Tạp chí Sông Hương -
Romy Schneider – 30 năm vẫn còn hương
08:08 | 27/08/2012

Cách đây 30 năm, làng điện ảnh thế giới đau xót khi hay tin đứa con cưng của mình, nữ minh tinh Romy Schneider bất ngờ qua đời tại nhà riêng. Ở tuổi 43, sau những thành công chói lọi và những đau buồn không thể vượt qua, Romy đã tự chọn cho mình cái chết với ly coicktail pha thuốc ngủ.

Romy Schneider – 30 năm vẫn còn hương
Romy Schneider

Trễ nải tựa vào thành ghế, một chai vang đỏ đã cạn trước mặt. Romy bắt đầu viết lá thư cho một tạp chí phụ nữ để hủy buổi phỏng vấn. Lá thư dang dở ở nửa câu vì một cơn đau tim (cùng hỗn hợp thuốc gây nghiện và rượu) đã quật ngã bà. Trên bàn giấy, người ta tìm thấy thêm một bức thư giã từ, bên cạnh giường ngủ một lọ thuốc an thần, trên bàn tay vẫn còn điếu thuốc lá chưa châm lửa.

Hoàng hậu Sissi

Năm 2012 cũng kỷ niệm 50 năm ngày mất của Marilyn Monroe, người cũng qua đời khi còn khá trẻ. Có điểm chung giữa Monroe và Schneider là cả hai đều tài hoa và bạc mệnh, họ cô đơn trong thế giới phù hoa của mình, khi qua đời lại hết sức cô độc.

Trong cuộc đời mình, Romy Schneider đã đóng phim hơn ba thập niên, từ 1953-1982 với hơn 60 bộ phim cùng với các đạo diễn lừng lẫy như Orson Welles, Terence Young… Romy từng đoạt 15 giải thưởng quốc tế, trong đó có hai giải César của Pháp, 3 giải Bambi của Đức, 2 giải của làng điện ảnh Ý và 3 giải Thành tựu sự nghiệp. Trong lá thư gửi cho cô bạn đồng nghiệp Simone Signoret, Schneider từng thú nhận rằng: “Đến cuối đời tôi nhận ra mình chẳng biết gì về cuộc đời nhưng tôi lại biết tất cả mọi thế về điện ảnh”. Trong cuộc đời phim ảnh của mình, bà được xem là “Nữ hoàng màn bạc”, nhưng ở đời thường nữ hoàng đi qua rất nhiều cuộc tình với những gã đàn ông tài hoa, điển trai, ga-lăng và rồi tất cả biến mất. “Nữ hoàng màn bạc” cô đơn và chết trong thầm lặng. 

Romy Schneider mang một vẻ đẹp Áo pha lẫn chất Đức và quý phái kiểu Pháp, một vẻ đẹp rất khó gọi thành tên và một lối diễn xuất chiều sâu đầy tinh tế. Khi Romy xuất hiện trên màn ảnh người xem luôn cảm giác được tất cả những trạng huống đều rất thật, không kịch, không diễn. Khán giả cảm nhận được sự mong manh do những vết gãy trong tâm hồn, nhưng đồng thời từ cái nét mong manh dễ vỡ ấy lại toát lên một sức mạnh kỳ lạ, một khối cảm xúc nguyên vẹn đầy đặn. 

Sinh tại Vienne (Áo) vào năm 1938 với tên thật là Rosemarie Magdalena Albach-Retty, Romy Schneider là nghệ danh do người mẹ, Magda Schneider, đặt cho. Năm 1945, cha mẹ ly hôn và suốt cuộc đời Romy bị ám ảnh bởi bi kịch này. Năm 1949, cô vào học trường dòng của các bà sơ, năm 1953 khi mẹ bà kết hôn với một chủ nhà hàng giàu có là Hans-Herbert Blatzheim, thì chuyển sang học trường nghệ thuật Art Schools Of Cologne (Đức).

Theo hồi ký Romy kể lại sau này, thì người cha dượng đối xử không tốt với cô “dường như ông ta lúc nào cũng muốn lột trần tôi ra. Đôi mắt của ông ta lúc nào cũng nhìn tôi hau háu như muốn nuốt chửng tôi ngay lập tức. Tôi đã vô cùng sợ hãi và kinh tởm người đàn ông đó nhưng tôi không thể làm gì bởi đó là chồng của mẹ tôi. Lúc nào tôi cũng phải ở tư thế phòng thủ để bảo vệ mình trước những ánh nhìn thèm khát và đôi tay có thể chạm vào cơ thể tôi bất cứ chỗ nào”. Khi đó Romy mới chỉ 15 tuổi.

Năm 1954, đạo diễn Ernst Marischka mời Romy đóng vai chính trong bộ phim The Youths Of A Queen nói về quá trình lên ngôi của Nữ hoàng Anh Victoria. Bộ phim khá thành công về tài chính. Tên tuổi của bà sau đó đã được xác lập, tạo cơ hội xuất hiện cho loạt phim Sissi 3 phần cũng do Marischka đạo diễn: Sissi (1955), Sissi Imparatrice (1956), và Sissi Vis-à-vis Its Destiny (1957).

Sau đó, đạo diễn Ernst Marischka định làm bộ phim Sissi thứ tư. Dù qua thăm dò khán giả có vẻ như người Đức muốn đóng khung Romy trở thành “Nữ hoàng Sissi” mà thôi. Nhưng Romy quyết định bỏ vai quyền quý ấy, cô muốn vượt qua chiếc mặt nạ mà mình bỏ công vun đắp để được thử sức trong những vai diễn khác. Thậm chí Romy đã từ chối luôn cả số tiền thù lao 1 triệu marks (thù lao cao nhất cho một nữ diễn viên Đức vào thời điểm đó) mà Marischka đưa ra.

Để tự cứu mình trước sự đòi hỏi của khán giả và để giải thoát khỏi cái bóng quá lớn của Sissi và người mẹ, Romy quyết định rời Đức đến Paris (Pháp). Tại LHP Cannes (1957), diễn viên Hollywood Kirk Douglas phát hiện ra cô và một hợp đồng 3 năm được dự thảo với hãng phim Paramount.

Tuy là người Áo mang quốc tịch Đức, nhưng Romy Schneider trong lòng người mến mộ, lại có một tâm hồn Pháp nhiều hơn là các diễn viên khác. Điều đó phần lớn cũng vì trong giai đoạn thứ nhì của sự nghiệp, Romy chủ yếu đóng phim tình cảm tâm lý, gắn liền với dòng mạch làm phim hiện thực xã hội của Pháp. Từ giữa những năm 1960 trở đi, Romy đoạn tuyệt hẳn với thể loại phim lịch sử cổ trang và thiên về phim tâm lý xã hội.

Chương quan trọng trong đời: Alain Delon

Alain Delon là một giai đoạn ngắn ngủi nhưng lại là chương quan trọng nhất trong cuộc đời của Romy Schneider bởi họ được xem là một trong những bộ đôi vàng của điện ảnh Pháp thời ấy, thậm chí còn nổi hơn cả Brad Pitt và Angelina Jolie ngày nay.

Sở dĩ nữ diễn viên người Đức gốc Áo sang Pháp, ngoài chuyện thoát ly gia đình, thì quan trọng hơn là đi theo tiếng gọi của con tim. Lúc ấy con tim Romy đập chung một nhịp cùng gã trai đào hoa nhất nước Pháp, Alain Delon. Romy Schneider gặp Alain Delon vào năm 1958 khi hai người đóng chung bộ phim Christine.

Vào thời đó, Romy Schneider đã là một ngôi sao sáng trong khi Alain Delon chỉ mới khởi đầu sự nghiệp đóng phim sau khi làm đủ thứ nghề. Lần đầu tiên Romy nhìn thấy Alain Delon là qua catalogue, mãi đến nhiều tháng sau hai người mới thật sự gặp mặt nhau. Thoạt đầu Romy không thích tính tình ngạo mạn, háo thắng và rất đào hoa của Alain Delon. Nhưng dần dần Romy nhận ra rằng trong anh ta có một cái gì đó không có trong bất kỳ người đàn ông Áo nào với kiểu cách cư xử hoàn hảo và quá khứ hoàn hảo xung quanh cô. Cô đã nhìn thấy năng lượng sống, niềm đam mê, mà sau này các nhà phê bình gọi là “thật sự và cuồng nhiệt” trong anh. Alan yêu cuộc sống và không ngại thể hiện điều đó. Anh là một người xa lạ hoàn toàn so với tất cả những gì được quy ước, và đó là lý do tại sao anh làm cô phải bực bội. Bước chân đầu tiên từ hận thù sang với tình yêu là của Romy.

Trong khi quay phần hai của Christine, được thực hiện ở Áo, cô thú nhận tình yêu với Alain. Điều này gây ra một vụ ầm ĩ lớn trong gia đình, Schneider cương quyết cắt đứt quan hệ với mẹ và cha dượng để đi theo người yêu về Paris. Tình yêu làm cô choáng ngợp. Trong cuốn nhật ký của nữ diễn viên trẻ xuất hiện câu: “Tôi muốn ngay lập tức trở thành một người hoàn toàn Pháp! Cả cách sống, cách yêu, cách ngủ, cách ăn mặc”.

Đầu năm 1959, hai người chính thức tuyên bố đính hôn. Nhưng rốt cuộc, cặp tình nhân này lại không thành đôi, hôn nhân thì chẳng bao giờ đến. Năm 1964, Alain Delon gửi cho Romy một bức thư đoạn tuyệt dài 15 trang, trong đó có câu: “Tạm biệt! Anh trả lại cho em sự tự do và trả lại cho em trái tim em!”. Mối tình giữa hai ngôi sao màn bạc đột ngột khép lại sau hơn 5 năm sóng gió. Cuộc tình tan vỡ đã khiến Romy gục ngã vì đau buồn. 

Tiếp tục… cô đơn

Năm 1964, Alain hủy bỏ hôn ước với Romy và kết hôn với diễn viên Nathalie Bartalemy. Họ có con trai Anthony (hiện theo nghiệp cha). Romy nén thương đau, nhận đóng vai chính trong The Hell do Henri George Clouzot đạo diễn, nhưng bộ phim không bao giờ hoàn tất.

Tháng 6/1964, Romy đoạt giải Nữ diễn viên nước ngoài xuất sắc nhất tại Mỹ. Cô có mặt trong bộ phim hài Good Neighbor Sam (1964) với Kack Lemmon và trong What’s New, Pussycat (1965) với Woody Allen. Từ năm 1968 trở đi, tức là sau khi thành công vang dội nhờ bộ phim La Piscine (Hồ bơi) của đạo diễn Jacques Deray, Romy Schneider thật sự trở thành một trong những diễn viên hàng đầu của Pháp, đoạt được hai giải César. Romy vẫn không bỏ nước Pháp, đất nước đã chắp cánh cho bà, mà tiếp tục làm việc với các đạo diễn như Orson Welles (Le Proces, 1963, phỏng theo tác phẩm The Trial của văn hào Frank Kafka) và Luchino Visconti (Ludwig, 1972, nói về Vua Ludwing II xứ Bavaria, trong đó Romy lại đóng vai Sissi - Elizabeth).

 Năm 1965, Romy gặp đạo diễn nổi tiếng Đức Harry Meyen và ngày 15/7/1965 họ cưới nhau. Tháng 12 năm đó cậu con trai David ra đời. Nhưng khi đóng The Robber, Romy quen Michel Piccoli và chuyện gì đến phải đến. Song cuộc tình mới cũng chẳng kéo dài bao lâu, năm 1975, Romy kết hôn với Daniel Biasini, thư ký riêng của mình.

Tuy rất thành công về mặt sự nghiệp, nhưng đời sống riêng thì Romy Schneider lại gặp lắm điều bất hạnh. Romy có ba người con, thì hai con trai đều chết vì tai nạn. Sau cái chết của đứa con trai út năm 1976, người chồng thứ nhì của Romy, Daniel Biasini bị thương nặng. Đạo diễn Harry Meyen, người chồng trước thì lại tự kết liễu cuộc đời vào năm 1979. Cũng năm đó Romy đã phải làm một cuộc phẫu thuật để cắt bỏ một quả thận. Bệnh tật khiến cơ thể Romy luôn ở trong tình trạng đau đớn, thường xuyên bị mất ngủ và bị ám ảnh bởi những bất hạnh của cuộc đời. Để “giúp” mình, Romy lao vào rượu và thuốc lá (mỗi ngày hút 3 bao) và rồi cuộc sống của bà hoàn toàn bị phụ thuộc vào rượu và thuốc lá, chưa kể thuốc an thần. Năm 1981, thêm một lần nữa trái tim yếu đuối của Romy không thể chịu thêm nổi đau đớn khi cậu con lớn David bị tử nạn vì cọc hàng rào đâm qua người. Đau buồn trước cái chết quá đột ngột của đứa con trai cưng, Romy đến sống tại đảo Seychelles với con gái và người tình mới Laurent Petin nhưng những ám ảnh về cuộc đời vẫn không buông Romy. Năm 1982, Romy về Pháp để hoàn tất bộ phim cuối cùng The Passerby và vĩnh viễn ra đi sau đó không lâu.

Khi qua đời Romy được chôn cất tại nghĩa trang Boissy-sans-Avoir với tên cũ: Rosemarie Albach. Alain Delon cũng đau đớn mà chẳng làm gì được. Nghĩa cử duy nhất mà ông có thể làm là giúp cậu con trai David được chôn cùng mộ với mẹ mình. Như thể khi có hai mẹ con bên cạnh Romy sẽ bớt cô đơn…

                                                                                Theo Nguyên Minh - TT&VH

Các bài mới
Các bài đã đăng