Tạp chí Sông Hương -
Có chu toàn mới nên duyên
14:06 | 01/08/2012

Với khoảng 40 vai diễn trên màn ảnh, Nghệ sĩ Nhân dân Liên bang Nga Irina Muravyova đã khai thác những tính cách nhân vật đa dạng nhờ lối sống chu toàn, trí tưởng tượng phong phú, chất hài hước sắc bén và tài năng diễn xuất, để lại ấn tượng đậm trong Moskva không tin vào nước mắt, Hội hóa trang, Duyên dáng nhất, quyến rũ nhất, Ra đời đừng xinh gái...

Có chu toàn mới nên duyên
Irina Muravyova trong phim Moskva không tin vào nước mắt

Tình yêu mãnh liệt

Chiến tranh. Một chiến sĩ Hồng quân giải thoát một cô gái khỏi trại tù phát xít, sau đó hai người trở lại thủ đô và làm lễ cưới, rồi ngày 8.2.1949 cho ra đời cô con gái đầu lòng Irina Muravyova.

Irina thông minh lanh lợi, học vào loại xuất sắc ở trường tiểu học, sau đó đều đạt loại khá dù cô cũng như bạn bè cùng trang lứa, có lúc chạy theo đám bạn trai trốn tiết hoặc trêu chọc cả... thầy. Nhưng nhìn chung, cô được bố mẹ cho ăn ngon mặc đẹp và giáo dục rất nghiêm, bắt sinh hoạt theo nền nếp khuôn khổ. Có lẽ theo đà đó mà hồi nhỏ cô chỉ mơ trở thành cô giáo tiểu học, mãi đến mười lăm tuổi, tình yêu nghệ thuật mới lóe lên.

Năm 1966, xong bậc phổ thông, cô rải đơn vào tất cả các trường sân khấu hiện có ở Moskva, nhưng thi vào trường nào cũng... trượt. Phải mất một năm đi làm kiếm sống rồi thử lại vận may, và kết quả lần này cũng nhỉnh hơn lần trước: đỗ vào khóa đào tạo diễn viên thuộc Nhà hát Kịch Thiếu nhi Trung ương, nơi chỉ nhận thí sinh có hộ khẩu Moskva và tỉ lệ chọi thấp nhất. Học xong (1970), Irina được tuyển vào nhà hát. Chẳng bao giờ dám nhận mình là người đẹp, trong thâm tâm chỉ thích được vào những vai lãng mạn, vậy mà cô toàn phải đóng những nhân vật khác, có khi phải giả trai: cậu bé Fedia trong vở Năm 2001 của Sergei Mikhalkov, Liuba - Đội cận vệ thanh niên của A. Fadeev, Viola – Đêm thứ mười hai (của Shakespeare)... Khi cảm thấy chật chội trong khuôn khổ của nhà hát thiếu nhi, năm 1977, Muravyova chuyển sang nhà hát Mossoviet và quyết tâm bổ sung kiến thức, vừa diễn vừa học tại Đại học Sân khấu Quốc gia mang tên A. V. Lunacharsky (1978-1982). 

Không tin vào nước mắt

Một diễn viên đa năng như thế, nhưng lạ thay! – đã có cả một thời gian dài không được Nghệ thuật Thứ Bảy để ý tới, thỉnh thoảng mới thấy trên màn ảnh nhỏ: trong những vở kịch truyền hình Cuộc đời lạ lùng, Chuyện thần thoại về bốn người đồng sinh, Những kỳ nghỉ ở Moskva. Đã có lúc Irina tưởng mình không thể ló dạng trên màn bạc, chỉ muốn xin về một tỉnh lẻ, may ra có cơ trở thành diễn viên trụ cột, hễ đứng tên trong kịch mục là cả thành phố đổ vào xem.

Và rồi tài năng cùng nhiệt huyết cũng đến lúc gặp cơ duyên để Irina có một vai khá ấn tượng: cô thợ sơn Zinaida bướng bỉnh trong bộ phim truyền hình bảy tập Những con người khác nhau (năm 1973, đạo diễn Gennady Pavlov) – một câu chuyện sinh động về những học viên buổi tối với những nhà sư phạm vừa mới ra trường. Tiếp đó – vai Suzanna trong bộ phim li kỳ Án mạng thuần túy theo kiểu Anh (1974, Samson Samsonov chuyển thể tiểu thuyết hình sự cùng tên của nhà văn Anh Cyril Hare, 1900-1958) phanh phui những quan hệ rắc rối trong những người thân thích của một nhà quý tộc từ khi con trai ngài đột tử. Kể cũng trớ trêu: lần ấy, thử vai xong, Muravyova chẳng được lòng ai cả, duy có mỗi đạo diễn là cứ khăng khăng thuyết phục Hội đồng Nghệ thuật “không kiếm được ai hợp vai hơn cô này đâu”.

Đang học đại học, Muravyova nhận được lời mời từ đạo diễn Vladimir Menshov, vào vai Liudmila, một trong ba nhân vật nữ chính của phim Moskva không tin vào nước mắt. Khi đọc kịch bản, nữ nghệ sĩ còn rất hoài nghi – âu cũng là lẽ thường, vì khi đó mấy ai ngờ được rằng bộ phim ra đời lại có một số phận sáng láng như thế: được khán giả nhiều nước trên thế giới hâm mộ, rồi Oscar - giải thưởng điện ảnh uy tín nhất, của Viện Hàn lâm Điện ảnh Mỹ, dành cho bộ phim nước ngoài hay nhất năm.

Thực ra, nhân vật đó cũng không phù hợp lắm với sở thích của nữ nghệ sĩ: một cô gái yêu đời đến thủ đô mong có cuộc sống tốt đẹp hơn, làm ở lò nướng bánh mì, ăn mặc theo mốt mới nhất, lấy được người chồng nổi tiếng, khi chồng nát rượu và sa vào cảnh nợ nần, cô trở thành người đàn bà đơn độc. Tuy nhiên, cô là người kiêu hãnh, dám dọa nạt một anh con trai đang có ý định bỏ rơi bạn gái của mình, nhiều khi còn liều lĩnh quá thể, lúc nào cũng chỉ muốn lập tức có được tất cả... Không thích, nhưng tính chuyên nghiệp cao của một diễn viên kỳ cựu đã giúp Muravyova tạo nên một Liudmila sống động trên màn ảnh. Lần đầu tiên xem vai mình đóng trong Moskva không tin vào nước mắt, nữ nghệ sĩ đã khóc: “Tất cả những gì trái ngược với tôi trong đời thực thì tuôn hết lên màn ảnh: nhân vật tôi đóng thật là bỗ bã và ráo riết”. Nhưng chính nhờ vai đó mà Muravyova trở thành siêu nổi tiếng trong hàng triệu khán giả và được nhận giải thưởng Nhà nước Liên Xô 1981.

Từ đó, nữ nghệ sĩ không thiếu vai trong các bộ phim có nhân vật nữ từ nhà quê ra nhưng đầy chí tiến thủ, các nhân vật đó đều chính diện một trăm phần trăm, song bao giờ cũng có nét độc đáo, dễ gần và đặc biệt duyên dáng. 

Duyên dáng nhất, quyến rũ nhất

Trong Hội hóa trang (1981, Tatyana Lioznova), Muravyova ngoài ba mươi tuổi hóa thân thành Nina Solomatina cô gái mười bảy tuổi đến thủ đô để thi vào một trường nghệ thuật sân khấu, về sau trở thành ngôi sao ca nhạc truyền hình. Cảnh cô trước trạm điện thoại công cộng với ca khúc Gọi cho em đi, gọi nhé! còn ngân nga nhiều năm sau đó.

Trong Duyên dáng nhất, quyến rũ nhất (1985, Gerald Bezhanov), nhân vật có đời sống nội tâm rất phức tạp. Cuộc sống của nữ kỹ sư Nadia Kliueva bị chia sẻ thiên lệch: dành tối đa cho xã hội và tối thiểu cho riêng tư. Khi Nadia đã ngoài ba chục tuổi, cô bạn thân vốn là nhà xã hội học phải vận dụng chuyên môn để cảm hóa nàng yêu một người đồng nghiệp đúng mốt và đang là mơ ước của nhiều phụ nữ khác. Nhưng hóa ra, tất cả các biện pháp khoa học chỉ là trò vớ vẩn, Nadia chỉ thấy anh bạn thường cùng chơi bóng bàn và hằng thầm yêu trộm nhớ mình - sau một thời gian bị bỏ rơi - mới đích thực là tặng phẩm của số phận.

ấy vậy mà khi nhận vai, nữ nghệ sĩ rất sợ cái nhan đề - vì bản tính khiêm tốn - và rất ngạc nhiên: sao đạo diễn lại giao cho mình một vai như thế? “Tôi không giống những nhân vật ấy, có lẽ khi tôi trêu đùa, cười cợt và nổi hứng thì mới giống họ được phần nào – còn đại thể, tôi là người lặng lẽ, điềm đạm và nghiêm túc, làm gì có sự tinh nhanh như họ được”.

Gắng sống chu toàn

Chính nhà hát Thiếu nhi Trung ương là nơi gây dựng tổ ấm cho Muravyova: năm 1973 - kết hôn với Leonid Eidlin, đạo diễn của nhà hát đó và lần lượt cho ra đời hai cậu con trai Daniil và Evgeny. Hồi ấy, hoàn cảnh kinh tế khá khó khăn, con em nghệ sĩ hầu hết đều phải lớn lên sau cánh gà sân khấu, nhưng hai con của Muravyova may mắn hơn, vì bố mẹ sống theo phương châm “không để thiếu thì giờ dành cho con cái”, nên được hưởng sự giáo dưỡng khá đầy đủ. Nữ nghệ sĩ thích một trong những vai diễn gần nhất - bà mẹ của Katia trong phim truyền hình nhiều tập Ra đời đừng xinh gái (2005-2006, Fernando Gaitán - Colombia), một phụ nữ luôn tôn trọng tính nền nếp trong cuộc sống. 

Muravyova vẫn hay được mời đóng phim, nhưng chỉ nhận những phim mình thích và không lợi dụng ưu thế “vợ nhà đạo diễn”. Năm 2003, lần thứ ba sau Người đàn bà ấy bên khung cửa (1993) và Mừng hạnh phúc mới (1999, 2001), bà nhận vai trong phim của chồng mình: Cứu thế dưới bóng cây bạch dương – kể chuyện một ngôi nhà thờ dựng ở Moskva từ thế kỷ XVI, thông qua mười hai chuyện đời của những nhân vật khác nhau. ấy là vì một lẽ nữa: sang tuổi xế chiều, bà trở thành một tín đồ sùng đạo, trước khi đi biểu diễn bao giờ cũng phải cầu nguyện hồi lâu. 

Muravyova liên tục xuất hiện trên màn ảnh suốt thập niên 1990: thợ vắt sữa bò chất phác và hài hước trong Năm con bê (1986, Vladimir Popkov), bà Galina vui vẻ lạc quan trong bộ phim tâm lý xã hội Nữ nghệ sĩ đến từ Gribov (1988, Leonid Kvinikhidze), cô Vera mẫn cảm trong Gặp nhau, mình thấy lạ lùng (Dmitri Dolinin)... Sau đó, điện ảnh Nga gặp khủng hoảng, bà xuất hiện thưa dần, gần đây là vai nhũ mẫu Anna trong bộ phim truyền hình nhiều tập Một đêm của tình yêu (2008, Mikhail Mokiev và Boris Rabei) và Ekaterina, bà già về hưu có đứa con trai duy nhất bị tàu hỏa chẹt chết trong Một bà người Hoa (2009, Vladimir Tumaev, do Menshov sản xuất). 

Với một loạt nhân vật là người cùng thời với mình, Irina Muravyova đã thể hiện một tài năng đặc biệt: hóa thân rất giỏi vào các vai diễn, nhạy bén với cảm giác hài hước và biết làm duyên. Từ năm 1993, bà đầu quân về Nhà hát Maly, mở ra những biên độ mới trong nghệ thuật diễn xuất và là nữ diễn viên hàng đầu của nhà hát lâu đời nhất nước Nga.

                                                                                   Theo Đăng Bẩy  - NĐBND

Các bài mới
Các bài đã đăng