Tạp chí Sông Hương -
Những "đứa con" kinh điển giữa văn học và điện ảnh
16:05 | 22/08/2012

Đã có những tác phẩm trở thành "kinh điển" ngay cả khi là tác phẩm văn học và cả khi được chuyển thể lên màn ảnh điện ảnh.

Những "đứa con" kinh điển giữa văn học và điện ảnh

Có rất nhiều bộ phim kinh điển của điện ảnh được lấy cảm hứng từ một tác phẩm văn học. Nhiều bộ phim không vượt qua được "cái bóng" của tác phẩm văn học, nhưng cũng có nhiều bộ phim đã gặt hái được thành công lớn hơn, có sức sống sinh động hơn tác phẩm văn học. Dưới đây là những tác phẩm xuất sắc, đã có được sự kinh điển ngay cả khi là tác phẩm văn học, và cả khi là một bộ phim.

 

Cuốn theo chiều gió (Gone with the Wind)


Tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió xuất bản lần đầu năm 1936 tại Mỹ là cuốn tiểu thuyết lãng mạn của nữ nhà văn Margaret Mitchell, bà đã giành giải Pulitzer năm 1937 nhờ tác phẩm này, đây là một giải thưởng danh giá cho những cống hiến trong lĩnh vực văn học và báo chí.

Câu chuyện lấy bối cảnh ở hai bang miền Nam Hoa Kì - Georgia và Atlanta trong thời kì nội chiến và tái thiết nước Mỹ. Cuộc nội chiến có nguyên nhân là sự xung đột về đường lối giữa các bang miền Bắc và miền Nam nước Mỹ lúc bấy giờ. Miền Bắc muốn xóa bỏ chế độ nô lệ và đưa nước Mỹ phát triển lên thành quốc gia công nghiệp, miền Nam vốn nổi tiếng với những đồn điền, trang trại rộng lớn và là thành trì của chế độ nô lệ đã cực lực phản đối. Nội chiến nổ ra khi hai bên không thể đi đến thống nhất cho một giải pháp chung.

Tác phẩm xoay quanh nữ nhân vật Scarlett O'Hara, một cô gái miền Nam xinh đẹp, thông minh, mạnh mẽ với nhiều suy nghĩ hiện đại và cách sống phóng khoáng, cởi mở, dám nghĩ dám làm. Cô tượng trưng cho hình ảnh người phụ nữ hiện đại trong xã hội công nghiệp mới, khao khát làm giàu cho bản thân và khẳng định vị thế của mình trong xã hội. Ở miền Nam khi đó, Scarlett O’Hara bị coi như một phụ nữ “phản nghịch” với nhiều tính cách đi ngược lại truyền thống mà những người phụ nữ miền Nam tôn sùng. Scarlett đã tìm mọi cách để sống sót qua cuộc chiến tranh và vượt lên cuộc sống khó khăn trong thời hậu chiến để trở thành một phụ nữ thành đạt.

Tiểu thuyết đã được chuyển thể thành phim ngay trong năm 1937. Phim được công chiếu lần đầu năm 1939, đạo diễn là Victor Fleming. Cho đến nay, Cuốn theo chiều gió vẫn chứng tỏ sức sống lâu bền trong lòng khán giả và dẫn đầu danh sách 100 bộ phim thành công nhất mọi thời đại về doanh thu tại Mỹ (đạt 5,4 tỉ đô la).
 

Bộ phim giành được 8 giải Oscar ở những hạng mục như Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Diễn viên chính xuất sắc nhất, Kịch bản chuyển thể hay nhất... và giữ kỷ lục là bộ phim đạt nhiều giải Oscar nhất trong lịch sử suốt 20 năm.

Vì những thành công mà cả tác phẩm văn học và tác phẩm điện ảnh Cuốn theo chiều gió từng đạt được, người ta rất khó phân định truyện hay phim thành công hơn về tính nghệ thuật vì vốn sự so sánh này là rất khập khiễng: một bên là nghệ thuật ngôn từ còn một bên là nghệ thuật diễn xuất. Nhưng nếu xét trên bình diện nghệ thuật vị nhân sinh thì không thể phủ nhận một sự thật luôn đúng trong thực tế rằng: tác phẩm điện ảnh đến với đông đảo quần chúng hơn và rất nhiều khán giả tìm đến với một tác phẩm văn học sau khi đã được thưởng thức một tác phẩm điện ảnh chuyển thể tuyệt vời.

Đồi gió hú (Wuthering Heights)

Đồi gió hú là tiểu thuyết đầu tiên và duy nhất của nữ văn sĩ người Anh Emily Bronte (1818-1848). Tác phẩm được xuất bản lần đầu năm 1847, một năm trước khi Emily qua đời vì bạo bệnh. Trong lần xuất bản này, bà lấy bút danh của nam giới là Ellis Bell vì đương thời xã hội vẫn còn rất kỳ thị với những tác phẩm văn học do nữ giới sáng tác.

Tên của tiểu thuyết lấy từ tên một trang viên nằm trên vùng đồng cỏ hoang dã ở hạt Yorkshire - nơi chứng kiến những sự kiện diễn ra trong tiểu thuyết. “Wuthering” là một từ địa phương dùng để chỉ thời tiết thất thường và khắc nghiệt (Cũng vì không chống chọi nổi với sự khắc nghiệt của thời tiết vùng này mà ba chị em nữ văn sĩ tài năng nhà Bronte đều sớm qua đời vì căn bệnh lao phổi).

Tiểu thuyết kể về câu chuyện tình yêu không thành giữa Heathcliff và Catherine Earnshaw. Heathcliff là cậu bé mồ côi được gia đình Earnshaw nhận về nuôi. Trong quá trình lớn lên bên nhau, Healthcliff và Catherine đã đem lòng yêu nhau nhưng những định kiến về địa vị xã hội khiến họ không thể đến với nhau bằng một đám cưới. Catherine quyết định lấy người bạn thân lâu năm được mọi người cho là môn đăng hộ đối và thanh mai trúc mã với cô. Hành động này đã gieo vào lòng Healthcliff một nỗi hận thù ghê ghớm. Tình yêu và sự đam mê mù quáng của Healthcliff cũng những hận thù không thể hóa giải trong lòng cuối cùng đã hủy hoại chính anh và người phụ nữ anh yêu nhất cùng rất nhiều những người thân khác xung quanh.

Ngày nay, Đồi gió hú được coi là tiểu thuyết kinh điển của Văn học Anh với cấu trúc truyện được cho là rất sáng tạo và mới mẻ lúc bấy giờ, đó là cấu trúc “búp bê Matryoshka” hay “truyện lồng truyện”. Đồi gió hú đã được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình, nhạc kịch và xuất hiện trong các bài hát của Anh.

Đồi gió hú được chuyển thể thành thành phim điện ảnh đen trắng cùng năm với Cuốn theo chiều gió (năm 1939) bởi đạo diễn người Mỹ William Wyler. Phim chuyển tải nội dung của 16 trong tổng số 34 chương truyện, cắt bỏ phần sau kể về những nhân vật trẻ tuổi thuộc thế hệ thứ hai.

Vì cùng ra đời bên cạnh tác phẩm điện ảnh quá thành công là Cuốn theo chiều gió và xét về mức độ chênh lệch ở mặt công nghệ thì Cuốn theo chiều gió là bộ phim màu đầu tiên trong lịch sử điện ảnh còn Đồi gió hú vẫn là tác phẩm phim đen trắng, bộ phim đã không thành công bằng Cuốn theo chiều gió xét trên hạng mục số giải thu về. Phim được đề cử 8 giải Oscar nhưng chỉ giành được một giải là Kỹ thuật làm phim xuất sắc nhất đối với phim đen trắng.

Vì nội dung của tác phẩm điện ảnh đã bị cắt bớt đi nhiều so với tác phẩm gốc nên nhiều nhà phê bình đánh giá nó không chuyển thể trọn vẹn ý tưởng về luật nhân quả và ca ngợi lòng nhân hậu, vị tha của con người mà tác giả Emily Bronte muốn gửi gắm trong tác phẩm.

Tiếng chim hót trong bụi mận gai (The Thorn Birds)

Tiếng chim hót trong bụi mận gai là tác phẩm văn học bán chạy nhất năm 1977 của nền văn học Úc, được sáng tác bởi nữ nhà văn nghiệp dư đồng thời là y tá Colleen McCullough. Ngay khi mới xuất bản, tác phẩm đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và được độc giải trên khắp thế giới yêu thích.

Câu chuyện xoay quanh nữ nhân vật chính Meghann Cleary, tên thân mật là Meggie, từ lúc cô 4 tuổi cho tới lúc trở thành người phụ nữ ở tuổi xế chiều. Meggie xinh đẹp và là con gái duy nhất trong một gia đình rất đông anh em trai. Khi gia đình cô chuyển tới sống ở New Zealand, cô bé bắt đầu quen biết và gặp gỡ Đức Cha Ralph de Bricassart, một người đàn ông trẻ tuổi, tài giỏi và nhiều tham vọng. Đây chính là người đàn ông định mệnh của cuộc đời Meggie.

Từ khi gia đình chuyển tới sống ở trang trại thuộc địa phận giáo lý của Cha Ralph, gia đình Meggie luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ của Cha và cô bé Meggie xinh xắn, bé bỏng, luôn cô đơn trong chính gia đình của mình lần đầu tiên nhận được sự quan tâm chăm sóc đến từ Đức Cha. Cuộc sống của cô bé Meggie kể từ đây lấy Cha Ralph làm Mặt trời chiếu sáng. Cô là hành tinh nhỏ dù chạy đến phương nào vẫn chỉ hướng về Cha và thực chất vẫn luôn nằm trong quỹ đạo của Cha.

Đương nhiên, “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, cái gì đến sẽ phải đến, tình yêu bí mật và “tội lỗi” giữa Đức Cha và Meggie ở tuổi thiếu nữ đã đem lại cho họ những niềm vui sướng, hạnh phúc nhất trong đời nhưng “cái gì cướp đi của Chúa trong lén lút sẽ tự mất đi và quay về bên Chúa”. Cuộc đời của hai người tình bí mật sau lưng Chúa cuối cùng không hạnh phúc trọn vẹn mà kết thúc trong nỗi đau đớn tột cùng của Meggie với sự ra đi đột ngột của cậu con trai giữa tuổi hoa niên và ngay sau đó là cái chết của Cha Ralph - người tình bí mật trong suốt cuộc đời cô.

Truyện được chuyển thể thành phim truyền hình ngắn tập của Mỹ năm 1983 được đạo diễn bởi Daryl Duke và trở thành bộ phim truyền hình có tỉ lệ người xem cao thứ hai trong lịch sử truyền hình Mỹ.

Giữa phim và truyện chỉ có một chút khác biệt không đáng kể. Ở truyện, độc giả được thưởng thức văn phong êm dịu và cuốn hút của nữ nhà văn Colleen còn trong phim, khán giả được chiêm ngưỡng dàn diễn viên đẹp, diễn đầy cảm xúc và hết mình với nhân vật. Phim đã nhận được rất nhiều giải dành cho phim truyền hình như giải Quả cầu vàng, Emmy, People’s Choice Award…

Những cây cầu ở quận Mandison (The Bridges of Madison County)

Những cây cầu ở quận Madison là cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất năm 1992 của nhà văn Mỹ Robert James Waller. Truyện cũng luôn nằm trong danh sách những tác phẩm văn học bán chạy nhất của thế kỷ 20 với hơn 50 triệu ấn bản đã được bán ra trên khắp thế giới. Những cây cầu ở quận Madison kể về cuộc đời của người phụ nữ Ý đã kết hôn và có hai con nhỏ nhưng luôn cảm thấy cô đơn trong nội tâm. Người phụ nữ đó sống trong những năm 1960 ở quận Madison, thuộc tiểu bang Iowa, tên là Francesca. Người phụ nữ ấy từng ôm ấp nhiều ước mơ, hoài vọng về tình yêu và sự nghiệp. Khi kết hôn cùng Richard - một người đàn ông cứng nhắc, vô tâm, Francesca quên đi những khát khao tuổi trẻ và an phận với vai trò làm vợ, làm mẹ. Cuộc sống quẩn quanh của một bà nội trợ khiến Francesca thấy mệt mỏi, nhàm chán đến mức không màng chăm sóc bản thân, không chờ đợi điều gì lãng mạn đến trong đời nữa.

Cho đến một ngày khi cô tình cờ gặp nhiếp ảnh gia Robert Kincaid khi anh đi ngang qua và hỏi thăm cô về những cây cầu có mái che ở quận Madison. Tình huống đơn giản này không ngờ đã trở thành bước ngoặt làm thay đổi cuộc sống của cả hai người. Ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên, cả Robert Kincaid và Francesca đều đã bị cuốn hút vào nhau. Kể từ đây, những cảm xúc, ước mơ thời thiếu nữ của Francesca được Robert đánh thức. Tình yêu trở thành phép màu nhiệm giúp Francesca sống lại những cảm xúc tươi đẹp của thời thiếu nữ.

Tình yêu của họ đẹp như một ngọn lửa bùng cháy mãnh liệt khi cả hai đã đi đến quãng giữa của cuộc đời. Nó cháy sáng một lần duy nhất để lụi tàn vĩnh viễn nhưng trong suốt phần đời còn lại, những người yêu nhau sẽ chìm đắm trong nhớ thương, trân trọng. Tình yêu ấy khiến cuộc sống trở nên đáng sống. Lời tự vấn cuối truyện là câu trả lời đầy ẩn ý cho sự lựa chọn của Francesca: “Người say sưa với màu sắc của bầu trời. Người làm thơ và viết tiểu thuyết chút ít. Người chơi ghi-ta tài tử, kiếm sống bằng chụp ảnh và mang cả sự nghiệp trong chiếc ba lô đeo lưng. Người đi khắp các nẻo đường. Người giống như gió. Lung lay như gió. Và có lẽ sẽ trở về với gió…”

Truyện được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh năm 1995 bởi đạo diễn Clint Eastwood. Những cây cầu ở quận Madison tuy là một tác phẩm điện ảnh thành công vang dội nhưng dường như không có duyên với những giải thưởng điện ảnh lớn. Phim chỉ nhận được một đề cử cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại giải Oscar. Tuy vậy, cả truyện và phim đều được các nhà phê bình đánh giá cao và dựa trên số lượng sách bán ra cũng như doanh thu bán vé ngoài rạp, đó đã là những minh chứng thực tế nhất cho mức độ thu hút của hai tác phẩm truyện và phim giàu tính nghệ thuật và rất nhân văn này.

                                                                                     Theo Hồ Bích Ngọc - DT

Các bài mới
Các bài đã đăng