Tạp chí Sông Hương -
Shakespeare: Sân khấu của thế giới
08:47 | 27/07/2012

Mùa hè này, trong khi người hâm mộ thể thao đổ đến London vì Olympics, thì nước Anh lại đang tưng bừng với món quà khác dành cho thế giới: các vở kịch của William Shakespeare. Bộ sưu tập quý hiếm bản sao hoặc bản gốc các vở kịch của đại thi hào được trưng bày tại Bảo tàng Anh, với tên gọi Shakespeare: Sân khấu của thế giới. Cùng với triển lãm là hàng loạt hoạt động đầy ý nghĩa.

Shakespeare: Sân khấu của thế giới

Triển lãm là lần trưng bày cuối cùng của tuyển tập sưu tầm toàn bộ các vở kịch của Shakespeare, một cuốn sách cũ nhưng duy nhất, vô cùng quý hiếm. Cuốn sách là tài sản của Sonny Venkatrathnam, một cựu tù chính trị Nam Phi bị bắt giam vì chống lại chế độ phân biệt chủng tộc. Ông đã bí mật gìn giữ cuốn sách này trong nhà tù ở đảo Robben qua nhiều năm và cùng chia sẻ cuốn sách với các bạn tù thời đó. Cuốn sách có dòng đề tựa của một cựu tù chính trị Nam Phi khác vô cùng nổi tiếng là Nelson Mandela. Cựu Tổng thống Nam Phi viết: “Sự hèn nhát đã chết trước cái chết rất nhiều lần. Còn sự dũng cảm thì chỉ duy nhất một lần nếm trải cái chết”.

Sonny Venkatrathnam bị giam cùng với Nelson Mandela trong những năm 1970. Thời kỳ đó, cuốn sách còn được biết đến với tên gọi “Kinh thánh đảo Robben”. Venkatrathnam đã che mắt các cai tù bằng cách nói với họ đây là cuốn kinh thánh của William Shakespeare, bởi thời đó tất cả sách vở, tài liệu không liên quan tới tôn giáo đều bị cấm trong tù. Cuốn sách được ngụy trang bởi bìa và hình minh họa về đạo Hindu và lễ hội Diwali. Venkatrathnam kể: “Trong suốt nhiều năm giam cầm tôi trên đảo Robben, họ không hề động đến cuốn sách”. Giám đốc Bảo tàng Anh Neil MacGregor nhận xét, cuốn sách là biểu tượng kỳ diệu đầy ý nghĩa của Shakespeare đối với tất cả chúng ta.

Triển lãm là một phần của những hoạt động kỷ niệm Shakespeare trong tháng 7 - 8 tại Anh, trong đó có cả lễ khai mạc Olympic London 2012 diễn ra vào ngày 27.7, lấy cảm hứng từ những vở kịch của đại thi hào. Triển lãm ở Bảo tàng Anh kéo dài đến tận cuối tháng 11, bao gồm cả một số đồ tạo tác từ thời của Shakespeare, trong đó có một số bản thảo viết tay các vở kịch, cùng với ghi âm một số đoạn nhạc kịch... Bate, đồng giám tuyển triển lãm cho biết: “Bởi cả thế giới đang hướng sự chú ý tới Olympic London 2012, cho nên chúng tôi muốn quan sát cách thế giới đến với London và cách London nhìn thế giới cách đây 400 năm”.

Triển lãm đề cập đến những điều ảnh hưởng đến văn chương của Shakespeare, từ phong cảnh vùng nông thôn nơi ông sống hồi trẻ, cho đến những cuộc đấu tranh giành quyền lực dưới chế độ quân chủ, hay các phát minh nổi bật từ thế giới mới, cuộc viếng thăm của các du khách nướác ngoài và việc hình thành Liên hiệp Anh với sự thống nhất của Hoàng gia Anh và Scotland dưới thời vua James đệ I. Một vài hiện vật cho thấy một thế giới lạnh lùng và đầy bạo lực, khác xa với thế giới hiện nay. Có cả chiếc mũ giáp sắt của Vua Henry V, chiếc xương sọ của gấu, kìm sắt banh miệng - vật dụng chuyên để tra tấn và trừng phạt những phụ nữ bị coi là phù thủy. Ngoài ra, còn nhiều hoạt động khác như kênh BBC liên tục phát sóng các vở kịch lịch sử của Shakespeare, hay công ty Hoàng gia Shakespeare tổ chức Festival Shakespeare. Kể từ tháng 4, công ty này đã đưa nhiều đoàn kịch từ các nước trên thế giới tới Anh để diễn các vở kịch của Shakespeare. Các vở kịch được dàn dựng và trình diễn với hơn 40 ngôn ngữ, từ Romeo and Juliet bằng tiếng Iraq, Giấc mộng đêm hè bằng tiếng Nga cho tới Richard III bằng tiếng Brazil. Đạo diễn Mỹ Peter Sellars, mang tới Festival vở kịch Desdemona, dàn dựng lại từ Othello, nhận xét: Shakespeare thực sự là tác giả của toàn thế giới.

Khó có thể phân tích được cặn kẽ tài năng của Shakespeare. Đó là tổng hợp của sự phong phú về ngôn từ, những tiên đoán về con người, từ cặp tình nhân cùng nhau chống lại sự cấm đoán của gia đình cho đến vị vua đấu tranh với những gánh nặng quyền lực. Shakespeare lấy bối cảnh các vở kịch của mình ở Venice, Verona, Đan Mạch và Ai Cập, những nơi ông mới chỉ biết đến qua sách vở chứ chưa từng đặt chân đến. Những vở kịch của ông dường như giúp tạo ra một thế giới mới cho khán giả, và đã ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều thế hệ khán giả trên khắp thế giới, cho đến tận ngày nay. Đồng giám tuyển Bate nhận xét: “Ông ấy thực sự là một thiên tài của toàn thế giới, một biểu tượng của Anh được thế giới biết đến nhiều nhất. Ông ấy có thể nói với khán giả của cả thế giới, bất kể vị trí địa lý, chính trị. Dù bạn là ai, bạn cũng có thể nhận ra thông điệp dành riêng cho mình trong những vở kịch của ông. Đối với tôi, ông ấy là nhà triết học của cả vũ trụ”.

Theo Thành Nguyên - ĐBND

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng