Nếu các quốc gia tranh chấp Biển Đông đưa ra các yêu sách biển tuân thủ nghiêm ngặt UNCLOS sẽ mở ra cơ hội cho các cuộc đàm phán giữa các nước nhằm đạt được những thỏa thuận về phát triển chung trong các khu vực thực sự chồng lấn.
Lời bình luận
Khi chúng ta nhận thấy hàng loạt các hành động và phản ứng của các quốc gia đang gây nên những căng thẳng ngày càng gia tăng tại Biển Đông, dường như không có quy tắc luật quốc tế nào điều chỉnh các hoạt động của các quốc gia yêu sách, và dường như điều đó là trò chơi của chính trị của kẻ mạnh. Nhưng không đơn giản là thế.
Ý nghĩa của UNCLOS
Công ước luật biển của Liên Hợp Quốc năm 1982 (UNCLOS) có vai trò chủ đạo đối với các tranh chấp tại Biển Đông vì ba lý do.
Thứ nhất, UNCLOS thiết lập một khuôn khổ pháp lý chi tiết quy định các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia về việc sử dụng các đại dương. Tất cả các quốc gia với các yêu sách về biển tại Biển Đông (Trung Quốc, Bru-nây, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin và Việt Nam) là các bên của UNCLOS và chịu ràng buộc về mặt pháp lý đối với các điều khoản của UNCLOS.
Thứ hai, UNCLOS quy định các vùng biển mà các quốc gia ven biển có thể yêu sách từ lãnh thổ đất liền mà quốc gia có chủ quyền. Chẳng hạn, các quốc gia ven biển có quyền thiết lập lãnh hải 12 hải lý liền kề với bờ biển mà ở đó các quốc gia có chủ quyền, trừ quyền đi lại vô hại của tất cả các nước.
UNCLOS cũng quy định rằng các quốc gia ven biển có quyền có vùng Đặc quyền kinh tế (ĐQKT) rộng 200 hải lý từ bờ biển mà ở đó họ có quyền chủ quyền với mục tiêu thăm dò và khai thác các tài nguyên sinh vật và không sinh vật ở vùng nước và vùng đáy biển và lòng đất đáy biển. Theo quy chế pháp lý của vùng ĐQKT, các quốc gia ven biển có quyền chủ quyền khai thác nguồn cá trong vùng ĐQKT, và họ có thể cấm các quốc gia đánh cá, bao gồm các quốc gia có ngư dân thường xuyên đánh cá trong vùng ĐQKT.
Thứ ba, UNCLOS quy định các vùng biển có thể được các quốc gia yêu sách từ các thực thể địa lý ngoài khơi.
Cách thức các quốc gia làm rõ các yêu sách vùng biển
Một trong những các nguyên nhân căng thẳng tại Biển Đông là việc một số các quốc gia đang yêu sách về vùng biển quá mù mờ và không hoàn toàn tuân thủ các quy định của UNCLOS. Nếu các quốc gia thực hiện các biện pháp đưa ra yêu sách vùng biển tuân thủ nghiêm ngặt vơi các quyền và nghĩa vụ theo UNCLOS, điều đó sẽ hỗ trợ rất lớn trong việc xác định các tranh chấp biển tại Biển Đông. Có ba kiểu biện pháp mà các quốc gia có thể tiến hành.
Thứ nhất, các quốc gia yêu sách vùng ĐQKT 200 hải lý tính từ đường bờ biển đất liền (hay từ quần đảo chính trong trường hợp của Phi-líp-pin), trong trường hợp chưa làm, nên thông báo chính thức ranh giới ngoài của vùng ĐQKT thông qua việc công bố biểu đồ hay danh mục các tọa độ địa lý theo yêu cầu của UNCLOS. Ngoài ra, nếu các quốc gia có vùng lãnh hải 12 hải lý và vùng ĐQKT 200 hải lý từ đường cơ sở thẳng dọc bờ biển, nếu các quốc gia chưa làm thì nên công bố chính thức các đường cơ sở đó thông qua việc công bố biểu đồ hay danh mục tọa độ địa lý theo yêu cầu của UNCLOS.
Thứ hai, các quốc gia yêu sách nên xác định tên và vị trí của các đảo mà các quốc gia đòi hỏi chủ quyền. Điều này quan trọng vì các quốc gia có thể yêu sách chủ quyền chỉ với các thực thể đảo đá xa bờ đáp ứng được định nghĩa về “đảo”, và chỉ có các đảo mới có lãnh hải và các vùng biển khác. Một đảo được định nghĩa là “vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước.” Phần lớn các thực thể địa lý ở Biển Đông là các đá, bãi cạn, bãi cát hay bãi cạn nửa nổi nửa chìm không nổi trên mặt nước khi thủy triều lên. Một nghiên cứu học thuật có kết luận rằng chưa đến 25% trong số khoảng 170 thực thể địa lý tại quần đảo Trường Sa đáp ứng định nghĩa về đảo.
Thứ ba, nếu các quốc gia yêu sách tin rằng không có đảo nào thuộc yêu sách có vùng ĐQKT và TLĐ, họ nên xác định những đảo như vậy và thông báo về yêu sách về vùng ĐQKT thông qua việc công bố biểu đồ hay danh mục chính thức các tọa độ địa lý của các yêu sách theo quy định của UNCLOS. Điều này quan trọng bởi hầu hết các đảo tại Biển Đông đều là các đảo đá nhỏ và không có người ở. Theo UNCLOS, “đảo đá không thích hợp cho con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng” thì không có vùng ĐQKT và TLĐ.
Phát triển chung trong khu vực có các yêu sách chồng lấn
Nếu các quốc gia yêu sách thực hiện các biện pháp trên, điều đó có thể đảm bảo các yêu sách vùng biển phù hợp với UNCLOS, và các khu vực có yêu sách về vùng biển chồng lấn có thể được xác định. Khi các khu vực có yêu sách biển chồng lấn được xác định, UNCLOS buộc các quốc gia có liên quan đi tới những dàn xếp tạm thời có tính chất thực tiễn, mà không phương hại đến thỏa thuận cuối cùng về việc phân định biên giới trên biển. Những dàn xếp như vậy có thể bao gồm các hiệp định về phát triển chung về nghề cá hay các nguồn lợi dầu mỏ.
Ngoài ra, UNCLOS quy định rằng trong thời kỳ quá độ, các Quốc gia không được phép tiến hành hành động đơn phương trong khu vực biển chồng lấn do sẽ làm phương hại hoặc cản trở việc đạt được thỏa thuận cuối cùng về phân định biên giới biển. Cuối cùng, những dàn xếp tạm thời như vậy sẽ không phương hại đến bất cứ yêu sách liên quan đến chủ quyền lãnh thổ đối với các đảo và tới viêc hoạch định cuối cùng về biên giới trên biển.
Nếu các quốc gia thành viên đảm bảo các yêu sách về biển tuân thủ UNCLOS như trình bày phía trên, điều đó có thể xác định được khu vực yêu sách chồng lấn. Điều này là phù hợp với Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ngày 20/7/2012 về Nguyên tắc 6 điểm, trong đó, các Bộ trưởng tái khẳng định cam kết của các quốc gia thành viên ASEAN về việc tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc Luật quốc tế được công nhận phổ cập, trong đó có UNCLOS.
Điều đó mở ra cơ hội đàm phán giữa các quốc gia yêu sách để tiến tới đạt được các dàn xếp tạm thời, trong đó có các hiệp định về phát triển chung, giống như nhận định của Đặng Tiểu Bình trước đây, cách thức bền vững duy nhất là giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ khó giải quyết tại Biển Đông là gác tranh chấp cùng khai thác tài nguyên.
Robert Beckman là Giám đốc, Trung tâm Luật Quốc tế, Giáo sư, Khoa Luật, Trường Đại học quốc gia Singapore.
Theo Hương Lan - Nghiencuubiendong (gt)