "thuyết hiện sinh"… Tác giả Chu Tam Thành đã nhầm lẫn khi đặt tên luật sư Trịnh Đình Thảo vào đây. Người mà Kim Lân nhắc đến là triết gia Trần Đức Thảo chứ không phải luật sư Trịnh Đình Thảo.

Trang 152, tác giả viết: "Các ông Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyễn Tuân và ngay cả Khải Hưng nữa có ở lớp lang văn chương nào đào tạo ra đâu". Chỉ một dấu hỏi thay cho dấu sắc đã sai tên nhân vật. Người mà Kim Lân nhắc đến là nhà văn Khái Hưng (dấu sắc), tức Trần Khánh Giư (1896-1947), người tham gia nhóm Tự lực Văn đoàn, làm báo Phong Hóa, tác giả các tiểu thuyết lãng mạn trước Cách mạng Tháng Tám 1945 như "Hồn bướm mơ tiên", "Nửa chừng xuân", "Tiêu Sơn tráng sĩ"… chứ không phải NSND Khải Hưng (dấu hỏi) đạo diễn của các bộ phim "Mẹ chồng tôi", "Lời nguyền của dòng sông"...

4. Khi sách được xuất bản, phát hiện ra lỗi, nhà xuất bản có lời cải chính với bạn đọc là một cách hành xử rất đáng hoan nghênh. Nhưng có khi đăng cải chính mà lại thành lỗi chồng lên lỗi. Đó là với trường hợp cuốn sách "Ở với người, ở với đời" tập hợp những bài viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp do NXB Thời đại ấn hành năm 2011. Tôi không nhắc đến những lỗi còn tồn tại dù đã có lời cải chính. Tôi chỉ xin chú ý, cuối sách, bạn đọc nhận được một tờ giấy đính kèm, xin trích nguyên văn nội dung: "HIÊåU ĐÍNH/ Do lỗi kỹ thuật nên khi cuốn sách này được in ra vẫn còn một số lỗi chính tả. Chúng tôi xin hiệu đính như sau…".

Nhà xuất bản đã không phân biệt được hai khái niệm hoàn toàn khác nhau là hiệu đính và đính chính. Theo định nghĩa của "Từ điển Tiếng Việt" (Hoàng Phê chủ biên) - NXB Khoa học Xã hội - Trung tâm Từ điển học, 1994: "Đính chính: Sửa lại cho đúng những chỗ in sai, nói sai" (trang 314); "Hiệu đính: Xem xét, đối chiếu và chữa lại văn bản cho đúng" (trang 424). Phân biệt hai khái niệm này, thì hiệu đính là việc làm trước khi in/ xuất bản; còn đính chính là công việc sau khi in/ xuất bản. Khi đã in sai, có lỗi thì đó là đính chính chứ không phải hiệu đính.

Hà Nội, ngày 10/7/2012

Theo Mai Kiều - CAND.com.vn

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Họa trên đá (20/07/2012)