Tạp chí Sông Hương -
Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Chân trời tím và cuộc tình bất ngờ
08:47 | 25/07/2012

Lê Hoàng Hoa là đạo diễn thực hiện 3 phim trên màn ảnh rộng đầu tiên ở Việt Nam, trong đó có Chân trời tím với chi phí cao nhất, mang lại doanh thu lớn nhất tại Sài Gòn đầu thập niên 1970.

Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Chân trời tím và cuộc tình bất ngờ
Lê Hoàng Hoa và cô bạn Anita thời du học ở Mỹ - Ảnh: Tư liệu của tạp chí kịch ảnh xuất bản ở Mỹ năm 2002

Sau 6 năm du học ở Mỹ về điện ảnh tại thành phố Clarkesville bang Georgia (1952 - 1958), Lê Hoàng Hoa về nước năm 25 tuổi. Lúc đầu ông làm việc theo hợp đồng đã ký với chương trình International Cooperation Administration đảm trách đạo diễn phim thời sự tài liệu ngoài Trung. Hai năm sau hết hợp đồng (1960), ông rời Huế vào Sài Gòn cộng tác với Trung tâm điện ảnh lúc bấy giờ vừa thành lập xong. Sau phim tài liệu đầu tiên thực hiện trên màn ảnh rộng (còn gọi: màn ảnh đại vĩ tuyến): Cảnh đẹp miền Nam, dài 32 phút với Lệ Thu, Minh Hiếu, Kiều Oanh, tên tuổi ông ngày càng được biết đến nhiều hơn. Tiếp đó ông hoàn thành phim 11 giờ 30 cũng ở dạng màn ảnh rộng với các diễn viên Lê Quỳnh, Mộng Tuyền, Đoàn Châu Mậu, Trần Đỗ Cung, Minh Đăng Khánh. Đến Chân trời tím thì danh tiếng và tài năng của ông vượt lên hàng đầu trong giới các đạo diễn trẻ đương thời. Ông thực hiện thêm một loạt phim khác như Điệu ru nước mắt, Gác chuông nhà thờ, Con ma nhà họ Hứa, Vết thù trên lưng ngựa hoang, Bẫy ngầm, Năm hiệp sĩ bất đắc dĩ, Triệu phú bất đắc dĩ, Người chồng bất đắc dĩ... tất cả đều ra mắt trước năm 1975. Sau 1975, một lần nữa, thành công lại đến qua bộ phim Ván bài lật ngửa do ông đạo diễn được công chúng cũng như giới báo chí đón nhận nồng nhiệt. Hiện ông sống tại Ba Lan và vào giữa năm nay đã về thăm Việt Nam, ngụ tại “mái nhà xưa” của mình trong hẻm 351 Lê Văn Sỹ, Q.3, TP.HCM.

Chúng tôi đến thăm, được ông đưa mượn cuốn bút ký Những tháng ngày làm phim do ông viết chưa xuất bản, chỉ mới đăng một phần trên tạp chí Kịch Ảnh ấn hành bên Mỹ. Dựa vào nội dung bút ký trên, cũng như một số hồi ức do ông trực tiếp kể lại, chúng tôi trích lược dưới đây những nội dung liên quan đến hoạt động của điện ảnh Sài Gòn năm xưa. Mà trước nhất là chuyện làm phim Chân trời tím - bộ phim điển hình đánh dấu đỉnh cao trong hoạt động nghệ thuật của ông thời trước, cũng là bộ phim để lại kỷ niệm đậm đà về một cuộc tình bất ngờ đã đến với ông ngoài đời đúng vào ngày bấm máy...

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương vào phim với Nửa hồn thương đau

Đó là ngày 11.12.1969 - ngày thu hình phân đoạn (sequence) đầu tiên của phim Chân trời tím tại khách sạn Continental với cảnh nhân vật chính là ca sĩ Liên (Kim Vui đóng) đang buồn thương rã rời khi biết tin người yêu mình bị đẩy ra tiền đồn xa xôi, khó mong ngày gặp lại nên đưa nỗi niềm vào tiếng hát. Để tìm bài hát thích hợp với tâm thái của Liên trong phân đoạn ấy, Lê Hoàng Hoa và Tổng giám đốc Liên Ảnh Công ty (đơn vị đầu tư sản xuất phim) là ông Quốc Phong (chủ nhiệm tạp chí Kịch Ảnh) cùng “đến phòng trà Đêm Màu Hồng gặp nhạc sĩ Phạm Đình Chương tức ca sĩ Hoài Bắc để nhờ sáng tác một bản nhạc riêng cho phim Chân trời tím. Đó là nhạc phẩm Nửa hồn thương đau” (Bút ký Những tháng ngày làm phim của Lê Hoàng Hoa). Như vậy, nhạc phẩm nổi tiếng ấy được Phạm Đình Chương viết cho phim Chân trời tím năm 40 tuổi (sau thời phải xót xa chia tay với vợ là ca sĩ Khánh Ngọc) và được phổ biến qua tiếng hát của em gái ruột Phạm Đình Chương là ca sĩ Thái Thanh (Phạm Thị Băng Thanh). Nơi quay phân đoạn trên là phòng ăn của khách sạn Continental do nhân viên phụ trách dàn dựng của đoàn phim khéo sửa thành một “phòng trà ca nhạc” để nhân vật Liên sẽ lên hát. Theo ý đạo diễn, để gây ấn tượng mạnh về nỗi cô đơn của Liên, không nên có mặt toàn ban nhạc đệm ở phía sau Liên mà chỉ có “một nhạc sĩ kéo violon đứng cạnh ca sĩ và thật dễ thương khi nhạc sĩ Phạm Đình Chương đồng ý với tôi là anh sẽ đảm nhận vai người kéo violon đó”. Ấn định sẽ bấm máy lúc 7 giờ tối hôm ấy.

Kiều Chinh, Kim Chi và Lê Hoàng Hoa trong phim Cảnh đẹp miền Nam - Ảnh: tư liệu


“Tà áo tím” trên phim trường

Khoảng 4 giờ chiều, số đèn spot và flood light chuyển từ Trung tâm điện ảnh và các hãng phim Mỹ Vân, Alpha đến khách sạn Continental đã xong. Phải hai người mới vác nổi một cây đèn khổng lồ 10.000 watt với “mỗi bóng đèn to bằng cái đầu người”. Những sợi dây cáp to bằng cổ tay giăng và “những ống tròn bằng nhôm được ráp lại thành một dàn đèn trên bục hát, một đường ray dùng để làm dolly chạy dài từ bục hát đến cuối phòng” (Bút ký). Ngoài diễn viên chính Kim Vui, tham gia trong “phân đoạn phòng trà” còn có Ngọc Đức (vai Paul), Ngọc Phu (đại úy Minh) và Phạm Đình Chương (nhạc sĩ kéo violon). Đến 5 giờ, Lê Hoàng Hoa đang dò lại lần nữa bản phân cảnh bỗng nghe cô thư ký phim trường (script girl) báo cho biết có một cô bé tên Linh muốn gặp ông gấp. Ông chưa hiểu chuyện gì, một cô bé xinh đẹp với “mái tóc dài óng ả trong chiếc áo dài màu tím than làm nổi bật làn da trắng mịn” đã bước vào trước mặt, nói một cách tự nhiên: “Em tên là Diệu Linh, 17 tuổi học sinh trường Trưng Vương muốn gặp đạo diễn không phải để xin đóng phim”. Ông mỉm cười. Cô bé lại nói mình muốn vào coi quay phim như thế nào thôi. Ông đáp quá dễ, chỉ cần đóng vai khán thính giả (vai quần chúng) của bộ phim ở khoảng cách xa xa các nhân vật chính một chút sẽ tha hồ coi. Cô bé nói lại:

- Nhưng em không thích đóng phim, em nói thật đó.

- Vậy thì chỉ còn cách là cô đóng vai người yêu của đạo diễn mới vào trong sàn quay được.

Nghe thế, cô bé đỏ bừng mặt đứng im. Đó là “hình ảnh một buổi chiều” khó quên trong chuyện tình sẽ kể của ông...

Theo Giao Hưởng - TNO

 

 

 

 


 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Họa trên đá (20/07/2012)