Tạp chí Sông Hương -
Về phát hành phổ biến phim: Ngoại lấn nội, tư nhân át Nhà nước
08:42 | 27/07/2012

Hội nghị “Thực trạng và giải pháp đẩy mạnh hoạt động phát hành, phổ biến phim giai đoạn 2012 - 2015” do Cục Điện ảnh tổ chức, diễn ra ngày 25.7 tại Hà Nội. Nhiều kiến nghị về việc phát hành, phổ biến phim cũng như phát triển điện ảnh dân tộc đã được đề cập.

Về phát hành phổ biến phim: Ngoại lấn nội, tư nhân át Nhà nước
Phim dạng nghệ thuật “Ngọc Viễn Đông” không đông khách

Nguy cơ xâm lấn của phim ngoại

Theo TS Ngô Phương Lan - Cục phó phụ trách Cục Điện ảnh - trong 1 thập kỷ qua, với chủ trương mở cửa, hội nhập và xã hội hóa, hoạt động chiếu bóng“sống lại” sau nhiều năm ngắc ngoải. Tuy nhiên, do không điều tiết được nguồn phim phát hành, VN gia nhập WTO nên không có hạn ngạch nhập phim, dẫn đến mặt tích cực là khán giả được thưởng thức nhiều phim hay, nhưng tiêu cực là nguy cơ xâm lấn của các phim ngoại ngày càng cao, các Cty nước ngoài, liên doanh chỉ hoạt động ở thành phố lớn, nên khán giả ở các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa ít có điều kiện thưởng thức phim điện ảnh. Khán giả trẻ thường chỉ thích xem phim giải trí...

Hiện cả nước có 93 rạp chiếu phim, trong đó tuy Nhà nước có 72 rạp, nhưng phần lớn đã xuống cấp trầm trọng, trừ Trung tâm Chiếu phim quốc gia. Năm 2011, chỉ có 17 phim truyện VN sản xuất, trong khi nhập 106 phim. Hệ thống rạp chiếu nhà nước chỉ thực hiện 74.387 buổi chiếu, với số buổi chiếu phim VN chiếm 31%. Còn hệ thống rạp của Cty nước ngoài, liên doanh và tư nhân thực hiện tới 194.383 buổi chiếu, nhưng buổi chiếu phim VN chỉ chiếm 14,68%.

Điện ảnh đến với miền núi còn ít

TS Trần Hữu Sơn - GĐ Sở VHTTDL tỉnh Lào Cai: Điện ảnh với miền núi đặc biệt quan trọng. Chưa thống nhất được cơ chế, nên các đội chiếu bóng lưu động tản mát, nhân lực bỏ đi, vì thế tổ chức nên thu về một mối về Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng của tỉnh và cần có cơ chế chính sách ưu đãi. Phải dùng phim điện ảnh, truyền hình tiếng dân tộc tuyên truyền thêm về biển, đảo để bà con hiểu đúng, chống lại các luận điệu xuyên tạc, thù địch.

Ông Nguyễn Hữu Tuyên - GĐ Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh Đắc Lắc: Phim truyện đề tài miền núi chưa được khán giả và đồng bào dân tộc thiểu số đón nhận nồng nhiệt. Phim tài liệu về bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc thiểu số, phim hoạt hình còn quá ít. Nhà nước cần tài trợ đặt hàng cho mỗi địa phương để tuyển dụng đồng bào dân tộc tại chỗ làm công tác điện ảnh và biên dịch phim lồng tiếng dân tộc. Đề nghị bộ sớm hoàn thiện văn bản pháp quy về đối tượng được xem phim miễn phí, số lần được xem, số buổi chiếu cho mỗi đội chiếu bóng lưu động (mỗi tháng khoảng 15 buổi), đầu tư cho khu vực Tây Nguyên một cụm rạp tại TP.Buôn Ma Thuột, một phim trường tại khu du lịch Buôn Đôn...

Giải pháp đột phá

Ông Phạm Văn Họa - Tổng GĐ Cty CP Fafilm VN - nêu ra 9 giải pháp, trong đó giải pháp 3 là ngành điện ảnh cần thuyết phục Bộ Tài chính, Chính phủ cho phép ngành tham gia quản lý ngành thông qua vé xem phim và cho phép trích lại một phần cho quỹ phát triển điện ảnh nước nhà...

Ông Trần Cảnh Tuệ - GĐ Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh Đồng Nai: Sự thay thế của kỹ thuật số cho phim nhựa đòi hỏi sự thay đổi gốc rễ từ máy móc, trang bị đến con người. Nên thành lập một hiệp hội phát hành phim và chiếu bóng.

Đại diện Cty CP phim Thiên Ngân đưa ra 4 nhóm kiến nghị giải pháp. Đầu tư rạp chiếu phim, nhất là các phòng chiếu kỹ thuật số để trình chiếu phim 3D và digital. Các hãng phim nhà nước nên phối hợp với các đơn vị tư nhân để tăng số lượng phim VN phát hành. Cần sự hỗ trợ của Cục Điện ảnh về một cơ chế thoáng trong việc quảng bá phim. Đề nghị Cục Điện ảnh duyệt phim linh hoạt hơn và duyệt bằng định dạng digital cho phù hợp xu thế chung.

TS Ngô Phương Lan - Cục Điện ảnh: Để điều tiết nguồn phim, có thể tính đến một tổ chức xã hội nghề nghiệp đứng ra điều tiết việc này, nhưng trước mắt, Cục Điện ảnh muốn sự hợp tác giữa các đơn vị phát hành phim sau khi “tận thu” ở các phòng vé các thành phố lớn, sẽ cung cấp phim (cho mượn hoặc thuê giá rẻ) để phục vụ bà con ở vùng sâu, vùng xa. Cục đề nghị Nhà nước khôi phục  chương trình Mục tiêu quốc gia về điện ảnh (thực hiện từ năm 1994, nhưng bị cắt giai đoạn 2012-2015) trong chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa...

... Nhìn chung, hội nghị đặt ra nhiều vấn đề, trong đó việc thành lập một hiệp hội phát hành phổ biến phim là mong muốn chung của các đại biểu, để tránh tình trạng độc quyền, chèn ép các hãng phim nhỏ, rạp đơn lẻ...

Theo Việt Văn - LĐO
 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng