Tạp chí Sông Hương -
Nghệ thuật trống Nhật đến Việt Nam
10:07 | 24/08/2012

Bằng việc sử dụng nhiều loại trống khác nhau theo phong cách như một dàn nhạc cổ điển. Đoàn trống truyền thống Nhật Bản Osuwaidaiko đã mang đến cho khán giả những màn biểu diễn độc đáo tại sân khấu Nhà hát Tuổi Trẻ tối 22/8.

Nghệ thuật trống Nhật đến Việt Nam

Là đoàn trống truyền thống Nhật Bản chuyên nghiệp được thành lập từ năm 1951, Osuwaidaiko được đánh giá là một trong ba đoàn trống hàng đầu Nhật Bản và có nhiều hoạt động biểu diễn và tọa đàm trên toàn thế giới. Trong chuyến lưu diễn tới Việt Nam lần này, đoàn nghệ thuật nhận được sự quan tâm và yêu mến của khán giả thủ đô. Buổi trình diễn tối 22/8 khán phòng Nhà hát Tuổi Trẻ không còn chỗ trống, sau khi chương trình kết thúc tiền sảnh nóng hơn bao giờ hết các bạn trẻ chụp ảnh, trò chuyện và xin chữ kí của nghệ sĩ – một điều hiếm thấy ở các chương trình nghệ thuật khác.

Thiết kế sân khấu với nhiều loại trống lớn nhỏ cùng những trang phục biểu diễn truyền thống, năm nghệ sĩ biểu diễn đã mang đến cho khán giả không gian nghệ thuật đậm chất Nhật. Với nền là những âm điệu cổ, Osuwaidaiko đã có những thay đổi về sự sắp xếp và bố trí các tiết tấu để thích ứng với sự tích hợp năm loại trống khác nhau của cả đoàn. Bên cạnh đó, mười tám loại nhạc cụ gõ kết hợp đã đưa khán giả về với không gian văn hóa nông thôn Nhật. Khi thì tiếng phách, tiếng chiêng lúc lại là tiếng sáo, tiếng mõ cộng hưởng như một dàn nhạc giao hưởng thực thụ.

Với bẩy tiết mục khác nhau, người xem như được chứng kiến những hoạt động truyền thống của nước Nhật. Như ngày hội cưỡi ngựa bắn cung trong “Lễ hội Mishaguji Yabusame”, lễ tế thần tại đền thờ dựng trên một vở hài kịch cổ kết hợp với màn múa lân đặc sắc trong “Khúc nhạc Thiên Minh Long Vĩ đại thần” hay hội cầu mưa, cầu chiến thắng vào thời chiến quốc trong “Sấm sét Suwa”… Phần lớn là nhịp trống dồn dập, hào hùng kèm với những màn biểu diễn hình thể và sự thay đổi không gian sân khấu tiết mục nào cũng nhận được những tràng vỗ tay không ngớt của khán giả. Độc đáo hơn nữa, vượt ra ngoài khuôn khổ sân khấu, các nghệ sĩ xuống tận hàng ghế khán giả để giao lưu và mời khán giả lên cùng tham gia biểu diễn.

Khúc vĩ thanh của màn trình diễn là kiệt tác “Ashura” một tác phẩm đột phá với sự kết hợp của nhiều loại nhạc cụ cổ độc đáo như đàn hai dây hình đầu ngựa, kèn vỏ ốc… Lấy nội dung câu chuyện một vị thần trong truyền thuyết của người Ấn Độ bảo vệ Phật Giáo, các nghệ sĩ đã khắc họa hình ảnh vị thần táo bạo, dũng cảm và cứng rắn bằng nhịp trống mạnh mẽ và đầy phấn khích. Đây là tiết mục kéo dài và độc đáo nhất, tạo ấn tượng mạnh với khán giả khi khép lại buổi biểu diễn.

Là người có 25 năm tham gia đoàn trống Osuwadaiko, nghệ sĩ Kasumi Oguchi cho biết: “Đây là loại hình nghệ thuật độc đáo được sáng lập và phát triển từ trống trong lễ hội truyền thống của Nhật Bản. Từ đó, các nghệ sĩ soạn ra những nhạc khúc phù hợp để kết hơp nhuần nhuyễn giữa năm loại trống với bộ gõ và nhạc cụ khác. Điểm đặc trưng của Osuwadaiko là sử dụng hoàn toàn nhạc cụ dân tộc và chỉ có năm nghệ sĩ biểu diễn với nhiều vai trò khác nhau. Ngoài đánh trống còn có khả năng chơi nhạc cụ, múa lân và biểu diễn hình thể giao lưu với khán giả”. Sau buổi biểu diễn này, đoàn sẽ biểu diễn phi lợi nhuận phục vụ khách du lịch tại lễ khai mạc Lễ hội Hội An – Nhật Bản 2012 từ 24 đến 26/8 tại khu du lịch Hội An.

Theo Nha Trang - Dantri

 

 

 


 

Các bài mới
Các bài đã đăng