1. Cho tới bây giờ tôi vẫn hình dung được Bế Kiến Quốc hồi bé đi học như thế nào vì tôi và Quốc cùng học một lớp tiểu học ở Tp Nam Định. Sau này Đỗ Bạch Mai (vợ Bế Kiến Quốc) kể lại: Tình cờ Mai cũng học ở ngôi trường này nhưng chỉ cùng là địa điểm thôi vì trường của Mai học là trường Lê Chân dành cho nữ sinh, còn trường tôi và Quốc học là trường Trần Quốc Toản.
Sau này hai trường mới sáp nhập làm một. Hồi đó Quốc và tôi vóc dáng nhỏ bé nên cô giáo Thái dạy lớp 3 thường xếp ngồi ở những bàn đầu lớp. Khi Quốc học cấp III, thầy Phạm Thúy là thầy dạy văn và bồi dưỡng Quốc lúc đó là thành viên đội tuyển văn của trường cấp III Hoàng Văn Thụ cùng với Phùng Hữu Phú... Lại cũng là cái duyên, tôi học văn cấp II cô Nguyến là vợ thầy Phạm Thúy. Vì thế tôi cũng được coi là học trò của vợ chồng thầy Phạm Thúy. Bế Kiến Quốc học giỏi văn từ nhỏ nên khi được xét tuyển vào học đại học, Quốc được gọi vào học khoa văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tôi được xét vào học khoa văn Đại học Sư phạm Hà Nội.
Tôi và Bế Kiến Quốc không thật thân nhau lắm, nhưng khi tôi làm trưởng ban liên lạc học sinh trường Lê Hồng Phong - Nam Định khóa 1963 - 1966 (hết lớp 8 Quốc và các bạn ở 2 lớp 8H và 8K trường cấp III Lê Hồng Phong được tách ra để thành lập trường cấp III mới mang tên trường cấp III Hoàng Văn Thụ đóng ở bên cạnh nhà thờ Khoái Đồng - Nam Định) đã tổ chức một cuộc giao lưu tại nhà Bế Kiến Quốc lúc đó ở cạnh Hồ Ngọc Khánh, Ba Đình - Hà Nội vào dịp đầu xuân năm 1989.
Tôi nhớ có lần tôi hỏi: "Quốc là dân tộc Kinh sao lại mang họ Bế". Quốc có nói với tôi: Quốc được các cụ trong họ giải thích vì là dòng dõi Nguyễn Trãi nên phải đổi họ để tránh bị họa tru di tam tộc. Không biết Quốc có nói điều đó với ai nữa không, còn với riêng tôi, tôi rất nhớ lời giải thích này của Quốc.
Quốc có năng khiếu văn thơ từ nhỏ và đi theo nghiệp văn chương nhờ được học văn của các thầy dạy văn giỏi như thầy Phạm Thúy và các thầy cô giáo khác từ hồi học phổ thông. Bế Kiến Quốc quan tâm tới các bạn cùng dính vào nghiệp văn chương. Tôi nhớ khi Quốc ra tập thơ "Cuối rễ đầu cành", trong một dịp đi công tác tại Nam Định, Quốc có đến nhà tôi ở phố Nguyễn Du, Nam Định để tặng tập thơ này. Hôm đó là ngày 1/10/1994. Cùng đi với Quốc có họa sĩ Thành Chương, bạn thân của Quốc ở tòa soạn Báo Văn nghệ. Rất nể trọng Quốc, tôi có đưa cho Quốc xem một số bài thơ của tôi đăng ở tạp chí Văn Nhân và một vài tờ báo ở địa phương. Quốc khuyến khích tôi tiếp tục làm thơ vì Quốc cho rằng thầy giáo dạy văn mà sáng tác được thơ văn thì năng lực cảm thụ văn chương, niềm say mê văn chương dễ truyền thụ cho học sinh hơn. Tôi đã làm theo điều Quốc khuyên nên đến năm 1996, tôi ra được tập thơ đầu tay là tập thơ "Đáy mắt". Tập thơ này đã được Hội Văn học Nghệ thuật Nam Hà tặng thưởng năm 1996. Khi Quốc làm Tổng biên tập Báo Người Hà Nội thì tôi cũng đã chuyển về công tác tại Bộ Giáo dục và Đào tạo. Lúc này Trần Trung là bạn học từ nhỏ với tôi và Bế Kiến Quốc cũng đã chuyển về dạy tại trường THPT chuyên ngoại ngữ thuộc Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Cũng như tôi, Trần Trung đam mê văn chương nên thỉnh thoảng có gửi thơ cho Quốc. Tuy là bạn nhưng Quốc rất sòng phẳng trong văn chương. Bài nào Quốc thấy được mới cho đăng, vì thế tôi và Trần Trung càng nể trọng Quốc, tin vào sự thẩm định thơ của Quốc. Bạn là bạn, văn chương là văn chương, không có sự ưu ái châm chước, tính cách của Bế Kiến Quốc là vậy.
2. Nguyễn Văn Thọ và Di Li đã có những bài viết kể về sự quan tâm dìu dắt của Bế Kiến Quốc đối với các tác giả mới bước vào con đường viết văn. Nhân đây tôi cũng xin được nói thêm đôi điều về sự quan tâm của Quốc đối với các bạn viết văn trẻ. Chắc hẳn chúng ta còn nhớ, thời kỳ đầu Đổi mới, Quốc là người đã cưu mang Phùng Gia Lộc sau khi bài ký "Cái đêm hôm ấy đêm gì" ra đời, Lộc phải chịu bao nhiêu khốn khó ở địa phương. Tình bạn cảm động ấy, sau này là nguồn cảm hứng để Quốc viết các bài thơ: "Sông Chu", "Nhớ bạn".... Trang đó có những câu thơ đầy xúc động ''Đầu làng cổ thụ/ Đợi ta mà già/ Bạn đừng khuất nữa/ Sông đứng nước qua (Nhớ bạn).
Vì Bế Kiến Quốc có tuổi thơ gắn bó với Nam Định nên Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nam Ninh trước đây, sau này là Hội Văn học nghệ thuật Nam Hà rồi Nam Định hay mời Bế Kiến Quốc về bồi dưỡng năng khiếu viết văn cho các em học sinh. Lê Hoài Nam, Phạm Trọng Thanh, Trần Đắc Trung, Nguyễn Thế Vinh - những nhà thơ của Nam Định đã nhiều lần mời Bế Kiến Quốc về các lớp bồi dưỡng viết văn cho thiếu nhi Nam Định. Khi tôi dạy văn rồi làm cán bộ quản lý tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, tôi đã mời Bế Kiến Quốc về nói chuyện cho học sinh chuyên văn của trường. Một số cây bút trẻ đã từng học ở các lớp chuyên văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong sau này ra làm báo hay viết văn, đặc biệt là các em ở thế hệ 7X như Nguyễn Phương Liên (Báo Nhân dân), Bình Nguyên Trang, Ngô Hương Sen (Báo Công an nhân dân), Phong Điệp (Báo Văn Nghệ trẻ) hình như đều ít nhiều được Bế Kiến Quốc bồi dưỡng.
Tôi nhớ trong một dịp trường THPT chuyên Lê Hồng Phong tổ chức thi sáng tác văn thơ để chuẩn bị ra tập san kỷ niệm thành lập trường, Bế Kiến Quốc có nhận lời tư vấn cho ban tổ chức. Khi đó Bình Nguyên Trang còn đang học lớp 10, Quốc đã có nhận xét về cây bút này và chúng tôi đã tặng giải cho Bình Nguyên Trang tại cuộc thi đó khi thấy lời nhận xét của Quốc là xác đáng. Viết lại những kỷ niệm này, tôi muốn bộc lộ sự tri ân với một nhà thơ giàu tình cảm, có con mắt tinh đời khi thẩm định văn chương, có cái tâm dìu dắt các bạn viết văn trẻ.
3. Là một thi sĩ có tâm hồn đa cảm, lại công tác ở một tờ báo lớn của Hội Nhà văn nên Bế Kiến Quốc được nhiều bạn bè và những người yêu văn thơ mến mộ. Đọc những bài thơ Quốc viết trên các nẻo đường công tác, biết Quốc luôn rung động trước vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước cũng như các thân phận, các mảnh đời ở những miền quê đó. Ở bài viết này, tôi chỉ xin đề cập đến cái tình mà Bế Kiến Quốc dành cho vợ con. Trong tập "Cuối rễ đầu cành" là các bài thơ "Bài bốn câu số 30", "Bài bốn câu số 35" với những câu thơ viết về Đỗ Bạch Mai - vợ anh:
Xe chạy. Em đi. Buồn ở lại
Gió ngừng rung bóng cây. Và mây
Ngừng trôi. Chiều tới. Rồi đêm tới
Mưa tới... Em đi đã một ngày
và:
Buổi sáng em về trời hửng sớm
Mây ngây ngất trắng nắng hây hây
Trong hoa tim tím vàng bươm bướm
Náo nức chờ ai ríu rít bay...
Rồi vẫn những trạng thái tình cảm nhớ nhung chờ đợi khi xa vắng; xốn xang hạnh phúc khi ở bên nhau, Bế Kiến Quốc nói trong bài thơ văn xuôi "Trước cửa ga" về những suy nghĩ trước cuộc đời, trước tình yêu và hạnh phúc. Đây là một đoạn trong bài thơ:
"Đêm đã khuya. Chuyến tàu hẹn chưa về. Em đã gặp những gì trong mấy tuần xa cách?Anh mở to cặp mắt, nhìn qua những cái đầu lô xô, nhìn qua đống ngổn ngang của những kiện hàng và những gói đồ, qua cảnh ga ồn ào đua chen... Cuộc đời như nhà ga, bao nhiêu điều ngẫu nhiên, bao nhiêu xáo động, có kẻ lỡ tàu, có người nhầm chuyến, bao số phận may rủi buồn vui ngược xuôi...
Tình yêu rất đẹp, rất thiêng liêng, nên tình yêu cũng vô cùng mong manh.
Anh giăng tâm hồn mình trên từng ga con tàu đi qua, trên từng toa, trên từng cửa sổ... Anh giăng tâm hồn mình trên mỗi ngọn đèn xanh đèn đỏ, trên mỗi đoạn đường ray, trên mỗi thanh tà vẹt... Tâm hồn anh thức canh, giữa dòng người ồn ào đua chen... Phải canh chừng bao nhiêu điều ngẫu nhiên, cho đêm nay tình yêu về tới đích.
Và, trên dòng nước đầy bất trắc, chiếc thuyền giấy mỏng manh trong trắng của anh đang thanh bình trở lại cập vào bờ cỏ xanh...".
Để kết lại bài viết này tôi xin kể về lần cuối tôi được gặp Bế Kiến Quốc. Đó là lần tôi vào thăm Bế Kiến Quốc tại Bệnh viện Hữu Nghị. Lúc đó Quốc cũng đã điều trị cả thuốc tây và thuốc Đông y. Quốc rất mệt nhưng nét mặt hôm đó vui lắm, vì con gái Quốc đã làm một bài thơ tặng ba Quốc. Quốc đưa tờ báo rồi tâm sự với tôi: Quốc vui vì thấy con gái mình đã trưởng thành.
Tôi xin được trích lại mấy câu trong bài thơ đó:
Một tháng nay, Bố nằm viện
Con chỉ biết chạy ra chạy vào, loanh quanh...
Hỏi Bố thích ăn gì, con mang đến cho Bố...
Con nhìn Bố gầy gò, ốm yếu
Không cầm nổi nước mắt.
Khi con viết những dòng này,
Bố đang trốn viện nằm ở nhà...
Con biết Bố đang lo cho chính mình lắm...
Nhưng Bố ơi, Bố hãy yên tâm nhé!
Mẹ và chúng con luôn tin tưởng Bố sẽ chiến thắng.
Bố là sức mạnh của cả nhà, là bờ vai yêu thương của con mà Bố...
(Thơ của Bế Đỗ Minh Văn)
Bế Kiến Quốc đã xa chúng ta 10 năm, nhưng những vần thơ của Quốc, cái tình của Quốc đối với gia đình, với bạn bè, với những người mới bước vào con đường viết văn mãi mãi vẫn còn với chúng ta
Theo Trần Bá Cao- VNCA